Theo khảo sát mới nhất về mạch tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ của báo American Express OPEN®, các chủ doanh nghiệp nhỏ đều có kế hoạch huy động vốn và đầu tư nguồn nhân lực, tuy nhiên hiện nay thì họ lại đang sử dụng từ nguồn vốn cá nhân riêng của mình khá nhiều để phát triển doanh nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ đều chú trọng vào tăng trưởng, với khoảng 79% nói rằng đó là ưu tiên hàng đầu, theo một cuộc khảo sát với 1.001 chủ doanh nghiệp nhỏ - những người đang sở hữu các công ty có doanh thu hàng năm khoảng hơn $250,000.
Kế hoạch phát triển trong tương lai của họ là gì? Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu.
1. Đầu tư bằng vốn cá nhân
Marketer kì cựu Adam Greenbaum thành lập Greenbaum Digital có trụ sở ở Denver - công ty chuyên về Digital Marketing - vào tháng 7 năm 2015 và đã chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc. (Greenbaum, cùng với các chủ doanh nghiệp khác được phỏng vấn cho bài viết này, không tham gia vào cuộc khảo sát). Ông thuê 5 freelancer và mang về một hoặc hai khách hàng mới mỗi tháng. Mặc dù công ty của ông là một công ty về dịch vụ, nó đã có vốn đầu tư ban đầu khá lớn để có thể phát triển.
"Cho đến nay, công ty vẫn đang nhận được sự tài trợ của tôi," ông nói. "Tôi đã không nhận lương trong những tháng đầu tiên và sống bằng tiền tiết kiệm của mình. Tôi có lẽ đã đầu tư khoảng $7,500 đến $10,000 số tiền cá nhân của mình."
Greenbaum không phải là trường hợp duy nhất. Hơn hai phần ba (68%) chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ được khảo sát đều cho biết, họ đã đầu tư khoản tiền tiết kiệm cá nhân để giúp doanh nghiệp phát triển.
Candice Galek rơi vào trường hợp sau. Cô đã thành lập Bikini Luxe - một công ty bán lẻ đồ bơi trực tuyến - vào năm 2014 bằng tiền riêng của mình. Cô cho biết, doanh nghiệp đã tiêu hầu hết số tiền tiết kiệm của mình vào thời điểm ban đầu. Để duy trì hoạt động kinh doanh, cô hầu như không nhận lương vào thời gian đầu tiên. "Ngay cả bây giờ," cô nói, "Tôi không nỡ rút tiền khỏi công ty, khi tôi biết nó có thể phát triển nhanh hơn thế nữa."
2. Dành thời gian để làm các công việc ở cấp cao.
Khoảng 60% chủ doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết trong các công việc hàng ngày, họ đều làm việc vì đam mê hơn là vì tiền bạc. Chủ doanh nghiệp ở Milwaukee, ông Jon Kline khẳng định doanh nghiệp của mình cũng gặp phải vấn đề này . Ông là chủ sở hữu của MKE Production Rental - một công ty cho thuê thiết bị video ở Historic Third Ward của thành phố Milwaukee.
"Tôi cố gắng để trở thành một anh chàng lãnh đạo, người luôn nghĩ về những thứ như marketing, doanh thu, quỹ lương, tuyển dụng và phát triển kinh doanh," ông nói. "Nhân viên của tôi có thể xử lý hơn 90% các tương tác với khách hàng mà không cần tôi tham gia."
3. Có kế hoạch tuyển dụng trong vòng sáu tháng tới
MKE Production Rental thành lập vào năm 2013, như những gì mà Kline gọi là "nghề tay trái", khi công việc chính của ông là một nhà quay phim. Ông cho biết: "Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chỉ làm việc 5-10 giờ mỗi tuần và thỉnh thoảng nhận được một số cuộc gọi. Nhưng trên thực tế, mỗi ngày đều có vài cuộc gọi đến, từ tháng đầu tiên đã thế, vì vậy tôi gần như phải thuê ngay một nhân viên về phụ giúp."
Kline hiện đang thuê hai nhân viên fulltime và một vài nhà thầu, ông cũng đang định thuê thêm một nhân viên fulltime nữa trong vài tháng tới. Kế hoạch của ông phù hợp với 59% số người trả lời khảo sát của American Express OPEN, những người nói rằng họ cũng muốn bổ sung nhân lực trong tương lai gần.
Dù vậy thì việc thuê thêm nhân viên mới hoàn toàn không dành cho người yếu tim. Kline nói, "Nó thực sự rất tàn phá thần kinh. Nếu tôi đến một doanh nghiệp lớn và nói chúng tôi muốn thuê thêm 25% số người, đây sẽ là một việc hệ trọng, nhưng với tôi đấy chỉ là thêm một người mà thôi. Tôi muốn một người thực sự muốn làm việc tại công ty của tôi, chứ không phải chỉ là một người muốn làm việc."
4. Huy động vốn đầu tư
Theo khảo sát, 71% chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ huy động vốn đầu tư để giúp các doanh nghiệp phát triển trong năm nay. Công ty Bikini Luxe của Galek mới đây đã làm được điều đó. Cô vừa chuyển địa điểm công ty ra khỏi kho hàng ở Miami và hoàn thành đầu tư các thiết bị ánh sáng, camera cho studio chụp ảnh trong nhà. Cô cho biết, "Nó giúp chúng tôi bắt kịp được với xu hướng và chụp được các sản phẩm khác nhau."
5. Lo lắng về nền kinh tế bất ổn
Galek nói hầu như mỗi ngày cô đều phải lo ngại về nền kinh tế. Mối quan tâm này ngang bằng với những người tham gia khảo sát, vì họ đều nói rằng đây là thách thức lớn duy nhất của họ. Có đến 24% cho rằng các điều kiện kinh tế bất ổn này đại diện cho những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt khi phát triển kinh doanh. Bất ổn kinh tế được xem là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của 17% các doanh nghiệp được hỏi vào tháng 8 năm 2015.
Đối với Galek, có thể hôm nay bạn bán được rất nhiều, sang ngày mai bạn lại lèo tèo vài đơn đặt hàng. "Vấn đề này chả có gì khó hiểu cả", cô nói. "Đôi khi nó là do một số nhà cung cấp của chúng tôi đang có một đợt bán hàng lớn và bạn cần phải bắt kịp nó".
Kline của MKE Production Rental thì cho biết, ông không có quá nhiều sự tự tin trong nền kinh tế hiện nay. Mọi thứ với doanh nghiệp của ông đang tiến triển rất tốt vào lúc này, tuy nhiên "Tôi có một nỗi sợ hãi lớn rằng, tôi sẽ là người còn lại nắm giữ trong tay số lượng hàng tồn kho trị giá hàng trăm ngàn đô la nhưng lại không thể tiêu thụ được," ông nói. "Nhưng tôi đang cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang ở phần rìa của bong bóng kinh tế."