7 Sai Lầm Thường Gặp Của Nhà Đầu Tư

27/12/2014 - 23:49 8234     0

Trong số những sai lầm của mình, có bảy sai lầm nhà đầu tư rất hay lặp lại. Thực tế là nhà đầu tư đã luôn mắc phải những sai lầm tương tự kể từ lúc thị trường hiện đại mới ra đời, và họ sẽ còn tiếp tục lặp lại những sai lầm đó trong những năm tới. Nếu nhận biết và học cách phòng tránh những sai lầm tiêu biểu này thì cơ hội đầu tư thành công của bạn có thể tăng lên đáng kể.

 

1. Không có kế hoạch

Ai đó từng nói rằng: nếu không biết mình đang đi đâu thì con đường nào cũng như nhau cả thôi. Vậy giải pháp là gì? 

Hãy xây dựng một kế hoạch hoặc nguyên tắc đầu tư cá nhân, trong đó giải quyết các vấn đề sau:

Mục tiêu và mục đích - Tìm hiểu xem bạn bạn đang hướng đến cái gì. Tích lũy được 100.000 đô cho con học đại học hay 2 triệu đô để nghỉ hưu ở tuổi 60 là những mục tiêu đúng nghĩa. Đánh bại thị trường không phải là một mục tiêu.

  • Rủi ro - Những rủi ro nào liên quan đến bạn hoặc danh mục đầu tư của bạn? Nếu ở tuổi 30 và bạn đang tiết kiệm cho thời gian nghỉ hưu thì mức biến động không phải (hoặc không nên) là rủi ro đáng lưu tâm. Mặt khác, lạm phát làm xói mòn bất kỳ danh mục đầu tư dài hạn nào lại là một rủi ro đáng kể.
  • Chỉ số tham chiếu thích hợp - Làm thế nào bạn có thể đo lường được mức độ thành công của danh mục đầu tư, loại tài sản trong đó, cũng như đánh giá năng lực quản lý quỹ của cá nhân hoặc người quản lý? 
  • Phân bổ tài sản -  Bạn sẽ phân bổ bao nhiêu phần trăm tổng danh mục đầu tư của mình cho cổ phiếu Mỹ, cổ phiếu quốc tế, trái phiếu Mỹ, trái phiếu lãi suất cao v.v… Cách phân bổ tài sản nên hướng đến mục tiêu ban đầu đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan.
  • Đa dạng hóa - Phân bổ các loại tài sản khác nhau là bước đầu tiên để đa dạng hóa. Sau đó bạn cần phải đa dạng hóa trong chính mỗi loại tài sản. Ví dụ, trên thị trường cổ phiếu Mỹ, đa dạng hóa có nghĩa là mua nhiều các loại cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trung bình và lớn.

Bản phương hướng viết tay sẽ giúp bạn tuân thủ những nguyên tắc đầu tư dài hạn, ngay cả khi điều kiện thị trường bất ổn. Việc xây dựng một kế hoạch tốt và gắn bó với nó có vẻ không thú vị bằng việc xác định thời điểm trên thị trường, nhưng nó sẽ có lợi cho bạn hơn trong dài hạn.

2. Thời gian đầu tư dự kiến quá ngắn

Nếu bạn đang tiết kiệm để nghỉ hưu trong 30 năm nữa thì những biến động trên thị trường cổ phiếu năm nay hay năm tới không phải là mối quan tâm lớn nhất. Ngay cả khi bạn vừa bước vào giai đoạn nghỉ hưu ở tuổi 70, bạn vẫn có thể sống tiếp từ 15 đến 20 năm nữa. Nếu dự định để lại tài sản cho người thừa kế của mình thì thời gian đầu tư dự kiến của bạn thậm chí còn dài hơn. Tất nhiên, nếu đang tiết kiệm cho con học đại học và con bạn đã sắp học hết cấp 3 thì thời gian đầu tư của bạn tương đối ngắn. Thế nên, sự phân bổ tài sản của bạn cần phản ánh thực tế này. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư lại quá tập trung vào ngắn hạn.

3. Chú ý quá nhiều tới các tin tức tài chính trên phương tiện truyền thông 

Hầu như không có thông tin gì trên các chương trình bản tin tài chính có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Hãy bỏ qua chúng. Có rất ít bản tin có thể cung cấp cho bạn những thứ thực sự có giá trị. Thậm chí nếu có, làm thế nào bạn có thể xác định được chúng?

Hãy nghĩ mà xem. Nếu thực sự có ai đó kiếm lời được từ những lời khuyên của truyền thông, thì liệu họ có tiết lộ điều đó trên truyền hình hay không? Câu trả lời là không! Họ sẽ giữ im lặng, kiếm hàng triệu đô và không cần phải bán bản tin để kiếm sống. 

Giải pháp là gì? Hãy giảm thời gian xem chương trình tài chính trên truyền hình và đọc bản tin. Thay vào đó, tập trung vào việc xây dựng và gắn bó với kế hoạch đầu tư của bạn.

4. Không tái cân bằng

Tái cân bằng là quá trình đưa danh mục đầu tư của bạn quay về với tỷ lệ phân bổ tài sản mục tiêu như đã đề ra trong kế hoạch đầu tư ban đầu. Quá trình tái cân bằng dường như khó khăn bởi vì nó buộc bạn phải bán bớt loại tài sản đang lên giá và mua bổ sung các loại tài sản đang rớt giá. Hành động ngược đời này thực sự không hề dễ chịu với nhiều nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc tái cân bằng không sinh lời cho đến khi bạn nhận được phần thưởng xứng đáng (hãy nghĩ đến cổ phiếu Mỹ vào cuối những năm 90) khi giá của các tài sản kém hiệu quả trước đó bắt đầu tăng vọt.

Tuy nhiên, nếu để danh mục đầu tư dao động theo thị trường thì sẽ làm cho các loại tài sản bị dư thừa (overweighted) tại đỉnh thị trường và thiếu hụt (underweighted) tại đáy thị trường. Điều này sẽ dẫn đến hiệu suất đầu tư thấp. Giải pháp là gì? Hãy tái cân bằng liên tục và bạn sẽ được gặt hái thành quả dài hạn.

5. Quá tự tin về khả năng của nhà quản lý danh mục

Từ nhiều kết quả nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu năm 1995 của Burton Malkiel với tựa đề "Lợi nhuận từ việc đầu tư vào quỹ tương hỗ cổ phiếu", chúng ta đều biết rằng hầu hết các nhà quản lý kém hiệu quả hơn chỉ số tham chiếu. Chúng ta cũng biết rằng không có cách nhất quán nào để chọn ra những người quản lý có thể đánh bại thị trường. Chúng ta cũng biết rằng rất rất ít cá nhân có thể xác định thời gian điểm của thị trường để kiếm lời trong dài hạn. Vậy mà tại sao lại có rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng khả năng của mình trong việc xác định thời điểm cũng như lựa chọn được những nhà quản lý danh mục xuất chúng?

Peter Lynch đã từng quan sát, " Trong danh sách Forbes 400, chẳng ai có khả năng định thời điểm ra vào thị trường cả". Sự tự tin thái quá của nhà đầu tư về khả năng định thời điểm cũng như chọn ra các nhà quản lý xuất chúng trực tiếp dẫn đến sai lầm tiếp sau đây.

6 . Không đầu tư theo chỉ số đủ

Có kể đến cả ngày cũng không hết những nghiên cứu chứng minh rằng hầu hết các nhà quản lý và các quỹ tương hỗ không thể đánh bại chỉ số tham chiếu. Trong dài hạn, các quỹ chỉ số chi phí thấp thường hoạt động hiệu quả hơn, hoặc tốt hơn 65-75% các quỹ quản lý chủ động.

Mặc dù tất cả các bằng chứng đều ủng hộ việc đầu tư theo chỉ số nhưng rất nhiều người vẫn muốn đầu tư theo lối chủ động. John Bogle, người sáng lập của Vanguard, lý giải điều này là bởi đầu tư theo chỉ số khá nhàm chán và phần lớn mọi người vẫn nuôi hy vọng rằng họ có thể làm tốt hơn thế.

Hãy đầu tư toàn bộ hoặc một phần lớn (70-80%) các loại tài sản truyền thống của bạn theo chỉ số. Nếu không thể cưỡng lại sự phấn khích mỗi lần dõi những biến động giá có lợi, hãy dành một phần (20-30%) mỗi loại tài sản để giao cho các nhà quản lý chủ động. Điều này có thể đáp ứng mong muốn đánh bại thị trường mà không phá hỏng danh mục đầu tư của bạn. 

7. Chạy theo thành tích

Nhiều nhà đầu tư lựa chọn các loại tài sản, chiến lược, nhà quản lý và quỹ dựa trên kết quả hoạt động gần nhất. Cái cảm giác "Tôi sắp bỏ lỡ những khoản lợi nhuận lớn rồi" dễ khiến bạn đưa ra nhưng quyết định đầu tư sai lầm hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Nếu một loại tài sản, chiến lược hay quỹ nhất định đạt hiệu quả rất tốt trong ba hoặc bốn năm, chúng ta chỉ biết chắc chắn một điều rằng: Chúng ta đã nên đầu tư cách đây ba hoặc bốn năm. Thế còn hiện nay, chu kỳ dẫn đến hiệu suất tuyệt vời này có thể đã đến lúc kết thúc. Những nhà đầu tư thông minh sẽ rúi khỏi, còn những ai ngu ngốc thì lại đổ tiền vào trong đầu tư. Một lần nữa, hãy bám sát với kế hoạch đầu tư ban đầu của bạn cũng như việc tái cân bằng, chứ đừng chạy theo thành tích.

Kết luận

Nhận biết và tránh được bảy sai lầm phổ biến này sẽ giúp các nhà đầu tư giành lợi thế lớn trong việc đáp ứng các mục tiêu đầu tư. Hầu hết các giải pháp trên không thú vị cho lắm, và chúng cũng không làm cho các cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi. Tuy nhiên, chúng có thể đem lại lợi nhuận cho bạn. Và đó chẳng phải là lý do thực sự để chúng ta đầu tư hay sao?


Lều - Infographic

    INFLATION Lạm phát là một hiện tượng kinh tế khi mà...
    Xem thêm >>