Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần IV - Phần Cuối)

23/02/2015 - 09:32 12012     0

Xin mời độc giả của Saga theo dõi phần cuối trong loạt bài về cổ phiếu được dịch từ cuốn "The Wall Street Journal Complete Money and Investing Guidebook" (Dave Kansas).

Tiền phí hoa hồng chảy vào đâu?

Tiền phí bạn trả để mua và bán cổ phiếu được chia theo hợp đồng dàn xếp từ trước giữa người môi giới của bạn và công ty môi giới. Tiền hoa hồng và bất kỳ khoản phí nào đều do công ty môi giới đặt ra, nhưng người môi giới của bạn có thể tạo điều kiện để thay đổi mức phí nếu bạn thường xuyên tham gia giao dịch và giao dịch với khối lượng lớn. Nói chung, phí càng cao thì càng nhiều cơ hội để bạn thương thảo và mặc cả.

Một số nhà đầu tư cổ phiếu chấp nhận mức rủi ro cao hơn bình thường kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn.

Không phải tất cả các giao dịch cổ phiếu đều là hành vi mua và bán đơn thuần. Có nhiều chiến lược có thể sử dụng để tăng thêm mức lợi nhuận, mặc dù chúng cũng góp phần làm tăng thêm rủi ro làm mất tiền của bạn. Các chiến lược này bao gồm cả bán khống (selling short) và mua chứng quyền (warrant). Cả 2 phương thức đầu tư này đều dựa trên tính toán xác suất xảy ra những thay đổi về giá của một loại cổ phiếu nhất định, hoặc là giảm rất nhanh về giá (với trường hợp sử dụng selling short) hoặc là giá tăng lên đáng kể với trường hợp mua chứng quyền.

Bán khống hoạt động như thế nào

Trong khi phần đông các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu kỳ vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng lên, một số khác lại đầu tư khi họ nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ giảm xuống nhanh chóng, có thể ở mức đáng kể. Hành vi đầu tư của họ được mô tả là selling short, hay tạm gọi là bán khống.

Để thực hiện bán khống, bạn có thể vay một lượng cổ phiếu nào đó từ nhà môi giới, và dĩ nhiên bạn không sở hữu số cổ phiếu này, rồi ra lệnh bán chúng đi thu tiền mặt về. Sau đó, bạn đợi tình huống giá rơi xuống xảy ra. Nếu đúng là giá suy giảm nhanh chóng, bạn sẽ có cơ hội mua lại các cổ phiếu đó ở mức giá thấp hơn đáng kể, và hoàn trả lại cho người môi giới số cổ phiếu mà bạn vay (cộng thêm với tiền lãi phải trả và phí môi giới) và hưởng toàn bộ phần chênh lệch.

Chẳng hạn, bạn có thể bán khống 100 cổ phiếu ở mức giá 10 USD một cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu này rơi, bạn có dịp mua lại ở mức giá 7.5 USD và mua với số lượng 100 cổ phiếu. Sau khi trừ khỏi 2.5 USD chênh lệch tiền phí môi giới, bạn sẽ hưởng phần còn lại. Khi bạn mua cổ phiếu trở lại trong chu trình này, hành vi đó được gọi là khoá sổ trạng thái short.

Mua tín dụng cho phép các nhà đầu tư vay một số lượng tiền nhất định họ cần để mua cổ phần.

Nếu bạn muốn tăng lượng lợi nhuận trong tương lai đối với khoản đầu tư vào cổ phần, bạn có thể “bẩy” khoản mua cổ phiếu của bạn bằng phương pháp mua tín dụng. Điều này có nghĩa là có thể vay tới khoảng 50% thị giá cổ phiếu từ chính broker. Nếu bạn có thể bán cổ phiếu ở mức giá cao hơn mức giá khi mua, bạn có khả năng thanh toán khoản nợ, thêm vào đó là cả phí hoa hồng lẫn lãi của phần vay, và hưởng phần lợi nhuận chênh lệch. Tuy vậy, nếu giá cổ phiếu giảm, bạn vẫn có trách nhiệm phải thanh toán khoản nợ. Và nếu bạn buộc phải bán cổ phiếu ở mức giá thấp hơn mức khi mua, khoản thua lỗ của bạn có thể lớn hơn nhiều so với trường hợp bạn sở hữu cổ phiếu ngay từ đầu.

Tài khoản mua tín dụng

Để có thể mua tín dụng, bạn phải mở một tài khoản mua tín dụng (margin account) với người môi giới và chuyển vào đó một lượng tiền mặt tối thiểu theo yêu cầu, hoặc là một lượng chứng khoán. Sau đó, bạn có thể vay tới 50% của giá trị thị trường của một lượng cổ phần rồi mua cổ phiếu thị trường với các nguồn tiền kết hợp.

Lấy ví dụ, nếu bạn mua 1.000 cổ phiếu ở mức giá 10 USD/cổ phiếu, tổng số tiền phải thanh toán là 10.000 USD. Nhưng nếu mua tín dụng, bạn sẽ bỏ ra 5.000 USD và vay phần còn thiếu là 5.000 USD. Nếu bạn bán khi giá cổ phiếu tăng tới 15 USD, bạn thu về tổng gộp là 15.000 USD. Bạn phải trả lại 5.000 USD đi vay và giữ lại 10.000 USD (sau đó trừ tiếp lãi phải trả và các khoản phí hoa hồng dịch vụ). Như vậy, hầu như 100% là lợi nhuận. Nếu bạn phải trả toàn bộ 10.000 USD bằng tiền túi, lãi suất giới hạn ở khoảng 50%, hoặc là 5.000 USD.

“Bẩy” giá trị đầu tư

“Bẩy” được hiểu là “đầu cơ” (theo nghĩa rộng và kỹ thuật). Nó có nghĩa là đầu tư bằng một khoản tài chính đi vay ở mức lãi suất cố định, kỳ vọng thu được lợi suất lớn hơn. Giống như cái tay đòn, một loại công cụ đơn giản có cái tên cũng đơn giản, “bẩy” giá trị cho phép người sử dụng công cụ tài chính tận dụng sức mạnh tài chính với một lượng tiền mặt khá nhỏ.

Các công ty sử dụng “bẩy” - được gọi là kinh doanh trên vốn – khi các công ty phát hành cả cổ phiếu lẫn trái phiếu. Thu nhập tính trên cổ phiếu có thể tăng bởi vì quy mô hoạt động được mở rộng tương ứng với phần tiền huy động vào thông qua trái phiếu. Tuy nhiên, các công ty sau đó phải dùng một phần khoản thu được để thanh toán lãi của trái phiếu.

Xử lý số dư tín dụng

Bất kể sự hứa hẹn tiềm tàng về lãi, mua cổ phần bằng tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro. Chẳng hạn, giá trị cổ phiếu bạn mua có thể giảm xuống tới mức có bán toàn bộ cổ phiếu đi chưa chắc đã đủ để trả khoản vay.

Để bảo vệ cho các công ty môi giới chứng khoán khỏi bị lỗ nặng nề, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh chứng khoán (NASD) - Cơ quan thành lập nên NASDAQ - yêu cầu các nhà đầu tư dùng phương thức mua tín dụng phải duy trì lượng số dư ở mức 75% của tổng giá trị cổ phiếu phải thanh toán, tức là thêm 25% nữa so với mức 50% bạn có thể vay được. Các công ty cá biệt còn yêu cầu mức số dư cao hơn, nhưng hầu như không bao giờ thấp hơn mức này.

Nếu giá trị thị trường của cổ phiếu giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu, công ty phát hành yêu cầu xử lý số dư tín dụng (margin call). Bạn buộc phải hoặc đáp ứng yêu cầu bằng cách chuyển thêm tiền vào tài khoản của bạn để đưa nó lên mức yêu cầu tối thiểu, hoặc bán bớt hoặc toàn bộ cổ phiếu, thanh toán cho người môi giới toàn bộ và chấp nhận khoản lỗ.

Ví dụ, nếu số cổ phần bạn mua giá trị 10.000 USD giảm giá trị xuống còn 6.500 USD, số cổ phần này chỉ còn giá trị bằng 65% so với khi mua. Nếu nhà môi giới của bạn yêu cầu số dư bắt buộc là 75%, bạn sẽ phải chuyển thêm vào tài khoản 1.000 USD nữa để giá trị tài khoản tín dụng của bạn đạt mức tối thiểu 7.500 USD, hay là 75% của 10.000 USD khoản phải thanh toán.

Trong quá trình sụp đổ thị trường, hoặc những cú sụt giảm đột biến, các nhà đầu tư “sử dụng bẩy tài chính mạnh” do mua nhiều tín dụng trên loại tài khoản này không có khả năng đáp ứng yêu cầu xử lý số dư tín dụng (margin call). Kết quả là việc bán cổ phiếu trong trạng thái hoảng loạn để thu hồi tiền mặt về và tiếp tục làm thị trường sụt giảm. Đây là một trong các lý do khiến cho Uỷ ban quản lý sở giao dịch chứng khoán yêu cầu thực hiện Quy tắc T, theo đó giới hạn tỷ lệ vay mua chứng khoán theo phương pháp mua tín dụng như trên tối đa là mức 50%.

Lượng tối thiểu

Để mở tài khoản mua tín dụng, bạn buộc phải gửi vào đó một lượng tiền ban đầu tối thiểu là 2.000 USD tiền mặt hoặc loại chứng khoán hợp lệ nào đó (nghĩa là loại chứng khoán mà người môi giới đồng ý là có giá trị tương ứng). Các giao dịch tín dụng buộc phải được thực hiện qua tài khoản này, kết hợp giữa tiền mặt bạn đang có và phần tiền bạn vay được từ nhà môi giới.

Thông tin trên thị trường chứng khoán

Thông tin cập nhật là dòng máu nuôi sống hoạt động kinh doanh chứng khoán. Những thông tin báo cáo thuở xưa được dán bằng băng dính, ngày nay đã hoàn toàn biến thành dữ liệu điện tử.

Các nhà đầu tư, dù là cá nhân hay tổ chức lớn, đều có thể theo dõi các diễn biến lên xuống của thị trường chứng khoán, và những thay đổi theo từng phút của thị giá chứng khoán trong suốt cả ngày giao dịch nếu họ muốn. Những thông tin loại này được đăng tải trên hàng chục chương trình phát thanh, truyền hình, truyền hình cáp và ngày càng mở rộng hoạt động thông qua các trang web tương tác trên đó người ta có thể kết hợp màu sắc, hình ảnh, âm thanh đồ hoạ.

Trong khi thông tin hoạt động mua bán hiện tại chỉ là một phần của lượng thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư dài hạn, đó là một ví dụ về độ mở và khả năng truy cập tới các thị trường của Mỹ.

Nghiên cứu qua mạng Internet

Phần lớn lượng thông tin mà bạn cần để phục quá trình ra quyết định đầu tư của mình đều có thể tìm được trên Internet, một phần có thể được cung cấp miễn phí, một phần có thể được cung cấp khi bạn sử dụng dịch vụ của nhà môi giới.

Ngày nay hàng ngàn trang chủ Internet tài chính và công ty, thư thông báo, FAQs (hay các thông báo ở dạng hỏi-đáp), và các diễn đàn công khai trên Internet cung cấp đầy đủ lượng thông tin, từ các báo cáo căn bản về hầu hết các loại cổ phiếu được mua bán rộng rãi trong công chúng cho đến các phân tích kinh tế và các đại lượng thống kê quan trọng của thị trường. Nhiều nhà xuất bản tài chính thậm chí còn gửi các thư thông báo theo đúng yêu cầu cụ thể và mối quan tâm riêng của bạn, dù bạn muốn biết thông tin về một số công ty cụ thể, một số chỉ số đặc thù thị trường, hoặc các tin gần nhất có ảnh hưởng lớn tới các loại cổ phiếu trong portfolio của bạn.

Một trong những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất đối với người đầu tư chứng khoán là trang Internet của SEC, ở Mỹ là www.sec.gov. Ngoài ra, các thông tin về hồ sơ niêm yết theo yêu cầu của SEC cho từng công ty đã niêm yết có thể truy cập được từ cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin trực tuyến có tên gọi tắt là EDGAR (Electronic Data Gathering, Analysis and Retrieval System, Hệ thống Truy cập, Phân tích và Tập hợp Số liệu Điện tử).

Vào năm 1998, hoạt động mua bán qua Internet chiếm 10% tổng số lượng cổ phần được kinh doanh - cả với người đầu tư cá thể và tổ chức. Tới giữa năm 1999, tỷ lệ này đã tăng lên tới 25% và ngày càng tiếp tục tăng nhanh chóng.

Vai trò của SEC

Trong bối cảnh cuộc Đại Suy thoái kinh tế (1929-33) và các vụ bê bối lớn về tài chính, chứng khoán, chính phủ liên bang Mỹ thiết lập cơ quan điều hành SEC (Securities and Exchange Commission) vào năm 1934. Nhiệm vụ của Uỷ ban này là quản lý các thị trường chứng khoán. Khi cần thiết, SEC ra các quy định bắt buộc về chứng khoán với nhiều biện pháp trừng phạt, từ phạt tiền tới truy tố. Nói một cách đơn giản, vai trò của SEC là vai trò kép sau:

  • Đảm bảo rằng người đầu tư vào chứng khoán được thông tin đầy đủ về các chứng khoán đang được chào bán trên thị trường;
  • Phòng ngừa tối đa các bản trình bày, tường trình thông báo không trung thực, sự lừa dối và các loại lừa đảo khác trong các hoạt động giao dịch chứng khoán.
  • Ủy ban này cũng giám sát các hành vi buôn bán nội gián (insider trading), thường xảy ra khi các cán bộ, nhân viên của các công ty mua hoặc bán cổ phần của chính công ty mình. Các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin họ có về chính công ty, về các sự kiện diễn ra bên trong công ty và triển vọng của công ty đó.

Việc nhân viên, công chức các công ty mua và bán các cổ phiếu này là hoàn toàn hợp pháp, miễn là họ tuân thủ theo các quy tắc và thông báo công khai về hoạt động mua bán của họ. Trên thực tế, việc theo sát hành vi mua bán hợp lệ của những người nằm bên trong công ty có thể là một dấu hiệu rất có giá trị, có thể cung cấp nhận biết về xu hướng của giá cả trong một tương lai nào đó.

Nhưng các công chức công ty - hoặc các cố vấn tài chính, pháp lý của họ - có thể nhận biết các vấn đề khó khăn nội bộ hoặc các sự kiện có thể dẫn tới ảnh hưởng mạnh lên giá cổ phiếu của công ty. Nếu họ tìm cách “thao túng, điều khiển” hoạt động kinh doanh để trục lợi từ khối lượng thông tin trước khi cổ phiếu được giao dịch trong công chúng, hoạt động kinh doanh loại đó hoàn toàn là phi pháp. Tương tự vậy, việc che dấu hoạt động mua bán giao dịch với một bên thứ 3 chẳng hạn như người nhà, người thân cũng hoàn toàn bất hợp pháp.

Trên băng giấy dính

Trước khi có sự phát triển mạnh mẽ về hệ thống báo chí thông tin điện tử và các máy tính cá nhân, băng giấy dính là một phần cuộc đời của các nhà môi giới. Đó là dải băng đánh máy ghi các ký hiệu cổ phiếu, và các thông tin liên quan. Lần đầu tiên người ta sử dụng nó là năm 1867 và thuê máy in với giá 6 USD một tuần. Trên băng giấy có ghi các mức giá cập nhật nhất và quy mô của từng giao dịch với từng cổ phiếu trên Phố Wall, hầu như ngay lập tức khi lệnh khớp và giá thay đổi. Ngày nay, rất khó có thể còn tìm thấy loại băng giấy dính chứa thông tin loại này trên Phố Wall-hoặc ở bất kỳ đâu trên thế giới, bởi lẽ các thông tin được cung cấp qua các hệ thống điện tử. Thậm chí khi có cung cấp các băng này ở đâu đó cuối khu Manhattan của New York, thì vẫn có những đám đông cầm trên tay các mẩu tin đã cắt từ chính máy tính điện tử.