6 Nghiệp Vụ Chính Của Ngân Hàng Đầu Tư

08/03/2015 - 21:45 55284     0

Có nhiều cách phân chia các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư. Nếu bạn lướt qua trang chủ của một vài ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới, các bạn sẽ nhận ra mỗi ngân hàng đầu tư có cách phân loại và gọi tên các sản phẩm của mình rất khác nhau. Thậm chí một ngân hàng cũng có thể thay đổi cách phân chia và gọi tên các sản phẩm của mình theo thời gian cho mục đích cơ cấu tổ chức hoặc mục đích thương mại. Về cơ bản, ngân hàng đầu tư thường phân chia hoạt động các mảng nghiệp vụ sau.

1. Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (Investment Banking)

Nghiệp vụ này có cùng tên gọi “ngân hàng đầu tư”, có thể vì đây là một nghiệp vụ truyền thống lâu đời nhất và là lý do hình thành nên ngân hàng đầu tư. Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư truyền thống bao gồm dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán cho khách hàng, do đó có thể coi là nghiệp vụ trên thị trường sơ cấp. Các loại chứng khoán bao gồm chứng khoán nợ (trái phiếu) và chứng khoán vốn (cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi).

Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư dần được mở rộng ra bao gồm tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp. Nghiệp vụ này sử dụng kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và vì thế là nghiệp vụ nối dài của nghiệp vụ phát hành chứng khoán huy động vốn. Dịch vụ tư vấn M&A bao gồm tư vấn mua bán, sáp nhập, thành lập liên doanh, liên minh chiến lược, thoái vốn đầu tư và tư vấn chiến lược chống lại các cuộc thôn tính thù nghịch.

Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư thường mang về các khoản phí tư vấn và bảo lãnh phát hành khổng lồ cho các ngân hàng đầu tư và tạo cơ sở bàn đạp để bán chéo các sản phẩm khác. Các khách hàng của mảng dịch vụ này chủ yếu bao gồm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư có tổ chức, các chính phủ và chính quyền địa phương.

Đối với các nghiệp vụ huy động vốn, các ngân hàng đầu tư hưởng phí tư vấn và bảo lãnh phát hành (phí phát hành). Đối với các khoản chứng khoán vốn, phí phát hành thường nằm trong khoảng 3%-5% tổng số vốn huy động. Với sự cạnh tranh khốc liệt ngày càng gia tăng trên thị trường, khoản phí phát hành ngày càng bị thu hẹp. Mức phí bình quân trong năm 2008 giảm xuống 2,5%. Đối với các chứng khoán nợ, phí phát hành thấp hơn nhiều, thường khoảng 0,3%-1%. Mức phí bình quân trong năm 2008 giảm xuống chỉ còn 0,27%.

Đối với các giao dịch tư vấn M&A, khoản phí thường dao động trong khoảng 1%-1,5% giá trị giao dịch. Giá trị giao dịch càng lớn thì tỷ lệ phần trăm phí càng thấp. Mảng dịch vụ này có mức độ rủi ro thấp và trong mọi trường hợp thành bại của giao dịch thì ngân hàng đầu tư đều mang về một khoản phí nhất định. Chính vì vậy, mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp không chỉ là sân chơi của các ngân hàng đầu tư mà còn là của các công ty tư vấn tài chính lớn trên thế giới như các công ty kiểm toán. Dịch vụ ngân hàng đầu tư được coi là giá trị cốt lõi của một ngân hàng đầu tư.

2. Nghiệp vụ đầu tư (Sales & Trading)

Nếu nghiệp vụ ngân hàng đầu tư diễn ra chủ yếu trên thị trường sơ cấp thì nghiệp vụ đầu tư chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp. Nghiệp vụ đầu tư bao gồm môi giới và đầu tư. Nghiệp vụ môi giới chủ yếu được áp dụng cho các sản phẩm chứng khoán niêm yết (bao gồm cả các sản phẩm phái sinh niêm yết như hợp đồng tương lai hay quyền chọn), trong đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò trung gian nhận lệnh và khớp lệnh cho các khách hàng. Đầu tư bao gồm nghiệp vụ đầu tư cho khách hàng với chức năng tạo thanh khoản thị trường mà ở đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường và nghiệp vụ tự doanh với mục tiêu đầu cơ biến động giá chứng khoán. Hoạt động đầu tư là hoạt động mang tính rủi ro cao do ngân hàng mang vốn của mình ra kinh doanh.

Nghiệp vụ đầu tư cho khách hàng (flow trading) áp dụng cho các sản phẩm chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC, bao gồm các chứng khoán không niêm yết, hợp đồng phái sinh không niêm yết và các sản phẩm cơ cấu. Với chức năng tạo thanh khoản, các giao dịch mua bán được thực hiện với các khách hàng một cách thụ động hoặc chủ động với mục tiêu tìm kiếm các khoản chênh lệch giá. Các chứng khoán được trao đổi mua bán trong khoảng thời gian ngắn nhằm tránh sự biến động giá mạnh. Thông thường, các nhân viên đầu tư duy trì một trạng thái sản phẩm nhỏ (trong hạn mức cho phép) vào cuối ngày để hạn chế rủi ro.

Hoạt động đầu tư tự doanh mang tính rủi ro cao hơn so với hoạt động đầu tư tạo thanh khoản. Nghiệp vụ này áp dụng cho cả chứng khoán niêm yết và không niêm yết. Các nhân viên đầu tư tìm kiếm lợi nhuận biến động giá bằng cách chủ động nắm giữ trạng thái sản phẩm (“trường” hoặc “đoản”) và đánh cược với sự biến động của thị trường. Thời hạn nắm giữ sản phẩm có thể ngắn đến dài hạn, tùy thuộc theo từng chiến thuật đầu tư.

Hoạt động đầu tư thường gắn liền với một bộ phận quan trọng đó là bộ phận bán hàng. Các nhân viên bán hàng là những người tiếp thị, duy trì quan hệ với các khách hàng lớn để mang họ tới cho các nhân viên đầu tư. Chính vì thế bộ phận này có tên đầy đủ trong tiếng Anh là “Sale & Trading”.

3. Nghiệp vụ nghiên cứu (Research)

Nghiệp vụ nghiên cứu được thực hiện bởi các nhân viên nghiên cứu nhằm theo dõi tình hình hoạt động của các loại chứng khoán trên thị trường giúp các nhà đầu tư có thể ra được các quyết định mua bán của mình một cách linh hoạt kịp thời.

Các sản phẩm nghiên cứu rất đa dạng, bao gồm các báo cáo nghiên cứu chung như kinh tế vĩ mô, nghiên cứu ngành, nghiên cứu chiến thuật đầu tư và nghiên cứu sản phẩm. Các báo cáo nghiên cứu là cơ sở giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định mua bán kịp thời. Nghiệp vụ nghiên cứu cũng bao gồm việc xây dựng, phát triển các công cụ phân tích và quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng.

Nghiệp vụ nghiên cứu không tạo doanh thu trực tiếp song có tác dụng tăng cường chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của ngân hàng đầu tư. Nghiệp vụ nghiên cứu có vai trò quan trọng hỗ trợ các hoạt động khác của ngân hàng đầu tư. Việc nghiên cứu có tác dụng tăng cường tính thanh khoản của các sản phẩm chứng khoán, do đó thúc đẩy việc mua bán, tạo doanh thu cho khối đầu tư. Hoạt động nghiên cứu cũng giúp việc phát hành chứng khoántrên thị trường sơ cấp trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt đối với các chứng khoán có tính thanh khoản tốt, được sự quan tâm của thị trường. 

4. Nghiệp vụ ngân hàng bán buôn (Merchant Banking)

Nghiệp vụ ngân hàng bán buôn là một loại nghiệp vụ đầu tư song có đối tượng chủ yếu là các sản phẩm thay thế. Các sản phẩm thay thế được hiểu là các sản phẩm đầu tư không phải là các sản phẩm truyền thống (cổ phiếu và trái phiếu), bao gồm đầu tư bất động sản, cho vay sử dụng đòn bẩy tài chính, các thỏa thuận tín dụng lớn như cho vay đồng tài trợ và tài trợ dự án.

Một mảng quan trọng của ngân hàng bán buôn thuộc dòng sản phẩm chứng khoán vốn là đầu tư vốn tư nhân (private equity). Bản chất của nghiệp vụ này là việc ngân hàng đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết có tiềm năng để phát triển làm tăng giá trị thông qua tái cơ cấu tài chính và hoạt động. Việc đầu tư vào các doanh nghiệp vốn tư nhân có thể thực hiện từ giai đoạn khởi nghiệp đến các giai đoạn trưởng thành và phát triển của doanh nghiệp. Hai hình thức thông dụng của nghiệp vụ đầu tư vốn tư nhân là đầu tư mạo hiểm (venture capital) hoặc đầu tư mua doanh nghiệp thông qua đòn bẩy tài chính (Leverage Buy-Out - LBO). Quá trình đầu tư sẽ kết thúc bằng việc thoái vốn thông qua niêm yết doanh nghiệp được đầu tư lên thị trường chứng khoán hoặc bán cho một bên thứ ba. Một cách ít thông dụng hơn, ngân hàng đầu tư vào công ty niêm yết và thoái sàn (de-list) để trở thành doanh nghiệp tư nhân nhằm hạn chế sự quan tâm của công chúng và các cơ quan giám sát thị trường. Sau quá trình phát triển và tái cơ cấu lại, ngân hàng sẽ thoái vốn đầu tư theo cách thông thường là tái niêm yết lên thị trường chứng khoán. Ngân hàng đầu tư vừa thực hiện hoạt động đầu tư vốn tư nhân cho bản thân ngân hàng và cho khách hàng thông qua nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity fund).

Nghiệp vụ ngân hàng bán buôn là một hoạt động tự doanh mang tính rủi ro cao. Với đối tượng đầu tư là các sản phẩm thay thế, thời hạn nắm giữ sản phẩm thường dài hơn so với nghiệp vụ đầu tư các sản phẩm chứng khoán truyền thống. 

5. Nghiệp vụ quản lý đầu tư (Investment Management)

Quản lý đầu tư ngày càng trở thành một mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng đầu tư nhờ mức độ rủi ro thấp và thu nhập ổn định. Quản lý đầu tư có thể phân thành nghiệp vụ quản lý tài sản và nghiệp vụ quản lý gia sản.

Quản lý tài sản bao gồm quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư cho các khách hàng tổ chức. Ngày nay, quỹ đầu tư đã phát triển đa dạng hình thành các loại quỹ đầu tư khác nhau với mục tiêu đầu tư và mức độ rủi ro khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các loại quỹ đầu tư thông dụng bao gồm quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư vốn tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và một số loại quỹ khác.

Quản lý gia sản hay dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) là một khái niệm mới hình thành trong vài thập kỷ qua với dịch vụ tư vấn và quản lý tài sản cho các khách hàng là những cá nhân và gia đình giàu có. Sự gia tăng về thu nhập của nhiều tầng lớp dân cư tại nhiều quốc gia nhờ toàn cầu hóa đã hình thành nên một tầng lớp người giàu, làm cơ sở phát triển dịch vụ quản lý gia sản.

Để tăng cường tính cạnh tranh với mục tiêu trở thành một đại siêu thị tài chính, cung cấp cho khách hàng một danh mục dịch vụ đa dạng, các ngân hàng đầu tư không thể không xây dựng mảng kinh doanh quản lý đầu tư cho riêng mình. Mảng kinh doanh này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các ngân hàng trong mọi điều kiện biến động của thị trường. 

6. Nghiệp vụ nhà môi giới chính (Prime Brokerage)

Nghiệp vụ nhà môi giới chính có rất nhiều tên gọi trong tiếng Anh như “Prime Brokerage”, “Capital Market Prime Services”, “Global Clearing Services” hay “Prime Securities Services”. Nghiệp vụ này xuất hiện từ thập kỷ 1980 song chỉ được phát triển mạnh từ những năm cuối thập kỷ 1990 và gần đây được tách ra thành một nhóm nghiệp vụ riêng biệt do sự lớn mạnh của các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư có tổ chức.

Quỹ đầu cơ (hedge fund) là một dạng quỹ thành viên được tham gia bởi một số nhà đầu tư có điều kiện (đáp ứng các tiêu chí về tài sản và kiến thức đầu tư). Quỹ đầu cơ khác với các loại quỹ thông thường ở chỗ được sử dụng đòn bẩy tài chính và có thể tham gia vào các hoạt động rủi ro như các sản phẩm phái sinh. Ngày nay, tại các quốc gia phát triển các quỹ đầu cơ đã hình thành nên một ngành kinh tế mới với việc quản lý tài sản cho những nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ USD.

Ý tưởng hình thành nghiệp vụ nhà môi giới chính xuất phát từ sự bất tiện của việc sử dụng cùng một lúc nhiều nhà môi giới của các quỹ đầu cơ dẫn đến sự phân tán các nguồn lực trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Nhận thấy điều này, các ngân hàng đầu tư lớn đã nhanh chóng tận dụng thế mạnh của mình với hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có để cung cấp một loạt dịch vụ từ A-Z cho các quỹ đầu cơ, thậm chí cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ miễn phí. Việc tập hợp các nguồn lực này tạo ra sự tiện lợi trong hoạt động, hạn chế phân tán nguồn lực, giúp các quỹ đầu tư có thể tập trung vào công việc kinh doanh chính là đầu tư. Việc sử dụng nhà môi giới chính không có nghĩa là các quỹ đầu cơ không quan hệ với các nhà môi giới khác. Điều này chỉ có nghĩa là các quỹ đầu tư tiến hành thuê ngoài (outsource) các hoạt động không cơ bản và tập trung hóa việc xử lý giao dịch cho nhà môi giới chính để họ thay mặt ký kết thực hiện các giao dịch với các nhà môi giới khác.

Ngày nay, dịch vụ nhà môi giới chính trở nên rất đa dạng và không chỉ bao gồm các dịch vụ môi giới đầu tư mà bao gồm rất nhiều dịch vụ hỗ trợ hoạt động, tư vấn cho toàn bộ vòng đời hoạt động của một quỹ đầu cơ. Các dịch vụ này bao gồm từ việc xin giấy phép, thiết lập cơ sở hạ tầng, cho thuê văn phòng, kêu gọi nhà đầu tư, thu xếp vốn (thông qua nghiệp vụ Repo, cho vay chứng khoán, bán và mua lại, cho vay ký quỹ), quản trị rủi ro, quản lý dòng tiềnvà thanh khoản, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, môi giới đầu tư, thanh toán và lưu ký chứng khoán cũng như các công việc kế toán, lập báo cáo tài chính cho các quỹ đầu cơ. 

Đọc thêm: Khái niệm bên bán (sell-side) và bên mua (buy-side)

Thuật ngữ “bên bán” và “bên mua” là hai khái niệm cơ bản của ngành ngân hàng đầu tư. Với chức năng chính là giúp các khách hàng huy động vốn thông qua việc phát hành các loại chứng khoán,ngân hàng đầu tư được coi là bên bán của ngành chứng khoán. “Bán” trở thành một từ khóa trong hoạt động ngân hàng đầu tư trong một môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Bên mua của ngành ngân hàng đầu tư bao gồm các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân, trong đó các nhà đầu tư tổ chức chiếm vai trò chính. Ngày nay, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư là các nhóm khách hàng bên mua quan trọng trong ngành ngân hàng đầu tư.

 

Trích "Cẩm Nang Ngân Hàng Đầu Tư"

Tác giả: Mạc Quang Huy

(Tác giả xin chia sẻ với Cộng đồng Saga)