Nghiên cứu từ khóa là gì?
Trước khi đi vào giải thích quá trình nghiên cứu từ khóa, hãy cùng làm sáng tỏ các khái niệm quan trọng nhất liên quan đến công việc này.
Nghiên cứu từ khóa (keyword research) có thể được định nghĩa là công việc đưa ra danh sách (mở rộng) các từ khóa mà bạn muốn xếp hạng cao.
Chiến lược từ khóa (keyword strategy) là chủ đề về các quyết định mà bạn thực hiện trên cơ sở nghiên cứu từ khóa đó.
Cụm từ khóa (Keyphrases) là những từ khóa chứa nhiều từ. Chúng ta luôn có xu hướng sử dụng từ khóa không nhất thiết là chỉ sử dụng một từ. [SEO Google] là một từ khóa, [Công cụ SEO tốt nhất] cũng là từ khóa. Từ khóa thường bao gồm nhiều từ! Vì vậy, trong bí kíp này, khi tôi nói về từ khóa thì nó thường có nghĩa là một cụm từ, chứ không phải là một từ đơn lẻ duy nhất. Rất nhiều SEOer đang ngày càng sử dụng cụm từ khóa nhiều hơn và dần thay thế từ khóa trọng tâm bằng cụm từ khóa trọng tâm.
Từ khóa dài (long tail keyword) cụ thể hơn và ít phổ biến hơn vì chúng tập trung nhiều hơn vào một phạm vi hẹp hơn. Những từ khóa tìm kiếm càng dài hơn (và cụ thể) thì càng dễ dàng xếp hạng cao cho từ khóa đó. Những từ khóa cụ thể hơn (và thường cũng dài hơn) được gọi là long tail keyword (từ khóa dài).
Từ khóa trọng tâm (Focus keyphrase) là từ hoặc cụm từ bạn muốn trang của mình được tìm kiếm nhiều nhất.
Mục đích tìm kiếm (Search intent) là tất cả những thứ về việc khám phá ý định thật sự của người dùng đằng sau các truy vấn tìm kiếm. Nó không chỉ là những từ khóa, mà là những mục tiêu phía sau - những thứ người tìm kiếm muốn biết, muốn làm hoặc muốn mua.
Tại sao nghiên cứu từ khóa lại quan trọng?
Nghiên cứu để tìm ra những từ khóa thích hợp là điều rất quan trọng vì nó sẽ làm sáng tỏ những cụm từ tìm kiếm mà đối tượng của bạn thường sử dụng. Không hiếm trường hợp có những trang web thường sử dụng một bộ từ khóa để miêu tả sản phẩm, dịch vụ của mình trong khi đối tượng khách hàng của họ lại sử dụng những từ khóa hoàn toàn khác. Kết quả là các trang web này không tiếp cận được tới khách hàng tiềm năng do từ khóa của họ không khớp với từ khóa tìm kiếm của khách hàng.
Đôi khi bộ phận marketing quyết định đặt cho sản phẩm của họ một cái tên nhất định. Đó có thể là một quyết định marketing thông minh. Nó có thể là một cách để làm cho mọi người nhớ đến sản phẩm của bạn. Ví dụ: bạn không cho thuê nhà, bạn [cho thuê nhà ngoại ô]. Hãy lưu ý rằng lượng người tìm kiếm [cho thuê nhà ngoại ô] là ít hơn rất nhiều so với cho thuê nhà.
Nếu bạn tối ưu hóa tốt nội dung của mình cho các cụm từ này, bạn có thể giành được thứ hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận được nhiều lưu lượng truy cập với các cụm từ này và bạn cũng sẽ bỏ lỡ một phần lớn đối tượng tiềm năng.
Việc tối ưu hóa từ khóa chẳng có ý nghĩa gì cả nếu mọi người không sử dụng chúng. Nghiên cứu các từ khóa tốt sẽ đảm bảo rằng bạn sử dụng đúng từ khóa mà đối tượng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm. Điều này làm cho toàn bộ nỗ lực tối ưu hóa trang web của bạn trở nên đáng giá hơn nhiều. Ngoài ra, bằng cách xem xét mục đích tìm kiếm, bạn sẽ xác định được câu hỏi mà khách hàng của bạn đang muốn biết. Những câu hỏi đó sẽ nhận được câu trả lời dưới dạng nội dung chất lượng.
Cách thực hiện nghiên cứu từ khóa
Theo tôi, để tiến hành nghiên cứu từ khóa cần tối thiểu bốn bước sau. Trước tiên, bạn cần xác định sứ mệnh doanh nghiệp của mình là gì. Tiếp theo, tạo một danh sách tất cả từ khóa mà bạn muốn được người dùng tìm thấy. Sau đó, hãy xem xét mục đích tìm kiếm của người dùng và cuối cùng, tạo trang đích riêng cho từng từ khóa đó. Hướng dẫn tối thượng dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn chi tiết từng bước thực hiện.
SAGA.vn sẽ hướng dẫn bạn từng bước chi tiết thực hiện toàn bộ quá trình nghiên cứu từ khóa. Ngoài ra, tôi sẽ cung cấp cho bạn một số mẹo hữu ích để dễ dàng bắt đầu quá trình nghiên cứu từ khóa của riêng bạn.
Bước 1. Sứ mệnh của bạn là gì?
Trước khi bắt đầu bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ về sứ mệnh của bạn. Hãy suy nghĩ về các câu hỏi: Bạn là ai? Trang web của bạn là gì? Điều gì khiến bạn trở nên đặc biệt? Và bạn hứa hẹn những gì trên trang web của mình?
Rất nhiều người không thể đưa ra một trả lời hiệu quả cho những câu hỏi này ngay từ đầu. Bạn phải tìm ra những gì khiến bạn trở nên nổi bật so với đám đông. Vì vậy, hãy dành thời gian và viết ra sứ mệnh của bạn vào giấy, máy tính, iPad hoặc bất cứ chỗ nào có thể - miễn là bạn phải viết nó ra. Khi đã có câu trả lời chi tiết cho các câu hỏi này thì tức là bạn đã thực hiện được bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong chiến lược từ khóa của mình.
Bước 2. Tạo danh sách từ khóa
Bước thứ hai của quá trình nghiên cứu từ khóa chính là tạo danh sách từ khóa cho riêng bạn. Hãy theo sát sứ mệnh mục tiêu của bạn và cố gắng ghi dấu ấn trong tâm trí của khách hàng tiềm năng. Những đối tượng này sẽ tìm kiếm điều gì? Họ có thể sử dụng loại cụm từ tìm kiếm nào khi muốn tìm về sản phẩm, dịch vụ của bạn? Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này và viết ra càng nhiều câu trả lời càng tốt.
Nếu bạn có thể xác định rõ mục tiêu, bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng về đối tượng tiềm năng và lợi thế bán hàng độc đáo (unique selling point - USP) của mình - tức những lợi thế khiến bạn nổi bật hơn so với những người khác. Danh sách này sẽ bao gồm những từ khóa mà bạn muốn được tìm thấy.
Bước 3. Xem xét mục đích tìm kiếm
Phần lớn chiến lược SEO hiện nay đều nên xoay quanh việc trả lời các câu hỏi của người dùng. Bất cứ khi nào một người gõ vào thanh công cụ tìm kiếm, điều đó nghĩa là họ đang tìm câu trả lời cho một vấn đề nào đó. Mỗi loại câu hỏi đều cần một câu trả lời cụ thể.
Mục đích tìm kiếm phải gắn liền với lý do tại sao mọi người lại thực hiện một tìm kiếm cụ thể. Tại sao họ tìm kiếm? Có phải họ đang tìm kiếm vì họ có một câu hỏi và muốn có câu trả lời cho câu hỏi đó không? Họ đang tìm kiếm một trang web cụ thể ư? Hay họ đang tìm kiếm vì họ muốn mua thứ gì đó?
Đó là những câu bạn luôn phải tự hỏi mình khi lên kế hoạch content. Hãy xem xét 4 loại mục đích tìm kiếm sau đây của người dùng:
- Mục đích thông tin: Đúng như tên gọi, mọi người có thể đang tìm kiếm thông tin về một chủ đề cụ thể.
- Mục đích điều hướng: Mọi người muốn truy cập một trang web cụ thể bằng cách nhập từ khóa vào công cụ tìm kiếm.
- Mục đích thương mại: Mọi người muốn mua một sản phẩm gì đó và đang nghiên cứu trước khi mua hàng.
- Mục đích giao dịch: Mọi người đang tìm cách mua một sản phẩm gì đó sau khi đã thực hiện tìm kiếm với mục đích thương mại ở trên.
Tìm hiểu xem có thể áp dụng mục đích tìm kiếm nào cho trang web bạn và cố gắng trả lời những mục đích đó bằng cách cho mọi người những gì họ muốn.
Bước 4. Xây dựng các trang đích
Bước tiếp theo để hướng tới một chiến lược từ khóa dài hạn đó là tạo những trang đích (landing page) chất lượng. Trước kia, mọi từ khóa bạn nhắm mục tiêu đều phải có trang đích riêng. Tuy nhiên, ngày nay, các công cụ tìm kiếm đã trở nên “thông minh” hơn rất nhiều. Chúng chủ yếu sử dụng mục đích tìm kiếm của người dùng để cung cấp các câu trả lời tốt nhất. Trang web nào trả lời được các câu hỏi đó sẽ được xếp hạng cao hơn. Công cụ tìm kiếm cũng hiểu được sự khác biệt nhỏ giữa các từ khóa, do đó bạn không phải tạo trang đích cho tất cả các từ khóa không quá khác biệt. Bạn có thể chỉ cần tối ưu hóa một trang cho nhiều từ khóa, từ đồng nghĩa và các từ khóa có liên quan.
Tạo một cái nhìn tổng quan
Trang web của bạn nên được xây dựng theo một cấu trúc tốt nhất có thể. Sử dụng Các công cụ hỗ trợ như Excel hoặc Google Tài liệu/Trang tính là một cách hữu hiệu để thực hiện việc này. Hãy tạo một bảng rồi thêm danh sách từ khóa của bạn. Việc sử dụng bảng này sẽ buộc bạn phải thiết lập một trang đích có cấu trúc rõ ràng và từ khóa có liên quan. Đặt từ tìm kiếm vào cột đầu tiên và thêm các cột cho các cấp độ khác nhau của cấu trúc trang web của bạn.
Tạo trang đích (landing page)
Sau đó, bạn cần tạo trang đích cho từ khóa tìm kiếm của mình. Nhưng bạn không cần phải tạo tất cả các trang này ngay lập tức - đó có thể là một kế hoạch dài hạn.
Từ khóa tìm kiếm của bạn càng cụ thể, cấu trúc trang web của bạn càng sâu và càng có nhiều trang đích liên quan đến từ khóa. Các từ khóa quan trọng nhất phải dẫn đến các bài viết trọng tâm của bạn. Đây là những từ khóa mà bạn muốn chúng chắc chắn phải được xếp hạng cao. Để làm được điều này, hãy tạo nội dung tốt nhất có thể về từ khóa đó - có giá trị, đáng tin cậy và toàn diện, giống như hướng dẫn tối thượng mà bạn đang đọc đây. Tất cả các bài viết phụ trợ của bạn đều sẽ dẫn link tới nội dung trọng tâm này. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược internal link (liên kết nội bộ) mà bạn nên có.
Sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu từ khóa cho SEO, bạn nên có một cái nhìn tổng quan, rõ ràng về các từ khóa mà mọi người sử dụng và các từ khóa mà bạn muốn các trang trên website của bạn được tìm thấy. Cái nhìn tổng quan này sẽ cho bạn định hướng để viết nội dung trên website.
Chiến lược từ khóa dài hạn
Bất kỳ một website nào cũng không nên dựa vào một từ hoặc một cụm từ khóa duy nhất để thu hút lưu lượng truy cập. Bạn nên sử dụng mục tiêu của mình để làm điểm khởi đầu, sau đó thực hiện ba bước mà tôi đưa ra để thực hiện nghiên cứu từ khóa thích hợp và làm việc hướng tới một cơ sở vững chắc: một chiến lược từ khóa. Trong bí kíp tối thượng này, phần mà tôi đưa ra sau đây sẽ giải thích lý do tại sao có một chiến lược từ khóa dài hạn là điều quan trọng.
Cần bao nhiêu từ khóa?
Tôi không thể đưa ra cho bạn chính xác con số từ khóa mà bạn nên có, nhưng tôi có thể cho bạn biết rằng, bạn cần rất nhiều từ khóa - nhiều hết mức có thể. (Tất nhiên, hơn 1000 từ khóa thì hơi nhiều quá!)
Ngay cả khi bạn là một doanh nghiệp nhỏ, bạn vẫn nên sử dụng tới một vài trăm từ khóa. Nhưng không cần phải tạo trang riêng cho tất cả những từ này ngay lập tức. Điều tuyệt vời khi có một hệ thống quản trị nội dung (Content Management System - CMS) như WordPress là bạn có thể thêm nội dung từng chút một. Hãy nghĩ về những từ khóa bạn muốn xếp hạng ngay bây giờ và những từ khóa nào không quá quan trọng ngay thời điểm hiện tại. Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các từ khóa và bắt đầu xây dựng nội dung của mình.
Chiến lược nghiên cứu từ khóa tạm thời
Trong một thế giới lý tưởng, bạn chỉ cần thực hiện nghiên cứu từ khóa, tạo một bảng từ khóa và tạo các trang đích cho mỗi từ. Cấu trúc trang web của bạn là hoàn hảo. Bạn sẽ làm blog và viết bài mỗi ngày. Trang web của bạn sẽ xếp hạng ngày càng cao hơn trong kết quả Google. Đáng tiếc trong thế giới thực, mỗi thứ không hề đơn giản như vậy.
Tất nhiên, nghiên cứu từ khóa của bạn sẽ không phải lúc nào cũng cần quá rộng. Và một số bài đăng hoặc bài báo cũng không cần viết quá chuyên sâu. Bạn có thể chỉ cần viết những nội dung đơn giản, nhưng nội dung bạn viết phải là chủ đề mới hoặc hot, hoặc một điều gì đó truyền cảm hứng cho bạn viết nó. Đó là cách những chiến lược ngắn hạn hoạt động. Nhưng điều này không phải là một vấn đề.
Nếu bạn đang viết một nội dung nào đó mà không khớp hoàn toàn với chiến lược của mình, điều này không có nghĩa là bạn không nên cố gắng xếp hạng nội dung đó. Bạn vẫn có thể sử dụng nó để xếp hạng cho những từ khóa liên quan trong danh sách từ khóa chiến lược của bạn. Sử dụng các công cụ như Google Trends để lựa chọn từ khóa bạn muốn xếp hạng. Ít nhất hãy dành thời gian để suy nghĩ về cách làm cho bài viết hoặc blog của bạn phù hợp với chiến lược đã định ra. Sau cùng, nếu những gì bạn viết là nội dung có giá trị, bạn sẽ có được thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm!
Tầm quan trọng của chiến lược từ khóa dài (long tail keyword)
Tập trung vào các từ khóa dài chắc chắn là một phần quan trọng trong chiến lược nghiên cứu từ khóa dài hạn mà bạn nên có. Từ khóa dài là những từ hoặc cụm từ khóa cụ thể hơn (và thường dài hơn) so với các từ khóa phổ biến khác - thường được gọi là head keyword. Từ khóa dài nhận được lưu lượng tìm kiếm ít hơn, nhưng thường sẽ có giá trị chuyển đổi cao hơn, vì chúng tập trung nhiều hơn vào một sản phẩm hoặc chủ đề cụ thể.
Đọc thêm: Long Tail Keyword: Nghiên Cứu Cách Sử Dụng Công Cụ Long Tail Pro
Cường độ cạnh tranh của bạn như thế nào?
Cho dù bạn đang cố gắng để xếp hạng cho từ khóa dài hay các từ khóa phổ biến, tất cả đều phụ thuộc vào cường độ cạnh tranh của bạn. Nếu đối thủ cạnh tranh của bạn đang xếp hạng cao trong một phạm vi đối tượng hẹp, bạn sẽ gặp khó khăn để xếp hạng cho các từ khóa cạnh tranh. Ngược lại, nếu bạn có ít sự cạnh tranh hơn, bạn thậm chí có thể xếp hạng đầu tiên cho từ khóa của mình. Vậy thì, làm thế nào để bạn xác định được đối thủ cạnh tranh của mình? Bạn nên tìm kiếm điều gì? Sẽ có hai chiến lược:
- Sử dụng Google và phân tích đối thủ cạnh tranh của bạn
- Thử nghiệm, đánh giá và thử lại.
Google và phân tích đối thủ cạnh tranh
Hãy thử Google từ khóa nằm ngoài danh sách nghiên cứu từ khóa của bạn. Trước tiên bắt đầu với những từ khóa phổ biến. Hãy dùng cái chung nhất. Kiểm tra trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP). Đây là những trang web bạn sẽ phải cạnh tranh khi bạn tối ưu hóa nội dung của mình cho một từ khóa như vậy. Để kiểm tra xem bạn có thể cạnh tranh với các trang web trên trang kết quả đó hay không, hãy phân tích những điều sau:
- Đây có phải là những website chuyên nghiệp hay không? Có phải là website của một công ty hay không? Hãy tự hỏi liệu bạn có “ngang hàng” với những công ty này hay không. Website của bạn có bị “chìm nghỉm” giữa các website này hay không? Liệu công ty của bạn có kích thước và tầm ảnh hưởng như họ trong thị trường mục tiêu của bạn?
- Liệu SERP có hiển thị các thương hiệu nổi tiếng không? Việc cạnh tranh với các trang web có thương hiệu mạnh sẽ khiến bạn khó xếp hạng hơn. Nếu những thương hiệu kia được phổ biến trên truyền hình, cơ hội xếp hạng của bạn sẽ càng nhỏ hơn.
- Vậy còn nội dung trên các website này thì sao? Liệu các nội dung này có chất lượng và được tối ưu hóa tốt hay không? Các bài viết trên tồn tại trên website trong bao lâu? Nếu nội dung của đối thủ cạnh tranh kém chất lượng, bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để nâng cao thứ hạng của mình!
- Các cụm từ bạn đang nhắm mục tiêu có được quảng cáo trong Google hay không? Giá cho mỗi lần nhấp chuột trong Google Adwords là bao nhiêu? Các từ khóa tìm kiếm quảng cáo có giá cho mỗi lần nhấp chuột cao thường cũng khó xếp hạng hơn trong kết quả tìm kiếm tự nhiên (không phải trả tiền).
Một câu hỏi đơn giản
Tất cả những câu hỏi trên đều để làm nổi bật một câu hỏi duy nhất: Làm sao để tăng thứ hạng tìm kiếm so với các website khác trong SERP? Nếu bạn có một quy mô và ngân sách marketing tương đương những người khác: hãy cứ tự tin và tập trung vào các từ khóa phổ biến. Nếu không: hãy thử các từ khóa dài và chi tiết hơn.
Bước tiếp theo là thực hiện những phân tích tương tự trên nhưng dành cho từ khóa hơi dài hơn một chút. Từ khóa tìm kiếm dài hơn và cụ thể hơn sẽ tạo ra ít lưu lượng truy cập hơn, nhưng xếp hạng trên các cụm từ đó sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tập trung vào một loạt các từ khóa dài đã được kết hợp có thể thu hút rất nhiều lưu lượng truy cập. Khi bạn đã xếp hạng cho những từ khóa dài này, việc nhắm đến các từ khóa phổ biến sẽ có phần dễ dàng hơn.
Thử nghiệm, đánh giá và thử lại
Sau khi bạn đã phân tích kỹ lưỡng các cơ hội để xếp hạng cho một từ khóa cụ thể, bước tiếp theo là viết một bài viết tuyệt vời và tối ưu hóa từ khóa đó cho phù hợp. Hãy đảm bảo bạn sẽ thu hút một số liên kết backlink tốt. Và khoan, chờ một chút. Hãy kiểm tra thứ hạng của bạn. Bài viết của bạn có đang nổi bật hay không? Nó có nằm trong trang đầu tiên trong các trang kết quả tìm kiếm của Google không? Hay là nó đang bị ẩn đi trên trang thứ 2 hoặc thứ 3? Hãy đảm bảo rằng bạn đánh giá bài viết của bạn trong SERP. Tự Google các từ khóa mà bạn đã tối ưu hóa trong bài viết của mình. Kiểm tra xem liệu công tác SEO của bạn có hiệu quá hay không!
Nếu bạn không thể xếp hạng trên trang đầu tiên, hãy thử viết một bài viết khác, tập trung vào từ khóa dài hơn. Làm cho từ khóa của bạn cụ thể hơn, chi tiết hơn. Và xem kết quả ra sao. Đánh giá lại một lần nữa. Hãy tiếp tục quá trình này cho đến khi bạn xuất hiện trong trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm!
Từ đồng nghĩa và từ khóa có liên quan
Từ đồng nghĩa là từ thay thế trực tiếp cho từ khóa của bạn, trong khi các từ khóa liên quan là các từ và khái niệm không phải là thay thế trực tiếp mà là mở rộng và làm sâu sắc hơn về khái niệm cho từ khóa trọng tâm của bạn. Bằng cách sử dụng các từ đồng nghĩa và các từ khóa có liên quan trong nội dung của mình, bạn sẽ có được một bức tranh hoàn chỉnh về từ khóa trọng tâm trong bài viết của bạn. Hãy nhớ rằng, không sử dụng từ khóa trọng tâm của bạn nhiều lần.
Từ khóa trọng tâm: số ít hay số nhiều?
Bạn nên nhắm đến từ khóa số ít hay số nhiều không? Điều này phụ thuộc vào truy vấn. Vì Google đã thay đổi để nắm bắt mục đích tìm kiếm truy vấn của người dùng, đoán rõ hơn những gì bạn đang tìm kiếm. Ví dụ: nếu bạn tìm kiếm “sách”, kết quả bạn nhận được sẽ khác hơn một chút so với “những quyển sách”. Dường như Google nghĩ rằng trong trường hợp đầu tiên bạn đang tìm kiếm một định nghĩa hoặc một số câu chuyện. Còn trong trường hợp thứ hai, Google tin rằng bạn đang tìm sách để mua. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn biết rõ những thứ bạn cung cấp trên trang của mình và đảm bảo rằng nó phù hợp với truy vấn của người dùng cũng như kết quả mà Google cung cấp cho các truy vấn đó.
Kết luận về nghiên cứu từ khóa cho SEO
Nghiên cứu từ khóa nên là bước khởi đầu cho bất kỳ chiến lược SEO bền vững nào. Kết quả của quá trình này sẽ là một danh sách dài các từ khóa mà bạn muốn nhắm mục tiêu. Nhưng phần khó nhất vẫn còn phía trước: viết nội dung cho tất cả các từ khóa đó. Bạn nên viết bài cho mỗi từ khóa mà bạn muốn được tìm thấy. Đó thực sự là một thách thức!