Trong nhiều thập kỷ, các quỹ tương hỗ đã cung cấp dịch vụ quản lý danh mục chuyên nghiệp, đa dạng và thuận tiện cho các nhà đầu tư không có đủ thời gian hay phương tiện để quản lý danh mục của mình một cách có hiệu quả. Nhiều năm trở lại đây, một dòng quỹ tương hỗ mới đã xuất hiện, sở hữu nhiều ưu điểm giống như các quỹ mở truyền thống nhưng có tính thanh khoản cao hơn nhiều. Các quỹ này được gọi là quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên sàn giao dịch đại chúng và có thể được mua bán trong các phiên giao dịch như cổ phiếu. Tuy nhiên, sự phổ biến của các quỹ này cũng đã tạo ra những thông tin sai lệch về chúng.
Đòn bẩy luôn là một công cụ hiệu quả
Các quỹ ETF sử dụng đòn bẩy ở các mức độ khác nhau để đạt được lợi nhuận tỷ lệ thuận hoặc tỷ lệ nghịch tương ứng lớn hơn so với lợi nhuận của chỉ số, khối ngành hay nhóm chứng khoán cơ sở. Hầu hết các quỹ này có tỷ lệ đòn bẩy lên con số 3, giúp khuếch đại lãi của các công cụ cơ sở và nhanh chóng mang lại khoản lợi nhuận rất lớn không tưởng cho các nhà đầu tư. Tất nhiên, đòn bẩy như con dao hai lưỡi, và những ai đặt cược sai lầm sẽ ngay lập tức phải chịu tổn thất lớn. Chi phí duy trì vị thế dùng đòn bẩy của các quỹ này cũng khá lớn trong một số trường hợp. Nhà quản lý danh mục đầu tư được yêu cầu mua khi giá cao, và bán khi giá thấp để tái cân bằng danh mục đang nắm giữ. Điều này có thể làm giảm đáng kể lợi nhuận do quỹ mang lại trong một thời gian tương đối ngắn. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là có nhiều quỹ sử dụng đòn bẩy không công bố lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ đòn bẩy tài chính của họ trong một khoảng thời gian dài hơn một ngày. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các khoản lãi kép, về mặt toán học, đã hạn chế khả năng theo kịp chỉ số hoặc tiêu chuẩn so sánh (benchmark) khác của quỹ.
Có quỹ ETF cho mọi chỉ số
Nhiều nhà đầu tư tin rằng luôn có một quỹ ETF cho tất cả các chỉ số hoặc khối ngành hiện hành, nhưng đó là một điều hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều chỉ số, đặc biệt là đối với chứng khoán hoặc các thành phần kinh tế ở các quốc gia và khu vực kém phát triển, không có các quỹ ngành cơ sở, chẳng hạn như CNX Ngành dịch vụ hoặc Chỉ số vốn hóa trung bình ở Ấn Độ. Hơn nữa, quỹ ETF không bắt buộc phải mua hết tất cả các chứng khoán tạo nên một chỉ số hoặc khối ngành, đặc biệt là nếu chỉ số đó bao gồm hàng nghìn chứng khoán, ví dụ như Wilshire 5000 Index. Để theo dõi các chỉ số rộng như vậy, quỹ chỉ mua một mẫu trên tất cả các chứng khoán của khối ngành hoặc chỉ số và sử dụng các công cụ phái sinh nhằm làm tăng lợi nhuận do quỹ mang lại. Theo cách này, quỹ có thể theo dõi sát sao lợi nhuận của chỉ số hoặc tiêu chuẩn so sánh một cách tiết kiệm.
Quỹ ETF chỉ theo dõi các chỉ số
Một quan niệm sai lầm phổ biến nữa về ETF là ETF chỉ theo dõi các chỉ số. Quỹ ETF còn có thể theo dõi nhiều khối ngành như công nghệ, và y tế, hàng hóa (bất động sản, kim loại quý) và tiền tệ. Ngày nay các quỹ ETF đều chạm đến gần như mọi tài sản hoặc khối ngành ở một mức độ nhất định.
Phí của quỹ ETF luôn thấp hơn so với quỹ tương hỗ
Thông thường, chứng chỉ quỹ ETF có thể được mua bán với mức phí hoa hồng ngang với cổ phiếu hoặc các chứng khoán khác. Vì lý do này, quỹ ETF chỉ rẻ hơn nhiều so với việc mua các quỹ tương hỗ mở với điều kiện khối lượng giao dịch phải lớn. Ví dụ, có thể đầu tư $100,000 vào quỹ ETF với mức phí hoa hồng trực tuyến là $10, trong khi một quỹ tương hỗ có tính phí sẽ thu từ 1-6% giá trị tài sản. Tuy nhiên, các quỹ ETF không phải là một lựa chọn tốt cho các khoản đầu tư nhỏ định kỳ, ví dụ khi nhà đầu tư muốn trung bình hóa chi phí đầu tư với $100/tháng mà theo đó, họ phải trả một khoản hoa hồng như nhau cho mỗi lần mua. Ngoài ra, quỹ ETF không có breakpoint sales (hình thức giảm phí hoa hồng nếu đạt đến một giá trị đầu tư nhất định) như các quỹ có thu phí truyền thống.
Quỹ ETF luôn được quản lý thụ động
Mặc dù nhiều quỹ ETF vẫn giống quỹ UIT ở chỗ chúng bao gồm một danh mục đầu tư chứng khoán được thiết lập lại định kỳ, nhưng ngoài SPDRS, Diamonds và Cubes, còn có rất nhiều loại quỹ ETF. Những quỹ ETF được quản lý chủ động đã xuất hiện trong những năm gần đây và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai.
Những quan niệm sai lầm và hạn chế khác
Mặc dù tính thanh khoản và hiệu suất của các quỹ ETF rất hấp dẫn, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng quỹ ETF đã đi lệch so với mục đích ban đầu của các quỹ tương hỗ khi đầu tư dài hạn bằng cách cho phép các nhà đầu tư giao dịch các quỹ này trong ngày giống như chứng khoán. Khi giá cổ phiếu giảm so với lúc mua, những nhà đầu tư phải trả phí hoa hồng 4-5% sẽ chẳng dại gì thanh lý vị thế của họ bởi bình thường họ chỉ phải trả 10 hay 20 đô cho nhà môi giới trực tuyến. Giao dịch ngắn hạn cũng hạn chế khả năng thanh khoản thuế của những công cụ này.
Hơn nữa, có những thời điểm giá trị tài sản ròng của quỹ ETF có thể biến động vài phần trăm so với giá đóng cửa thực tế của nó do sự thiếu hiệu quả của danh mục. Cũng có phỏng đoán cho rằng các quỹ ETF được sử dụng để thao túng thị trường, và có thể hành vi này đã góp phần vào cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008. Cuối cùng, một số nhà phân tích cho rằng nhiều quỹ ETF không cung cấp đủ sự đa dạng hóa cần thiết. Có những quỹ quá chú trọng vào một số ít các cổ phiếu hoặc không thì đầu tư vào một phân khúc chứng khoán tương đối hẹp như cổ phiếu công nghệ sinh học. Mặc dù các quỹ này rất hữu ích trong một số trường hợp nhưng những nhà đầu tư tìm kiếm sự đa dạng hóa của toàn thị trường không nên đầu tư vào chúng.
Kết luận
Quỹ ETF có một số ưu điểm so với các quỹ tương hỗ dạng mở truyền thống ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như khả năng thanh khoản, hiệu quả thuế cũng như phí và hoa hồng thấp. Tuy nhiên, có tương đối nhiều thông tin sai lệch về các quỹ này. Quỹ ETF không bao quát tất cả các chỉ số và khối ngành, và có một số hạn chế về mặt hiệu suất và đa dạng hóa. Tính thanh khoản của quỹ ETF cũng có thể chỉ phù hợp với những nhà đầu tư muốn giao dịch ngắn hạn.