Ảnh Hưởng Của Chính Sách Tiền Tệ Đến Thị Trường Chứng Khoán Và Doanh Nghiệp

Unknown
11/05/2015 - 22:00 14728     0

Những cung bậc thăng trầm trên thị trường chứng khoán bị tác động mạnh nhất là từ các chính sách tiền tệ. Và doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư cũng không tránh khỏi những tác động từ chúng.

Chính sách "hắt hơi", thị trường bệnh nặng

Còn nhớ đầu năm 2008, khi Ngân hàng Nhà nước công bố siết chặt chính sách tiền tệ với bất động sản, chứng khoán, cả 2 thị trường này lập tức gặp "sóng thần" khiến hàng loạt nhà đầu tư đứng trên bờ vực phá sản khi không kịp rút lui. Thị trường bất động sản đang ở đỉnh cơn sốt giá đã lao dốc không phanh, chỉ trong một thời gian ngắn mất trung bình 60% giá trị, đặc biệt, gần như mất thanh khoản hoàn toàn. Tương tự, thị trường chứng khoán cũng rơi vào cơn sụt giảm kéo dài và lập đáy vào đầu năm 2009 khi VN-Index rơi xuống mức 234 điểm.

Những tin đồn chứng khoán sập, ý tưởng đóng cửa thị trường một vài phiên để "chặn lũ" cũng đã được đưa ra. Không ai nghĩ thị trường có thể "bật" dậy nổi sau cú ngã quá mạnh kéo dài cả năm. Nhưng ngay sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7% cùng lúc Chính phủ tung ra gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% thì chứng khoán bật mạnh trở lại. Hàng loạt cổ phiếu "ngủ đông" thức giấc với mức tăng gấp 3- 4 lần giá trị chỉ trong một thời gian ngắn. Tâm lý hứng khởi khiến thời kỳ tăng trưởng này kéo dài liên tiếp 2 quý (quý 2 và 3/2009). Hàng loạt nhà đầu tư mới lao vào, các tài khoản cũ được "nạp" tiền trở lại. Say sưa trên chiến thắng, nhà đầu tư hồ hởi lao vào thị trường với niềm tin mãnh liệt rằng chứng khoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố mức "siêu lợi nhuận" đạt được bất chấp những khó khăn của thời kỳ suy thoái.

Bất ngờ, cuối tháng 11 năm 2009, Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, chứng khoán mất trên 30% giá trị. Các nhà đầu tư lao vào xả hàng, bán gấp bán rút vì sợ "lịch sử lặp lại", chứng khoán có thể sẽ lập đáy như thời điểm đầu năm.

Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe doanh nghiệp

Điểm qua vài cột mốc để thấy, sức mạnh của chính sách tiền tệ đối với thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư là cực lớn. Nhưng trả lời câu hỏi, vì sao việc nới lỏng hay thắt chặt tín dụng lại tác động mạnh mẽ đến vậy thì hầu hết nhà đầu tư đều rất mơ hồ. Tựu chung lại, họ đều "cảm" thấy việc thắt chặt tín dụng sẽ khiến dòng vốn trên thị trường bị ảnh hưởng và ngược lại nhưng không giải thích được rõ ràng vì sao lại như vậy.

Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM phân tích, sở dĩ chính sách tiền tệ tác động mạnh đến chứng khoán vì các công ty niêm yết phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng. Tỷ lệ nợ trung bình lên tới trên 50%. Với các  doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ còn lớn hơn rất nhiều, đến 70% - 80%. Vì vậy, khi chính sách tín dụng thay đổi ngay lập tức tác động mạnh đến kinh doanh và lợi nhuận của các  doanh nghiệp này. Nếu chính sách nới lỏng, đồng nghĩa với việc các  doanh nghiệp có thể vay được vốn, có thể thực hiện dự án, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó có doanh thu, có lợi nhuận, có thị phần. Ngược lại, chính sách xiết chặt thì  doanh nghiệp lại như bị bó chân, bó tay, mất cơ hội làm ăn và khó phát triển.

Cũng do nguồn vốn vay lớn nên chi phí lãi vay chiếm một phần khá lớn trong lợi nhuận của các công ty. Thống kê của Vietstock, vào quý 1/2008, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng 14% lợi nhuận trước thuế của các công ty niêm yết. Đến quý 2, quý 3/2008, khi lãi suất cho vay tăng mạnh (từ 18% - 21%/năm), chi phí lãi vay bị đẩy lên tới 30% và khi giảm xuống mức trên 12,46% khi lãi suất cơ bản giảm xuống cùng với việc tung ra gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ.

Những con số trên lý giải vì sao, việc tăng/giảm lãi suất cơ bản lại gây ảnh hưởng tức thì đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp . Khi sức khỏe  doanh nghiệp không tốt, cổ phiếu trên sàn sẽ phản ánh điều này qua giá. Và từ đó, thị trường chung bị ảnh hưởng.

Nguồn : Saga Tổng hợp & Biên tập
Unknown

Saga App

Saga App