Khởi nghiệp là thành tựu lớn đối với nhiều nhà kinh doanh, nhưng duy trì được nó lại là một thách thức lớn hơn. Dù lớn hay nhỏ, mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt với những thách thức thông thường bao gồm việc tuyển dụng người phù hợp, xây dựng thương hiệu,v.v. Tuy nhiên, có những thách thức đặc biệt mà chỉ doanh nghiệp nhỏ mới phải đối mặt còn những công ty lớn đều đã từng trải qua trước đó. Và dưới đây chúng ta sẽ xem xét năm thách thức lớn nhất mà bất kỳ công ty nhỏ nào cũng phải vượt qua để trở nên trưởng thành.
Sự phụ thuộc vào khách hàng
Nếu một khách hàng đơn lẻ đem lại hơn một nửa nguồn thu của bạn thì khi đó bạn giống như một nhà thầu độc lập hơn là một chủ doanh nghiệp. Đa dạng hóa cơ sở khách hàng rất quan trọng để phát triển công việc kinh doanh, nhưng nó có thể gây khó khăn - đặc biệt là khi các khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, một khách hàng sẵn sàng thanh toán đúng hạn cho một sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được coi là thượng đế.
Thật không may, điều này có thể dẫn đến khiếm khuyết về lâu dài bởi ngay cả khi bạn có nhân viên của mình, bạn vẫn chỉ là nhà thầu phụ cho một doanh nghiệp lớn hơn. Sự sắp xếp này cho phép khách hàng tránh những rủi ro của việc tuyển dụng thêm nhân sự trong những công việc mà không cần thuê quá nhiều lao động. Bởi vì, tất cả các rủi ro được chuyển từ công ty đó sang bạn và nhân viên của bạn. Mặc dù, điều này sẽ không gây ảnh hưởng lớn nếu khách hàng này có nhu cầu thường xuyên với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Tuy nhiên, việc sở hữu một cơ sở khách hàng đa dạng sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi một khách hàng nào đó không thanh toán.
Quản lý tiền vốn
Bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng cần phải có đủ tiền mặt để chi trả các hóa đơn. Cho dù đó là doanh nghiệp hay cuộc sống của bạn, sẽ có những biến cố làm hao tốn nguồn vốn và đồng thời tạo áp lực lên những quyết định của bạn. Để ngăn chặn vấn đề này, chủ các doanh nghiệp nhỏ phải có lượng vốn dồi dào hoặc có khả năng tạo thêm nguồn thu để củng cố lượng dự trữ tiền mặt khi cần thiết. Điều này là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp nhỏ được xây dựng song song khi mà các nhà sáng lập vẫn đang làm việc cho một công ty khác. Mặc dù việc bạn không thể hoàn toàn tập trung vào công việc kinh doanh có thể gây khó khăn, nhưng chắc chắn một điều là công ty cũng không thể phát triển nếu cạn vốn.
Quản lý tiền vốn trở nên quan trọng hơn khi tiền mặt chảy vào doanh nghiệp và chủ sở hữu. Mặc dù việc hạch toán doanh nghiệp và các loại thuế có thể nằm trong khả năng của hầu hết các ông chủ, nhưng sự giúp đỡ từ phía chuyên gia luôn là một ý tưởng hay. Sổ sách của một doanh nghiệp sẽ càng phức tạp hơn khi có thêm nhiều khách hàng và nhân viên, do đó, nếu có được sự hỗ trợ trong việc quản lý sổ sách thì chẳng có lý do nào để bạn không mở rộng doanh nghiệp của mình cả.
Sự mệt mỏi
Thời gian, công việc và áp lực liên tục làm kiệt sức cả những người đam mê nhất. Phần lớn các chủ doanh nghiệp, ngay cả những người thành công nhất, đều phải làm việc nhiều hơn so với các nhân viên của họ. Hơn nữa, việc họ sợ rằng công việc kinh doanh sẽ bị trì trệ nếu vắng mặt họ, khiến họ không bao giờ dùng các đợt nghỉ phép của mình để nghỉ ngơi hay nạp lại năng lượng. Mệt mỏi kéo theo sự kiệt sức bởi áp lực thời gian và kết quả công việc, đã dẫn đến những quyết định vội vàng, thậm chí là việc từ bỏ sự nghiệp của mình. Duy trì nhịp độ công việc sao cho việc kinh doanh đi lên mà không tạo ra quá nhiều áp lực lên chủ doanh nghiệp là một thách thức mà bạn đương nhiên phải vượt qua trong quá trình phát triển một công ty nhỏ.
Sự phụ thuộc vào người sáng lập
Nếu bạn bị tai nạn, đi xa và không thể tiếp tục điều hành thì liệu doanh nghiệp của bạn có thể tồn tại hay không? Một doanh nghiệp không thể vận hành mà không có người sáng lập là một doanh nghiệp đã đi đến hồi kết. Khi bắt đầu mở rộng, phần lớn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì người lãnh đạo không thể trao lại quyền quyết định và trách nhiệm cho người khác. Trên lý thuyết, thách thức này là cực kì phổ biến và cách giải quyết đơn giản là chủ doanh nghiệp chỉ cần cho nhân viên hoặc đối tác của họ thêm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này là một trở ngại lớn cho những nhà sáng lập bởi với họ, những người mới thường khó có thể đảm đương được công việc (ít nhất là trong giai đoạn đầu). Và đương nhiên là việc này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc nói riêng và cả công ty nói chung.
Cân bằng giữa chất lượng và tăng trưởng
Ngay cả khi một doanh nghiệp không phụ thuộc vào nhà sáng lập, thì vẫn có những giai đoạn mà các vấn đề phát sinh từ việc mở rộng doanh nghiệp sẽ đe doạ đến lợi ích chung của công ty. Tại một số thời điểm doanh nghiệp phải chấp nhận từ bỏ một số lợi ích của mình để mở rộng quy mô (cho dù đó là dịch vụ hay sản phẩm) - điều này đồng nghĩa với việc họ không thể quản lý trực tiếp tất cả các mối quan hệ khách hàng hay kiểm tra mọi chi tiết.
Tuy nhiên sự thật là việc quá chú trọng đến tiểu tiết hay quản lý theo kiểu vi mô đối với một doanh nghiệp đang muốn mở rộng hay tăng trưởng sẽ khó có thể khiến cho một doanh nghiệp thành công. Vì vậy nhiều chủ doanh nghiệp cũng phải cân nhắc rất thận trọng khi quyết định mở rộng quy mô công ty mình. Họ hiểu rằng có một sự khác biệt khá lớn giữa việc làm ra một sản phẩm chất lượng kém và nỗi ám ảnh về một sản phẩm hoàn hảo. Và vì thế nên việc cân bằng lợi ịch giữa chất lượng và việc tăng trưởng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chủ doanh nghiệp người duy nhất sẽ tạo ra các quy trình để có thể vừa cho phép mở rộng quy mô mà không làm ảnh hưởng tới thương hiệu của doanh nghiệp.
Lời kết
Mặc dù đây là những thách thức không hề đơn giản với bất kỳ chủ doanh nghiệp nhỏ nào nhưng để vượt qua điều đầu tiên là họ cần phải xem xét và đối mặt với chúng, tìm cách hiểu rõ cách thức cũng như ảnh hưởng của chúng trước khi bắt tay vào bất kỳ công việc kinh doanh nào. Và thực chất thì động cơ cạnh tranh là một trong những lý do chính khiến một người bắt đầu công việc kinh doanh và mỗi thách thức lại đại diện cho một cơ hội để cạnh tranh.