Ba điều nhà đầu tư nên học hỏi từ nhà giao dịch

12/11/2014 - 19:52 6319     0

Nguyên tắc đầu tiên của đầu tư là mua rẻ bán đắt. Trên hết, đó là cách duy nhất để bạn thực sự kiếm ra tiền trên thị trường tài chính.

Gần như tất cả các nhà đầu tư sẽ tán thành ý tưởng này. Có một nhóm khác trong thị trường cũng đang cố gắng làm giống vậy, nhưng chỉ có điều là họ thực hiện trong một khung thời gian khác và với một phương pháp khác. Họ được gọi là các nhà giao dịch. Nhìn chung, các nhà đầu tư thường nói kháy các nhà giao dịch. Tuy nhiên, một nhà đầu tư khôn ngoan nên tìm hiểu về thế mạnh của các nhà giao dịch. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích một số kỹ năng của nhà giao dịch mà nhà đầu tư cần học hỏi.

Bạn chỉ kiếm lời được nếu cổ phiếu của bạn lên giá

Hầu hết các cố vấn đầu tư đều cho rằng chỉ cần đầu tư vào một công ty hoạt động tốt, bạn sẽ thành công. Thật không may, điều đó không hoàn toàn đúng. Là một nhà đầu tư, bạn chỉ kiếm ra tiền nếu cổ phiếu của bạn lên giá, và có nhiều trường hợp trong đó các chỉ số cơ bản của công ty tốt (như thu nhập, tài sản, nợ …) chẳng đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư. Chuỗi nhà hàng của Frisch’s là một ví dụ. Từ cuối năm tài chính 2003 đến cuối năm tài chính 2005, thu nhập hàng năm của công ty từ 1,95 USD/cổ phiếu tăng lên 2,82 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong báo cáo thu nhập từ 2003 đến 2005, cổ phiếu của công ty này đã giảm từ 28,25 USD xuống 21,04 USD. Nói cách khác, công ty hoạt động rất tốt, nhưng các nhà đầu tư chẳng kiếm được lời . Có phải là do cổ phiếu vào cuối năm tài chính 2003 là quá đắt? Không hẳn. Tỷ lệ P/E sau đó là 13,08 và vào cuối năm 2005, tỷ lệ này là 11,82. Frisch’s đưa ra những con số rất khả quan, ấy thế mà cổ đông vẫn chịu thiệt.

Vào cuối năm 2003, hẳn là hầu hết các nhà đầu tư sẽ yêu thích những cổ phiếu như của Frisch’s, nhưng một nhà giao dịch điển hình sẽ dễ dàng bắt được những tín hiệu cảnh báo về cổ phiếu của công ty này. Cụ thể, tại thời điểm thu nhập được công bố, cổ phiếu của Frisch’s đã giảm dưới trung bình động tính cho 50 ngày, và chúng cho thấy hình mẫu đảo chiều (reverse pattern) một cách rõ ràng hai tuần trước đó. Ngẫm lại thì, các nhà đầu tư nên đánh giá cao khả năng của nhà giao dịch trong việc dự đoán chiều hướng giảm của cổ phiếu này.

Trung bình động là một trong những công cụ cơ bản nhất được các nhà giao dịch sử dụng. Nếu một cổ phiếu dưới nhiều hoặc tất cả trung bình động (20, 50, 100, 200 và 250 ngày), thì cổ phiếu đó có khả năng sẽ xuống giá dù cho các chỉ số cơ bản có tốt đến đâu. Ở Phố Wall, có một câu nói rằng: "Đừng  đầu tư vào chứng khoán mà hãy đầu tư vào các công ty". Các nhà đầu tư có xu hướng mua các công ty, trong khi các nhà giao dịch có xu hướng mua cổ phiếu. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thông minh nhất sẽ sớm nhận ra rằng phải kết hợp cả hai yếu tố này để được kết quả cao nhất. Trước khi đầu tư, bạn hãy để ý xem công ty có thành tích tốt hay không và liệu giá cổ phiếu có nằm trên hầu hết các đường trung bình động hay không nhé.

Phân tích kỹ thuật chẳng hề tệ nếu được làm đúng cách

Bạn có thể dùng từ phân tích kỹ thuật, phân tích hành vi, phân tích biểu đồ hay bất kỳ cái tên nào bạn muốn. Đã có những lúc, phần lớn các nhà tư vấn đầu tư truyền thống cười nhạo phương pháp này. Đôi khi, họ có thể đúng bởi không ít nhà phân tích kỹ thuật hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ dựa trên hệ thống giao dịch của họ, nhưng rồi chỉ mang về thất bại.

Thực tế là không có kỹ thuật phân tích biểu đồ nào đảm bảo tuyệt đối tạo ra lợi nhuận. Khi nhà đầu tư nhận ra thực tế này, họ nên sử dụng phân tích kỹ thuật đúng cách - công cụ để giúp đong đếm xác suất của một biến động cổ phiếu trong một khung thời gian nhất định. Ít nhất, nhà đầu tư đều cần hiểu về những tác dụng nâng cao lợi nhuận của phân tích biểu đồ.

Đối với những người mới bắt đầu thì biểu đồ và việc chọn thời điểm thị trường sẽ giúp ra vào thị trường một cách thành công hơn. Ví dụ, trong năm 2005, chỉ số S&P 500 lãi ròng chỉ có 3%, nhưng tổng biến động của chỉ số này trong thực tế cao hơn nhiều. Hãy nhìn vào các xu hướng lên và xuống chính của S&P 500 trong năm đó:

1/1 - 21/1: giảm 3,8%

21/1 - 4/3: tăng 4,6%

4/3 - 15/4: giảm 7,0%

15/4 - 22/7: tăng 7,4%

22/7 - 21/10: giảm 4,5%

21/10 - 31/12: tăng 5,8%

Như bạn có thể thấy, tổng biến động của S&P 500 trong năm 2005, cả lên và xuống, là 33,1%. Thậm chí, nếu bạn là một nhà đầu tư chỉ giữ vị thế mua, tổng biến động 'lên' là 17,8%. Một nhà đầu tư có thể biết chính xác giá sàn và trần hay không? Không, hoàn toàn không, nhưng ngay cả khi một nhà đầu tư bình thường chỉ cần chỉ trụ lại trong một nửa thời gian trong ba đợt giảm, tổng lợi nhuận của năm 2005 vẫn có thể lên đến 10,1%.  Liệu đạt được con số này có khả thi với các nhà đầu tư thông thường hay không? Có thể. Trong cả ba trường hợp biến động xuống, S&P 500 đã giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày khi đi được nửa chừng thời kỳ xuống giá. Chỉ sử dụng tín hiệu đó thôi cũng có thể kiếm lời rồi. Tất nhiên, mặt trái là việc quay lại thị trường khi cổ phiếu tạm thời chạm đáy và bắt đầu tăng lại, nhưng các công cụ trung bình động tương tự có thể được áp dụng cho cả xu hướng lên giá  và xu hướng xuống giá. Vấn đề ở đây là phân tích kỹ thuật thực sự có thể giúp nhà đầu tư xác định thời điểm ra và vào thị trường.

Các nhà đầu tư cần lưu ý rằng: đừng sa lầy vào các biểu đồ hàng ngày hoặc các đường trung bình động ngắn hạn. Biểu đồ hàng tuần sẽ dễ diễn giải hơn vì chúng không quá thất thường. Bên cạnh đó, biểu đồ hàng tháng tưởng như vô dụng, nhưng thực ra chúng lại chỉ ra xu hướng chứng khoán trong cùng một khung thời gian mà trong đó, bạn đang xem xét khi lần đầu tiên mua chứng khoán.

Không để cảm xúc và cái tôi chi phối 

Một trong các lợi thế chính mà nhà giao dịch hơn nhà đầu tư là họ không cay cú hay tự mãn. Nhà giao dịch biết rằng thị trường là một trò chơi dựa trên xác suất. Đối với nhiều nhà đầu tư, chuyện thua lỗ trong một nửa hay quá nửa lần giao dịch là hết sức bình thường thế nhưng, họ vẫn kiếm ra tiền. Sẽ rất không tốt nếu nhà giao dịch cho rằng thành công của cá nhân anh ta là sự phản ánh của trí thông minh hoặc năng lực lựa chọn cổ phiếu. Thật may, điều này là không đúng. Thực tế là chọn phải một cổ phiếu tệ không chỉ ra rằng bạn không thông minh hay thiếu hiểu biết. Đó chỉ là một trong những khả năng có thể xảy ra. Và sau nhiều lần thất bại, cuối cùng bạn sẽ giành chiến thắng thôi.

Mặc dù hầu hết các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu dựa trên sự nghiên cứ kỹ lưỡng và những lập luận có cơ sở, nhưng họ không biết rằng các danh mục đầu tư “mua và giữ” cũng có thể đạt được các kết quả và chỉ số tương tự. Vấn đề là, logic không thể được áp dụng ở nơi mà vốn đã chẳng có gì gọi là logic. Chỉ thỉnh thoảng giá cổ phiếu mới tuân theo quy luật logic. Nỗi sợ hãi và lòng tham trong cuộc chơi đầu tư mạnh mẽ đến mức mọi logic và lý lẽ không còn đúng đắn. Nhà giao dịch không cần đến logic để kiếm lời, họ chỉ cần biết khi nào một cổ phiếu tăng hoặc giảm.

Nếu một nhà đầu tư dùng logic để mua một cổ phiếu và rồi cổ phiếu đó rớt giá, anh ta sẽ tự cho rằng mình thiếu năng lực trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Hoặc tệ hơn, anh ta sẽ tiếp tục giữ cổ phiếu mất giá đó, bởi cái tôi của nhà đầu tư cho rằng, logic của anh ta là hợp lý nên đó ắt hẳn là cổ phiếu đáng đầu tư, và vấn đề chỉ là thời gian. Trong đầu tư, nhiều người gọi đây là hội chứng "Nó sẽ hồi phục thôi" (“it’ll come back”) Đây cũng là một thói quen nguy hiểm mà các nhà đầu tư cần loại bỏ, giống như hầu hết các nhà giao dịch đã làm được.

Lời kết

Nhà giao dịch và nhà đầu tư được ví như nước với lửa, bởi trên thực tế, họ là những “tay chơi” của thị trường đang cố gắng hiện thực hóa cùng một mục tiêu. Tuy nhiên, bằng cách học hỏi từ những nhà giao dịch hàng đầu, một nhà đầu tư có thể nâng cao lợi nhuận cho danh mục đầu tư của mình.


Lều - Infographic

    INFLATION Lạm phát là một hiện tượng kinh tế khi mà...
    Xem thêm >>