1. Vay quá nhiều
Đi vay để đầu tư được coi như là dùng tiền miễn phí. Nhưng sự thật nhiều khi ngược lại. Nếu bạn dùng quá nhiều tiền đi vay và khi các khoản đầu tư này bắt đầu thua lỗ, sự thua lỗ sẽ nhân lên. Đến cuối cùng thì bạn cũng sẽ phải trả lại số tiền đã vay và nếu bạn không dùng chúng khôn ngoan, bạn có thể sẽ thua lỗ rất đau đớn. Dùng số tiền vay không theo nguyên tắc đồng nghĩa với việc bạn đang ném tiền qua cửa sổ.
Bài học: Nếu là nhà đầu tư mới, càng vay ít càng tốt. Hãy đợi đến khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn và cảnh giác hơn với mặt trái của việc vay tiền đầu tư.
2. Mua cổ phiếu dựa theo thông tin không đáng tin cậy
Lỗi này xảy ra rất nhiều: tivi, phim ảnh suốt ngày cam đoan rằng cổ phiếu này sẽ tăng giá nhanh chóng. Lắng nghe các tin tức không phải là lỗi lầm gì lớn, nhưng mù quáng làm theo chúng khi không nghiên cứu kỹ càng hay không màng đến độ chính xác của nguồn tin sẽ là sai lầm trong đầu tư lớn nhất mà bạn từng mắc phải.
Bài học: Hãy nghiên cứu thật kỹ bất kỳ tin đồn nào và thật thận trọng trước khi dùng toàn bộ số tiền bạn vất vả kiếm được đem đi đầu tư.
3. Lướt sóng
Những người thiếu kinh nghiệm xem việc mua và bán trong cùng một ngày luôn quyến rũ và hào nhoáng, nhưng đối với nhà đầu tư mới thì lại rất tai hại. Bạn hẳn đã nghe nói về những nhà đầu tư mất cả ngày ngồi trước máy tính để mua và bán cổ phiếu. Bạn cũng đã nghe về những nhà đầu tư lướt sóng kiếm ra hàng triệu đồng chỉ trong một bữa cà phê sáng. Nhưng bạn có biết rằng, những nhà đầu tư này cũng bắt đầu với những khoản rất nhỏ? Họ làm việc chăm chỉ để đạt được lợi nhuận và trải qua cả thua lỗ. Để thành công, họ cần duyệt một khối lượng lớn dữ liệu, nghiên cứu và các chiến lược lâu dài để đạt được lợi nhuận mong muốn. Để lướt sóng, bạn cần luyện tập, kiên nhẫn và quan trọng nhất là một khoản vốn rảnh rỗi. Nếu không có được những điều đó và một phần mềm mua bán chuyên biệt, bạn sẽ thua lỗ và thua lỗ rất nhanh.
Bài học: Nếu không đặc biệt có kỹ năng xử lý áp lực, bạn nên xem xét những tùy chọn khác thích hợp hơn để làm giàu thay vì đầu tư lướt sóng. Đầu tư là một nghề nghiêm túc, không phải sở thích hay thú vui tao nhã.
4. Đánh giá bản thân quá cao
Đây là lỗi tồi tệ nhất mà một nhà đầu tư mới có thể gặp phải. Đánh giá quá cao bản thân thường là hệ quả của việc thành công dễ dàng. Thường khi bắt đầu đầu tư, bạn có thể đạt được một số điều và sẽ ngay lập tức ăn mừng thành công đó. Quá tự tin trong đầu tư là một biểu hiện của sự nghiệp dư – cuối cùng sẽ kết thúc trong việc tự hỏi tại sao thành công sớm của mình lại dẫn đến thất bại to lớn. Nếu bạn đầu tư thời gian khôn ngoan vào nghiên cứu và chiến lược, bạn có thể làm tốt, nhưng hãy luôn luôn cảnh giác với các hiểm nguy phía trước, luôn luôn tự hỏi mình đang thiếu gì, vấn đề gì có thể xảy ra.
Bài học: Đừng ngây thơ nghĩ rằng vì có máy tính và internet nên mình có thể đánh bại các chuyên gia. Một số mẹo có thể tạo ra lợi nhuận trong một số trường hợp, nhưng đầu tư thực sự đòi hỏi kiên nhẫn và hơn hết là sự khiêm nhường.
5. Quên đi bức tranh toàn cảnh
Ngay cả sau khi nghiên cứu mọi thuật ngữ chuyên môn – các dự báo và tài chính, rất nhiều nhà đầu tư mới vào nghề quên nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế và xu hướng của nó. Các chuyên gia nói rằng “Xu hướng là bạn tốt của mình” và “Đừng bơi ngược dòng”. Thỉnh thoảng chúng ta bị mắc lại giữa các tiểu tiết và quên nhìn quanh để xem cái gì đang hiện hữu ngay trước mặt mình. Nhớ rằng đầu tư vào cổ phiếu xấu trong thời điểm tốt có thể tạo ra lợi nhuận nhưng đầu tư vào một cổ phiếu tốt vào thời điểm xấu sẽ luôn thua lỗ. Lùi lại và quan sát sự vật từ một khoảng cách xa sẽ thấy được toàn cảnh.
Bài học: Nhìn vào bức tranh lớn cũng quan trọng y như phải am hiểu từng tiểu tiết và chính xác từng tí một. Một làn sóng đủ mạnh thậm chí có thể quật đổ cả một tòa nhà lớn nhất. Thị trường cũng như thế. Và một dòng triều lên sẽ dâng được tất cả các con thuyền.
6. Thua lỗ trong vinh quang
Rất nhiều nhà đầu tư mất nhiều ngày thậm chí hàng tuần trước khi chọn đầu tư vào cổ phiếu hoàn hảo của họ. Nhưng nếu các cổ phiếu đi xuống? Rất nhiều nhà đầu tư mới để sự kiêu hãnh lấn át và cố giữ cổ phiếu đó. William O’Neill khuyên rằng bạn nên bán ra một khi cổ phiếu đã thấp hơn giá mua vào 7%.
Bài học: Không cần biết bạn mất bao nhiêu thời gian tìm hiểu về cổ phiếu đó trước khi đầu tư, luôn luôn giữ một nguyên tắc. Hãy chắc chắn rằng kế hoạch của bạn phải đảm bảo mức rủi ro thua lỗ là chấp nhận được. Bỏ lại sự kiêu hãnh và cảm xúc ở ngoài cửa, chúng không được chào đón trong một danh mục đầu tư sinh lợi.
7. Cảnh giác với giá cổ phiếu
Thỉnh thoảng cổ phiếu xuống giá vì lẽ đương nhiên. Tất nhiên là có lúc cổ phiếu bị đánh giá sai, nhưng không thường xuyên. Bạn nên hiểu rằng không tự dưng mà giá lại tụt xuống đến 50%. Ngay cả nếu mọi thứ có vẻ đều tốt đẹp, vẫn luôn có những nguy cơ tiềm tàng.
Bài học: Giá cả không nên là yếu tố quyết định trong việc có mua cổ phiếu hay không.
Nguồn :
Saga Tổng hợp & Biên tập