Chiến Lược Quản Lý Bị Động Và Chủ Động

27/10/2014 - 18:40 13081     0

Trong hầu hết các hoạt động kinh tế, chất lượng quản lý là chìa khóa dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ đầu tư tương hỗ cũng không là ngoại lệ.

Bài viết sẽ tập trung vào hai phẩm chất quan trọng trong quản lý quỹ: thâm niên và cơ cấu. Tuy nhiên, cần chú ý rằng cách thức đầu tư, sự tăng trưởng, hồ sơ rủi ro và lợi nhuận, hoạt động giao dịch, chi phí và hiệu suất đều là sản phẩm của các nỗ lực quản lý. Việc quản lý có ảnh hưởng ra sao tới các lĩnh vực kể trên cần được các nhà đầu tư quỹ tương hỗ cân nhắc kỹ lưỡng.

Quỹ tương hỗ

Quỹ quản lý chủ động và quỹ chỉ số

Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt giữa quỹ tương hỗ được quản lý chủ động và quỹ tương hỗ chỉ số. Trong khi quỹ quản lý chủ động thường được duy trì bởi một hoặc nhiều nhà quản lý, quỹ chỉ số chỉ được quản lí thụ động với các danh mục đầu tư phản ánh các bộ phận cấu thành một chỉ số thị trường. Ví dụ, quỹ chỉ số nổi tiếng Vanguard 500 được đầu tư vào 500 cổ phiếu của Standard & Poor's 500 Index trên cơ sở vốn hóa thị trường.

Trong hai loại quỹ kể trên, quỹ nào ưu việt hơn? Trên thực tế, mỗi quỹ đều có những khía cạnh tích cực riêng của mình. Trước hết, hãy cùng xem xét quỹ chỉ số.

Quỹ tương hỗ chỉ số

Quỹ tương hỗ chỉ số là một phương thức đầu tư đơn giản và tương đối an toàn khi đầu tư vào nhiều phân khúc thị trường. Các quỹ này thường được sử dụng bởi những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc các tổ chức đầu tư lành nghề với các danh mục đầu tư lớn. Đầu tư theo chỉ số (indexing) còn được ví von như việc sử dụng chế độ lái tự động trên máy bay. Hình ảnh trên hàm ý các quỹ chỉ số sẽ cung cấp thêm một lựa chọn cho nhà đầu tư, giống như việc có thêm chế độ lái tự động bên cạnh chế độ điều khiển bằng tay khi lái máy bay.

Quỹ chỉ số hoạt động như sau: Dòng tiền đi vào quỹ chỉ số sẽ được tự động đầu tư vào các cổ phiếu hoặc trái phiếu tương ứng với phần trăm vốn hóa thị trường của chúng trong chỉ số. Chẳng hạn, nếu cổ phiếu của IBM chiếm 1.7% chỉ số S&P 500 thì với mỗi 100$ đầu tư vào quỹ Vanguard 500, 1.7$ sẽ được đầu tư vào cổ phiếu này.

David Swensen, một chuyên gia đầu tư, tác giả của nhiều cuốn sách và là cựu giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư trường đại học Yale, là một ví dụ điển hình cho việc đầu tư theo chỉ số. Trong cuốn sách "Unconventional Success" xuất bản năm 2005 của mình, ông viết: "Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đều thiếu các kiến thức chuyên môn cần thiết để thành công trong thị trường đầu tư cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Do vậy, các quỹ chỉ số bị động là sự lựa chọn phù hợp nhất cho các nhà đầu tư này."

Swensen, và nhiều chuyên gia đầu tư rất thành công khác, cho rằng đầu tư theo chỉ số là rất hấp dẫn bởi những lý do sau:

  • Tính đơn giản. Các quỹ đầu tư theo các chỉ số lớn trên thị trường làm cho việc phân bố và đa dang hóa tài sản dễ dàng hơn.
  • Chất lượng quản lý. Tính chất thụ động của đầu tư theo chỉ số giúp loại bỏ các sai lầm do các nhà quản lí gây ra như trong quỹ tương hỗ quản lí chủ động.
  • Chi phí danh mục đầu tư thấp. Đầu tư theo chỉ số yêu cầu giao dịch ít chứng khoán, do đó làm giảm chi phí thuế và các chi phí khác.
  • Chi phí vận hành thấp. Đầu tư theo chỉ số ít tốn kém hơn rất nhiều so với quản lý quỹ chủ động.
  • Khối lượng tài sản. Kích thước danh mục đầu tư không phải là mối lo ngại đối với quỹ đầu tư chỉ số.
  • Hiệu suất. Hiệu quả đầu tư của các quỹ chỉ số vượt trội hơn hẳn so với các quỹ đầu tư quản lí chủ động nếu xét về lâu về dài

Quỹ tương hỗ quản lí chủ động

Các quỹ tương hộ quản lí chủ động hoạt động tốt với kết quả kinh doanh vượt qua các quỹ cạnh tranh cùng loại cũng là cơ hội đầu tư tuyệt vời. Có rất nhiều nhà quản lí quỹ cao cấp liên tục mang hiệu suất đầu tư rất cao cho quỹ mà họ điều hành. Những quỹ này thường đạt được điểm rất cao trong Phiếu điểm về chất lượng đầu tư của quỹ tương hỗ và bạn sẽ nghiên cứu phiếu điểm này trong những trang tới.

Tuy nhiên cần phải ghi nhớ rằng cho dù là các nhà quản lí quỹ giỏi nhất với kết quả kinh doanh ấn tượng trong nhiều năm thì cũng có lúc họ gặp khó khăn. Dù vậy, điều này thường hiếm khi xảy ra, nên ít khi người ta rời bỏ một quỹ được điều hành bởi một nhà quản lí tài năng. Thông thường, các nhà quản lí rất trung thành với chiến lược đầu tư của họ mà ít khi thử nghiệm các chiến thuật nhằm cải thiện lợi nhuận ngắn hạn. Quan điểm này phục vụ tốt nhất lợi ích lâu dài của các nhà đầu tư vào quỹ tương hỗ. 

Trong một vài năm trở lại đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý quỹ đầu tư đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn từ dư luận, báo chí, như: cổ phần của giám đốc trong quỹ mà họ quản lí, chi phí hoạt động và thành phần của hội đồng quản trị của quỹ đầu tư. 

Mặc dù ý kiến tranh luận về các vấn đề kể trên là rất quan trọng tuy nhiên vẫn chưa có một chuẩn mực quản lí nào được tán thành rộng rãi.

Kết hợp lợi ích cổ đông và nhà quản lí, tức là yêu cầu các nhà quản lí đầu tư vào chính quỹ mà mình điều hành, dường như là một ý tưởng rất thú vị và hấp dẫn. Tương tự, ý tưởng trả thưởng cho các giám đốc dựa trên kết quả đầu tư chứ không dựa trên phần trăm khối lượng tài sản của quỹ cũng là một ý tưởng không tồi. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều ý kiến trái triều về hai ý tưởng trên. Ý kiến ít gây tranh cãi hơn đó là việc đại đa số các thành viên của hội đồng quản trị đều độc lập và không liên quan đến việc quản lí quỹ. Mặc dù vậy vẫn có những quan điểm trái ngược xung quanh vấn đề này. Chính những tranh luận trên lại là tin tốt cho các nhà đầu tư bởi chúng thu hút sự chú ý của công chúng cũng như các cơ quan lập pháp về việc thiết lập một chuẩn mực quản lí trong các quỹ đầu tư.


Saga App

Saga App