Tôi chắc chắn sẽ không đi phân tích toàn bộ những ý tưởng khởi nghiệp đó, hay đánh giá chính bản thân những doanh nhân đó cũng như khả năng thực thi các ý tưởng của họ. Bởi vì, tôi không phải là một nhà đầu tư, mà chỉ là một anh bạn cùng đồng hành khởi nghiệp với họ và chỉ muốn giúp đỡ họ (nếu có thể) mà thôi. Và tôi đã từng chứng kiến rất nhiều doanh nhân đi quá sâu vào những ý tưởng của họ cũng như tập trung quá nhiều vào một thứ (cả những thứ chưa đúng) hay thường gặp bế tắc ở một số chỗ nhất định mà không biết cách làm thế nào để đi tiếp.
Dưới đây là 7 mốc trọng tâm khi khơi mào các ý tưởng khởi nghiệp mà tôi thường áp dụng:
1. Hoàn cảnh cụ thể
Tôi cho rằng để hiểu rõ một startup thì nên đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể. Một người sẽ sử dụng sản phẩm hay dịch vụ này như thế nào? Ai là những người có liên quan (ví dụ: khách hàng, nhà cung cấp, các nhà quảng cáo, …)? Tôi thường yêu cầu “Hãy giải thích cặn kẽ cho tôi làm thế nào để sử dụng cái này?” Như thế sẽ khiến mọi người nghĩ theo những cách đơn giản và có tính hệ thống hơn và thường sẽ giúp làm sáng tỏ những nghi vấn của tôi về việc một sản phẩm hay dịch vụ (như đã nêu ra) sẽ thực sự có thể sử dụng được hay không.
2. Những điểm mốc rủi ro và thất bại
Khi bạn hỏi một ai đó về những mốc rủi ro và thất bại, bạn sẽ thường nhận được những giả định không rõ ràng. Có đôi khi, tuy bản thân các doanh nhân không hoàn toàn nghĩ kỹ về những giả thuyết mà mình đưa ra, nhưng lại có thể nhận ra những điểm mốc thất bại một cách dễ dàng hơn. Điều này cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn yêu cầu ai đó đặt mình vào tình huống cụ thể, bởi nó giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về những quá trình tuần tự mô tả cách sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ. Chính vì thế, khi một người phát biểu “Vậy, nếu như không có ai đóng góp ý tưởng, thì hệ thống sẽ không thể hoạt động được”. Sau đó một giả định quan trọng được đưa ra đó là mọi người sẽ đóng góp ý kiến, ý tưởng. Điều đó dẫn đến một câu hỏi hợp lý tiếp theo là “Tại sao phải làm như thế?”
3. Khen thưởng và động lực
Mọi người thường không làm việc gì đó mà không có mục đích rõ ràng hay chỉ để cho vui. Dù muốn hay không muốn, thì làm việc gì cũng đều phải có các hình thức khen thưởng và động lực. Các hình thức khen thưởng càng rõ ràng bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu. Việc nghĩ ra các hình thức khen thưởng và khích lệ tạo động lực thường rất thú vị. Và thường thì không có nhiều các hình thức khen thưởng và khích lệ mà có thể khiến con người làm việc. Chúng ta hiện đang lạc trong các vấn đề liên quan đến tâm lý (mặc dù đó chỉ là tâm lý cơ bản), nhưng câu hỏi đặt ra đó là “Tại sao mọi người sẽ làm những gì bạn muốn họ làm, đặc biệt là nhằm loại bỏ những dấu hiệu của sự thất bại vừa được tìm ra (ở bước 2)?”
4. Một tính năng
Tôi muốn tìm kiếm một tính năng nào đó có khả năng trở thành điểm nhấn trong tình huống cụ thể vừa đặt ra và có khả năng tác động đến hình thức khen thưởng và khích lệ. Những người làm kinh doanh thích nhồi nhét tất cả các tính năng vào các sản phẩm của mình. Và họ thường có một giả định sai lầm rằng thêm một tính năng là thêm chiến thắng. Nhưng vấn đề quan trọng không phải là có nhiều tính năng hơn, mà đó là có một tính năng (hay một chuỗi hành động) có thể chi phối rất nhiều hoạt động, tính lan truyền phủ sóng và cả động lực nữa. Brainstorm về vấn đề này có thể là một điều rất thú vị bởi vì nó cho phép bạn chẻ vấn đề thành nhiều khía cạnh nhỏ hơn, dễ hiểu hơn và sắp xếp một tầm nhìn chiến lược chung chung thành nhiều phần nhỏ, dễ thực hiện hơn. Tôi thích tìm kiếm điểm bắt đầu mà một doanh nhân có thể tập trung vào một phần nhỏ trong toàn bộ kế hoạch của họ và kiểm tra kỹ lưỡng thông qua khách hàng trước khi tiếp tục thực hiện bước tiếp theo. Việc nghĩ một ý tưởng sẽ gắn với “một tính năng” thực sự đi vào trọng tâm của các vấn đề rất nhanh và giúp bạn tập trung cao độ.
5. Thị trường mục tiêu
Phần lớn mọi lúc các doanh nhân đều biết rằng họ đang theo đuổi những thị trường gì. Nhưng điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Khi bạn quan sát một cái gì đó từ bên ngoài vào, thì việc nghĩ đến những ứng dụng khác hay thị trường mục tiêu cho một ý tưởng khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Lên ý tưởng cho phần này thường cho ra rất nhiều ý tưởng thú vị liên quan tới tính năng sản phẩm, nhưng quan trọng hơn, đó là những chiến lược tiếp cận thị trường và khách hàng nào (điều này luôn có sẵn trong đầu các nhà doanh nghiệp) mới thực sự là đối tượng phù hợp. Ví dụ như, có nhiều cách tương đối đơn giản và thú vị để lấy một ứng dụng web B2C và chào bán cho các doanh nghiệp.
6. Kiếm tiền
Việc tìm ý tưởng liên quan đến các vấn đề kiếm tiền cũng như vai trò quan trọng của nó trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là một điều thú vị. Trong một vài trường hợp, việc kiếm tiền ngay lập tức là một điều dễ hiểu, nhưng cũng có những khi, việc chờ đợi thời cơ lại tốt hơn. Tôi không cho rằng có bất kỳ quy tắc cố định và tức thời nào mà có thể áp dụng được cho tất cả các quá trình khởi nghiệp. Khi lần đầu tiên tìm ý tưởng cho một cái gì đó, tôi không để bị cuốn vào các vấn đề tiền bạc, bởi vì nhằm đánh giá một ý tưởng một cách kỹ lưỡng hơn và triển khai nó với các góc nhìn mới thì các công việc khác còn quan trọng hơn nhiều. Chỉ ý tưởng thôi thì sẽ không đảm bảo được bất kỳ thành công nào, nhưng mọi quá trình khởi nghiệp đều bắt đầu từ ý tưởng.
7. Tài liệu tham khảo và người tham mưu
Một trong những điều cuối cùng mà tôi thường làm khi “dốc lực” cho một ý tưởng đó là tìm xem mình có bất kỳ tài liệu tham khảo hay giới thiệu được ai đó có thể giúp đỡ, hỗ trợ. Tài liệu tham khảo có thể đơn giản chỉ là một bài báo mà tôi có thể chia sẻ. Còn một đối tượng để giới thiệu có thể là một khách hàng tiềm năng, một đối tác kinh doanh, hay một doanh nhân khác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nếu tôi nhận thấy được giá trị trong ý tưởng, đạo đức của người làm kinh doanh, và thời gian cho phép, thì tôi sẽ hết sức giúp đỡ trong giới hạn những gì tôi có bao gồm các mối quan hệ và kinh nghiệm. Điều này cũng dễ thôi, miễn là các mối quan hệ mà bạn đang tạo dựng thực sự có ý nghĩa và không làm lãng phí thời gian của bất kỳ ai cả.