Bạn Không Thích Công Việc Hiện Tại? Hãy Sửa Chữa Trước Khi Nghỉ Việc!

04/01/2015 - 22:21 5688     0

Bạn đang muốn "nhảy việc"? Nếu bạn chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp, ra quyết định này có lẽ không phải việc khó khăn gì. Nhưng dù sao đi nữa, hãy cố gắng cải thiện tình hình công việc hiện tại để sau này bạn sẽ không thấy hối tiếc.

Bạn đang cân nhắc nghỉ việc ư? Tuy nhiên, có lẽ điều bạn cần không phải là một công việc mới mà là một cách nhìn nhận mới với những gì bạn đang làm.

Trong phần mô tả công việc, nhà tuyển dụng ít khi đưa ra yêu cầu rằng bạn phải "chu đáo". Nó được coi là một kỹ năng mềm và không phải yếu tố quyết định sự  thành công. Thậm chí, đôi khi, sự “chu đáo” còn bị coi là không phù hợp tại nơi làm việc. Chẳng ai yêu cầu bạn phải chăm lo đến đồng nghiệp, khách hàng, hoặc những người xung quanh, nhưng bạn sẽ trở nên khác biệt nếu làm được việc này. Khi đã hiểu được vai trò của sự chu đáo trong công việc, bạn sẽ có thể thay đổi tầm quan trọng của bản thân cũng như cải thiện mối quan hệ với các đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn thêm yêu công việc và tình yêu ấy chính là  một yếu tố cần thiết để bạn phát triển sự nghiệp của mình.

Các nhà nghiên cứu Amy Wrzesniewski, Jane Dutton, và Gelaye Debebe đặc biệt quan tâm đến hiện tượng này khi xem xét những công việc được coi là phải làm việc với những thứ "bẩn thỉu", như các nhân viên vệ sinh tại bệnh viện, những người phụ trách nhóm bệnh nhân ốm yếu, đang hấp hối và vừa mới qua đời. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu mục đích làm việc của những nhân viên vệ  sinh này, đặc biệt khi họ bị đối xử một cách thiếu tôn trọng hoặc thậm chí bị coi thường. Ví dụ, sau khi khám bệnh, các bác sĩ thường tháo găng tay vứt ra sàn chứ không vứt vào nơi quy định. Còn các y tá thì tránh né việc dọn dẹp các chất dịch thải ra từ cơ thể, và họ cứ thế đổ chúng ra sàn để những nhân viên vệ sinh dọn dẹp.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong số những nhân viên vệ sinh này, rất nhiều người tìm thấy niềm vui trong công việc ọ khi chăm lo cho bệnh nhân. Phần lớn họ quan tâm thực sự đến người bệnh và người nhà của họ đáp ứng các yêu cầu của bệnh nhân và dành thời gian chuyện trò thân mật với họ.

Những việc này hoàn toàn không phải nhiệm vụ của họ, và nhiều khi, một số nhà quản lý sẽ không tán thành việc làm này . Tuy nhiên, những nhân viên vệ sinh này không chỉ làm cho xong rồi đợi đến giờ về mà họ luôn hết mình vì công việc và tìm cách biến những gì họ làm trở nên có ý nghĩa. Họ đã thay đổi mối quan hệ giữa họ với bệnh nhân bằng cách quan tâm đến bệnh nhân, và trong quá trình này, họ đã tự tạo ra những nhiệm vụ mới. Họ đã "thiết kế lại" công việc của mình sao cho phù hợp thay vì trở thành “nạn nhân” của công việc đó.

Sửa chữa công việc hiện tại là một quá trình diễn ra có ý thức hoặc vô thức, bao gồm việc thiết kế lại công việc sao cho phù hợp hơn với các giá trị, thế mạnh, và đam mê của bản thân bạn.

Đây là một lĩnh vực nghiên cứu còn tương đối mới; và cũng là một phần của một lĩnh vực rộng hơn còn non trẻ - ngành tâm lý học tích cực. Qua câu chuyện về những nhân viên vệ sinh trong bệnh viện, chúng ta thấy rõ rằng, ý nghĩa của một công việc không phải đến từ bản thân công việc đó, mà đến từ chính chúng ta, từ những gì chúng ta có thể cống hiến cho nó.. Bằng việc quan sát người lao động trong những môi trường khắc nghiệt nhất, chẳng hạn như nhân viên vệ sinh, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những cách thích nghi với công việc rất tự nhiên của con người.

Tư duy truyền thống cho rằng cách tốt nhất để bạn tìm được việc làm có ý nghĩa hơn là tìm một công việc mới. Nhưng cải biến công việc hiện tại, hay thay đổi khiến nóphù hợp hơn với nhu cầu của bạn, là một giải pháp khác. Những nhà tâm lý học tích cực đã đi từ việc quan sát, đến thu thập tài liệu chứng minh, rồi đến việc chủ động tạo điều kiện cho sự cải biến công việc. Kết quả thu được rất đáng chú ý. Nó chỉ ra một thực tế rằng: không như suy nghĩ của nhiều người, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi mục đích của công việc theo ý mình. Khi sửa chữa công việc hiện tại, chúng ta không chỉ thay đổi lối tư duy của mình, mà còn thay đổi cả nhiệm vụ và những mối quan hệ liên quan. Ai cũng có thể áp dụng quy trình này để tạo động lực trong công việc. Và điều quan trọng nhất là, nó có thể áp dụng cho mọi công việc, mọi vị trí - từ quản lý bệnh viện đến nhân viên dọn vệ sinh.

Sự cải biến công việc có thể là một trong ba phương pháp dưới đây:

1. Định hình lại nhiệm vụ của mình

Bằng cách thiết kế lại những nhiệm vụ trong một công việc, bạn sẽ thay đổi cách làm việc, đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn hay san sẻ cho người khác, hoặc thay đổi phạm vi của công việc đó. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này chính là bản thân tôi, khi tôi đảm nhận thêm việc viết lách. Tôi đã tận dụng mọi khoảng thời gian, kể cả khi ngồi trên tàu điện, để viết blog và báo, và điều này đã đem lại cho tôi sự sáng tạo. Tuy viết lách vốn không phải là công việc bắt buộc của tôi, nhưng nó đã trở bổ trợ đắc lực cho việc chính của tôi, giúp tôi học hỏi và khám phá nhiều vấn đề mới mẻ.

2. Xem lại các mối quan hệ

Bằng việc cải thiện mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, khách hàng, và những người xung quanh trong môi trường làm việc, bạn sẽ có thêm động lực làm việc. Và đôi khi, những thay đổi rất đơn giản như đi ăn trưa cùng ai đó mỗi tuần một lần, hoặc cố gắng gặp mặt trực tiếp, thay vì trao đổi qua email hoặc điện thoại cũng giúp bạn thay đổi bản chất  các mối quan hệ hoặc khiến chúng ngày càng sâu sắc hơn.

3. Thay đổi nhận thức

Khía cạnh này nằm ở  cách chúng ta tiếp cận công việc của mình như thế nào. Bạn có thể tìm ra mục đích cho từng công việc tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Hãy  bắt đầu từ việc đặt ra các câu hỏi về "ai", "làm thế nào", và "tại sao". Một khi có được câu trả lời, bạn hoàn toàn có thể “thiết kế lại” công việc của mình để biến nó thành một công việc bổ ích hơn rất nhiều. Thay vì từ bỏ, bạn sẽ thấy công việc mình đang làm chứa đựng thật nhiều ý nghĩa.

 


Saga App

Saga App