Chuyện Chưa Kể Về Sự Trở Lại Phi Thường Của Larry Page (Phần 4)

27/12/2014 - 23:45 7530     0

Đầu năm 1999, sự yêu thích của mọi người giành cho Google tăng lên một cách đột biến. Với số lượng người dùng tăng mạnh như vậy, công ty cần thêm vốn để đầu tư vào nhiều máy chủ hơn và đội ngũ nhân viên cần phải được phát triển hơn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Google vẫn chưa có lợi nhuận.

 

Khi bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư mới, Page đã đặt ra tôn chỉ: Ông và Brin sẽ giữ phần lớn các cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty để sau này có quyền kiểm soát Google. Lúc đầu, các nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon đã cười nhạo suy nghĩ này.

Google tiếp tục tăng trưởng, và tiếng cười của họ dần tắt. Chẳng bao lâu, hai công ty đầu tư mạo hiểm có tiếng nhất ở thung lũng Silicon, Kleiner Perkins và Sequoia Capital - đã đồng ý đầu tư với tổng giá trị là 25 triệu USD theo các điều khoản của Page.Tuy nhiên, các nhà đầu tư này cũng có giao kèo của riêng họ. Để đổi lại việc cho phép Page và Brin nắm giữ phần lớn cổ phần của Google, họ muốn Page, lúc bấy giờ 26 tuổi, phải từ chức CEO. Họ muốn anh phải thuê một "bảo mẫu".

Theo lời kể của Steven Levy, John Doerr, đối tác đến từ Kleiner Perkins, nói với Page rằng một CEO đẳng cấp thế giới sẽ "làm tốt hơn trong việc xây dựng một đội ngũ quản lý đẳng cấp thế giới." Page chấp nhận thỏa thuận bởi Google cần tiền. Tuy nhiên, vài tháng sau khi thỏa thuận đã xong xuôi, khi mà các nhà đầu tư không còn nước để rút lui, Page gọi cho Doerr và thông báo rằng anh và Brin đã thay đổi ý kiến.

"Chúng tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi tự mình có thể điều hành công ty", anh nói.

Có thể ban đầu Page đã nhất trí với Doerr rằng Google đang cần một CEO đẳng cấp thế giới nhưng rồi sau đó lại thay đổi ý kiến. Nhưng cũng có lẽ không phải vậy. Page luôn là người muốn kiểm soát mọi thứ. Một người bạn đại học nói với Levy rằng ngay cả hồi học tại Đại học Michigan, Page đã "hay thích kiểm soát mọi thứ và ngờ vực người khác" bởi "anh muốn chắc chắn rằng mọi việc được hoàn thành tốt và đúng hướng."

Năm 1998, Page và Brin quyết định đưa tất cả tám nhân viên của Google đi một chuyến dã ngoại trượt tuyết đên hồ Tahoe. Khi thuê một chiếc xe, họ phát hiện ra rằng mình có thể tiết kiệm được 2,50 USD mỗi ngày nếu chỉ thuê một lái xe duy nhất. Page đã tự làm việc này. Anh tự mình lái xe trong toàn bộ chuyến đi còn những người khác thì chơi những trò chơi toán học ở ghế sau.

Chả có gì là lạ, Douglas Edwards đã viết. "Larry sẽ không đặt cuộc sống của mình vào tay người khác."

Sự thật là, Page đã nghĩ rằng mình không cần đến sự giúp đỡ nào để điều hành Google - ít nhất sự giúp đỡ của Brin là đủ - và đó là những gì anh đã nói với các nhà đầu tư mới của mình. Doerr vô cùng tức giận. Đối với ông, rõ ràng Page chưa sẵn sàng để lãnh đạo một công ty lớn, và cách anh truyền đạt quan điểm của mình về vấn đề này không hề thỏa đáng.

Ông đề xuất Page nên gặp gỡ một loạt các CEO công nghệ lớn - Steve Jobs của Apple, Andy Grove của Intel, Jeff Bezos của Amazon - và hỏi xem công việc của họ như thế nào. Doerr nghĩ rằng Page sẽ hồi tâm chuyển ý sau khi gặp họ. Page đã vui vẻ nhận lời.

Sau các cuộc gặp gỡ, Page gọi cho Doerr và chia sẻ rằng anh đã bị thuyết phục rằng Google cần một CEO thật. Nhưng chỉ khi người CEO đó là Steve Jobs. Rõ ràng, điều này hoàn toàn bất ngờ - nhưng Doerr cũng đã hài lòng khi biết rằng Page đã cho rằng việc thuê ai đó giúp đỡ là điều đúng đắn. Họ bắt đầu cùng nhau hỏi các CEO khác. Doerr giới thiệu Page và Brin với CEO của Novell, Eric Schmidt.

Page đã thích thú với Schmidt. Không giống như hầu hết các giám đốc điều hành khác, Schmidt từng là một lập trình viên. Thực tế thì mấy năm trước, ông đã viết mã cho một công cụ phần mềm mà Google vẫn còn sử dụng. Brin thích Schmidt vì ông là một "Burner", người tham dự lễ hội Burning Man rực lửa được tổ chức hàng năm tại sa mạc Nevada.

Google đã thuê Schmidt. Ông gia nhập công ty trong vai trò Chủ tịch vào tháng Ba năm 2001 và trở thành CEO vào tháng Tám. Page chấp nhận điều này nhưng không hài lòng lắm. Anh lo ngại về vị trí của mình trong hệ thống thứ bậc mới - chức danh của anh sẽ là Giám đốc phụ trách sản phẩm - và thậm chí bắt đầu tự hỏi liệu anh sẽ trở thành người thừa đối với công ty do chính mình tạo ra.

Chính trong thời kỳ đầy ngờ vực này, vào tháng Bảy năm 2001, Page đã tiến hành đường lối tái cấu trúc sai lầm của mình ở Google, để rồi ngay lập tức chứng minh với hầu hết các nhà quan sát rằng Doerr đã hoàn toàn đúng. Cũng có thể còn một lý do khác cho hành động của Page: Việc loại bỏ những người quản lý sẽ khiến cho Schmidt không nắm được tình hình, đối với Page có vẻ đây là cách để anh duy trì sự kiểm soát của mình.

"Việc làm của Page có thể là điều đáng buồn nhất từ trước đến giờ ở Google - ít nhất là trong kỹ thuật", cựu kỹ sư của Google, người phát minh ra Gmail Paul Buchheit chia sẻ với Edwards. "Mọi người đều cảm thấy rằng mình là một phần của công ty, rằng đây là một gia đình lớn luôn vui vẻ. Đùng một cái, một số bạn bè của bạn bị đuổi ra khỏi ngôi nhà đó. Bạn sẽ nghĩ, ‘Đây không phải những gì tôi mong đợi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta sẽ cùng ở bên nhau.’"

Google đã đi một chặng đường dài dưới sự dẫn dắt của Page. Nhưng một cách âm thầm, những nhân viên của Google đã vui mừng khi giờ đây có một người điều hành khéo léo, thấu hiểu cảm xúc của họ hơn.

 

Hãy theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện dài kỳ này tại đây: Phần 1, Phần 2Phần 3,  Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9