Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần I)

22/02/2015 - 23:00 11661     0

Saga xin giới thiệu tới độc giả loạt bài gồm 4 phần cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về cổ phiếu do tạp chí Wall Street Journal phát hành. Mỗi mục nhỏ đều có những ví dụ minh họa cụ thể, dễ hiểu, hi vọng có thể giúp những bạn đọc mới tham gia vào sân chơi chứng khoán, hay chỉ đơn giản là muốn trau dồi kiến thức, có một cái nhìn toàn cảnh về cổ phiếu.

Cổ phiếu: Tham gia sở hữu công ty

Cổ phần là các tỷ lệ sở hữu của một công ty. Khi bạn mua cổ phần công ty, hoặc cổ phiếu, bạn sở hữu một phần của công ty đó.

Mua cổ phần là đầu tư vào vốn góp chủ sỡ hữu của công ty. Nếu bạn mua cổ phần của công ty bạn sẽ nắm cổ phiếu xác định quyền sở hữu đối với công ty đó, và người ta gọi bạn là cổ đông. Bạn mua cổ phần vì bạn kỳ vọng rằng giá trị cổ phần bạn sở hữu sẽ tăng lên, hoặc vì bạn kỳ vọng rằng công ty đó sẽ trả bạn khoản thu nhập cổ tức, hay cũng chính là một phần trong tổng số lãi của công ty. Trên thực tế, nhiều cổ phần tạo cả cơ hội tăng trưởng lẫn thu nhập (cổ tức). Khi một công ty phát hành cổ phiếu, công ty này sẽ thu được tiền từ lần bán đầu tiên. Sau đó, các cổ phiếu (xác định cổ phần) sẽ được mua và bán giữa các nhà đầu tư, nhưng công ty sẽ không có được một khoản thu nhập nào thêm cả từ các hoạt động kinh doanh này. Giá của cổ phiếu tăng lên hay giảm đi tuỳ thuộc vào bạn và các nhà đầu tư khác sẵn sàng chấp nhận mua cổ phiếu ở mức giá nào tại thời điểm giao dịch.

Cổ phiếu phổ thông

Hầu hết cổ phiếu ở Mỹ là thuộc loại cổ phiếu phổ thông (Common Stock). Nếu bạn mua cổ phiếu phổ thông, sẽ chẳng có đảm bảo nào rằng bạn sẽ kiếm ra tiền trên đó. Bạn chấp nhận rủi ro nếu cổ phần của bạn không tăng lên về giá trị hoặc không đem lại cho bạn cổ tức. Trên thực tế, hoàn toàn có khả năng giá cổ phiếu sẽ giảm, và bạn có thể thua thiệt một chút hoặc toàn bộ khoản đầu tư nếu bạn bán vào thời điểm thiệt hại. Để đổi lại yếu tố rủi ro bạn phải gánh chịu, bạn lại có thể thu được nhiều lợi nhuận nếu công ty bạn đầu tư vào phát triển thịnh vượng - nhiều khi là lợi nhuận rất lớn. Thời gian trôi qua, các cổ phiếu nói chung, mặc dù là không phải là với mọi cổ phiếu, có xu hướng tăng lên về giá trị.

Cổ phiếu ưu đãi

Các cổ phiếu ưu đãi (Preferred Stock) cũng là các cổ phiếu sở hữu phát hành bởi một công ty và được các nhà đầu tư mua bán. Các cổ phiếu này khác cổ phiếu phổ thông ở chỗ chúng giảm bớt rủi ro của nhà đầu tư - nhưng chúng cũng lại có thể hạn chế bớt phần lợi ích của họ. Khoản lợi tức của cổ phiếu ưu đãi mang lại được đảm bảo và được trả trước khi cổ tức của cổ phiếu phổ thông được trả. Ngoài ra, cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi có nhiều khả năng hơn lấy lại một phần vốn đầu tư của mình trong trường hợp công ty phá sản. Nhưng cổ tức lại không tăng lên nếu công ty tạo ra nhiều lợi nhuận, và giá của cổ phiếu ưu đãi tăng chậm hơn cổ phiếu phổ thông.

Các nhóm cổ phiếu

Các công ty có thể phát hành nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau, đặt tên chúng khác nhau và niêm yết chúng trên các thị trường cổ phiếu khác nhau. Đôi lúc một nhóm cổ phiếu chỉ rõ quyền sở hữu đối với một bộ phận cụ thể hoặc một công ty con (thuộc sở hữu) của công ty. Nhiều trường hợp khác, một nhóm cổ phiếu còn chỉ rõ các cổ phiếu bán ở các mức giá thị trường khác nhau, có các chính sách cổ tức khác nhau, hoặc ấn định các điều kiện hạn chế về phương thức bán hoặc quyền biểu quyết trên số sở hữu.

Tách cổ phiếu

Khi giá của cổ phiếu tăng khá lớn, bạn hay các nhà đầu tư khác rất ngại mua bán, hoặc bởi vì bạn nghĩ giá đã lên tới đỉnh điểm hoặc bởi vì giá như vậy mua rất đắt. Các công ty có một lựa chọn tách cổ phiếu để giảm giá xuống, và bằng cách này họ kỳ vọng hâm nóng hoạt động mua bán. Khi một cổ phiếu tách nhỏ, số lượng cổ phiếu đưa vào giao dịch tăng lên, nhưng tổng giá trị thị trường vẫn không đổi. Lấy ví dụ cổ phiếu của một công ty được giao dịch ở mức giá 100 USD/một cổ phiếu. Nếu công ty thông báo tách cổ phiếu hai-lấy-một, bạn sẽ có 2 cổ phiếu mới cho mỗi cổ phiếu bạn đang nắm giữ. Cùng thời điểm này giá giảm còn 50 USD một cổ phiếu. Nếu bạn đang sở hữu 300 cổ phiếu bán ở thị giá 100 USD/cổ phiếu, thì khi tách cổ phiếu bạn sẽ sở hữu 600 cổ phiếu mới tách ở giá 50 USD/cổ phiếu.

Ảnh hưởng đầu tiên của một vụ tách cổ phiếu không khác gì so với việc đổi tiền. Nhưng có khả năng giá cổ phiếu sẽ tăng tiếp tới tận mức trước khi tách, và như vậy làm tăng tổng giá trị thị trường của cổ phần của bạn. Tỷ lệ tách cổ phiếu có thể là hai-lấy-một, ba-lấy-hai, mười-lấy-một, hoặc một tỷ lệ kết hợp nào đó.

Gộp cổ phiếu

Trong một hoạt động gộp cổ phiếu công ty đổi một số lượng cổ phiếu lớn hơn lấy một số lượng nhỏ hơn - chẳng hạn 10 cổ phiếu gộp thành 5 nhằm đẩy giá lên tương ứng. Điển hình của động cơ cho loại tác nghiệp này là nhằm đưa giá cổ phiếu lên cao nhằm thoả mãn một trong số các điều kiện niêm yết bắt buộc tối thiểu hoặc để cổ phiếu có mức giá hấp dẫn với các nhà đầu tư tổ chức (quy mô lớn), bao gồm các quỹ đầu tư tương hỗ và quỹ lương hưu, những nhà đầu tư thuộc loại này thường không mua các cổ phiếu có mức giá rất thấp.

Blue chips

Blue Chip là thuật ngữ vay mượn từ loại chơi bài poker. Trong một ván bài như thế Blue Chip là có giá trị tính bằng tiền cao nhất. Trên thị trường cổ phiếu, Blue Chip nhằm chỉ cố phiếu các công ty lớn nhất, và có khả năng sinh lợi ổn định nhất. Tuy nhiên danh sách các cổ phiếu thuộc nhóm blue chip không có tính chất chính thức, và danh sách này vẫn có thay đổi.

Ví dụ: Công ty AT&T (Công ty điện tín và điện thoại Mỹ)

Công ty AT&T nắm giữ kỷ lục về số lượng cổ phiếu phổ thông lớn nhất. Vào thời điểm 31/3/1999 AT&T có 2.098.000.000 cổ phiếu và 3.500.000 cổ đông.

Các cổ phiếu có giá trị biểu quyết không bằng nhau

Thông thường, một cổ phiếu cho bạn một phiếu bầu. Tuy vậy, một số công ty phát hành các nhóm cổ phiếu khác nhau với các đặc quyền biểu quyết khác nhau. Khi cổ phiếu có quyền biểu quyết lớn hơn, sẽ có trường hợp một nhóm cổ đông nhỏ có thể kiểm soát quyền điều hành một công ty trong khi họ sở hữu ít hơn 50% tổng số cổ phiếu công ty.

Cách biểu quyết

Bạn có thể dự đại hội cổ đông thường niên công ty và tự mình biểu quyết. Hoặc, bạn cũng có thể biểu quyết bằng phiếu của mình qua thư bưu điện sử dụng hòm phiếu gọi là thay thế, biểu quyết qua điện thoại hoặc đôi lúc trực tuyến qua mạng Internet. Trước kỳ họp hội đồng cổ đông, bạn nhận được một thông báo thay đổi, một loại văn bản pháp lý cung cấp thông tin về các thay đổi được dự kiến về hoạt động quản lý công ty cần được sự phê chuẩn của các cổ đông. Theo luật định, văn bản này còn cần trình bày trước cổ đông các đề xuất, thậm chí ngay cả khi quy định của công ty không yêu cầu điều này. Thông báo này cũng phải chỉ rõ những người được đề cử vào hội đồng quản trị, và cả danh sách các cổ đông lớn của công ty. Các quy định mới của Uỷ ban Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) yêu cầu các bản thông báo thay đổi phải cung cấp bằng sơ đồ/hình vẽ tổng chi phí của 5 vị thành viên hội đồng quản trị có trách nhiệm cao nhất. Thông báo này cũng phải báo cáo đầy đủ về tình hình giá cổ phiếu của công ty trong tương quan với các công ty khác thuộc loại tương đương trong cùng một ngành công nghiệp và tương quan với chỉ số S&P 500.

Bản thông báo này sẽ đề nghị các cổ đông bầu một hội đồng quản trị mới và biểu quyết một số vấn đề của công ty. Các thành viên hội đồng quản trị sẽ giám sát hoạt động của công ty và đặt các mục tiêu phát triển dài hạn. Bạn có thể ủng hộ toàn bộ kế hoạch, biểu quyết không ủng hộ một số mục tiêu, hoặc ủng hộ một số mục tiêu và phản đối một số khác. Bản thông báo này trao quyền cho cổ đông biểu quyết “đồng ý” hoặc “không đồng ý” hoặc rút lại các kiến nghị đề xuất và các vấn đề khác có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Các thành viên hội đồng quản trị thường muốn cổ đông biểu quyết ủng hộ các vấn đề họ đề xuất và không ủng hộ các vấn đề họ không thích. Nếu bạn không nộp lại ý kiến biểu quyết của mình, phiếu của bạn sẽ không được tính.

Thái độ thay đổi

Các nhà đầu tư tổ chức (lớn) vốn dĩ đầu tư vào các khoản cổ phiếu lớn càng lúc càng đòi hỏi quyền có ý kiến trong các công việc điều hành của công ty. Lấy ví dụ, họ có thể bày tỏ sự lo lắng về tính hiệu quả của công tác lập kế hoạch của hội đồng quản trị và cách họ giám sát hiệu quả hoạt động của vị tổng giám đốc. Các nhà đầu tư này còn muốn được xác nhận rằng các phương thức hoạt động kinh doanh hiện tại có khả năng sinh lợi ở mức chấp nhận được. Một cách tương tự, các cổ đông đơn lẻ quan tâm nhiều tới vấn đề xã hội và môi trường ngày càng tích cực tham gia vào quá trình biểu quyết. Điển hình là họ muốn biết nhiều hơn thông tin về các chính sách công ty đụng chạm đến những vấn đề như ảnh hưởng môi trường sinh ra từ hoạt động của công ty, điều kiện làm việc của người lao động và các nhà cung cấp, cùng với những mối quan tâm đạo đức khác. Mặc dù các cá nhân đơn lẻ có thể thấy khó khăn để có thể gây áp lực lên chính sách công ty một cách trực tiếp, nhưng các yêu cầu của họ cũng như những đề xuất cổ đông khác có thể buộc công ty phải giải thích và đôi lúc sửa đổi cả phương thức thực hành trong kinh doanh.

Biểu quyết luỹ kế

Nếu là cổ đông, bạn thường điển hình nhận được một phiếu biểu quyết cho một cổ phiếu sở hữu. Nhưng khi bạn biểu quyết về hội đồng quản trị của một số công ty, bạn có thể được quyền và có cơ hội biểu quyết bằng phiếu theo cách không giống như truyền thống. Theo cách truyền thống, gọi là biểu quyết luật định, bạn biểu quyết cùng số phiếu cho từng thành viên quản trị điều hành công ty. Nhưng mặt khác, theo cách biểu quyết luỹ kế, bạn có thể gộp số phiếu biểu quyết và chia số phiếu biểu quyết lệch nhau cho các ứng viên khác nhau. Ví dụ, nếu bạn sở hữu 100 cổ phiếu và có 8 thành viên được chọn tham gia cuộc bầu chọn, theo cách truyền thống bạn bỏ phiếu cho mỗi người là 100 phiếu, và tổng số là 800 phiếu bầu. Theo cách luỹ kế, bạn vẫn có thể theo cách này, hoặc có thể dồn 800 phiếu biểu quyết chỉ cho một vài ứng viên, và không bầu phiếu nào cho các ứng viên khác. Thậm chí, bạn có thể dồn số phiếu luỹ kế toàn bộ là 800 cho đúng một ứng viên. Mục đích của biểu quyết luỹ kế là đem lại tiếng nói trọng lượng hơn cho các cổ đông nhỏ trong hoạt động quản chế công ty.

Giá trị của cổ phiếu thay đổi theo thời gian, tuỳ thuộc vào điều kiện thị trường, quan niệm của nhà đầu tư, và một loạt các vấn đề khác.

Một cổ phiếu không có giá trị cố định, và được đo bằng giá của nó trên thị trường. Khi các nhà đầu tư nhiệt tình mua cổ phiếu vì họ tin rằng đó là cách đầu tư tốt, giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên. Nhưng nếu họ nghĩ rằng triển vọng công ty không sáng sủa, và phương án là không đầu tư thêm hoặc bán bớt các cổ phiếu họ đang sở hữu, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm. Nhưng giá cũng chỉ là một thước đo của giá trị cổ phiếu. Lãi trên đầu tư (ROI), tức là khoản tiền bạn thu được từ cổ phần nắm giữ, là một thước đo khác. Để đánh giá khả năng sinh lãi tốt trong tương lai, bạn có thể quan sát lại lịch sử hiệu quả tốt của công ty cũng như tốc độ tăng trưởng vững vàng.

Mời bạn theo dõi loạt bài viết:

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần II)

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần III)

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần IV)