Những người làm việc vất vả phải là những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trong những buổi trưa hè oi ả hay những ngày đông giá rét; là những ông bố, bà mẹ đơn thân phải làm tới ít nhất hai công việc cùng lúc đến mức thiếu thốn thời gian cho việc nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Làm việc vất vả là phải dính bụi, dính đá trên công trường. Hoặc phải làm việc với các thiết bị công nghiệp có thể nghiền nát bạn bất cứ lúc nào nếu bạn chỉ thực hiện sai một thao tác thôi.
Bạn sẽ khó có thể tìm ra người sẵn sàng làm những công việc vất vả. Chẳng thiếu người muốn trở thành lập trình viên, nhà thiết kế, nhà chiến lược, nhà tư vấn truyền thông xã hội, doanh nhân, nhà đầu tư, v.v.. Nhưng hãy thử tìm người muốn làm nông mà xem. Chẳng có ai cả. Một công việc vất vả là việc mà người khác không muốn làm.
Lập trình, hay thiết kế, viết kế hoạch kinh doanh (pitch deck), thực hiện các cuộc gọi điện bán hàng, viết blog, làm marketing trên mạng xã hội, mua quảng cáo, chọn đúng màu, hoặc đầu tư vào các công ty, nghiên cứu cẩn thận, ra quyết định, hoặc đưa ra một chiến lược, phân bổ vốn, tìm cách chi tiêu ngân sách không phải là công việc vất vả. Đó chỉ là công việc mà thôi. Nếu bạn có thể làm điều đó trong một văn phòng máy lạnh, bạn và những người khác không phải đối mặt với mối đe dọa hữu hình nào thì đó không phải là công việc vất vả hay khó khăn.
Những công việc đó được coi như là một thử thách. Đó có thể là công việc sáng tạo đòi hỏi tay nghề và nhiều nỗ lực để thực hiện tốt. Bạn có thể phải học những điều mới, luôn bị từ chối khi cần giúp đỡ. Bạn có thể không biết làm thế nào để đạt được mục tiêu hay thường phải thuyết phục ai đó. Bạn có thể phải đối phó với những người bạn không thích hoặc phải bán cái gì đó cho những người mà chính bạn cũng không biết họ có muốn mua hay không. Bạn có thể phải sáng tạo hay thậm chí là phải tạo nên cái gì đó chưa từng có trước đó. Bạn có thể phải chiến đấu để vượt qua những lợi ích sẵn có, cho đến việc bạn phải bỏ ra vài ngày hoặc vài tuần để tìm ra vấn đề mà bạn đang bị mắc kẹt. Bạn có thể phải đánh đổi. Nhưng đó là công việc. Việc không đạt được kết quả gì không làm cho công việc của bạn trở nên khó khăn, điều này có nghĩa là bạn có nhiều công việc để làm.
Nếu phần lớn thời gian làm bạn thích công việc đó thì nó có lẽ không quá vất vả đối với bạn đâu.
Giải quyết được một vấn đề không có nghĩa là bạn đã làm việc vất vả. Nó chỉ đơn giản là bạn đã bỏ công sức vào việc giải quyết vấn đề đó. Có lẽ bạn đã nghĩ về nó theo một hướng khác. Có lẽ bạn tiếp cận đến vấn đề theo một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ mà chưa có ai nghĩ tới. Có lẽ bạn chỉ cần quyết định giấu vấn đề đó đi. Không có bất cứ thứ gì trong những điều trên làm cho vấn đề trở nên khó khăn.
Và có thể bạn thực sự giỏi việc gì đó, trong khi những người khác thì rất tệ. Nhưng điều đó cũng không làm cho việc đó trở thành công việc vất vả.
Công việc cần nhiều thời gian giải quyết không có nghĩa rằng nó vất vả. Thời gian ở đây là thước đo cho độ dài của công việc đó. Thời gian bạn dành ra làm một việc chẳng liên quan đến việc đó vất vả ra sao.
Brainstorming cũng không phải là công việc vất vả. Đi đến các hội nghị hay mở rộng mối quan hệ không được coi là công việc vất vả. Luồn lách khi tắc đường cũng chẳng khó khăn cho lắm - đó chỉ là di chuyển thôi mà.
Và đừng nên đánh giá việc đưa ra ý kiến của bạn là công việc vất vả. Bởi thực sự tham gia hết cuộc họp này đến cuộc họp khác rồi đưa ra những lời khuyên không phải là công việc vất vả mà bạn phải gánh vác.
Tại sao mọi người luôn luôn kể lể rằng công việc của họ vất vả ra sao. Vì làm như vậy khiến họ cảm thấy tuyệt vời, họ cảm thấy bản thân mình thật quan trọng. Nó làm cho bạn cảm thấy như thể bạn đang làm cái gì đó mà một số người khác sẽ chọn không làm. Tôi hoàn toàn hiểu được điều đó.
Nhưng những điều đó không khiến cho bản thân công việc trở thành một thứ vất vả.
Tất cả chúng ta đều phải làm việc. Làm thật tốt. Làm thật sáng tạo. Làm thật chu đáo. Làm hết sức của bạn. Nhưng việc nâng tầm bản thân trong suy nghĩa đó là những công việc thật vất vả sẽ chẳng có lợi gì cho bạn cả.