Mọi người đều biết đến câu chuyện của Steve Jobs - về việc ông đã bị sa thải bởi chính công ty mình lập ra, Apple, và rồi sau hàng chục năm "đầy ải", ông trở lại để cứu công ty này.
Có một điều ít ai hiểu đó là Ban quản trị và các nhà đầu tư của Apple đã hoàn toàn đúng khi sa thải Jobs. Trong những năm đầu sự nghiệp, ông là người nóng nảy, xấu tính, và phá hoại. Chỉ bằng cách chịu nhún mình khi rời bỏ Apple, và tìm kiếm thành công thứ hai (với Pixar), ông mới có thể đạt được độ chín trong vai trò người lãnh đạo, và trở lại Apple để phát triển nó thành công ty có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Larry Page là Steve Jobs của Google. Giống như Jobs, Page có một người đồng sáng lập Sergey Brin, nhưng Page luôn là người có tầm nhìn thực sự và chèo lái công ty. Và cũng giống như các nhà đầu tư của Apple đã "đá" Jobs ra khỏi công ty, các nhà đầu tư của Google không ngó ngàng đến những nguyện vọng của Page và buộc ông phải thuê một giám đốc điều hành để canh chừng ông.
Cả Page và Jobs khi đó đã trải qua một thời gian dài trong sự xa cách mọi người. Sự xua đuổi dành cho Steve Jobs còn gay gắt hơn, và trong nhiều năm, ngày qua ngày, Page càng tách biệt khỏi thế giới của Google. Cũng như Jobs, chỉ sau khi trải qua sự cô lập dài này mà Page đã có thể chín chắn trong việc tự ý thức thế mạnh và điểm yếu của mình.
Sau đó, giống như Jobs, Page đã trở lại với những tham vọng điên cuồng và quyết tâm mới.
Vào một đêm lạnh lẽo với bầu trời quang đãng ngày 7 tháng 1 năm 1943, Nikola Tesla lặng lẽ ngủ trong phòng của mình tại khách sạn New York, nằm ở tầng 33 bên trên những con phố của Manhattan. Đột nhiên, ngực của ông đau nhói. Và rồi trái tim ông ngừng đập.Một ngày sau đó, người hầu phòng của khách sạn quyết định mặc kệ tấm biển "Không làm phiền" trên cửa phòng Tesla và vào phòng của ông. Cô đã phát hiện ra thi thể. Nhà phát minh vĩ đại đã qua đời.
Là một người nhập cư gốc Serbia sinh năm 1856, Tesla đã phát minh ra cách thức sản xuất điện năng mà ngày nay cả thế giới vẫn còn sử dụng. Ông cũng đã hình dung và tạo ra truyền thông không dây. Tuy nhiên, ông đã qua đời sau khi dành những năm tháng cuối cùng của mình nhặt nhạy từng đồng tiền lương hưu và nuôi chim bồ câu. Còn với những tầm nhìn táo bạo mới nhất của mình, ông đã không thể thuyết phục để người ta đầu tư. Ông đã chết với niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể phát minh ra một loại vũ khí giúp kết thúc mọi cuộc chiến tranh, cách thức truyền tải năng lượng không dây xuyên đại dương, và kế hoạch khai thác năng lượng từ vũ trụ. Ông qua đời trong sự cô đơn và những khoản nợ chồng chất.
Tesla là một con người kiệt xuất. Ông nói được tám thứ tiếng và có khả năng ghi nhớ thông qua hình ảnh. Những phát minh sẽ hiện lên toàn vẹn trong tâm trí của ông. Nhưng ông lại rất tệ trong kinh doanh.
Năm 1885, Tesla nói với Thomas Edison, ông chủ của mình, rằng ông có thể cải thiện động cơ và máy phát điện của Edison. Edison đáp, "Có 50.000 USD cho anh nếu anh làm được điều đó" Tesla đã làm được những gì ông hứa hẹn, nhưng ngược lại Edison chỉ tăng lương cho ông thêm 10 USD.
Tesla bỏ việc và tự thành lập công ty của riêng mình, có tên là Tesla Electric Light & Manufacturing. Nhưng không lâu sau đó, ông bất đồng quan điểm với các nhà đầu tư của mình về phương hướng phát triển công ty. Họ sa thải ông, và ông bị buộc phải làm những công việc chân tay trong suốt một năm.
Năm 1900, ông thuyết phục được JPMorgan đầu tư 150.000 USD vào một công ty khác. Số tiền này đã hết sạch sau một năm. Tesla dành quãng đời còn lại của mình để xin thêm tiền từ JPMorgan. Nhưng ông không bao giờ có được thứ mình muốn.
Sau khi Tesla qua đời, vào năm 1944, nhà báo John Joseph O'Neill của tờ New York Herald Tribune đã viết một cuốn tiểu sử về người bạn của mình, Nikola Tesla.
"Trong ba mươi năm cuối cùng của cuộc đời mình, rất có thể rằng trong số hàng chục ngàn người đã nhìn thấy ông, không một ai nhận ra ông," cuốn tiểu sử "Prodigal Genius: The Life of Nikola Tesla," đã kết luận như vậy.
"Ngay cả khi các tờ báo, mỗi năm một lần, đồng loạt bất ngờ có những bài viết về Tesla và dự báo mới nhất của ông liên quan đến những thành tựu khoa học trong tương lai, cũng không ai liên tưởng cái tên đó với hình ảnh người đàn ông cao quá khổ, gầy gò, mặc quần áo lỗi thời, người hầu như ngày nào cũng cho người bạn lông vũ của mình ăn."
"Ông ấy là một trong những cá nhân kỳ lạ mà trong tổng dân số đông đảo của một đô thị lớn, những con người như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay"
Bốn mươi mốt năm sau khi những lời này được công bố, năm 1985, một cậu bé 12 tuổi ở Michigan đã bật khóc sau khi đọc xong cuốn tiểu sử về Tesla. Đó chính là Larry Page.
Là con trai của hai giáo sư tin học tại Đại học bang Michigan, Larry lớn lên trong một ngôi nhà lộn xộn. Máy tính, thiết bị, và tạp chí công nghệ có ở khắp nơi trong nhà. Môi trường đó - cùng với sự quan tâm của bố mẹ Page - đã nuôi dưỡng óc sáng tạo và tài sáng chế trong con người anh. Khi đó, Page nhận ra rằng sẽ là không đủ nếu chỉ có hình dung về một tương lai công nghệ sáng tạo. Những ý tưởng lớn là không đủ. Chúng cần được thương mại hóa. Nếu Page muốn trở thành một nhà phát minh, anh cũng sẽ phải thành công trong việc xây dựng một công ty.
Câu chuyện của Tesla cũng dạy Page phải coi chừng những Thomas Edison của cuộc đời - những kẻ lợi dụng bạn và dùng ước mơ của bạn để làm lợi cho bản thân họ.
Hãy theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện dài kỳ này tại đây: Phần 1, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6, Phần 7, Phần 8, Phần 9