Mary Beth Storjohann, chuyên gia hoạch định tài chính đồng thời là giám đốc điều hành, nhà sáng lập tạp chí Workable Wealth cho rằng : “Chúng ta đã hình thành những thói quen từ khi còn rất nhỏ và biến nó thành nhịp sống hàng ngày của mình. Khi lớn lên và bắt đầu kiếm ra những đồng tiền đầu tiên, chúng ta đang dần hình thành những thói quen về quản lý tài chính cá nhân như tiết kiệm tiền bạc, đầu tư, tiết kiệm hưu trí cũng như những kế hoạch tài chính khác. Bạn thấy đấy tất cả những điều trên gây ra cho bạn một áp lực không hề nhỏ khiến bạn luôn phải suy nghĩ về vấn đề tiền bạc. Những áp lực này gia tăng đến mức có thể khiến bạn đưa ra những quyết định tài chính sai lầm và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.”
Hiểu được những khó khăn của bạn, trong bài viết này chúng tôi đưa ra ba lời khuyên hữu ích về quản lý tiền bạc mà bạn có thể áp dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
1.Hãy chi tiêu ít hơn những gì bạn kiếm được
Đây chính là nguyên tắc cốt lõi để bạn quản lý tốt tình hình tài chính của mình. Bạn biết không để giàu có như ngày hôm nay thì rất nhiều người giàu đã áp dụng phương pháp này. Và mặc dù bạn có thể không phải là người giàu có nhưng bạn vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình chỉ cần bạn tiêu ít hơn những gì bạn kiếm được.
Chuyên gia hoạch định tài chính đồng thời là nhà sáng lập trang web Gen Y Planning, Sophia Bera cho biết: “Nguyên tắc này giúp chúng ta không phải lo lắng về tiền bạc vì chúng ta luôn có một khoản dành dụm để chi trả cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và đề phòng cho những bất trắc có thể xảy ra. Ngược lại, những người chi tiêu vượt quá số tiền họ kiếm được đang tự mình lún sâu vào vấn đề nợ nần, điều mà gây ra cho họ vô vàn áp lực.”
Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ với bạn bí quyết giúp tôi thoát khỏi cảnh nợ nần, không vướng vào các món nợ thêm một lần nào nữa. Thậm chí tôi còn có thể mở tài khoản tiết kiệm và hơn hết là đạt được mục đích của cuộc sống. Tôi đã từ bỏ công việc cố định trước kia để dám theo đuổi một nghề nghiệp tự do, sống ở Italy 4 tháng, du lịch ở rất nhiều thành phố trên thế giới và còn nhiều điều thú vị khác nữa.
Dù hiện tại bạn đang giàu hay nghèo, thì bí quyết “Tiêu ít hơn những gì mà bạn kiếm” luôn giúp bạn có được một cuộc sống tự do để theo đuổi mục tiêu của mình. Nếu cứ sống vượt quá khả năng của mình thì người giàu sẽ không thể giàu mãi còn người nghèo cũng không bao giờ có thể thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên đây lại là một nguyên tắc rất khó thực hiện vì đôi khi nó sẽ khiến bạn cảm thấy bị bó buộc, ngoài ra nó còn không sinh lời cho bạn. Điều này dẫn đến nguyên tắc thứ hai về tiền bạc giúp chúng ta có được những khoản tiết kiệm sinh lời.
2. Tiết kiệm càng sớm càng tốt
Thách thức lớn nhất của mọi người về vấn đề tài chính là làm cách nào để vẫn có thể duy trì được một dòng tiền đều đặn cho dù bạn đã nghỉ hưu. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ, nó phải đủ lớn để trang trải cho cuộc sống của bạn từ sau khi nghỉ hưu đến hết đời. Do vậy không còn cách nào khác là bạn phải tiết kiệm càng sớm càng tốt.
Gửi tiền vào ngân hàng là một cách có thể tạo ra khoản tiền sinh lời, nhất là khi hiện nay mọi ngân hàng đều áp dụng lãi suất kép. Giả định mức tăng trưởng là 5%/ năm thì nếu người A tiết kiệm 5.000 đô một năm, từ khi 25 đến 40 tuổi anh ta sẽ tiết kiệm được tất cả là 75.000 đô mà không cần phải đầu tư thêm bất cứ một khoản nào khác. Cũng với mức lãi như thế nếu người B đầu tư 5.000 đô một năm từ 40 đến 65 tuổi thì tổng số tiền tiết kiệm được là 125.000 đô. Kết quả là người A có hơn 400.000 đô trước khi nghỉ hưu còn người B chỉ tiết kiệm được 256.000 đô, đơn giản chỉ vì người A bắt đầu tiết kiệm sớm hơn mặc dù người đó tiết kiệm ít hơn.
Storjohann nói rằng : “Gửi tiền vào ngân hàng càng sớm thì số tiền đó của bạn càng có nhiều thời gian lưu thông trên thị trường để sinh lời. Nếu chỉ số lạm phát bằng 0 hoặc rất thấp thì bạn sẽ tích lũy được số tiền không hề nhỏ trước khi nghỉ hưu.”
Vì vậy để có một cuộc sống dễ dàng hơn sau khi nghỉ hưu thì hãy bắt đầu tiết kiệm và gửi ngân hàng ngay bây giờ. Tuy nhiên trong đầu bạn sẽ nảy sinh hàng loạt những câu hỏi như: Làm sao có thể tiết kiệm khi mà bạn đang rất cần số tiền này? Có nên bắt đầu tiết kiệm khi mà bạn kiếm được nhiều tiền hơn? Hay, đợi đến khi có tiền mới tiết kiệm thì có muộn hay không? Bạn thấy đấy lúc nào bạn cũng có một cái cớ để không tiết kiệm ngay từ bây giờ. Bạn chỉ có thể tiết kiệm được khi dám từ bỏ những nhu cầu khác bởi vì không có thời điểm nào là tốt nhất để bắt đầu tiết kiệm đâu. Hãy là một người 65 tuổi không phải bận tâm về vấn tiền bạc sau khi nghỉ hưu thay vì bước sang tuổi 55 với số tiền ít ỏi sau khi bị sa thải và trách cứ bản thân vì sao không tiết kiệm sớm hơn.
3.Hãy kiếm nhiều tiền hơn
Bera nói rằng “Tăng thu nhập sẽ giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề”. “Dù công việc hiện tại giúp bạn kiếm được 2.000 đô mỗi tháng nhưng bạn vẫn có thể kiếm thêm bằng cách làm việc bán thời gian hoặc làm thêm giờ vào cuối tuần. Số tiền này sẽ tăng thêm đáng kể khoản tiền mà bạn kiếm được. Với số tiền này bạn có thể nhanh chóng trả nợ hoặc để tiết kiệm.” Hoặc bạn có thể sử dụng số tiền đó để đi du lịch hay tiết kiệm để trả thế chấp nhà ở.
Ngoài ra, kiếm thêm tiền sẽ có hiệu quả lâu dài. Bạn càng bắt đầu kiếm thêm tiền sớm bao nhiêu thì số tiền bạn có được trong tương lai càng lớn bấy nhiêu. “Không động đến số tiền kiếm ngoài là cách tốt nhất để bạn có thể trang trải thêm cho tương lai của mình”, Storjohann nói.
Khi vẫn còn đảm nhận công việc toàn thời gian , tôi kiếm thêm thu nhập bằng việc thường xuyên tham gia biểu diễn nghệ thuật tự do, đó cũng là chìa khóa giúp tôi đi đúng con đường tài chính của mình. Nó không những giúp tôi trả hết số tiền nợ để học đại học chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, mà còn cho phép tôi tiết kiệm đủ tiền để sẵn sàng từ bỏ công việc toàn thời gian và có thể thực hiện nghề nghiệp tự do của mình. Tiết kiệm và cắt giảm chi phí sẽ không hiệu quả bằng việc bạn có thể kiếm thêm 200, 500 hay 1.500 đô mỗi tháng.
Thật tự hào khi nhìn lại và ngẫm thấy chỉ 4 năm trước tôi đã nợ hàng nghìn đô la, không sở hữu bất cứ khoản tiết kiệm nào, nhưng hiện tại tôi đã hoàn toàn thoát khỏi cảnh nợ nần, có một khoản tiền tiết kiệm dư giả, và tôi có đủ khả năng chi trả cho những thứ thật sự quan trọng với mình ví dụ như đi đám cưới một người bạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, tôi còn xuất bản cuốn sách tài chính và sự nghiệp cá nhân để đưa ra lời khuyên cho những người gặp phải cảnh nợ nần giống tôi trước kia. Vậy, nhờ đâu mà tôi có được sự thay đổi đó? Chính là nhờ ba nguyên tắc tiền bạc trên.