6 Viễn Cảnh Xấu Trong Việc Một Công Ty Mua Lại Cổ Phiếu Đã Phát Hành

Lâm Nguyễn
04/07/2015 - 22:50 9995     0

Mua lại cổ phần có thể là một cách khôn ngoan để công ty phát hành sử dụng lượng tiền mặt dư giả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó chỉ là một mánh khóe để tăng doanh thu, hoặc thậm chí tồi tệ hơn, là tín hiệu chỉ ra rằng công ty đã cạn kiệt ý tưởng hay. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư không thể mua lại cổ phiếu bằng với mệnh giá. Bài viết này sẽ phân tích khi nào thì việc mua lại cổ phiếu thể hiện một bước đi chiến lược và khi nào thì nó thể hiện một bước đi tuyệt vọng của công ty.

Khi nào việc mua lại cổ phiếu là hợp lý?

Việc mua lại cổ phiếu xảy ra khi một công ty mua và hủy một số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của mình. Đây có thể là một tin tốt cho các cổ đông bởi vì sau khi công ty mua lại cổ phiếu, cổ phần của họ sẽ tăng lên, và do đó được hưởng phần lợi nhuận và dòng tiền lớn hơn.

Về lý thuyết, ban quản trị sẽ theo đuổi việc mua lại cổ phần bởi cách này đem lại lợi nhuận tiềm năng lớn nhất cho cổ đông – lớn hơn những gì họ có thể nhận được từ việc mở rộng hoạt động vào các thị trường mới, đầu tư vào hãng hoặc bất kỳ cách sử dụng tiền nào khác mà công ty có. Nếu một công ty có tiềm năng sử dụng tiền mặt để mở rộng hoạt động lại chọn cách mua lại cổ phiếu của mình, thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy các cổ phiếu đang bị định giá thấp. Tín hiệu này thậm chí còn mạnh mẽ hơn nếu các nhà quản lý cấp cao đang mua lại cổ phiếu cho chính họ.

Quan trọng nhất, mua lại cổ phiếu có thể là một cách hay để sử dụng nguồn tiền dư thừa mà không phải chịu nhiều rủi ro. Tái đầu tư tiền mặt, ví dụ như vào R&D (Nghiên cứu và Phát triển) hoặc một sản phẩm mới, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu những khoản đầu tư này không sinh lời, những đồng tiền khó kiếm đó sẽ đổ xuống sông xuống biển. Dùng tiền mặt để trả cho những vụ thâu tóm cũng có thể nguy hiểm. Các vụ sáp nhập hầu như không bao giờ được như kỳ vọng. Ngược lại, mua lại cổ phiếu cho phép các công ty tự đầu tư vào chính họ khi họ tự tin rằng cổ phiếu của mình đang bị định giá thấp và sẽ đưa ra một mức lợi nhuận tốt cho các cổ đông.

Khi nào mua lại cổ phiếu sẽ thất bại

Đôi khi mua lại cổ phiếu là một bước đi khôn ngoan. Tuy nhiên, cũng không thiếu lúc đây là một ý tưởng vô cùng tồi tệ và có thể ảnh hưởng xấu đến các cổ đông. Điều này có thể xảy ra khi việc mua lại được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Khi cổ phiếu bị định giá quá cao

Trước tiên, chỉ nên mua lại cổ phiếu khi ban quản trị rất tự tin rằng các cổ phiếu đang bị định giá thấp. Xét cho cùng thì các công ty cũng không khác gì những nhà đầu tư thông thường. Nếu một công ty đang cố mua lại cổ phiếu với giá 15 USD/cổ phiếu trong khi giá trị của chúng chỉ là 10 USD, thì rõ ràng công ty đang đưa ra một quyết định đầu tư sai lầm. Khi công ty mua lại cổ phiếu bị định giá quá cao tức là công ty đó đang hủy hoại lợi ích của cổ đông. Công ty sẽ được lợi hơn nếu dùng số tiền đó để trả cổ tức, để cổ đông có thể đầu tư số tiền đó hiệu quả hơn.

2. Để tăng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS)

Mua lại cổ phiếu có thể làm tăng EPS. Khi một công ty mua lại cổ phiếu của chính mình trên thị trường, công ty đó làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành. Điều này có nghĩa rằng thu nhập được phân phối cho ít cổ phần hơn, và làm tăng thu nhập trên mỗi cổ phần. Kết quả là, nhiều nhà đầu tư hoan nghênh việc mua lại cổ phần vì họ cho rằng làm tăng EPS là một phương pháp chắc thắng để làm tăng giá trị cổ phần.

Nhưng không đơn giản như vậy. Trái với quan quan điểm chung (và, trong nhiều trường hợp, quan điểm của ban giám đốc công ty), tăng EPS không nâng cao những chỉ số cơ bản (fundamental). Công ty phải dùng tiền mặt để mua cổ phần; và các nhà đầu tư sẽ điều chỉnh sự định giá của họ để phản ánh sự sụt giảm cả về tiền mặt và cổ phần. Sớm hay muộn, kết quả sẽ là hiệu ứng của EPS tăng sẽ mất đi. Nói cách khác, thu nhập tiền mặt ít hơn và được chia cho ít cổ phần hơn sẽ không làm thay đổi thu nhập trên mỗi cổ phiếu.

Tất nhiên, thông báo về một vụ mua lại cổ phiếu lớn, với viễn cảnh EPS tăng lên (trong thời gian ngắn) sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích, làm đẩy giá cổ phiếu. Nhưng trừ khi đây là một hành động khôn ngoan, còn không thì chỉ có các nhà đầu tư lướt sóng mới được lợi. Lợi ích (nếu có) dành cho các cổ đông dài hạn là rất ít.

3. Để làm lợi cho đội ngũ điều hành

Nhiều giám đốc điều hành nhận được phần lớn thù lao của họ dưới dạng quyền chọn mua cổ phiếu. Kết quả là, việc mua lại cổ phiếu có thể đáp ứng một mục tiêu: khi quyền chọn mua cổ phiếu được áp dụng, các chương trình mua lại sẽ hấp thu các cổ phiếu dư thừa và bù đắp cho sự loãng về mặt giá trị của những cổ phiếu hiện tại và bất kì sự sụt giảm tiềm tàng nào của EPS.

Bằng cách thu hết cổ phiếu dư thừa và giữ cho EPS tăng, mua lại cổ phiếu là một cách thuận tiện cho các giám đốc điều hành tối đa hóa sự giàu có của riêng họ. Đó là cách giúp họ duy trì giá trị của các cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu. Một số giám đốc điều hành thậm chí có thể mờ mắt theo đuổi việc mua lại để tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn và sau đó bán cổ phần của mình. Không chỉ có vậy, các khoản tiền thưởng lớn mà các giám đốc điều hành nhận được thường gắn với phần tăng giá cổ phần và phần tăng của thu nhập trên mỗi cổ phiếu, vậy nên họ có động cơ để theo đuổi việc mua lại cổ phiếu ngay cả khi có những cách tốt hơn để chi tiêu tiền mặt hoặc khi các cổ phiếu được định giá quá cao.

4. Mua lại cổ phiếu bằng cách sử dụng tiền vay

Đối với các giám đốc điều hành, sự cám dỗ từ việc sử dụng nợ để tài trợ cho việc mua lại cổ phần (nhằm mục đích tăng thu nhập) cũng khó mà cưỡng lại. Công ty có thể tin rằng dòng tiền dùng để trả nợ sẽ tiếp tục tăng, nên sẽ huy động tiền của cổ đông để trả nợ đúng hạn. Nếu đúng như vậy, họ sẽ được coi là người sáng suốt. Nếu họ sai, các nhà đầu tư sẽ bị tổn thất. Hơn nữa các nhà quản lý có xu hướng cho rằng cổ phiếu của công ty họ bị định giá quá thấp, bất kể với giá nào. Khi vay tiền xong, việc mua lại cổ phiếu có thể làm giảm xếp hạng tín dụng, vì nó làm cạn kiệt dự trữ tiền mặt được dùng để dự phòng cho thời kỳ khó khăn.

Một trong những lý do được đưa ra cho việc dùng nợ để tài trợ cho mua lại cổ phiếu là vì phương pháp này hiệu quả hơn do lãi suất vay nợ không bị đánh thuế như cổ tức. Tuy nhiên, nợ thì phải trả. Hãy nhớ rằng nguyên nhân khiến cho một công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính không phải là do thiếu lợi nhuận, mà là do thiếu tiền mặt.

5. Để chống lại một kẻ thâu tóm

Trong một số trường hợp, mua lại cổ phiếu có sử dụng đòn bẩy có thể nhằm mục đích chống lại một đề nghị mua có tính thù địch (hostile bidder). Công ty vay thêm một lượng tiền đáng kể để mua lại cổ phiếu thông qua chương trình mua lại. Hành động mua lại dựa trên vay nợ như vậy có thể thành công trong việc cản trở những đề nghị mua có tính thù địch theo cả hai cách: nâng cao giá trị cổ phiếu (hy vọng được như vậy) và thêm một lượng lớn các khoản nợ không mong muốn vào bảng cân đối kế toán của công ty.

6. Không còn lựa chọn nào khác để đầu tư tiền

Trừ trường hợp mua lại được thực hiện lúc công ty cảm thấy giá cổ phiếu của họ đang ở mức quá thấp, việc mua lại cổ phiếu gần như không tốt đẹp gì. Tuy nhiên, nếu công ty nhận định chính xác và cổ phiếu của họ bị định giá thấp thật, nhiều khả năng công ty sẽ phục hồi được. Sự thực là các công ty mua lại cổ phiếu thừa nhận họ không thể đầu tư dòng tiền rảnh rỗi của mình một cách hiệu quả.

Ngay cả chương trình mua lại cổ phiếu hào phóng nhất cũng có giá trị rất thấp đối với các cổ đông nếu nó được thực hiện khi hoạt động tài chính của công ty vốn không được tốt, khi môi trường kinh doanh khó khăn hoặc khi lợi nhuận của công ty sụt giảm. Bằng cách tạm thời nâng EPS lên, việc mua lại cổ phiếu có thể làm giảm nhẹ tình hình, nhưng không thể đảo ngược tình thế một khi công ty gặp khó khăn.

Lời kết

Là những nhà đầu tư, chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng hơn việc công ty phát hành mua lại cổ phiếu. Bạn nên tìm thông tin chi tiết trong các báo cáo tài chính, xem xem cổ phiếu có được thưởng cho nhân viên hay không và cổ phiếu có được mua lại khi đang ở mức giá tốt hay không. Một công ty đang mua lại cổ phiếu được định giá quá cao, đặc biệt dùng rất nhiều nợ để mua, là đang phá hủy lợi ích cổ đông. Không phải 100% các kế hoạch mua lại cổ phiếu đều xấu nhưng khả năng này là có. Thế nên, hãy cẩn thận!

Nguồn : Theo Saga.vn
Lâm Nguyễn