Chuyện Chưa Kể Về Sự Trở Lại Phi Thường Của Larry Page (Phần 5)

28/12/2014 - 23:25 7896     0

Chỉ trong vài năm, Google đã phát triển thành một công ty toàn cầu khổng lồ. Bằng cách luôn tham khảo ý kiến của Page và Brin, Schmidt đã giữ cho mọi việc đi trên quỹ đạo ổn định. Ông đã thuê một nhóm các giám đốc điều hành, xây dựng một lực lượng bán hàng, và đưa Google trở thành công ty đại chúng.

 

Người trong nội bộ Google vẫn coi Larry Page là ông chủ tối cao của họ. Anh phê duyệt những lần tuyển dụng, và chính chữ ký của anh vào ngày chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu của Google, 19 tháng 8 năm 2004, đã biến hàng trăm người thành triệu phú - và bản thân Page thì trở thành một tỷ phú.

Nhưng dần dần Page trở nên xa cách và tách biệt. Theo cách nói ẩn dụ xuất phát từ những năm tháng hàn vi của Google thì Page đã không còn lái xe. Anh đã thuê một người lái xe và đang mơ mộng ở ghế sau. Đó là sự thoái lui chậm chạp. Trong vài năm đầu tiên, Page kiểm soát sự phát triển sản phẩm của Google một cách chặt chẽ.

Sau khi gia nhập với tư cách CEO vào tháng Tám năm 2001, Schmidt đã cố thuyết phục Page rằng Google cần thuê một phó chủ tịch quản lý sản phẩm. Page thì nghĩ vị trí này là không cần thiết.

Jonathan Rosenberg

Tuy nhiên, Schmidt đã thuyết phục được anh thuê Jonathan Rosenberg cho vị trí này. Rosenberg đến từ Excite@Home, một công ty khởi nghiệp tiếng tăm được đầu tư ồ ạt nhưng thất bại trong cuối những năm 90. Nhưng chỉ vì Rosenberg nhận được công việc và có chức danh nói trên không có nghĩa là Page sẽ phải đón chào ông tại Google.

"Tôi thường đến các buổi họp nhân viên cùng với lịch làm việc đã lên sẵn, những nghiên cứu thị trường cần thiết, lộ trình cho một và hai năm tới cần được phát triển, và Larry thì thường chế nhạo chúng và tôi", Rosenberg sau đó chia sẻ với một phóng viên.

Rosenberg cũng gặp khó khăn trong việc thuê các nhà quản lý sản phẩm. Ông cứ tuyển những sinh viên tốp đầu từ các chương trình MBA của Đại học Stanford của Harvard và Page thì cứ từ chối họ.

Cuối cùng, Rosenberg đã phải hỏi Page rằng ông đã làm sai điều gì. Page nói rằng hãy dừng việc yêu cầu kỹ sư phải làm này làm nọ lại- và cũng đừng cố gắng thuê những người không phải kỹ sư khác.

Một trong những người thân cận nhất của Page tại Google, nhà điều hành mới nổi mang tên Marissa Mayer, cuối cùng đã mách nước cho Rosenberg, theo lời kể của Levy trong cuốn sách của mình. Ông nên từ bỏ nỗ lực thuê những người có bằng MBA làm quản lý sản phẩm và nên bắt đầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tin học có đam mê với kinh doanh.

Cách duy nhất để Page nới tay và cho phép một lớp quản lý tồn tại giữa anh và các kỹ sư của Google là nếu những quản lý đó có gốc là dân kỹ sư. Rosenberg làm theo lời khuyên đó và nó đã có tác dụng. Ngay sau đó Google đã có một đội ngũ quản lý sản phẩm. Page lại có một bước lùi.

Trong thời gian làm việc tại Google, Rosenberg đã gặp mẹ của Larry Page. Khi Page đang đưa mẹ đi tham quan khuôn viên công ty.

"Ông ấy làm gì thế con?" Mẹ của Page hỏi về Rosenberg.

"Xem nào, lúc đầu con cũng không chắc," Page nói với bà. "Nhưng con đã biết rằng bây giờ ông ta là lý do khiến con đôi khi không có việc để làm."

Dần Nhạt Nhòa

Tất cả điều này để nói rằng Page chưa bao giờ ngừng xem xét, phê duyệt, và đóng góp cho những sản phẩm của Google. Cùng với Brin, Page kiểm soát đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Về cơ bản, anh là chủ sở hữu của Google. Và khi làm việc với các sản phẩm, anh có được niềm vui thú hơn nhiều so với việc đối nhân xử thế. Ngoài ra, anh cũng không thực sự làm tốt việc đó.

Trước khi Google tung ra Gmail vào năm 2004, tác giả của nó, Paul Buchheit, đã mang Gmail đến chỗ Page xin ý kiến. Khi Buchheit mở chương trình này trên máy tính của Page, anh đã nhăn mặt.

"Nó chạy quá chậm", Page nói.

Buchheit không đồng ý.

"Nó đang tải rất tốt mà", Buchheit nói.

Page khẳng định là không. Nó mất đến 600 mili giây để tải xong.

"Anh phán cứ như thánh vậy", Buchheit đáp. Nhưng khi trở lại văn phòng của mình, ông nhìn vào các bản ghi máy chủ. Gmail đã mất chính xác là 600 mili giây để tải xuống.

Page vẫn còn tiếng nói quyết định trong các sáng kiến ​​chiến lược lớn như lần bỏ thầu cho công nghệ trải phổ không dây (wireless spectrum) trị giá hàng tỷ đô la và lần mua lại trang web chia sẻ video YouTube với giá 1,65 tỷ USD trong năm 2006. Tuy nhiên, đối với nhân viên của Google, họ cảm thấy như Page đã không còn gắn bó với hoạt động quản lý hàng ngày của công ty.

Những lần Eric Schmidt tổ chức các cuộc họp lớn với đội ngũ cấp dưới trực tiếp của mình, được gọi là Ủy ban hoạt động (Operating Committe), hoặc OC, Page vẫn xuất hiện, nhưng anh sẽ mở máy làm việc trong suốt cuộc họp. Brin cũng vậy. Cả hai sẽ không tham gia cuộc họp cho đến khi Schmidt nhắc nhở, "Các cậu, bây giờ tôi cần các cậu chú ý một chút." Khi đó, Page hoặc Brin sẽ ngước lên và ngay lập tức đưa ra một quan điểm sắc sảo về vấn đề. Đặc trưng của Page là anh sẽ bày tỏ quan điểm của mình trong khi nhìn chằm chằm vào góc trống của căn phòng. Thỉnh thoảng, Page sẽ tích cực hơn, và khi đó Schmidt sẽ khéo léo ngừng anh lại bằng cách nói: "Chúng tôi nghe thấy anh nói rồi, Larry. Cảm ơn."

Trong một số vấn đề, ý kiến ​​của Page đã bị bỏ qua. Ví dụ, sau khi Google đã trở thành công ty quảng cáo thành công nhất trên mạng Internet, Page đi đến quyết định "phá hủy" ngành quảng cáo. Anh nghĩ rằng, đó rõ ràng là một hệ thống thiếu hiệu quả, có thể được thay thế hoàn toàn bởi công nghệ. Không chỉ công ty không tham gia chiến lược này, mà Schmidt và các giám đốc điều hành quảng cáo hàng đầu của ông, Tim Armstrong và Sheryl Sandberg, cố gắng hết sức để không công ty quảng cáo khách hàng quan trọng nào của Google biết đến những suy nghĩ này của Page.

Theo thời gian, Page đã dần coi trọng năng lực của Schmidt. Mục tiêu của anh là phát minh ra thứ khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn và được chứng kiến nó thành công trên thị trường. Công cụ tìm kiếm của Google chắc chắn đã làm được điều thứ nhất, và Schmidt đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng công ty để có thể thu lại lợi nhuận tài chính từ tầm nhìn của Page. Ông không giống những kẻ xấu đã dày vò cuộc sống của Nikola Tesla.

Càng hài lòng với Schmidt, Page càng rút về phía sau. Năm 2007, anh thấy rằng mình có quá nhiều cuộc họp. Anh định sẽ từ chối bớt những cuộc họp này, nhưng những giám đốc điều hành của Google, những người cần ý kiến của anh, đã tìm được một cách khác để giải quyết vấn đề này. Họ gửi lời mời họp đến thẳng trợ lý của anh để họ cập nhật vào lịch làm việc của Page. Vì thế, Page đã sa thải những trợ lý của mình. Điều này buộc những ai muốn gặp Page phải săn đón anh ở văn phòng. Trong tình huống này, những thiếu hụt trong giao tiếp xã hội vốn đã có từ lâu của Page đã có ích: Anh đã làm tốt việc đuổi những người khác đi bằng cái gật đầu thân thiện trong khi đang bước đi.

Anh cũng cảm thấy mệt mỏi với những cuộc phỏng vấn. Năm 2008, Page nói với nhóm truyền thông của Google rằng anh có thể dành cho họ tổng cộng tám tiếng trong cả năm đó. Chả có lý do gì để anh phải ra nói chuyện với thế giới bên ngoài?

Đó là lý do sự có mặt của Schmidt thật cần thiết.

Hãy theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện dài kỳ này tại đây: Phần 1, Phần 2,  Phần 3Phần 4,  Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9