Thực sự chúng ta hiểu vấn đề đến đâu?
Có người cho rằng, loại tài sản dễ hiểu duy nhất là tiền gửi trong ngân hàng hoặc một dạng tiền gửi cố định nào đó. Với những dạng này, bạn biết chắc mình sẽ lĩnh được bao nhiêu tiền cũng như an tâm rằng mình sẽ lấy lại được vốn. Vấn đề ở chỗ, lạm phát chắc chắn sẽ xảy ra và bạn sẽ phải may mắn lắm mới có thể vượt qua nó. Nếu chỉ giữ khư khư tiền mặt, bạn đang không đầu tư nó một cách hiệu quả.
Loại đầu tư mạo hiểm hơn một nấc là trái phiếu. Do trên thị trường tồn tại khá nhiều loại trái phiếu cũng như quỹ đầu tư trái phiếu, việc bạn hiểu mình sẽ được lợi lộc gì không phải là điều đơn giản. Trái phiếu chính phủ thì dễ sử dụng nhưng không có lời lãi cao. Trái phiếu đô thị thì có lãi hơn và thường được miễn thuế, nhưng lại không thỏa mãn nhu cầu thu nhập khi về hưu của nhà đầu tư. Vậy nên để kiếm được nhiều, bạn phải cần nắm giữ lại nhiều trái phiếu, trong đó chắc chắn phải có một vài trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí cả trái phiếu nước ngoài. Thế nhưng, khi bắt đầu nắm trong tay nhiều loại trái phiếu, công việc đầu tư sẽ trở nên phức tạp và rắc rối hơn, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến công ty phát hành hay tình hình kinh tế đất nước. Tương tự, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng phụ thuộc vào nhiều vấn đề về quản lý và tài chính.
Các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu, quỹ tương hỗ cũng có thể đặt bạn vào khó khăn tương tự. Ngay cả quỹ bất động sản cũng không đáng tin cậy và minh bạch như nhiều người lầm tưởng. Việc trực tiếp mua bán bất động sản có vẻ dễ hiểu theo nghĩa thấy gì có nấy. Thế nhưng, loại quỹ này tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thị trường, thuế, địa điểm của món bất động sản, việc công khai thông tin của bên bán, vân vân.
Một loại tài sản đầu tư có thể khả thi về ý tưởng, nhưng khi thực hiện thì lại không hề đơn giản, vì luôn tồn tại các yếu tố bên cạnh gây ảnh hưởng. Các ví dụ kể đến như quỹ phòng vệ, quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, v.v. về lý thuyết có vẻ khả thi, nhưng sự kỹ lưỡng cần thiết khi đầu tư vào các loại tài sản này khiến chúng không hề “ngon ăn”. Cũng như vậy, chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposits), với các yếu tố như đường cong lợi suất, kỳ vọng và tiền phạt rút vốn sớm khiến nó trở thành loại đầu tư khó nhằn và dễ sử dụng sai mục đích nhất.
Mặt khác, quỹ đầu tư chỉ số (tracker fund) lại có vẻ khá dễ hiểu với các nhà đầu tư, với mục tiêu đơn giản là “mua theo thị trường”. Thế nhưng, biến động thị trường lại rất khó để lường trước và đối phó. Hơn nữa, thị trường chỉ số đang càng ngày trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Nghe thì có vẻ khó khăn, nhưng nhìn chung đây là loại đầu tư có chi phí thấp, có danh mục đa dạng, và triển vọng về lâu dài.
Làm thế nào chúng ta có thể đầu tư đúng cách, hợp lý và đơn giản?
Qua những gì đã đề cập trong bài, hẳn nhiều người trong chúng ta nhận ra mình biết quá ít về các loại tài sản và đầu tư. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để đảm bảo rằng bạn đang đầu tư vào những gì bạn hiểu rõ. Việc đầu tư một cách đơn giản và dễ hiểu là điều hoàn toàn có thể.
Nhiều nhà đầu tư kỳ cựu có danh mục đầu tư đa dạng vừa phải, và bù lại họ tìm hiểu về cách phân bổ tài sản nhiều hơn. Việc dành ra hàng tiếng đồng hồ thực hiện các phân tích hồi quy không phải là lựa chọn thích hợp cho các nhà đầu tư thiếu thời gian. Ví dụ, Steven Goldberg, chuyên gia tại tạp chí tài chính Kiplinger, đã chia sẻ như sau: “Hầu hết mọi người không muốn phải trực tiếp đầu tư,” và “họ đều có cuộc sống bận rộn của riêng mình và không muốn phải bận tâm về chứng khoán, trái phiếu hay quỹ tương hỗ.” Ông Goldberg khuyên rằng các nhà đầu tư nên gắn bó với các quỹ chỉ số có danh mục giống với thị trường và chỉ nên hướng tới mục tiêu lợi nhuận vừa phải. Ông thậm chí cho rằng, nhà đầu tư chỉ cần đến 3 quỹ chỉ số chính, một bao gồm thị trường chứng khoán Mỹ, một cho chứng khoán quốc tế, và 1 để theo dõi trái phiếu.
Đầu tư vào quỹ chỉ số đôi khi là lựa chọn khả quan hơn so với việc tự mình quản lý quỹ. Với mức phí thấp, tỷ lệ quay vòng chứng khoán thấp và cơ hôi học hỏi thêm về đầu tư khiến các quỹ này trở nên vô cùng hấp dẫn. Nói chung, một chiến lược đầu tư có sự kết hợp đơn giản giữa các loại quỹ nói trên sẽ giúp bạn minh bạch hơn về đâu tư, tiết kiệm tiền mà vẫn mang lại kết quả không thua kém các quỹ khác. Nhưng ngoài ra, vẫn còn đó nhiều quỹ khác cũng được quản lý tử tế, và nếu kiên trì, bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình những quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu giúp bạn nhẹ bớt gánh lo.
Trong cuốn "How Buffett Does It: 24 Simple Investing Strategies from the World's Greatest Value Investor", Warren Buffett đã tiết lộ ông không quá mặn mà với sự đơn giản trong đầu tư. Lý do là các nhà môi giới đều kiếm tiền từ những gì phức tạp. Nhưng bạn không cần phải quá tin vào điều này.
Kết luận
Hiểu biết là tốt, nhưng hơn thế, bạn cần và nên tránh những khoản đầu tư mà mình không nắm vững được căn bản. Một giải pháp hay là hãy lựa chọn một số lượng vừa phải các quỹ chỉ số.
Đồng thời, hãy tin vào những lời khuyên có lý. Nếu bố mẹ vợ/chồng của bạn đã đầu tư vào những quỹ nhất định trong 20 năm liền và chúng đem lại hiệu quả tốt, khả năng cao các quỹ này sẽ tiếp tục có kết quả khả quan. Ngược lại, nếu bạn được một người lạ mặt mới gặp tiết lộ tin tức “nóng hổi” về thi trường, hãy đừng tin vội.
Cũng như vậy, có nhiều cố vấn tài chính độc lập chỉ được trả tiền theo thời gian làm việc và không được hưởng hoa hồng. Công việc của họ là hiểu rõ mình đang khuyến nghị cái gì, họ không bị áp lực doanh số để hưởng hoa hồng. Đồng thời, hãy đảm bảo bạn đa dạng hóa không chỉ về các loại tài sản mà còn cả các ngân hàng và quỹ khác nhau. Như vậy, nếu gặp phải vấn đề mà bạn và người khác đều không hiểu, thua lỗ cũng sẽ được giảm nhẹ phần nào. Hãy luôn nhớ rằng những điều nhỏ nhặt khi tụ hợp lại sẽ trở nên rắc rối và dễ dẫn tới sai lầm cho bạn.