Hiệu suất cao không được đo bằng số giờ làm việc, mà bằng những gì bạn có thể đạt được trong khoảng thời gian đó. Tính hiệu suất cao nói lên sự hiệu quả, làm thế nào để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Có một số thói quen đang được những người làm việc hiệu suất cao chia sẻ. Và nếu bạn học được những thói quen này, bạn cũng sẽ tăng cao hiệu suất làm việc của mình.
Trở thành một người luôn liệt kê công việc
Khi trước, tôi chẳng bao giờ lên danh sách công việc, nhưng khi phát hiện mình cần đạt được một một điều gì, tôi sẽ không thể nào tập trung vào những công việc đang làm vì sợ mình sẽ quên mất một việc nào đó. Có thể giải quyết vấn đề này bằng một cách cực kì đơn giản: viết nó ra. Một số người tôi quen làm việc vô cùng hiệu quả là những người có thói quen khá truyền thống - họ luôn mang bên mình một quyển sổ nhỏ và một cái bút, khi nhớ ra một việc quan trọng, họ sẽ viết ngay điều đó ra rồi tiếp tục làm công việc đang dang dở. Bạn có thể áp dụng công nghệ cao và sử dụng một số ứng dụng như Evernote hoặc Todoist (những phần mềm trên điện thoại thông minh). Và bạn nên cân nhắc sắp xếp danh sách theo thứ tự ưu tiên tùy theo tầm quan trọng của nhiệm vụ chứ không phải bằng deadline.
Xác định những điểm thắt cổ chai
Hãy nghĩ một ngày làm việc của bạn như một dây chuyền sản xuất. Chắc chắn sẽ có những quy trình chạy chậm hơn những thứ khác. Đó là khi bỗng dưng công việc dồn lên rất nhiều. Những điểm tắc nghẽn này là những chỗ bạn cần tập trung cao độ nếu muốn tìm ra cách làm việc hiệu quả hơn. Bạn không cần làm cho mọi thứ chạy nhanh hơn. Bạn chỉ cần giải quyết những đoạn làm chậm quy trình làm việc của mình. Sửa chữa những gì bị hỏng, và tất cả mọi thứ có thể chạy mượt mà hơn.
Tránh xao lãng
Tôi nghĩ đa nhiệm là thứ hoàn toàn ngớ ngẩn. Chúng ta thực sự có thể chỉ làm một việc trong một lượt, nhưng chắc chắn bạn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để tỉnh táo lại khi chuyển sang một công việc khác. Bạn nên tập trung vào một công việc thôi. Hãy thử làm một việc duy nhất trong khoảng thời gian ngắn hạn. Khi công việc này hoàn thành hoặc bạn đã đạt đến một ngưỡng có thể dừng lại, hãy cho phép mình nghỉ ngơi, kiểm tra email và xử lí những công việc khác mà bạn đã để lại.
Đừng luôn cố gắng phải hoàn mĩ
Tất nhiên sẽ có những lúc bạn cần trở nên hoàn hảo, nhưng thật ra thì hầu hết các công việc của chúng ta làm chỉ cần ở mức chấp nhận được. Đôi khi một công việc chỉ đáng làm cho xong chứ không cần quá tuyệt vời. Xác định xem khi nào bạn phải hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất, và khi nào chỉ cần làm đến ngưỡng nhất định và không đòi hỏi sự hoàn mĩ. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy hoàn thành công việc và chuyển sang nhiệm vụ khác. Đừng cố gắng tập trung vào những chi tiết tỉ mỉ không cần thiết.
Hiểu được tại sao tính hiệu suất cao lại quan trọng
Bạn có tham vọng đạt được nhiều hơn. Bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình. Bạn muốn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Tất cả những điều đó có thể là lí do cho việc cải thiện năng suất của bạn. Nếu bạn nhàn rỗi, chứng tỏ bạn đang không tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Biết tại sao bản thân muốn làm việc hiệu suất có thể giúp giữ cho bạn tập trung vào những gì thực sự quan trọng trước mắt.
Tập trung vào điểm mạnh của mình
Không ai làm được tất cả mọi thứ tốt cả. Nhưng tin vui là: điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bạn không cần phải giỏi mọi điều. Bạn chỉ nên tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với kỹ năng và thuê những người giỏi trong những vấn đề mà bạn gặp khó khăn. Hãy xây dựng một đội ngũ có nhiều kĩ năng bổ trợ được cho nhau.
Giao tiếp chính xác, nhưng duy trì tính nhân văn trong đó
Rất nhiều thời gian bị lãng phí vào những cuộc nói chuyện phiếm, và người làm việc hiệu suất có thể hiểu được tầm quan trọng của việc truyền đạt thông tin một cách ngắn gọn, nhưng không rời rạc. Khi bạn giao tiếp hiệu quả, bạn có thể gặt hái những lợi ích gấp đôi về việc mọi người sẽ coi trọng những kết quả của bạn làm ra, trong khi đó bạn vẫn giữ được thái độ hòa nhã.
Đón nhận những chỉ trích
Có một lần vợ tôi nói với tôi rằng tôi là một người tham công tiếc việc. Đó không phải là một lời khen. Tôi nghĩ cô ấy muốn nói rằng tôi đã trở thành một kẻ mà tôi thực sự chán ghét khi trước. Lời chê trách của cô ấy giúp tôi nhận ra rằng tôi cần phải làm việc hiệu quả hơn, thông mình hơn, chứ không phải làm nhiều hơn. Phê bình có thể giúp bạn xác định những cách để bạn cải thiện bản thân. Hãy nghiên cứu nó và chú tâm đến việc khi ai đó bỏ thời gian ra nói với bạn những gì bạn cần thay đổi.
Cố gắng về đích
Nhiều lần, tôi thấy mọi người đã hoàn thành sắp xong một dự án, nhưng khi họ cần đẩy mạnh bản thân để về đích thì họ lại bỏ cuộc. 10% cuối cùng khi kết thúc dự án có thể làm mất đi 80% công sức bạn đã bỏ ra, và chất lượng công việc thường rất kém khi chúng ta không vượt qua quãng thời gian này. Điều quan trọng nhất trong bất cứ cuộc đua nào là bước cuối cùng ngay trước khi về đích. Khi nào bạn đã gần xong, hãy cố gắng hơn nữa. Đừng bỏ cuộc quá sớm và hủy hoại những nỗ lực bạn từng bỏ ra. Hãy kết thúc một cách mạnh mẽ.
Một yếu tố quan trọng trong hiệu suất là biết cách lên thứ tự ưu tiên. Có một danh sách dài những thứ cần thực hiện là một điều rất tốt, nhưng nếu bạn lại tập trung hoàn thành những việc không quan trọng thì bạn đang không cố gắng hết sức để tăng hiệu suất của mình.