Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những phướng án vay vốn khác nhau, cả cũ và mới, và phân tích lợi ích, hạn chế cũng như những rủi ro tiềm ẩn của từng phương án. Chúng chính là những nguồn tài trợ vốn cho công ty của bạn khi ngân hàng từ chối cấp vốn.
1. Bao thanh toán (Factoring)
Bao thanh toán (hay còn được biết đến với cái tên: tài trợ vốn dựa trên khoản phải thu) là một trong những cách tài trợ vốn nội bộ lâu đời nhất của doanh nghiệp. Bao thanh toán có nghĩa là khi một doanh nghiệp bán các khoản phải thu cho một định chế tài chính, hay còn gọi là một “factor”. Một factor sẽ tài trợ trước một lượng vốn tỷ lệ với mệnh giá của khoản phải thu, thường là khoảng 75-80%. Phần còn lại (20-25% mệnh giá khoản phải thu) được giữ lại như là một nguồn dự trữ (reserve) và do các factor nắm giữ. Lượng dự trữ này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào chất lượng của khoản phải thu cũng như lịch sử chi trả của người thanh toán. Nếu người thanh toán thường trả muộn thì lượng dự trữ sẽ tăng lên.
Các factor sẽ xử lí các giao dịch, quản lí các tài khoản, tiến hành thẩm định tín dụng và thực hiện thu hồi tiền mua chịu. Giá của các dịch vụ này cùng với lượng vốn tài trợ trước cho người vay có thể vượt quá 20% mệnh giá của các khoản phải thu.
Khi mà người mua hàng trả đủ tiền, người đi vay (doanh nghiệp) sẽ nhận lại phần chênh lệch giữa mệnh giá và phần dự trữ. Các factor thường thu phí 2-3% nếu khách hàng trả trong 30 ngày đầu tiên, và mức phí này sẽ là 0.067-0.125% mỗi ngày trong các ngày trả chậm sau đó.
Lợi ích của bao thanh toán đó là doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tiền mặt rất nhanh (thường là dưới 10 ngày) và trên thực tế thì các khoản phải thu sẽ tăng lên rất nhiều đối với các doanh nghiệp đang phát triển. Hiện nay đã xuất hiện một số thị trường trực tuyến cho khoản phải thu mà ở đó các factor đấu giá dành quyền bao thanh toán cho doanh nghiệp.
Nguy cơ của hoạt động bao thanh toán phát sinh khi chủ doanh nghiệp không nắm rõ được đối tác bao thanh toán là ai. Vì thế chỉ nên hợp tác với các công ty tài chính nổi tiếng và có uy tín. Mặc dù bao thanh toán là hoạt động rất tiện lợi, nhưng các doanh nghiệp không nên lạm dụng nó bởi giá cả đắt đỏ cũng như việc mất đi quan hệ với các đối tác tài trợ vốn khác.
Thêm vào đó, một số factor có thể yêu cầu khách hàng của bạn trả tiền mua chịu trực tiếp cho họ. Điều này có thể khiến khách hàng có cái nhìn tiêu cực về tình hình kinh doanh của bạn. May thay là yêu cầu này có thể được đàm phán để loại ra khỏi hợp đồng ngay từ đầu khi hai bên kí kết.
2. Vay từ quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro (hedge fund)
Theo một bài báo trên tờ BusinessWeek đăng vào tháng Tám năm 2008, các quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro (hedge fund) đang trở thành những những chiếc ATM mới của doanh nghiệp. Các quỹ này thường tài trợ vốn vay cho các doanh nghiệp có mức rủi ro cao hơn bình thường, ví dụ như các công ty đảm bảo bằng tài sản hoặc công nghệ. Lượng vốn cho vay sẽ phụ thuộc vào chất lượng hồ sơ vay vốn của các công ty đi vay. Các quỹ đầu tư này sẽ chỉ cho vay sau khi đã kiểm định nghiêm ngặt chất lượng công ty, tuy nhiên quy trình này sẽ linh hoạt hơn so với các tổ chức cho vay thông thường khác.
Lợi ích của vốn vay từ các quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro đó là thời gian tài trợ vốn là rất nhanh. Những nguy cơ đối với người đi vay đó là chi phí vay và tiền phạt trả trước hạn là rất cao. Một số quỹ thậm chí còn tài trợ các khoản vay có rủi ro cao để lợi dụng các thông tin nội bộ công ty nhằm kiếm lời trong hoạt động buôn bán cổ phiếu của công ty đó.
3. Vay “peer-to-peer”
Vay peer-to-peer nghĩa là bạn có thể vay vốn từ người thân, bạn bè hay thậm chí là một người lạ nếu người đó quan tâm đến công việc kinh doanh của bạn. Các thoả thuận này thể là chính thức hoặc không chính thức. Lợi ích của các khoản vay này đó là bạn sẽ có tiền mặt rất nhanh và các điều khoản trả nợ cũng rất linh hoạt. Tuy vậy, nguồn vốn này cũng có những điểm yếu đó là những vấn đề ngoài kinh doanh nảy sinh cũng như những đòi hỏi ngoài tiền mặt có thể xuất hiện trong quá trình tài trợ vốn. (Ví dụ người thân và bạn bè khi cho vay sẽ mong muốn được làm việc trong công ty hay được mua hàng giảm giá của bạn).
Một nguồn khác là thị trường cho vay xã hội online. Lợi ích của nguồn tài trợ vốn này là các khoản vay có lãi suất khá thấp cho các doanh nghiệp rủi ro cao cũng như các điều khoản trả nợ linh hoạt từ bên cho vay. Để vay được vốn, bạn sẽ đưa nhu cầu vay vốn của mình lên mạng và sau đó những người cho vay tiềm năng sẽ trả giá và cấp vốn cho bạn với mức lãi suất nhất định. Người vay thường sẽ chấp nhận các khoản vay có lãi suất thấp nhất và các điều khoản trả nợ thuận lợi nhất. Nguồn vốn này chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong tổng số vốn vay của các doanh nghiệp, rơi vào khoảng 200-300 triệu đô la một năm. Các nguy cơ tiềm ẩn và hạn chế của hình thức vay này đó là bạn không biết rõ ai đang cho bạn vay, các khoản vay cũng không được công bố và bạn cũng không thể làm ăn lâu dài với một người cho vay nào cả.
4. Vay từ khách hàng
Hình thức vay vốn từ các khách hàng của doanh nghiệp xuất hiện từ đầu những năm 2000 với sự ra đời của khoản vay cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp (CSA). Với các khoản vay CSA, khách hàng sẽ cho nông dân vay tiền trước khi mùa vụ bắt đầu và đòi nợ bằng sản phẩm sau khi thu hoạch với giá được giảm một phần.
Mô hình này được nhân rộng ra nhiều nơi, nhất là ở các thị trường bán lẻ thực phẩm ở địa phương. Theo một bài báo trên tờ BusinessWeek đăng vào tháng Năm năm 2008, một vùng chuyên cung cấp thức ăn đặc sản ở Boston (Mỹ) đã áp dụng rất thành công mô hình này vào năm 2005 trong việc nâng cấp các cửa hàng. Chủ doanh nghiệp nhận vốn vay từ khách hàng và cam kết sẽ cung cấp một lượng thực phẩm nào đó vào mỗi tuần trong năm tới với giá được giảm so với giá bán lẻ.
Để vay vốn từ khách hàng, doanh nghiệp phải hoạt động lâu năm trong vùng, có một lượng khách hàng chất lượng và chiếm được lòng tin của họ.
Những nguy cơ và hạn chế của hình thức vay này đó là khách hàng có thể đòi hỏi lượng sản phẩm lớn hơn cả giá trị khoản vay, hoặc khách hàng có thể muốn doanh nghiệp trả nợ bằng tiền mặt chứ không phải bằng sản phẩm.
5. Vay từ các nhà cung cấp thẻ tín dụng
Vay vốn từ thẻ tín dụng, thường dùng khi bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh, có lợi thế đó là bạn có thể tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng lượng tiền mặt bạn cần nếu bạn có lịch sử tín dụng tốt.
Phương pháp vay này có một số điểm hạn chế và rủi ro. Cụ thể, lượng vốn được vay thường bị hạn chế tương ứng với khả năng kiếm tiền và trả nợ của người đi vay. Thêm nữa, lãi suất cho thẻ tín dụng là rất cao, đặc biệt là khi bạn trả nợ chậm hoặc không trả được nợ. Ví dụ, nếu bạn không trả nợ đúng hạn một khoản thì lãi suất thẻ tín dụng của bạn sẽ tăng vọt lên làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty bạn.
6. Vay từ các công cụ nợ có thể chuyển đổi
Các công cụ nợ có thể chuyển đổi là các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản thế chấp, trong đó người đi vay có thể yêu cầu chuyển đổi khoản nợ này thành vốn chủ sở hữu của công ty trong tương lai. Một trong những lợi ích của công cụ nợ này là người cho vay sẽ chịu ít rủi ro hơn các khoản vay thông thường. Hơn nữa, nó cũng an toàn hơn các khoản đầu tư trực tiếp vào công ty nếu người đi vay chỉ muốn thu được nợ và lãi chứ không muốn trở thành cổ đông của công ty. Thông thường điều này sẽ xảy ra khi kết quả kinh doanh của công ty không được như mong đợi.
Các nguy cơ và hạn chế của người đi vay đó là họ có thể mất cổ phần trong công ty nếu công ty làm ăn có lãi. Ngược lại, người đi vay cũng sẽ phải trả đủ số nợ không được chuyển đổi trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ.
7. Vay từ các công ty cấp vốn đầu tư mạo hiểm
Dù chỉ giới hạn cho một vài công ty đủ điều kiện, nhưng nguồn vay từ ngân hàng này rất có lợi cho các công ty được vay vốn. Các khoản vay này cho phép các doanh nghiệp được vay vốn từ ngân hàng do ngân hàng đã hợp tác với các công ty cấp vốn đầu tư mạo hiểm. Các công ty cấp vốn đầu tư mạo hiểm này đã từng bảo trợ cho doanh nghiệp đi vay và đánh giá được tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này. Vì thế ngân hàng sẽ dựa vào sự đánh giá này để cấp vốn vay.
Lợi ích của các khoản vay này đó là các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng mà trước đó họ không đủ điều kiện vay, số tiền vay cũng được chuyển đến doanh nghiệp nhanh hơn do các công ty cấp vốn rủi ro đã kiểm định tình hình kinh doanh từ trước, và ngân hàng sẽ chấp nhận một giới hạn rủi ro cao hơn so với các khoản vay thông thường.
Với các khoản vay này, ngân hàng thường đòi hỏi lãi suất cao cùng với yêu cầu đảm bảo cổ phiếu tương lai trong đó ngân hàng sẽ được mua cổ phiếu của công ty đi vay ở mức giá xác định từ trước hoặc với giá thị trường ở thời điểm mua. Thêm nữa chỉ có một lượng nhỏ các doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay rủi ro này.
Kết luận
Nhu cầu, khả năng và lịch sử tín dụng của cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ quyết định đến sự lựa chọn và sự sẵn có của các nguồn tài trợ vốn. Cụ thể hơn, các yếu tố quyết định bao gồm yêu cầu về thời gian, cơ sở tài sản, vị trí địa lí, mức độ chấp nhận rủi ro và khả năng chứng minh được triển vọng của công việc kinh doanh. Sau khi hoàn tất việc đánh giá và lựa chọn các kênh cấp vốn trên thị trường, bạn hoàn toàn có thể có đủ vốn cho doanh nghiệp của mình mà không cần đến các ngân hàng nữa.