Kinh tế vi mô là gì?
Kinh tế vi mô tập trung vào vai trò của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nền kinh tế, cụ thể là vào cách thức đưa ra quyết định của hai đối tượng này. Những quyết định này bao gồm thời điểm một người tiêu dùng mua một sản phẩm, mức giá của sản phẩm đấy, hoặc cách một doanh nghiệp định giá cho sản phẩm của mình.Và đương nhiên kinh tế vi mô thì khác với kinh tế vĩ mô, bởi vì kinh tế vi mô xem xét những đơn vị nhỏ trong một nền kinh tế tổng thể còn kinh tế vĩ mô thì lại tập trung chủ yếu vào các tác động của lãi suất, việc làm, sản lượng và tỷ giá hối đoái đến chính phủ và các nền kinh tế như một chỉnh thể. Nhưng điểm chung của cả hai đều là xem xét những ảnh hưởng của các hoạt động về mặt cung và cầu.
Kinh tế vi mô được chia thành các nguyên lý cơ bản sau:
Cá nhân đưa ra quyết định dựa trên khái niệm về lợi ích (utility). Nói cách khác, quyết định mà một cá nhân đưa ra là nhằm gia tăng sự thỏa mãn của cá nhân đó. Khái niệm này được gọi là hành vi lý trí (rational behavior) hoặc ra quyết định lý trí (rational decision-making).
Các doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên sự cạnh tranh mà họ phải đối mặt trên thị trường. Càng đối mặt với nhiều sự cạnh tranh thì càng ít lựa chọn khi định giá.
Cả cá nhân và người tiêu dùng đều quan tâm đến chi phí cơ hội (opportunity cost) khi đưa ra quyết định của mình.
Tổng lợi ích và Lợi ích Cận biên
Vấn đề cốt lõi trong cách thức người tiêu dùng đưa ra quyết định nằm ở khái niệm lợi ích cá nhân, hay được biết đến là độ thỏa dụng. Nếu người tiêu dùng cảm thấy mình nhận được càng nhiều lợi ích từ một sản phẩm, thì họ càng muốn mua sản phẩm đó. Người tiêu dùng thường phân chia các mức lợi ích khác nhau cho các sản phẩm khác nhau, điều này cũng tạo ra các mức cầu khác nhau. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn mua bất kỳ số lượng hàng hoá nào, do đó, việc phân tích lợi ích thường chú ý tới lợi ích cận biên, nó thể hiện sự hài lòng tăng lên khi một đơn vị hàng hóa được thêm vào. Tổng lợi ích (total utility) chính là toàn bộ sự thỏa mãn mà việc tiêu dùng một sản phẩm mang đến cho người tiêu dùng.
Việc tính toán lợi ích không hề đơn giản và thậm chí còn khó khăn hơn khi tổng hợp lại để lý giải hành vi của tất cả người tiêu dùng. Xét cho cùng, mỗi người tiêu dùng lại cảm nhận khác nhau về một sản phẩm cụ thể nào đó. Hãy thử xem ví dụ sau đây:
Hãy thử nghĩ về một món mà bạn rất muốn ăn, chẳng hạn như bánh pizza. Bạn có thể thực sự cảm thất rất thỏa mãn khi ăn hết lát bánh đầu tiên, tuy nhiên khi ăn đến lát thứ 7 thì chắc chắn là bạn không còn cảm thấy nó ngon như trước nữa. Trong trường hợp này, có thể nói rằng sự thỏa mãn (lợi ích) mà bạn nhận được khi ăn lát pizza thứ bảy thấp hơn rất nhiều so với lát bánh đầu tiên. Giả dụ giá trị của việc ăn lát pizza đầu tiên là 14 (một con số bất kỳ để minh hoạ). Hình 1 dưới đây cho thấy với mỗi lát pizza bạn ăn thêm, tổng lợi ích cũng tăng theo bởi vì bạn sẽ cảm thấy đỡ đói hơn khi ăn nhiều hơn. Đồng thời, bởi vì mức độ đói giảm dần theo từng lát bánh bạn ăn thêm, nên lợi ích cận biên tức là mức độ thỏa mãn với mỗi lát bánh ăn thêm - cũng sẽ giảm đi.
Ở dạng đồ thị, hình 2 và 3 sẽ trông giống như sau:
Hình 2
Hình 3
Hiện tượng giảm dần mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng sau khi sử dụng thêm mỗi đơn vị hàng hóa được gọi là Quy luật lợi ích cận biên giảm dần (law of diminishing marginal utility). Mặc dù theo những định nghĩa khắt khé nhất thì quy luật lợi ích cận biên giảm dần không thực sự là một quy luật (vì vẫn có ngoại lệ), nhưng nó giúp minh họa cách sử dụng đồng tiền của một người tiêu dùng. Ví dụ, nếu bạn phải lựa chọn hoặc mua thêm pizza hoặc mua một lon soda, thì bạn có thể sẽ quyết định từ bỏ một lát pizza và đổi lấy soda để uống. Cũng giống như khi dựng biểu đồ về giá trị của mỗi lát bánh pizza thì bạn cũng hoàn toàn có thể dùng biểu đồ để mô tả giá trị của sự kết hợp cả soda và bánh pizza. Nếu có thể vẽ biểu đồ này trên một trục tọa độ, bạn sẽ có một đường bàng quan (indifference curve), ở đó mô tả các mức thỏa mãn tương đương mà người tiêu dùng nhận được khi kết hợp nhiều hàng hoá khác nhau. Hình 4 cho thấy sự kết hợp của soda và bánh pizza đem lại sự thỏa mãn ngang bằng nhau.
Hình 4
Chi phí cơ hội
Khi người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp quyết định mua hay sản xuất hàng hóa cụ thể nào đó, chính họ cũng đang đưa ra quyết đinh về chi phí mua hay sản xuất một hàng hóa khác. Đây được gọi là chi phí cơ hội. Nếu một cá nhân quyết định sử dụng một tháng lương cho một kỳ nghỉ thay vì tiết kiệm, lợi ích ngay lập tức chính là kỳ nghỉ trên một bờ biển đầy cát, nhưng chi phí cơ hội là khoản tiền có thể sinh lãi trong tài khoản ngân hàng, cũng như những việc bạn có thể làm với khoản tiền đó trong tương lai.
Trong quá trình minh họa ảnh hưởng của chi phí cơ hội đến việc đưa ra quyết định, các nhà kinh tế đã sử dụng một đồ thị gọi là Đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF). Hình 5 thể hiện sự kết hợp của hai loại hàng hóa mà một doanh nghiệp hoặc nền kinh tế có thể sản xuất. Một số điểm phía trong đường cong (như điểm A) được coi là không hiệu quả bởi vì không đạt được sự kết hợp tối đa của hai hàng hóa, trong khi điểm bên ngoài của đường cong (như điểm B) không thể tồn tại vì chúng yêu cầu mức độ hiệu quả cao hơn so với những gì khả năng hiện tại có. Các điểm bên ngoài đường cong chỉ có thể đạt được bởi sự gia tăng tài nguyên hoặc cải tiến công nghệ. Đường cong đại diện cho mức hiệu quả tối đa.
Hình 5
Biểu đồ này thể hiện số lượng của 2 sản phẩm khác nhau mà một doanh nghiệp có thể sản xuất ra, nhưng thay vì luôn luôn tìm cách sản xuất dọc theo đường cong đó, một doanh nghiệp có thể chọn cách sản xuất trong phạm vi ranh giới của đường cong. Quyết định của doanh nghiệp khi sản xuất ít hơn so với mức hiệu quả được quyết định bởi nhu cầu cho hai loại hàng hoá. Nếu nhu cầu đối với hàng hóa thấp hơn mức sản xuất hiệu quả thì doanh nghiệp có nhiều khả năng phải hạn chế sản xuất. Quyết định này cũng bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Một ví dụ phổ biến của PPF trong thực tế là mô hình "súng và bơ" (guns and butter), ở đó chỉ ra sự kết hợp giữa việc chi tiêu quốc phòng và chi tiêu dân sự mà một chính phủ có thể hỗ trợ. Mặc dù bản thân mô hình này đơn giản hóa các mối quan hệ phức tạp giữa chính trị và kinh tế, nhưng ý tưởng chung là nếu chính phủ chi tiêu cho quốc phòng càng nhiều, thì chi tiêu cho các mặt hàng dân sự càng ít đi.
Thất bại thị trường và sự cạnh tranh
Mặc dù thuật ngữ "Thất bại thì trường" (market failure) có thể gợi lên hình ảnh của nạn thất nghiệp, hay một cuộc suy thoái kinh tế quy mô lớn, nhưng ý nghĩa của nó thì hoàn toán khác. Thất bại thị trường xảy ra khi nền kinh tế không có khả năng phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, dư thừa hoặc mất cân bằng nói chung giữa cung và cầu. Thông thường, thất bại thị trường liên quan tới vai trò của cạnh tranh trong việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ, nhưng nó cũng có thể phát sinh từ tình trạng thông tin bất đối xứng hoặc từ việc đánh gia sai sự ảnh hưởng của một hành động cụ thể nào đó (gọi tắt là yếu tố ngoại sinh).
Mức độ cạnh tranh mà một doanh nghiệp phải đối mặt trong thị trường, cũng như tác động của nó đến giá tiêu dùng, là một khái niệm được nhắc đến rộng rãi. Và sau đây là bốn mức độ cạnh tranh chính:
Cạnh tranh hoàn hảo (perfect competition): Đặc trưng là có rất nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất một loại hàng hóa với rất nhiều người mua trên thị trường. Bởi có rất nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất một loại hàng hóa, nên có ít sự khác biệt giữa các sản phẩm, và từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể ảnh hưởng đến giá bởi vì họ có thị phần thấp. Và sẽ có rất ít rào cản khi tham gia thị trường này.
Cạnh tranh độc quyền (monopolistic competition). Đặc trưng là có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất một loại hàng hóa, nhưng các doanh nghiệp này đó có khả năng khác biệt hóa sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cũng có ít rào cản khi thâm nhập thị trường này.
Độc quyền nhóm (oligology). Đặc trưng là có tương đối ít doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng, và mỗi doanh nghiệp lại có khả năng làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Rào cản để thâm nhập thị trường này là tương đối cao.
Độc quyền (monopoly). Đặc trưng là một doanh nghiệp kiểm soát toàn bộ thị trường. Các rào cản thâm nhập thị trường là rất cao bởi doanh nghiệp đó kiểm soát toàn bộ thị phần.
Một doanh nghiệp sẽ định giá sản phẩm của mình theo mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, và lợi nhuận của doanh nghiệp được định đoạt dựa trên cách doanh nghiệp cân bằng giữa chi phí với doanh thu. Mức độ cạnh tranh trong ngành càng cao thì các doanh nghiệp riêng lẻ sẽ càng có ít lựa chọn khi định giá cho sản phẩm của mình.
Kết luận
Chúng ta có thể phân tích nền kinh tế bằng cách xem xét cách mà quyết định của các cá nhân và doanh nghiệp tác động đến loại hàng hóa được sản xuất. Trên hết, chính phân đoạn nhỏ nhất của thị trường - người tiêu dùng - mới là những người quyết định hướng đi của nền kinh tế bằng cách đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với chi phí và lợi ích của họ.