7 Lầm tưởng dễ mắc khi viết CV

Phương Trần
20/11/2014 - 21:14 8723     0

Đừng chủ quan khi viết CV. Viết CV chưa bao giờ là một việc đơn giản. Viết CV súc tích và hấp dẫn còn khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí khiến những kẻ lười biếng phải thực sự ngao ngán.

Có một CV “dùng được” thôi chưa đủ. Trong thời buổi “người khôn kẻ khó” như hiện nay, bạn cần phải thực sự nổi bật để tăng cơ hội chiến thằng về mình. Như ai đó đã nói, viết CV là một cách “Bán” bản thân trước nhà tuyển dụng, hãy thật hoàn hảo và chính xác trong cách thể hiện và tỉnh táo tránh khỏi những sai lầm hay mắc phải khi viết CV mà tôi xin được chia sẻ với các bạn sau đây.

Bắt đầu bằng việc bắt chước

Khi bắt tay vào viết CV, bạn thường có hành vi như thế nào? Có phải bạn sẽ lên google và tìm kiếm theo các keyword sau : “sample CV”, “how to write CV” , “good CV” … và bắt chước cách viết CV của một vài mẫu ưng ý? Tuy nhiên, đây lại là một suy nghĩ rất thông thường bởi, giống bạn,  cũng đang có rất nhiều người khác ngoài kia làm điều tương tự. Và rất có thể rủi ro của bạn là đây: CV của bạn trông không ổn như bạn nghĩ, thậm chí là còn tệ hơn nếu bạn không phải một người biết copy “tài tình” và “có chọn lọc”. Sẽ ra sao nếu CV của bạn không có điểm gì đặc sắc? Chúng sẽ nhanh chóng bị lãng quên trong hàng trăm hồ sơ mà nhà tuyển dụng nhận về mỗi đợt.

Chọn sai người nhận xét

Và giờ là lúc bạn đã viết xong CV của mình ( một khoảng thời gian chẳng ngắn chút nào!). Bạn đọc đi đọc lại xem đã thực sự ưng ý chưa, gửi cho một vài “bầu trời tư cách” của bạn như đứa bạn thân hay anh/ chị học khóa trước, một vài người quen đã đi làm. Nhưng liệu bạn có quan tâm đến việc: những người mà bạn nhờ kiểm tra và nhận xét CV đã từng giữ vai trò hoặc có góc nhìn của một nhà tuyển dụng hay chưa? Lắng nghe nhận xét là một việc nên làm, nhưng những nhận xét đó phải thực sự “Pro” từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng mới có thể khiến cho CV của bạn “lột xác” thay vì chỉ nhận về những ý kiến chung chung như: “Tớ thấy chỗ này dùng từ chưa hay lắm”, “CV dài quá, viết ngắn lại thôi!” hay “ Tao thấy CV của mày cũng ổn ổn rồi đó”.  Dù sao, bạn vẫn là người may mắn khi không thuộc tuýp giấu nhẹm CV không cho ai đọc vì ngại hay xấu hổ.

“CV của tôi trông khá ổn”

Từ sai lầm 1 và 2 sẽ dẫn đến sai lầm 3 - bạn cho rằng CV của mình không đến nỗi nào. Suy nghĩ đó là do: bạn học cách viết từ một CV mẫu, bạn chưa bị nhận xét quá thậm tệ về CV của mình, và bạn chưa có cơ hội đặt CV của mình với các ứng viên khác, nghĩa là được đọc hàng trăm CV của hàng trăm đối thủ đáng gườm trên con đường chinh phục một nhà tuyển dụng. Thật khó để định vị được CV của bạn đang ở đâu khi bạn thiếu thông tin về đối thủ, và do đó rất có thể bạn sẽ rơi vào suy nghĩ: CV của tôi trông không tệ một chút nào. Nhưng bạn có lẽ sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ này nếu có cơ hội “nhìn ngắm” những CV “ưu tú” và “đầy triển vọng” khác.

 Có bao nhiêu kinh nghiệm thì nên khoe ra hết. Kẻo phí !

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy yên tâm và an toàn hơn khi giới thiệu đến nhà tuyển dụng tất cả công việc mình đã từng phụ trách. Nhưng thực tế, việc này lại đang lãng phí thời gian và sức lực của bạn khi cứ phải cố nhét thêm càng nhiều kinh nghiệm làm việc càng tốt. Điều này, ngược lại còn khiến nhà tuyển dụng thấy bạn “thật thiếu kinh nghiệm” thay vì trầm trồ khen bạn năng động, giỏi giang, bởi CV phải thật ngắn gọn ( tốt nhất là trong khuôn khổ 1 trang A4) nhưng vẫn thể hiện khéo léo được kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn và trên hết là con người của bạn. Do đó việc chọn lọc kinh nghiệm nào nên “khoe”, kinh nghiệm nào nên “bỏ” phải được “gia giảm” hợp lý tùy theo vị trí ứng tuyển và công ty mà bạn đăng kí. Nên nhớ một CV tốt không phải một CV dài, mà là một CV với những kinh nghiệm, bài học và kết quả sắc nét, thể hiện được KỸ NĂNG chứ KHÔNG phải SỐ LƯỢNG công việc bạn đã từng tham gia.

Chỉ cần làm 1 CV cho tất cả vị trí

Liệu CV của cùng một người nhưng ứng tuyển vào 2 vị trí khác nhau, ví dụ: Bán hàng và Marketing lại có thể khác nhau không? Câu trả lời là: Có! Không hoàn toàn khác biệt nhưng cách bạn “kể câu chuyện” về bản thân lại có những chi tiết khác. Lấy một ví dụ cụ thể như sau:

Bạn đã từng là nhân viên bán hàng cho một shop quần áo ( một công việc khá phổ biến dành cho sinh viên). Vẫn là bạn nhưng ứng tuyển vào 2 vị trí mới: Nhân viên bạn hàng của công ty A, và nhân viên marketing của công ty B.

Cùng nói về công việc tại shop quần áo cũ,trong CV gửi công ty A, bạn cần nhấn mạnh vào khả năng làm tăng doanh số bán hàng. Ví dụ như: Trong 3 tháng đầulàm việc, tôi đã giúp doanh số của cửa hàng tăng lên 5% và 3 tháng sau là 10%. Bạn cần thể hiện khả năng giao tiếp, tính chăm sóc và thấu hiểu khách hàng của mình. Đây sẽ là một điểm cộng lớn cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng mới.

Còn nếu bạn gửi vào vị trí marketing của công ty B, bạn sẽ viết gì khi kinh nghiệm trước đây của bạn lại là Bán hàng? Thay vì tập trung vào con số 5 hay 10% ở trên, bạn nên tập trung vào cách mà bạn đã làm tăng doanh thu như thế nào. Bạn có tìm kiếm và nghiên cứu mẫu hay xu hướng quần áo mới không, bạn am hiểu về chất vải đến đâu, bạn đã đề nghị với chủ cửa hàng nhập mẫu mới như thế nào? Và điều đó đã thu hút và khiến khách hàng tìm đến bạn nhiều ra sao? Hãy nói cho nhà tuyển dụng biết sự tìm tòi, nhạy bén với xu hướng và am hiểu thị trường thời trang của bạn. 

Phải khẳng định bản thân qua những tính từ như: chăm chỉ, năng động, ham học hỏi, chịu được áp lực…

Thật tiếc là việc khẳng định trên sẽ không có tác dụng nếu chỉ hiện lên như một lời hứa xuông trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn không biết cách thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng hay kết quả tích cực ở những vị trí trước thì việc nói mình chăm chỉ, cầu tiến sẽ hoàn toàn không có giá trị.

Hơn nữa, có đến 99% ứng viên lặp lại những từ ngữ như trên để mô tả bản thân. Nhà tuyển dụng đầy kinh nghiệm luôn rất tinh tường trong việc phân biệt một ứng viên là vàng hay thau.

Chỉ CV đẹp thôi là đủ

Không đúng! Một CV chất lượng thôi chưa đủ. Cách đặt tên CV, đặt tên email, và đặc biệt nội dung của cover letter cũng cực kì quan trọng. Chính những chi tiết này sẽ góp phần tạo nên thành công cho CV của bạn. Đừng chủ quan khi nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ chỉ tập trung vào CV và bỏ qua những yếu tố khác.

Nếu chỉ tập trung vào CV điều này không khác nào bạn diện một bộ comple nhưng đi dép xăng đan, hay mặc một bộ đầm dạ tiệc mà tóc tai bù xù. Thử tưởng tượng mà xem, hình ảnh này sẽ cho thấy bạn thiếu tôn trọng và chuyên nghiệp thế nào trong mắt nhà tuyển dụng.

Viết CV như một cách “Sales” chính bản thân bạn trước nhà tuyển dụng, và chỉ diễn ra một lần duy nhất.  Vậy thì việc sales này phải được thực hiện thật hoàn hảo trong khả năng bạn có, được chăm lo cẩn thận đến từng chi tiết để không chỉ dừng lại ở một “CV ổn”, hơn thế nữa, CV của bạn phải khiến tất cả các nhà tuyển dụng thật sự chớ đón để được trò chuyện và hiểu hơn về con người bạn ở những vòng tiếp theo.

Chúc bạn thành công!

Phương Trần