Trong chuyến đi đến Las Vegas năm 2007, Rubin lật mở máy tính xách tay của mình trong một chiếc taxi để xem Steve Jobs giới thiệu một điện thoại có kết nối Internet được Apple sản xuất. Đó là iPhone, và nó thật quá tuyệt vời.
Chết tiệt, Rubin nghĩ. Vậy là anh sẽ phải làm lại điện thoại của mình rồi. Rubin bảo tài xế tạt xe dừng lại bên đường để anh có thể xem phần giới thiệu còn lại của Jobs.
Khoảng một năm sau, vào tháng Chín năm 2008, T-Mobile cho ra mắt đời đầu, chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng phần mềm được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của Rubin. Hệ điều hành này có giao diện và làm việc như một phiên bản của chiếc iPhone. Nhưng đó là một phiên bản tốt, và miễn phí cài đặt cho các nhà sản xuất điện thoại.
Hệ điều hành này có lượng cài đặt tăng lên nhanh chóng bởi các nhà sản xuất thi nhau chạy đua để theo kịp với Apple và các nhà mạng cố gắng để cạnh tranh với AT&T, nhà mạng duy nhất của iPhone. Trong quý II năm 2009, điện thoại Android chiếm 1,8% tổng doanh số. Cũng trong quý II năm 2010, doanh số bán hàng của Android chiếm 17,2% thị phần, lần đầu tiên vượt lên Apple với 14% để đứng đầu. Ngay sau đó, Android trở thành hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới.
Tính đến năm 2010, Page đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hai công nghệ phổ biến, được khách quan đánh giá là giúp cải thiện cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới. Google, với khởi đầu là một dự án luận văn thạc sĩ, đã giúp làm cho Internet trở thành một công cụ vô cùng mạnh mẽ cho người dùng hàng ngày. Sau đó, không cần đến “bảo mẫu”, Page đã ươm mầm sự phát triển của Android. Giờ đây, Android đã biến điện thoại thông minh thành một hàng hóa giá rẻ đến mức mà sớm hay muộn thì tất cả mọi người trên hành tinh này sở hữu một máy tính kết nối Internet.
Thành công vang dội thứ hai này đã cho Page, trong vai trò quản lý, sự tự tin rất lớn vào khả năng điều hành của mình. Page tự ý thức được rằng trong sự nghiệp trước đó của mình, anh đã kém trong việc trao quyền cho người khác. Còn giờ anh rất vui khi thấy mình đã làm tốt điều đó với Rubin. Page luôn gặp vấn đề trong việc tin tưởng người khác. Nhưng điều này đang dần thay đổi. Có lẽ vì bấy giờ, anh đã lập gia đình.
Trong một bài phát biểu khai mạc tháng 5 năm 2009 tại trường Đại học Michigan, Page nói về cha, mẹ, người vợ mới cưới của mình, Lucy Southworth, và đứa con của họ."Giống như trường hợp của tôi, gia đình của bạn đã đưa bạn tới đây, và bạn cũng đem họ đến đây", anh nói. "Hãy giữ họ gần bên mình và hãy nhớ: Họ là những người thực sự quan trọng trong cuộc sống của bạn"
Trong khi Android bùng nổ và Page trở nên trưởng thành hơn, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google là tìm kiếm và quảng cáo cũng nở rộ dưới sự quản lý của Schmidt. Đến năm 2010, Google đạt vốn hóa thị trường 180 tỷ USD và có 24.000 nhân viên. Đó là một công ty không hề nhỏ.
Tuy nhiên, công ty này cũng nảy sinh một số vấn đề lớn. Phóng viên của tờ New York Times, Claire Cain Miller đã có bài viết chi tiết về một vài vấn đề của Google trong một bài báo đăng tháng 11 năm 2010 với tiêu đề "Google tăng trưởng cùng công cuộc níu giữ những bộ óc thiên tài."
Trong câu chuyện của mình, Miller trích dẫn lời của một số nhân viên và cựu nhân viên Google, những người cho rằng công ty này đã trở nên quá quan liêu và cồng kềnh. Cô viết rằng trước đây, Google giới hạn số lượng thành viên trong các nhóm kỹ sư làm việc trên một dự án là 10 người, nhưng con số này đã tăng lên đến 20 hoặc thậm chí 40 người trong những năm gần đây. Tệ hơn nữa, cô kể lại, "Các kỹ sư nói rằng họ không được khuyến khích để sáng tạo ra những sản phẩm mới nhiều như trước mà giờ đây tập trung vào cải tiến phát triển những sản phẩm hiện có."
Google đã trở thành một công ty lớn, với những vấn đề nghiêm trọng dưới quyền điều hành của Eric Schmidt
Một quản lý dự án nói với cô rằng anh biết đã đến lúc phải rời bỏ Google vì mỗi lần gửi mail anh phải copy quá nhiều tên người nhận. Anh này nói, "Tôi nghĩ rằng một số người có khả năng cao sẽ ra đi vì họ rất không hài lòng với các quy trình rắc rối của một công ty lớn."
Một giám đốc sản phẩm khác nói với Miller ông đang suy nghĩ việc bỏ việc bởi tại Google, ông chỉ thể làm việc với các sản phẩm có rất ít tiếp xúc với công chúng. Miller thậm chí dẫn lời của Schmidt nói rằng ông rất lo lắng về tình hình lúc đó.
"Cái thời chỉ với ba người, Google có thể phát triển một sản phẩm đẳng cấp thế giới và cung cấp nó cho người tiêu dùng đã qua rồi," Schmidt nói.
Khi bài viết của Miller được đăng, Schmidt đã rất tức giận. Người phát ngôn viên của Google đã gọi cho tòa soạn và yêu cầu để Miller không được dính dáng đến chủ đề này. (Cô ấy đã chẳng bị làm sao.)
Bên cạnh sự quan liêu, Google dưới thời của Schimdt cũng phải đương đầu với một vấn đề lớn khác vào năm 2010. Nó không còn là một công ty mới, tuyệt vời với sức mạnh khủng khiếp tại thung lũng Silicon nữa. Giờ đây, danh hiệu đó thuộc về Facebook.
Năm 2007, một nhà quản lý sản phẩm mang tên Justin Rosenstein đã bỏ Google sang Facebook. Sau đó, ông này đã trao đổi thư từ với các đồng nghiệp cũ của mình, trong đó mô tả Facebook là "Google của ngày hôm qua ... rằng công ty này trong tương lai sẽ thay đổi cả thế giới, rằng quy mô của nó vừa đủ để tiếng nói của mỗi nhân viên đều có tác động lớn lao đến tổ chức."
Đến năm 2010, 142 trong tổng số 1.700 nhân viên của Facebook là những người "tị nạn" đến từ Google.
Trong số các giám đốc điều hành cấp cao của Google, sự "lão hóa" của công ty này được nhìn nhận theo một cách khác. Schmidt chưa bao giờ cải tổ hoàn toàn cách thức ra quyết định từ cấp cao như hồi còn ở thời của Page. Một thập kỷ sau, các cuộc đụng độ liên tục đã biến những giám đốc điều hành thành kẻ thù của nhau và họ gần như từ chối làm việc với nhau.
Mùa thu năm 2010, Page đã nhìn ra tất cả những điểm yếu mới trong nội bộ của Google. Anh cũng phát hiện ra một vấn đề khác mà theo anh nhận định, thậm chí còn đáng lo ngại hơn: Ngoài những giai đoạn thành công dưới sự điều hành của Schmidt, những tham vọng của công ty đã giảm đi đáng kể.
Trong năm 2009, Google kiếm được 6,5 tỷ USD lợi nhuận và có 20.000 nhân viên. Page nhìn vào những con số này và nghĩ rằng, chúng ta có tất cả số tiền này, chúng ta có tất cả những người này; tại sao chúng ta lại không làm ra được nhiều sản phẩm hơn? Anh một mực cho rằng dự án duy nhất thực sự lớn của Google gần đây là Android, thứ mà Schmidt đã không quan tâm đến.
Page, hạnh phúc bên gia đình và ít nhiều thì đã không nằm trong tầm ngắm của công chúng, được tận hưởng cuộc sống của mình trong vai trò người lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược nhưng đứng sau hậu trường của Google. Tuy nhiên, anh đã bắt đầu tự hỏi, liệu Schmidt còn thích hợp để lãnh đạo công ty trong tương lai.
Cuối năm đó, Page ngồi phỏng vấn với Steven Levy, nội dung của cuộc phỏng vấn được viết trong cuốn sách của Levy, "In the Plex." Levy hỏi Page nếu anh muốn trở thành CEO một lần nữa. Page đưa ra một câu trả lời thờ ơ. "Tôi thực sự thích những gì tôi làm", anh nói. "Tôi nghĩ tôi có thể có ảnh hưởng tích cực đến rất nhiều thứ, điều đó làm tôi cảm thấy thực sự thoải mái, và tôi thấy không cần có bất kỳ sự thay đổi nào nữa."
Sau đó, anh đứng dậy và rời khỏi phòng. Cuộc phỏng vấn kết thúc.
Tuy nhiên, một phút sau Page đã trở lại. Anh nói với Levy, "Tôi thấy rằng những gì mọi người đang làm không đủ tạo nên sức ảnh hưởng lớn." Anh cho biết Google "vẫn chưa làm tốt việc hiện thực hóa những nỗ lực của mình một cách nhanh chóng và ở quy mô lớn."
Page nhận ra rằng hoạt động tìm kiếm quảng cáo của Google, với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ và sự tăng trưởng bền vững, chính là "cỗ máy in tiền" mà thần tượng của anh, Nikola Tesla sẽ cần đến để tài trợ cho những giấc mơ ngông cuồng nhất của mình. Bây giờ, anh đã có cơ hội để làm khác đi. Việc chứng kiến Google hoạt động mà thiếu đi những tham vọng điên cuồng khiến anh thấy bực mình.
Sự bức bối được thể hiện rõ trong giọng nói của Page khi anh có bài phát biểu tại Đại học Michigan năm 2009. Anh chia sẻ với các sinh viên tốt nghiệp về chuyến đi của anh và vợ mình đến Ấn Độ một vài năm trước đó. Họ đã đến thăm một ngôi làng nghèo, nơi mà nước thải tràn ra trên đường phố. Page nói rằng nước thải này mang mầm bệnh bại liệt - căn bệnh đã giết chết cha của anh.
"Mặc dù chúng ta đã có vắc-xin nhưng cha tôi chắc hẳn sẽ rất thất vọng nếu biết bệnh bại liệt vẫn còn tồn tại," Page nói. "Thế giới đang trên đà loại trừ bệnh bại liệt, nhưng vẫn còn 328 người bị nhiễm bệnh trong năm nay. Chúng ta hãy sớm làm nó biến mất. "
Vào mùa thu năm 2010, sự tức tối của Page bộc phát công khai trong một cuộc họp đánh giá sản phẩm. Eric Schmidt, Brin, Page và những giám đốc điều hành sản phẩm hàng đầu của Google đã ở đó cùng với đội ngũ nhân viên cao cấp của mình. Như thường lệ, Page ngồi lặng lẽ ở bàn, chăm chú vào điện thoại của mình. Ở bên trên, một giám đốc đang trình bày về một sản phẩm mới, thứ đã giúp người dùng tìm kiếm các cửa hàng ngoại tuyến cho việc mua sắm.
Các giám đốc điều hành đều bị thuyết phục bởi bài trình bày, nhưng đột nhiên, Page ngắt lời anh.
"Không," Page nói một cách dứt khoát. "Chúng ta sẽ không làm thế."
Căn phòng trở nên im lặng.
"Chúng ta tạo ra các sản phẩm dựa trên công nghệ để giải quyết những vấn đề lớn lao đối với hàng trăm triệu người."
Anh tiếp tục. "Hãy nhìn vào Android. Nhìn vào Gmail. Nhìn vào Google Maps. Nhìn vào Google Search. Đó là những gì chúng ta làm. Chúng ta tạo ra những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống. "
"Đây không phải sản phẩm như thế."
Page không hề quát mắng. Anh không cần thiết phải làm thế. Thông điệp đưa ra rất to và rõ ràng.
Tháng mười hai năm đó, Page, Brin và Schmidt đã gặp nhau để thảo luận vấn đề. Trong cuộc đàm thoại báo cáo tình hình tài chính của Google vào ngày 20 tháng 1 năm 2011, Schmidt tuyên bố ông sẽ từ chức CEO. Công việc này một lần nữa thuộc về Larry Page. Schmidt, người sẽ trở thành Chủ tịch điều hành, sau ngày hôm đó đã viết trên trang twitter của mình: "Không cần người lớn trông nom nữa rồi."
Hãy theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện dài kỳ này tại đây: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6, Phần 8, Phần 9