1. Công việc quản lý
Đội ngũ quản lý mạnh là xương sống của bất kì công ty thành công nào. Điều đó không có nghĩa coi nhân viên không có tầm quan trọng. Tuy nhiên, hãy nhớ đội ngũ quản lý là nơi đưa ra các quyết định chiến lược. Chúng ta có thể hình dung đội ngũ quản lý là thuyền trưởng của con thuyền. Mặc dù không trực tiếp lái con thuyền, nhưng đội quản lý chỉ đạo những người khác để đảm bảo cho chuyến đi an toàn.
Trên lí thuyết, đội ngũ quản lý của một công ty đại chúng phải có trách nhiệm tạo ra giá trị cho các cổ đông. Đội ngũ quản lý phải có sự nhạy bén trong kinh doanh để điều hành công ty tạo ra lợi ích cho các chủ sở hữu. Tất nhiên, điều không tưởng là đội ngũ quản lý chỉ nghĩ về lợi ích của các cổ đông. Những người quản lý, cũng giống như những người khác, luôn luôn tìm kiếm lợi ích cho cá nhân. Và mâu thuẫn có thể sinh ra khi lợi ích của quản lý khác biệt so với lợi ích của cổ đông. Trên thế giới hiện có thuyết nghiên cứu về vấn đề này mang tên Agency Theory. Thuyết này nói rằng, xung đột sẽ xảy ra trừ phi quyền thưởng phạt (compensation) của đội ngũ quản lý bằng cách nào đó bị ràng buộc với lợi ích của cổ đông.
2. Giá cổ phiếu không luôn phản ánh chất lượng quản lý
Một số người nói rằng, các nhân tố chất lượng không có ý nghĩa gì bởi vì chất lượng thực của quản lý sẽ được phản ánh trên kết quả tài chính và giá cổ phiếu. Trong dài hạn, điều này có thể đúng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tốt trong ngắn hạn không đảm bảo rằng công ty được quản lý tốt. Những ví dụ điển hình nhất là về sự sụp đổ của các công ty dotcom. Trong một khoảng thời gian, giá cổ phiếu đã từng được coi là là một tín hiệu chắc chắn của thành công. Tuy nhiên, chỉ riêng giá cổ phiếu cao không có nghĩa là đội ngũ quản lý có chất lượng.
3. Thời gian điều hành
Một trong những tín hiệu tốt đó là độ dài thời gian CEO và đội ngũ quản lý cấp cao phục vụ cho công ty. Một ví dụ điển hình có thể nhắc tới là Jack Welch, cựu CEO của General Electric. Ông đã điều hành công ty 20 năm trước khi về hưu và được nhiều người coi là một trong những giám đốc điều hành giỏi nhất mọi thời đại.
Warrent Buffett cũng giữ kỷ lục về thời gian điều hành Berkshire Hathaway. Một trong những tiêu chí đầu tư của Buffett đó là tìm kiếm những công ty có đội ngũ quản lý ổn định-vững mạnh và đã phục vụ công ty trong nhiệm kì dài.
4. Chiến lược và mục tiêu
Hãy hỏi bản thân bạn xem đội ngũ quản lý đã đặt ra mục tiêu gì cho công ty? Công ty có sứ mệnh là gì? Sứ mệnh đưa ra có độ súc tích, dễ hiểu đến đâu? Một sứ mệnh đúng đắn sẽ tạo ra mục tiêu cho đội quản lý, nhân viên, cổ đông và thậm chí cả đối tác của công ty.
5. Mua bán cổ phần công ty và mua lại cổ phiếu
Nếu người bên trong công ty mua cổ phiếu của chính công ty thì thường bởi vì họ biết điều gì đó mà nhà đầu tư bên ngoài không biết. Hành động mua này thường cho nhà đầu tư thấy rằng người quản lý sẵn sàng đặt tiền vào nơi có lợi ích sát sườn với họ. Nhưng vấn đề mấy chốt ở đây là chú ý đến khoảng thời gian đội quản lý nắm giữ cổ phiếu. Lướt sóng để kiếm lời là một lí do; đầu tư dài hạn là lí do khác. Một ví dụ về việc này là Bill Gates: mặc dù ông có bán ra để đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhưng một phần lớn tài sản của ông được giữ dưới dạng cổ phiếu Microsoft.
Hiểu tương tự với hành động mua lại cổ phần của công ty. Mục tiêu của đội quản lí là tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Việc mua lại sẽ giúp tăng giá trị cho cổ đông nếu công ty trên thực tế đang bị định giá thấp.
6. Tiền lương - thưởng
Những giám đốc điều hành bậc cao thường được nhận tiền lương khoảng 6-7 chữ số một năm. Đội quản lý tốt trả lương cho mình bằng cách tăng giá trị cho cổ đông. Nhưng để hiểu xem mức tiền lương như thế nào là cao là một việc khó.
Đội quản lý ở các ngành công nghiệp khác nhau sẽ được trả ở mức khác nhau. Ví dụ, CEO ở ngành ngân hàng, như Sandy Weill của Citibank được nhận trên 20 triệu USD/năm, nhưng CEO Scott Livengood của Krispy Kreme Doughnuts chỉ được nhận 1 triệu USD. Nhưng quy tắc chung là CEO trong cùng ngành sẽ có mức lương tương đối giống nhau.
Bạn phải chú ý khi một giám đốc nhận những khoản tiền khổng lồ khi công ty đang gặp khó khăn. Nếu vị giám đốc đó thực sự quan tâm đến cổ đông trong dài hạn, liệu ông ta có trả cho mình một khoản lớn như vậy khi công ty bị khó khăn?
Quyền chọn cổ phiếu cũng nên được đề cập ở đây. Một vài năm trước, rất nhiều người ca tụng quyền chọn là giải pháp để đảm bảo đội ngũ quản lý sẽ giúp tăng giá trị cho cổ đông. Lý thuyết thì hay, nhưng trên thực tế lại khác. Sụ thật là quyền chọn ràng buộc lợi ích của người có quyền với hoạt động của công ty, nhưng không hẳn là cho lợi ích của các nhà đầu tư dài hạn. Rất nhiều giám đốc đã làm mọi việc để đẩy giá cổ phiếu lên để sau đó có thể "giải quyết" quyền chọn của mình và kiếm lời nhanh gọn. Khi các nhà đầu tư kịp nhận ra sổ sách đã bị xào xáo, giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng thì giám đốc đã kiếm xong những món lời khổng lồ. Quyền chọn cổ phiếu cũng không phải là miễn phí, tiền phải đến từ nguồn nào đó, thường là từ việc pha loãng cổ phiếu hiện tại.
Nếu bạn là nhà đầu tư, cần kiểm tra xem liệu đội quản lý có sử dụng quyền chọn để chuộc lợi cá nhân cho mình hay họ đang cố gắng để tăng thêm giá trị thực của cổ phiếu trong dài hạn. Đôi khi nhà đầu tư có thể tìm thấy thông tin này trong Thuyết minh báo cáo tài chính.
Kết luận
Kiểm tra báo cáo tài chính sau mỗi quý là quan trọng, nhưng điều đó cũng chưa nói lên tất cả. Nhà đầu tư hãy dành chút ít thời gian để nghiên cứu về chính những con người đã làm nên những con số trong sổ sách này.
Nguồn :
Saga Tổng hợp & Biên tập