Chi Tiêu Hợp Lý Giúp Bạn Tận Hưởng Cuộc Sống

08/09/2014 - 17:31 12002     0

Tôi đã từng “Nợ như chúa Chổm” trong một khoảng thời gian hơn mười năm. Dù cho lương tháng của tôi không hề thấp so với mặt bằng chung ( khoảng $40,000 một năm) nhưng lúc nào tôi cũng chật vật, túng thiếu, và dường như không thể nào khấm khá lên được.

Ở thời điểm đó, tôi đã không thể cưỡng lại những cám dỗ của sở thích. Dù tôi biết mình sẽ túng thiếu và nợ nần nhưng vẫn không thể dừng việc mua quần áo, tạp chí, đĩa CD và rất nhiều những thứ khác nữa cốt chỉ nuông chiều sự ham muốn của bản thân.

May mắn là cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn, tôi đã nhận ra được vấn đề của bản thân. Tôi bắt đầu đọc sách dạy cách quản lý tài chính cá nhân, và tiếp nhận dần dần những nguyên tắc cơ bản của chi tiêu tiết kiệm. Áp dụng các phương pháp nói trên, tôi đã bắt đầu biết thế nào là chi tiêu dè xẻn.

Lối chi tiêu hợp lý và đầy mới mẻ này chính xác là điều tôi đang cần. Chi tiêu theo cách này giúp tôi dần dần trả được nợ và trở nên dư giả hơn. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã có tài khoản tiết kiệm cũng như một quỹ dự phòng với một số dư khá lớn. Nhưng điều tuyệt vời nhất chính là mỗi năm tôi đã để dành được nhiều hơn cho quỹ hưu trí của mình. 

Cái gì quá cũng không tốt

Liều thuốc chi tiêu tiết kiệm cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Việc thay đổi quá mạnh mẽ từ lối sống chi tiêu lãng phí sang một lối sống dè xẻn từng đồng không giúp tôi trở thành một nhà tiêu dùng thông thái.

Một người bạn đã giúp tôi nhận ra rằng tôi vẫn gặp vấn đề trong cách chi tiêu của bản thân. Với tôi, mọi thứ bỗng trở nên vô cùng đắt đỏ từ một chiếc vé xem phim, một chai sữa đến một tách sô cô la nóng hàng ngày. "Không phải bạn đang tiết kiệm, mà bạn đang rẻ rúng chính mình”, một người bạn của tôi góp ý.

Lời nhận xét đó chính là một hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở rằng tôi vẫn đang gặp khó khăn với cách chi tiêu của mình.

Điều tôi cần nhất bây giờ là hiểu được thế nào là chi tiêu hợp lý. Tiết kiệm là cần thiết tuy nhiên tiết kiệm quá mức lại dẫn tới những tác động tiêu cực. Việc mua sắm cho bản thân chỉ hợp lý nếu bạn đủ khả năng để chi trả cho món hàng bạn mua. Hãy chi tiêu hợp lý để tiền bạc mang lại niềm vui chứ không phải là các khoản nợ sau khi mua sắm.

Công thức cân đối chi tiêu hợp lý

Phương pháp cân đối chi tiêu dưới đây là công thức tôi rất tâm đắc được giới thiệu bởi Elizabeth Warren và Amelia Tyagi trong cuốn sách: All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan (tạm dịch: Tất cả những gì bạn cần: Kế hoạch tài chính thông minh)

Bạn có thể thấy rằng, một khi tài chính cá nhân được cân đối hợp lý thì bạn có thể đáp ứng được nhiều hơn các nhu cầu cá nhân. Ý tưởng nghe có vẻ đơn giản này đã khai sáng cho tôi rất nhiều trong việc quản lý chi tiêu cá nhân: Không tiêu phung phí nhưng cũng không chi dè xẻn.

Điểm nhanh: Công thức cân đối chi tiêu được tính toán bằng thu nhập sau thuế. Công thức này chỉ ra rằng "không dành quá 50% thu nhập cho nhu cầu và 30% cho những thứ bạn muốn" (không khuyến khích nhu cầu và mong muốn của bạn tỉ lệ thuận với thu nhập), và "ít nhất dành 20% thu nhập cho tiết kiệm” (trong đó bao gồm trả nợ, quỹ dự phòng, và quỹ tiết kiệm hưu trí).

Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn từ khi áp dụng Công thức Cân đối Chi tiêu. Chỉ cần dành đủ tiền cho các các nhu cầu cần thiết cũng như quỹ tiết kiệm, tôi có thể chi tiêu thoải mái cho những mong muốn cá nhân. Tôi nhận ra rằng: mặc dù vẫn cần tiết kiệm hàng ngày, nhưng không vấn đề gì nếu tôi tự thưởng cho mình một khoản chi nho nhỏ - một cốc sô cô la nóng chẳng hạn.

Tìm kiếm sự cân bằng

Để có được sự cân bằng, bạn cần hiều rõ chính bản thân bạn. Theo tôi đó là một quá trình gồm ba bước:

  1. Biết điều gì khiến bạn hạnh phúc. Bạn hãy thẳng thắn tự vấn bản thân rằng: "Điều gì mang lại ý nghĩa và niềm vui cho cuộc sống?” để tìm xem có cách nào biến cuộc sống hiện tại của bạn trở nên vui vẻ và bớt nhàm chán không?
  2. Tập trung vào các mục tiêu cá nhân. Xây dựng mục tiêu cá nhân dựa trên những điều làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Nếu bạn thích âm nhạc, có lẽ một trong những mục tiêu của bạn là học chơi guitar. Nếu bạn muốn thay đổi nghề nghiệp, mục tiêu của bạn có thể là trau dồi thêm kiến thức. Hãy tập trung vào những mục tiêu chính, và bỏ qua cả những điều không liên quan.
  3. Tìm kiếm sự cân bằng. Hãy luôn theo đuổi mục tiêu của mình nhưng đừng lơ là việc quản lý tài chính. Làm việc chăm chỉ nhưng đừng quên tận hưởng cuộc sống.

Biết cách cân đối chi tiêu không chỉ giúp bạn quản lý tiền bạc hợp lý mà còn mang lại một ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống. Bạn biết đấy, không ai phủ nhận tầm quan trọng của đồng tiền, nhưng nó không phải là tất cả, bởi tiền là phương tiện đưa ta đến đích, không phải là cái đích mà ta nhắm tới.

Hẳn chúng ta đều có lúc cảm thấy bản thân chới với trong cuộc đời này. Khi phải nếm trải cảm giác mất cân bằng ấy, điều quan trọng là bạn phải dám thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào? Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng sự thay đổi hiệu quả nhất là những bước thay đổi nhỏ và dần dần theo thời gian. Đó là cách giúp bạn đạt được thành công thực sự và lâu bền.