8 Khái Niệm Cơ Bản Của Thị Trường Ngoại Hối

20/12/2014 - 23:31 10247     0

Bạn không nhất thiết phải là giao dịch viên hàng ngày để tận dụng hết các lợi thế của thị trường ngoại hối bởi mỗi lần đi du lịch nước ngoài và đổi tiền sang ngoại tệ là bạn đang tham gia vào thị trường ngoại hối rồi. Trên thực tế, thị trường ngoại hối giống như một gã khổng lồ trầm lặng của giới tài chính, tóm gọn tất cả các thị trường vốn khác trong thế giới của nó.

Thị trường ngoại hối là một thị trường rất rộng lớn, thế nhưng thực ra những khái niệm về giao dịch tiền tệ lại rất đơn giản. Chúng ta hãy tìm hiểu một số khái niệm cơ bản mà tất cả các nhà đầu tư ngoại hối cần phải hiểu.

Tám “đại gia”

Không giống như thị trường cổ phiếu nơi mà nhà đầu tư có hàng ngàn cổ phiếu để lựa chọn, trong thị trường ngoại hối, tất cả những gì bạn phải làm là theo dõi tám nền kinh tế lớn đem lại các cơ hội tốt nhất. Dưới đây là tám quốc gia có khối lượng giao dịch tiền tệ lớn nhất:

  •     Hoa Kỳ
  •     Khu vực đồng Euro (chỉ nên theo dõi Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha)
  •     Nhật Bản
  •     Vương Quốc Anh
  •     Thụy Sĩ
  •     Canada
  •     Úc
  •     New Zealand

Tám nền kinh tế này là những nơi có thị trường tài chính lớn nhất và tinh vi nhất trên thế giới. Bằng cách tập trung vào đúng tám quốc gia này, chúng ta có thể tận dụng các công cụ tài chính có mức tín nhiệm và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường tài chính nhằm thu về lợi nhuận.

Số liệu kinh tế từ các quốc gia trên gần như được cập nhật hằng ngày, cho phép nhà đầu tư có thể dễ dàng đánh giá “sức khỏe” của mỗi quốc gia và nền kinh tế của nó.

Lợi tức và tỷ suất lợi nhuận 

Khi nói đến giao dịch ngoại hối, điều quan trọng nhất cần nhớ là lợi tức ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. 

Khi giao dịch trên thị trường ngoại hối giao ngay, bạn đang thực sự mua và bán hai loại tiền tệ. Tất cả các đồng tiền được niêm yết giá theo cặp. Ví dụ, nếu cặp EUR/USD được ghi là 1,35 nghĩa là bạn phải mất 1,35 USD để mua 1 Euro. 

Trong tất cả các giao dịch ngoại hối, bạn luôn đồng thời mua một đồng tiền và bán một đồng tiền khác. Thực chất, bạn đang sử dụng số tiền thu được từ việc bán một đồng tiền để mua lại đồng tiền bạn đang mua. Hơn nữa, mọi đồng tiền trên thế giới thường gắn với lãi suất do ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành đồng tiền đó đề ra. Bạn buộc phải trả lãi suất cho đồng tiền mà bạn đã bán, nhưng bạn cũng có quyền hưởng thu nhập lãi của đồng tiền mà bạn đã mua. 

Ví dụ, chúng ta hãy nhìn vào cặp đô la New Zealand/Yên Nhật (NZD/JPY). Giả sử New Zealand có lãi suất là 8% và Nhật Bản có lãi suất là 0,5% . Tại thị trường ngoại hối, lãi suất được tính theo điểm cơ bản (basic point). Một điểm cơ bản chỉ đơn giản là 1/100 của 1%. Do đó, lãi suất của New Zealand là 800 điểm cơ bản và của Nhật Bản là 50 điểm cơ bản. Nếu bạn quyết định mua cặp NZD/JPY, bạn sẽ kiếm được 8% lãi suất hàng năm, nhưng phải trả 0,5% cho lợi nhuận ròng là 7,5%, hoặc 750 điểm cơ bản.

Đòn bẩy tài chính

Thị trường ngoại hối cũng cung cấp tỉ lệ đòn bẩy rất lớn, thường ở mức cao là 100:1, có nghĩa là bạn có thể kiểm soát tài sản giá trị 10.000 USD chỉ với 100 USD vốn. Tuy nhiên, đòn bẩy có thể là một con dao hai lưỡi; nó có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ khi bạn quyết định đúng, nhưng cũng có thể tạo ra tổn thất rất lớn khi bạn quyết định sai. 
Rõ ràng, đòn bẩy tài chính nên được sử dụng khôn ngoan, nhưng ngay cả với tỷ lệ thấp như 10:1, lợi tức 7,5% trên cặp NZD/JPY cũng có thể chuyển đổi thành tỷ suất lợi nhuận 75% một năm. Vì vậy, nếu bạn giữ 100.000 đơn vị NZD/JPY với 5.000 là vốn sở hữu, bạn sẽ kiếm được tiền lãi là 9,40 USD mỗi ngày, 94 USD sau 10 ngày, 940 USD sau ba tháng, hoặc 3.760 USD mỗi năm. Thực tế phũ phàng là với cùng một lượng tiền bạn sẽ chỉ kiếm được 250 USD tiền lãi khi gửi tiết kiệm ngân hàng (lãi suất 5%) sau một năm. Lợi thế duy nhất khi gửi ngân hàng đó là lợi nhuận 250 USD này thực sự không có rủi ro. 

Về cơ bản việc lạm dụng đòn bẩy tài chính kiểu này sẽ làm mọi biến động trên thị trường trở nên trầm trọng hơn bởi bên cạnh tạo ra lợi nhuân lớn, nó cũng rất dễ khiến bạn mất một khoản lỗ lớn không kém. Tuy nhiên, những thiệt hại có thể được giới hạn thông qua việc sử dụng các lệnh cắt lỗ. Hơn nữa, hầu như tất cả các công ty môi giới ngoại hối đều có một hệ thống theo dõi nhằm bảo vệ bạn khỏi các thiệt hại 24 giờ một ngày, năm ngày mỗi tuần và tự động thanh lý một khi yêu cầu ký quỹ bị vi phạm. Quá trình này đảm bảo rằng tài khoản của bạn sẽ không bao giờ có số dư âm và rủi ro của bạn sẽ bị giới hạn trong số tiền có trong tài khoản.

Chiến lược Carry trade

Giá trị tiền tệ luôn luôn thay đổi và chính điều này đã sinh ra một trong những chiến lược giao dịch phổ biến nhất của mọi thời đại là carry trade. Với chiến lược này, nhà giao dịch hy vọng họ không chỉ kiếm lời từ chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, mà còn muốn vị thế mà mình nắm giữ tăng giá trị. Trong quá khứ đã có rất nhiều những tình huống mà nhà giao dịch đã kiếm được những món lợi lớn. Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ trong lịch sử.

Vào khoảng thời gian giữa năm 2003 và cuối năm 2004, cặp tiền tệ AUD/USD có mức chênh lệch lãi suất là dương 2,5%. Mặc dù con số này có vẻ rất nhỏ, nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ trở thành 25% khi sử dụng đòn bẩy 10:1. Trong thờ gian đó, đồng đô la Úc cũng tăng mạnh từ 56 centi lên gần 80 cent so với đồng đôla Mỹ, tức là tăng giá 42% so với đồng đô la Mỹ. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn đang giao dịch cặp tiền tệ này vào lúc đó (cũng như nhiều quỹ phòng hộ) bạn sẽ không chỉ thu được khoản lợi tức dương, mà còn thu được lãi vốn (capital gain) với cặp tiền tệ này.

Hình 1: Chỉ số Đô la Úc Composite, 2003-2005

Cơ hội thu lợi lớn từ carry trade cũng được nhìn thấy rõ ràng trong cặp USD/JPY trong năm 2005. Giữa tháng Một và tháng Mười hai năm đó, tỷ giá tăng mạnh từ 102 lên mức cao nhất là 121,40 trước khi chốt tại 117,80. Mức tăng giá 19% này hấp dẫn hơn rất nhiều con số 2,9% của chỉ số S&P500 cùng kỳ năm đó. Ngoài ra, vào thời điểm đó, trung bình chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la Mỹ và đồng yên Nhật là 3,25%. Kể cả trong tường hợp không có đòn bẩy, một nhà giao dịch có thể kiếm được khoản lợi nhuận lên tới 22,25% trong cả năm. Còn với đòn bẩy tài chính 10:01, con số này còn khủng khiếp hơn nhiều: 220%. 

Hình 2: Chỉ số Yên Nhật Composite, 2005

 

 

 

Source: eSignal

Để thành công với Carry trade

Chìa khóa để chiến lược carry trade thành công là không chỉ đơn giản là việc chọn ra cặp có đồng tiền lãi suất cao nhất và đồng tiền với lãi suất thấp nhất. Thay vào đó, quan trọng hơn nhiều chính là chiều hướng của chênh lệch. Để chiến lược carry trade hiệu quả tối đa, bạn cần phải mua đồng tiền có lãi suất đang tăng so với một đồng tiền có lãi suất đứng yên hoặc giảm đi. Sự vận động này có thể đúng nếu ngân hàng trung ương của đồng tiền bạn định mua đang cân nhắc nâng lãi suất hoặc ngân hàng trung ương của đồng tiền bạn định bán đang cân nhắc hạ lãi suất.

Trong ví dụ trước về cặp USD/JPY, giữa năm 2005 và 2006, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tích cực nâng lãi suất từ 2,25% trong tháng Một lên 4,25%, tức tăng 200 điểm cơ bản. Trong thời gian đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản (Bank of Japan) ngồi im để lãi suất bằng không. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản đã tăng từ 2,25% (2,25% - 0%) lên 4,25% (4,25% - 0%). Chúng ta gọi đây là chênh lệch lãi suất mở rộng.

Điểm mấu chốt là bạn cần chọn carry trade không chỉ để kiếm lời từ lợi tức tăng trưởng dương mà còn phải có tiềm năng tăng giá. Điều này rất quan trọng bởi đồng tiền tăng giá hoàn toàn có thể giúp cho lợi nhuận từ carry trade của bạn tăng lên trong khi tiền tệ mất giá có thể xóa sạch toàn bộ các lợi nhuận mà bạn kiếm được từ carry trade.

Nắm rõ lãi suất

Biết được chiều hướng biến động lãi suất là điều rất quan trọng trong giao dịch ngoại hối và nó đòi hỏi hiểu biết cặn kẽ về tình hình kinh tế của nước mà bạn đang sở hữu tiền tệ. Nói chung, các nước đang tăng trưởng mạnh mẽ với lạm phát gia tăng có thể sẽ muốn nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát và kiểm soát tăng trưởng. Ngược lại, các quốc gia đang phải đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn khác nhau, từ sự suy yếu của nguồn cầu cho đến một cuộc suy thoái lớn, sẽ xem xét việc giảm lãi suất.

Kết luận

Nhờ có sự phổ biến của các mạng lưới thương mại điện tử, giao dịch ngoại hối trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Các thị trường ngoại hối trên thế giới cung cấp rất nhiều cơ hội cho những ai đầu tư thời gian để hiểu nó và học cách giảm thiểu rủi ro khi giao dịch trong thị trường tài chính lớn nhất này.