Chuyện Chưa Kể Về Sự Trở Lại Phi Thường Của Larry Page (Phần 6)

29/12/2014 - 23:30 6757     0

Với tình hình Google hiện nay, về cơ bản đã kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo và sự quản lý của Schmidt giúp công ty tăng trưởng ổn định, Page thấy rằng cuối cùng đã đến lúc anh hiện thực hóa những tầm nhìn của mình.

Một ngày cuối năm 1998, Quản lý nhân sự đầu tiên của Google, Heather Cairns, bước vào ga-ra, bấy giờ là văn phòng của công ty và bắt gặp Larry Page và Sergey Brin đang chơi Lego.

"Anh đang làm cái quái gì thế?" Cairns hỏi một cách không quá gay gắt. Trên chiếc bàn là một thiết bị kỳ quặc có những cánh tay robot với bánh xe cao su gắn ở phần cuối của chúng.

"Chúng tôi đang cố tìm ra cách để lật một trang sách mà không cần đến bàn tay con người", Page giải thích. "Một ngày nào đó chúng ta sẽ đưa tất cả các ấn phẩm của thế giới lên mạng Internet để ai ai cũng có thể tiếp cận chúng."

"Chắc chắn rồi," Cairns nói. "Chắc chắn rồi."

Không lâu sau đó, Page đã dành cả một ngày để lái xe quanh Palo Alto với một chiếc máy ảnh cầm tay nhỏ. Anh đi một đoạn, rồi dừng lại và chụp một vài tấm ảnh. Sau đó, anh lại lái xe đi thêm một đoạn và làm điều tương tự. Anh trở về nhà và tải các tấm ảnh đã chụp vào máy tính của mình. Những gì anh nhìn thấy đã thuyết phục anh rằng ý tưởng lớn mới nhất của mình là khả thi. Google có thể cài đặt rất nhiều camera trên rất nhiều chiếc xe ô tô và đi đến tất cả những con phố trên thế giới đồng thời chụp lại mọi thứ trên đường. Kết quả là toàn bộ thế giới về mặt vật lý sẽ được thu lại qua thiết bị kỹ thuật số, có thể tìm kiếm, và quan trọng nhất là có sẵn trực tuyến.

Trong thời gian Schmidt điều hành công ty, cả dự án về sách và ảnh trở thành những sản phẩm rất được yêu thích. Google Books, ra mắt vào năm 2003, đã chứa đến 20 triệu cuốn, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Google Street ra mắt năm 2007, và vào năm 2014, đã đưa mọi con đường lớn tại 50 quốc gia lên bản đồ và có thể xem từ hầu hết các trình duyệt web.

Ngay cả trong những ngày đầu của Google, Page đã luôn muốn công ty của mình làm được nhiều hơn việc chỉ đơn thuần là một trang web tìm kiếm. Từ khi còn là một đứa trẻ, anh đã ấp ủ những kế hoạch có thể thay đổi thế giới. Khi là sinh viên tại Đại học Michigan, anh đã đề nghị nhà trường thay thế hệ thống xe buýt bằng thứ mà anh gọi là PRT, hay hệ thống vận chuyển nhanh cá nhân - thực chất là một đường ray xe lửa đơn không người lái mà mỗi người sử dụng có một xe riêng. Sau đó, tại Đại học Stanford, anh đã khiến cố vấn của mình bất ngờ với ý tưởng luận văn đi trước thời đại giống như những kế hoạch của Tesla lúc cuối đời. Có một ý tưởng liên quan đến việc xây dựng một đường dây siêu dài chạy từ bề mặt trái đất lên quỹ đạo, khiến việc đưa các vật thể vào vũ trụ trở nên bớt tốn kém hơn. Một ý tưởng khác là chế tạo ra diều năng lượng mặt trời để hấp thụ năng lượng từ vũ trụ.

Với tình hình Google hiện nay, về cơ bản đã kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo và sự quản lý của Schmidt giúp công ty tăng trưởng ổn định, Page thấy rằng cuối cùng đã đến lúc anh hiện thực hóa những tầm nhìn của mình.

Đến năm 2005, một trong những tầm nhìn của Page là phát minh một chiếc "máy tính" cầm tay có khả năng truy cập vào Google mà kích thước chỉ nhỏ gọn để cho được vào túi. Vì vậy, trong năm đó, Page chỉ đạo bộ phận phát triển doanh nghiệp của Google mua một công ty khởi nghiệp nhỏ với cùng tham vọng, một tham vọng lớn đầy sự không tưởng.

Andy Rubin

Công ty khởi nghiệp đó là Android. CEO, đồng sáng lập của Android là Andy Rubin, một cựu giám đốc điều hành của Apple cũng đã từng phát triển một chiếc điện thoại có kết nối Internet là Sidekick. Chiếc điện thoại này đã từng được ưa chuộng nhưng rồi lại thất bại.

Việc mua lại Android là "tác phẩm" của Larry Page. Thương vụ này tốn của Google 50 triệu USD và Page đã không nói một lời với Schmidt về nó cho đến khi mọi chuyện đã hoàn tất. Brin biết chuyện, nhưng anh cũng không quan tâm lắm.

Page thành lập Android với tư cách một thực thể riêng biệt, chỉ trên danh nghĩa là một phần của Google, và cho phép Rubin tự do điều hành nó mà không có sự can thiệp của công ty mẹ. Android thậm chí còn có tòa nhà của riêng mình, nơi những nhân viên thông thường của Google không thể vào bằng phù hiệu nhân viên của họ. Về cơ bản, Schmidt cư xử như thể Android không tồn tại, chủ yếu là vì 50 triệu USD không phải số tiền quá lớn để ông lo lắng nếu như việc chi tiêu cho nó là hợp lý.

Về phần mình, Page biến Android thành một dự án "ruột" của mình. Anh dành rất nhiều thời gian làm việc với Rubin, nhiều đến mức anh thường cảm thấy có lỗi khi không quan tâm được đến Google nhiều hơn. Và một lần nữa, vai trò của Schmidt thực sự cần thiết.

Hai năm sau đó, Rubin đã phát triển được hệ điều hành di động mà theo anh là đã đạt đến một trình độ cao.

 

Hãy theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện dài kỳ này tại đây: Phần 1, Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5Phần 7Phần 8Phần 9