Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần II)

22/02/2015 - 23:50 10523     0

Saga xin giới thiệu tới độc giả loạt bài gồm 4 phần cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về cổ phiếu do tạp chí Wall Street Journal phát hành. Trong phần I, chúng ta đã bàn về các loại cổ phiếu khác nhau, cũng như quyền biểu quyết của mỗi cổ đông sẽ thay đổi trong mỗi trường hợp như thế nào. Trong phần II, bài viết sẽ đề cập đến tính sinh lời của cổ phiếu.

Các cổ phiếu có tính chu kỳ

Không phải tất cả các cổ phiếu đều có hành vi giống nhau. Một điểm khác biệt quan trọng là mức liên hệ gần gũi của hoạt động kinh doanh của công ty với điều kiện phát triển của nền kinh tế. Các cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu của các công ty có tính lệ thuộc cao vào trạng thái của nền kinh tế. Khi mọi hoạt động giảm nhịp độ, lợi nhuận công ty giảm xuống nhanh, và giá cổ phiếu cũng vậy. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập tăng lên và giá cổ phiếu tăng. Cổ phiếu hàng không và khách sạn có tính chu kỳ điển hình: Mọi người có xu hướng cắt giảm chi phí đi lại và nghỉ ngơi khi nền khi tế chậm phát triển. Ngược lại, giá cổ phiếu các công ty cung cấp các dịch vụ cơ bản và hàng hoá thiết yếu, chẳng hạn thực phẩm, lại có xu hướng đứng tương đối ổn định.

Chọn đúng thời điểm

Bài toán đố sinh lợi nhuận, dĩ nhiên, là mua cổ phiếu trước khi người khác đổ xô vào mua và bán chúng trước khi người ta quyết định tháo khoán. Quyết định chọn đúng thời điểm đồng nghĩa với việc bạn buộc phải chú ý tới các yếu tổ:

  • Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận của công ty;
  • Tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch của công ty;
  • Sự tồn tại/xuất hiện của các thị trường mới;
  • Sức mạnh quản lý và các nhược điểm;
  • Môi trường kinh tế tổng thể mà công ty hoạt động trong đó.

Đánh cược bằng xác suất

Đầu tư là một vụ đánh cược, nhưng đánh cược cách này không giống cá cược đua ngựa. Trên thị trường cổ phiếu, “đánh cược” tự bản thân đã ảnh hưởng đến kết quả. Nếu rất nhiều người đánh cược trên cổ phiếu Atlas, giá Atlas sẽ tăng. Cổ phiếu trở nên có giá trị khi nhiều nhà đầu tư muốn sở hữu nó. Điều ngược lại cũng đúng: Nếu các nhà đầu tư bán cổ phiếu Zenon, giá trị của nó sẽ giảm đi. Giá mà càng giảm, các nhà đầu tư càng muốn bán ra.

Tìm kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu

Bạn có thể tạo ra lợi nhuận bằng cách bán cổ phiếu ở mức giá cao hơn mức giá khi bạn mua chúng, hoặc bằng cách thu về các khoản cổ tức trên cổ phiếu, hoặc cả 2 cách. Lượng lợi nhuận bạn kiếm được từ việc bán cổ phần nắm giữ được gọi là lãi vốn. Đương nhiên, có thể bạn không được hưởng toàn bộ số này, vì có thể bạn phải trả thuế trên phần lãi vốn này nhưng nếu bạn sở hữu cổ phần của bạn một năm hoặc lâu hơn nữa, nó có thể sẽ trở thành một thứ lãi dài hạn. Điều này có nghĩa là bạn có thể hưởng mức thuế suất thấp hơn, ở một số quốc gia, so với mức bạn trả lãi của cổ tức hay các phương án đầu tư khác ngắn hạn hơn.

Cổ tức là một phần lợi nhuận công ty thu được và dành ra để trả cho cổ đông công ty. Hội đồng quản trị công ty sẽ quyết định mức cổ tức bao nhiêu để trả, hoặc liệu công ty có nên trả cổ tức không. Thông thường, chỉ các công ty lớn và đã trưởng thành mới trả cổ tức, trong khi đó các công ty bé hơn thường tái đầu tư lợi nhuận để tiếp tục phát triển. Các cổ phiếu có trả cổ tức thường được gọi là cổ phiếu thu nhập, trong khi đó các cổ phiếu trả rất ít cổ tức hoặc không trả cổ tức mà dùng lợi nhuận để tái đầu tư được gọi là cổ phiếu tăng trưởng.

Với chứng khoán, các chứng chỉ sở hữu cổ phần là loại giấy tờ ghi chép truyền thống, và thường rất tỉ mỉ, về quyền sở hữu cổ phần – nhưng ngày nay chúng càng lúc càng hiếm thấy.

Trước kỷ nguyên hệ thống dữ liệu điện tử, các bằng chứng ghi chép, được gọi là chứng khoán, rất cần thiết cho công việc theo dõi việc đầu tư. Ngày nay, ta thường không cầm các chứng chỉ hiện vật – trên thực tế, một số công ty môi giới còn yêu cầu trả phí để phát hành các chứng chỉ này. Thay vì các chứng chỉ, ngày nay thông tin được lưu trữ trên các tệp tin của máy tính. Giống như nhiều nhà đầu tư, bạn có thể lựa chọn để cổ phiếu của mình được đăng ký dưới tên các công ty môi giới chứng khoán. Cách này khiến cho việc bán cổ phiếu dễ dàng hơn, vì bạn không cần phải mang các chứng chỉ tới người môi giới nữa. Cũng có nghĩa là an toàn hơn. Hàng tỷ USD giá trị chứng khoán nằm trên các chứng chỉ như thế bị thất lạc hoặc bị mất cắp mỗi năm. Tuy nhiên, chứng chỉ chứng khoán vẫn có sự quyến rũ của nó, và thay vì từ bỏ các chứng chỉ vì tính lỗi thời, nhiều công ty đang thiết kế lại chúng để có hình ảnh mới về tính hiện diện. Mỗi chứng chỉ sở hữu cổ phần công ty có dấu hiệu riêng biệt, nhưng đều cùng mang một số nhất định đặc tính hiện diện chung.

Số đăng ký được gán cho các chứng chỉ sở hữu cổ phần do Ủy ban quản lý sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cung cấp là một cách để xác lập hợp lệ và quyền sở hữu. Các chứng chỉ cổ phiếu có thể chiết khấu lấy tiền mặt, nhưng vẫn có một số cách để theo dõi và hạn chế khiến cho việc mua bán các cổ phiếu đánh cắp rất khó khăn.

Dấu công ty của nhà phát hành, có ngày và địa chỉ thành lập, được in dọc theo đáy của chứng chỉ.

Các chứng chỉ được thiết kế có các mảng màu sẫm trên loại giấy sản xuất theo qui trình đặc biệt để đảm bảo rất khó làm giả. Các hoạ tiết hình học phức tạp bao quanh hình thành nên viền bao quanh được tạo ra bởi các máy đã lập trình theo các sơ đồ riêng biệt khiến cho việc sao chép rất khó khăn. Chúng cũng được in ra từ các loại khuôn intaglio nên hình ảnh in ra có cảm giác nổi lên.

Tên người nắm giữ cổ phiếu (cổ đông) được ghi rõ trên bề mặt của chứng chỉ. Để thực hiện sửa đổi về quyền sở hữu hoặc để mua bán cổ phiếu, người ta phải ký hậu vào mặt sau của chứng chỉ này và nộp lên cho công ty phát hành hoặc nhà môi giới.

Số CUSIP là một số nhận dạng gồm 9 chữ số được gán cho từng cổ phiếu ở Mỹ. Một uỷ ban có tên là Ủy ban về các thủ tục nhận dạng chứng khoán thống nhất được Hiệp hội các nhà ngân hàng Mỹ thành lập để trở thành một phương thức bảo vệ và theo dõi tất cả các chứng khoán được giao dịch.

Mặc dù giá danh định của một cổ phiếu thuộc cổ phần đã có một thời gắn với giá trị đầu tư, ngày nay công ty phát hành chứng khoán chỉ ấn định một con số, điển hình từ 25 cent tới 1 USD trên một cổ phiếu, hoàn toàn chỉ để phục vụ chức năng và mục đích ghi chép kế toán.

Ngược lại, giá danh định của trái phiếu, còn gọi là mệnh giá, là một khoản tiền ghi nhận sẽ được trả khi đáo hạn. Khoản tiền lãi mà trái phiếu mang lại cho người đầu tư là một tỷ lệ phần trăm của mệnh giá đó.

Trên chứng chỉ sở hữu chứng khoán, tên của công ty phát hành được in rất rõ ràng. Một hình chân dung người với các đặc tính khuôn mặt nhận dạng rõ rệt bắt buộc phải xuất hiện ít nhất ¾ của trang mặt của cổ phiếu đang giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán New York. Những hình này và các hình ảnh xung quanh hoặc phía sau được bổ sung sửa đổi để tạo dựng hình ảnh mới cho một số công ty. Các ống khói nhả khói chẳng hạn ngày nay biến mất. Sự thay đổi này nhấn mạnh vào trách nhiệm môi trường hoặc thay đổi trong đời sống hiện tại.

Số cổ phiếu mà chứng chỉ cổ phần đại diện được xuất hiện vài lần trên tờ chứng chỉ.

Lần đầu tiên một công ty phát hành cổ phiếu được gọi là bán ra công chúng (going public).

Quá trình bán ra công chúng, hay còn gọi là chuyển công ty thành đại chúng, có nghĩa là tạo điều kiện để người ngoài công ty có thể mua cổ phần của công ty. Để chào bán ra công chúng, ban giám đốc đăng ký cổ phần với Ủy ban chứng khoán và giao dịch (SEC) và thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng, thường gọi là IPO (Initial Public Offering).

Từ sở hữu tư nhân đến sở hữu đại chúng

Con đường đi tới tính sở hữu đại chúng thường bắt đầu từ việc người khởi sự doanh nghiệp (entrepreneur) mang sẵn một ý tưởng kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ và vay mượn tiền đủ để khởi sự công việc kinh doanh. Nếu công ty tăng trưởng, người kinh doanh này có thể thu hút thêm nguồn tiền để mở rộng kinh doanh từ thị trường vốn tư nhân. Tại đây, các nhà đầu tư giàu có, các công ty đầu tư và các ngân hàng tập trung tiền vốn lại – gọi là vốn mạo hiểm – và họ sẵn sàng chịu rủi ro đầu tư vào một doanh nghiệp mới để đổi lấy vai trò tác động lên cách thức điều hành doanh nghiệp này và cùng chia xẻ lợi nhuận thu được.

Phát hành ra công chúng

Nếu một công ty nhỏ cảm nhận rằng dịch vụ và sản phẩm của mình thu hút được nhu cầu lớn, hoạt động công ty có thể nhanh chóng vượt quá khả năng đầu tư của các nhà đầu tư rủi ro có thể cung cấp tài chính cho quá trình tăng trưởng mạnh. Đó là lúc công ty quyết định phát hành ra công chúng. Đầu tiên, ban giám đốc tới gặp gỡ các ngân hàng đầu tư có khả năng đồng ý bảo lãnh cho quá trình phát hành cổ phiếu; nghĩa là đồng ý mua tất cả các cổ phiếu ở mức giá đã thống nhất và sau đó bán lại chúng cho số đông công chúng, hy vọng là ở mức giá có lãi. Nhà bảo lãnh giúp công ty soạn thảo bản cáo bạch (prospectus), tức là một bản phân tích chi tiết về lịch sử tài chính của công ty, các sản phẩm hoặc dịch vụ, trình độ và kinh nghiệm của ban giám đốc điều hành. Bản cáo bạch cũng đánh giá các loại rủi ro khác nhau mà công ty phải đối mặt.

Thu hút nhà đầu tư

Việc bán cổ phần dự kiến sẽ được thông báo trên báo chí tài chính. Các quảng cáo thường được gọi là bia đá vì cách thức người ta in phần quảng cáo trong khung viền đen và in đậm. Các công ty bảo lãnh phát hành cũng có thể tổ chức các cuộc họp giữa ban giám đốc công ty và các nhà đầu tư tổ chức lớn, như người quản lý quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư tương hỗ. Trước ngày thực tế bán cổ phần, các nhà bảo lãnh sẽ định giá phát hành, hoặc xác lập mức giá mà chính họ sẽ trả cho mỗi cổ phiếu. Khi cổ phần bắt đầu được mua bán ngày hôm sau, giá có thể tăng lên hoặc giảm xuống, tuỳ thuộc vào tình hình liệu nhà đầu tư có nhất trí hay không đồng ý với cách đánh giá của nhà bảo lãnh phát hành cho công ty mới này.

Bán trực tiếp

Một số công ty chọn cách đi đường tắt để thực hiện IPO bằng cách chào bán trực tiếp tới các nhà đầu tư, hoặc bán cổ phiếu trên Internet thông qua một công ty môi giới điện tử. Loại hình chào bán tự mình làm lấy này tiết kiệm được tiền bằng cách loại bỏ bớt các khoản chi phí phải trả cho nhà bảo lãnh. Tuy vậy, công ty vẫn phải đảm bảo thoả mãn các quy định hồ sơ lưu của SEC. Một nhược điểm quan trọng của chào bán trực tiếp các cổ phiếu chưa niêm yết chính thức trên một sở giao dịch chứng khoán hoặc không được giám sát bởi các phân tích viên thị trường là thường việc giao dịch xẩy ra ở quy mô rất bé, hoặc không thường xuyên. Điều này có thể hạn chế sự hứng thú của nhà đầu tư vào chính cổ phiếu đó.

Bán thứ cấp

Nếu một công ty đã phát hành cổ phiếu, nhưng muốn tiếp tục tăng vốn thêm nữa thông qua bán thêm cổ phần, quá trình đó được gọi là bán thứ cấp. Các công ty thường tỏ ra lo lắng đối với việc phát hành thêm cổ phiếu, vì lý do càng nhiều lượng cung cổ phiếu, giá trị từng cổ phiếu đơn đã phát hành sẽ nhỏ đi. Chính vì lý do này, một công ty trong trường hợp điển hình chỉ phát hành thêm cổ phiếu nếu giá cổ phiếu của công ty đang cao. Để gọi thêm nguồn tiền, công ty có thể quyết định phát hành trái phiếu, hoặc đôi lúc là các trái phiếu chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi. Một công ty nhận được tiền chỉ khi cổ phiếu của nó được phát hành lần đầu. Tất cả các giao dịch tiếp theo chỉ có ý nghĩa lãi hay lỗ cho cổ đông (người nắm giữ cổ phiếu) chứ không có liên quan gì tới công ty phát hành cổ phiếu đó.

Tất cả các nhà đầu tư mua cổ phần vì cùng một nguyên nhân: tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng thực tế là họ tiến hành mua rất khác nhau.

Con số ước lượng là khoảng 43% công dân Mỹ sở hữu cổ phần, gần như gấp đôi con số đầu tư vào cổ phần vào năm 1990. Họ sở hữu khoảng 80% tổng số cổ phần trên thị trường Mỹ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư tương hỗ. Và họ cũng tham gia tới 45% tổng lượng giao dịch do họ mua và bán các cổ phiếu do chính họ nắm giữ.

Khoảng 60% nhận định rằng khoản đầu tư của mình có giá trị ít nhất 10.000 đô-la, hoặc đầu tư vào cổ phiếu của họ chiếm hơn 20% của tổng các khoản đầu tư cá nhân, so với con số 10% vào năm 1990. Và với con số ngày càng tăng, tổng giá trị danh mục đầu tư (portfolio) của họ đã vượt qua con số tổng giá trị nhà ở, làm đảo ngược cả một xu hướng dài hạn.

Mời bạn theo dõi loạt bài viết:

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần I)

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần III)

Cổ Phiếu Toàn Tập: Hướng Dẫn Về Tiền Tệ & Đầu Tư Của Tạp Chí Wall Street (Phần IV)