*Angel Investor: Thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp thành lập, và thông thường để đổi lại, họ sẽ có quyền sở hữu một phần công ty.
http://www.saga.vn/thuat-ngu/angel-investor-nha-dau-tu-thien-than~330
Trong giới kinh doanh, có rất nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa nhà đầu tư thiên thần là ai và họ làm những gì. Chúng ta biết rằng có khá nhiều các công ty được cấp vốn ngay từ giai đoạn đầu và những công ty này đã làm việc với nhiều nhà đầu tư khác nhau. Ở bài viết này, Saga sẽ giúp bạn có một cái nhìn thực sự rõ ràng hơn về các angel investor.
Dưới đây là năm quan niệm sai lầm phổ biến nhất về việc đầu tư “thiên thần”:
1. Các nhà đầu tư thiên thần nắm giữ toàn bộ quyền lực
Có rất nhiều bài viết đã nói đến những gì mà Angel Investor tìm kiếm ở một dự án start-up, từ việc quản lý đội ngũ đến số lượng người dùng, từ doanh thu đến các kênh đối tác, từ quy mô thị trường đến lôi kéo khách hàng. Nhưng lại khá ít thông tin nhắc đến các yếu tố mà một chủ doanh nghiệp nên tìm kiếm ở một nhà đầu tư trong giai đoạn đầu của dự án. Các bài báo đứng trên quan điểm của nhà đầu tư “thiên thần” dường như thường viết một cách ngụ ý rằng, khi bạn đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, tất cả quyền lực đều nằm trong tay người giữ tiền. Bạn phải biết họ đang cần điều gì, và làm thế nào để bạn chứng minh cho họ thấy bạn có những điều đó. Không thể phủ nhận là để nhận được sự đầu tư, bạn cần phải gây ấn tượng với các nhà đầu tư qua việc thể hiện giá trị của công ty bạn, nhưng không có nghĩa rằng bạn không có quyền lực. Bạn cần chủ động hơn trong việc theo đuổi các quỹ đầu từ các nhà đầu tư “đúng”- chính là những người có mối quan hệ, địa vị và kiến thức sẽ giúp đem lại nhiều lợi ích nhất cho công ty của bạn. Đây không phải là "ăn mày mà đòi xôi gấc". Bạn có quyền và cũng nên “kén cá chọn canh”, hãy chỉ nhắm tới những Angel Investor đáng tin cậy trên thị trường và bạn cảm thấy có thể tin tưởng và xây dựng được mối quan hệ thực sự với họ.
2. Nhận đầu tư “thiên thần” dễ hơn là đầu tư mạo hiểm
Điều này về cơ bản là không chính xác. Trên thực tế, phải ngược lại mới đúng. Các nhà đầu tư “thiên thần” đang đầu tư bằng tiền của chính họ, vì thế họ sẽ có xu hướng thắt chặt ví tiền của mình hơn. Hơn nữa, các Angel Investor cũng có thể là những chuyên gia trong ngành của bạn, điều này có thể khiến họ trở nên khó tính hơn khi thuyết phục đầu tư. Hãy nhớ rằng, việc đầu tư cho các doanh nghiệp không phải là quá cần thiết với bất kỳ một nhà đầu tư “thiên thần” nào. Nói cách khác, đây không phải là công việc chính của họ. Trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm kiếm sống bằng việc đầu tư thì các nhà đầu tư “thiên thần” có thể chọn không đầu tư và sử dụng tiền của họ cho những việc khác.
3. Vốn đầu tư “thiên thần tốt” hơn / tệ hơn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm
Sự thật là tiền từ đầu tư “thiên thần” không tốt hơn hay tệ hơn vốn đầu tư mạo hiểm - chúng chỉ đơn giản là khác hẳn nhau. Khi quyết định theo đuổi quỹ đầu tư mạo hiểm, bạn nên xem xét một số yếu tố, bao gồm số tiền bạn cần, công ty đang nằm ở giai đoạn nào và những gì bạn đang xem xét để thoát khỏi các mối quan hệ bên cạnh vấn đề tiền bạc (như chuyên gia trong ngành, nhà tư vấn, cố vấn, v.v...). Ngoài việc xem xét số vốn bạn cần hiện tại, hãy nhớ tính cả số vốn trong tương lai (bởi vì với quỹ đầu tư mạo hiểm, bạn sẽ có thể nhận thêm vốn đầu tư trong tương lai). Nếu muốn nhà đầu tư lớn hơn đầu tư cho dự án của mình, quỹ đầu tư mạo hiểm có lẽ là một sự lựa chọn tốt hơn là quỹ đầu tư “thiên thần”. Còn nếu không bận tâm lắm đến việc chia sẻ quyền kiểm soát thì vốn đầu tư “thiên thần” là lựa chọn hợp lý. Hãy luôn cân nhắc các yếu tố để xác định nguồn đầu tư tốt nhất cho dự án của bạn.
4. Định giá càng cao thì càng tốt
Khi một Angel Investor đánh giá cao dự án của bạn hơn so với người khác, cũng đừng vội mừng. Nếu bạn chỉ nghĩ đến việc sẽ nhận được tiền đầu tư càng nhiều càng tốt thì đó thực sự là một sai lầm. Thay vào đó hãy quan tâm rằng bạn sẽ làm gì với số tiền đầu tư đó, chứ không phải bạn nhận được bao nhiêu tiền, và đây mới là yếu tố quyết định sự thành công bạn. Chỉ số hiệu suất sử dụng vốn (sẽ góp phần tăng số vốn cần thiết để đạt được các mục tiêu của dự án) là một yếu tố thường dùng để đánh giá thành công của một start-up hơn là khả năng tiếp cận vốn. Nguồn đầu tư đến từ đâu cũng là một yếu tố quan trọng phải xem xét. Tức là, nếu bạn được nhận đánh giá cao từ một một nhà đầu tư mới và không liên quan đến lĩnh vực của bạn, hãy thận trọng. Việc định giá cao có thể mang lại nhiều tiền hơn, kết quả là, gây ra sự lãng phí không cần thiết, sự gấp rút trong quá trình thực hiện, và kỳ vọng lớn hơn.
5. Nếu không nhận được sự đầu tư, ý tưởng của bạn chắc chắn sẽ thất bại
Không nhất thiết. Thậm chí một số công ty thành công nhất trên thế giới ban đầu cũng không nhận được vốn đầu tư nào, vì vậy đừng quá thất vọng vì điều đó. Hãy tiếp tục thiết lập các cột mốc và tiến về phía mục tiêu của bạn. Hãy xem đây là một cơ hội để bạn tự lực vươn lên, cũng như là một món quà giúp bạn giỏi hơn trong việc cầm lái trên chính con đường phát triển của công ty mình. Hãy nhớ rằng tự mình cố gắng là một quyết định kinh doanh đầy mạnh mẽ, chứ không phải là một dấu hiệu của sự thất bại.