5 Hình Thức Mua Lại Cổ Phiếu Của Doanh Nghiệp

Vinh Lê
08/03/2015 - 20:00 20566     0

Theo chính sách giữ lại cổ tức thụ động, một doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận hơn lượng tiền cần để sử dụng tái đầu tư thì nên chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Tuy nhiên, thay vì chi trả cổ tức tiền mặt, đôi khi doanh nghiệp mua lại cổ phần (cổ phiếu của chính mình) nhằm nâng giá cổ phiếu hay loại bỏ sự thôn tính của đối thủ.

Mua lại cổ phiếu là hành động công ty tiến hành mua lại toàn bộ hoặc một phần số cổ phiếu do chính công ty phát hành đang thuộc sở hữu của các cổ đông. Sau khi việc mua lại được tiến hành, số cổ phần của công ty sẽ giảm xuống. Số cổ phần được mua lại đó được gọi là cổ phiếu quỹ (Cổ phiếu quỹ sau khi được mua lại sẽ không được chi trả cổ tức).

Cổ phiếu ngân quỹ giúp cho hoạt động M&A (hợp nhất & sáp nhập) trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng các điều khoản về chuyển đổi cổ phần ưu đãi và trái khoán của công ty, sử dụng các chứng chỉ đặc quyền để mua chứng khoán, và đáp ứng các nhu cầu về cổ phần mới trong các chương trình quyền được mua chứng khoán của các cấp điều hành hay kế hoạch mua chứng khoán của nhân viên trong doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của mình cũng giống như một hình thức chi trả cổ tức của doanh nghiệp, bởi vì cổ đông của doanh nghiệp cũng nhận được một khoản lợi từ việc bán lại cổ phần của mình. Vì vậy, hành động này được xem như là một cơ chế phân phối tiền cho các cổ đông mà một doanh nghiệp có thể lựa chọn thay cho việc trả cổ tức bằng tiền.

Các hình thức mua lại cổ phần

Các doanh nghiệp thực hiện các chương trình mua lại cổ phần theo một số cách thức:

  • Chào mua với giá cố định.
  • Mua lại cổ phiếu trên thị trường mở
  • Mua lại cổ phiếu theo hình thức đấu giá kiểu Hà Lan
  • Phân phối quyền bán lại có khả năng chuyển nhượng
  • Mua lại cổ phiếu mục tiêu.

Chào mua với giá cố định

Mua trực tiếp từ các cổ đông của mình bằng cách đưa ra một giá đệm (thường cao hơn giá thị trường). Chẳng hạn như ở Mỹ, chênh lệch giữa 2 mức giá này thường là 20 - 25%. Tỷ lệ cổ phần mà công ty dự kiến mua lại thường dao động trong phạm vi 15 – 19% tổng số cổ phần đang lưu hành, và chương trình mua lại cổ phần thường kéo dài trong vòng 3 – 4 tuần. Nếu số lượng cổ đông chào bán lớn hơn lượng dự tính, thì công ty có thể mua lại nhiều hơn số cổ phần ban đầu định mua (Nếu doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính). Trong trường hợp số cổ đông chào bán quá ít, doanh nghiệp có thể mua lại số cổ phần đó và kéo dài thời gian chào mua hoặc hủy bỏ kế hoạch mua lại cổ phiếu.

Mua lại cổ phiếu trên thị trường mở

Mua lại cổ phiếu trên thị trường mở là việc doanh nghiệp mua cổ phần ở thị trường tự do, hay có thể thương lượng riêng để mua lại từ những người nắm giữ lượng lớn các cổ phần như là các định chế chẳng hạn.

Doanh nghiệp có thể thực hiện việc mua lại theo kiểu này với thời gian dài, hàng tháng – thậm chí là hàng năm, với giá mua bằng với giá thị trường. Do đó hình thức mua này ít mang tính chất đột ngột hơn, và hiệu quả báo hiệu của nó có thể thấp hơn việc mua với giá ấn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí với việc mua lại này  vì họ không phải đưa ra giá cao hơn để thu hút các cổ đông hiện tại. Về phía các cổ đông, họ có một lợi thế tiềm năng về thuế mà không có được khi nhận cổ tức bằng tiền (vì họ có thể nhận được một khoản lời vốn – là phần chênh lệch khi bán cổ phiếu và giá mua trong quá khứ). Thông thường thì chương trình này được đưa ra khi doanh nghiệp đó vừa trải qua một thời kỳ sụt giá trên thị trường.

Mua lại cổ phiếu theo hình thức đấu giá kiểu Hà Lan

Đây là một hình thức mới xuất hiện ở Mỹ vào những năm 1980 mà các công ty có thể thay thế cho phương thức chào mua công khai với giá cố định. Đến cuối năm 1980, mỗi năm có hơn 20 công ty ở Mỹ thực hiện mua lại cổ phiếu bằng hình thức này. Trong phương pháp đấu giá kiểu Hà Lan, doanh nghiệp xác định một biên độ giá và số cổ phiếu định mua lại. Những cổ đông quan tâm đến chương trình này sẽ gửi đến công ty một đề nghị bán lại với mức giá tối thiểu mà họ có thể chấp nhận được (dĩ nhiên là mức giá này phải nằm trong biên độ giá đã xác định). Sau đó, công ty tập hợp các đề nghị chào bán này lại và sắp xếp chúng thứ tự ưu tiên từ thấp tới cao để có thể mua lại số cổ phiếu mong đợi với chi phí thấp. Tại Mỹ, theo điều khoản về sự công bằng trong Đạo luật về Ủy Ban Sở giao dịch chứng khoán năm 1934, mức giá này sẽ được công ty trả cho tất cả những người chào bán với một mức giá đúng mức giá mà công ty xác định mua đủ hoặc thấp hơn. Thông thường, mức giá xác định thường cao hơn giá thị trường khoảng 2%, và giá tối đa có thể đạt xấp xỉ giá mua lại trong phương pháp chào mua theo giá cố định. Và chênh lệch trong cách mua lại cổ phiếu theo kiểu này so với giá thị trường (tính trung bình) thường thấp hơn so với cách mua với giá cố định.

Phân phối quyền bán lại có khả năng chuyển nhượng

Đây là một bước cải tiến khác trong việc mua lại cổ phiếu. Theo phương pháp này, các cổ đông có quyền bán lại cho công ty ở một mức giá thực hiện xác định trong một khoảng thời gian nhất định (trước thời điểm đáo hạn). Những cổ đông không muốn thực hiện quyền bán lại có thể giao dịch các quyền chọn bán trên thị trường thứ cấp được lập ra cho mục đích này. Theo đó, các cổ đông có giá đăng ký bán lại cổ phiếu cao có thể bán quyền cho các cổ đông có giá đăng ký thấp để thu một khoản  tiền. Mặt khác, do chỉ có những cổ đông đặt giá bán lại ở mức thấp mới bán được cổ phiếu mà họ đang nắm giữ cho công ty nên tổng các khoản thuế (đánh vào thu nhập từ lời vốn) mà cổ đông phải chịu giảm đi và chi phí cho việc thực hiện mục tiêu thâu tóm không tăng lên.

Mua lại cổ phiếu mục tiêu

Là phương pháp mua lại cổ phiếu nhằm vào một mảng cổ đông nhất định. Một trong những đối tượng của phương pháp này có thể là các cổ đông nhỏ. Mục đích của việc này là giảm thiểu chi phí cho việc phục vụ các tài khoản nhỏ. Trên thị trường Mỹ, thực tế cho thấy mức giá đưa ra cao hơn mức giá thị trường khoảng 10%. Tuy nhiên, phần nhiều phương pháp này lại nhắm vào một cổ đông duy nhất nắm giữ 1 lượng lớn cổ phiếu. Trong trường hợp đó, các điều khoản cụ thể của giao dịch mua lại cổ phiếu được thỏa thuận giữa công ty và cổ đông, do đó cổ đông mục tiêu thường được hưởng những khoản ưu đãi nhất định, chẳng hạn như họ có thể được trả cao hơn giá thị trường 13%. Hình thức này thường xảy ra khi có sự tranh giành quyền kiểm soát công ty. 

So sánh cơ bản

Thời gian

Hiệu quả

Đấu giá kiểu Hà lan

Xác định

Cao nhất

Phân phối quyền bán lại có khả năng chuyển nhượng

Xác định

Cao nhì

Mua lại cổ phiếu mục tiêu

Ngắn

Cao

Mua trên thị trường mở

Dài

Cao

Mua với giá cố định

Xác định

Khá cao

 

Kết luận: Lựa chọn hình thức nào còn tùy vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp, tuy nhiên với các điều kiện là như nhau, Đấu giá kiểu Hà Lan mang lại cho doanh nghiệp hiệu quả cao nhất.

 

Nguồn : Saga Tổng hợp & Biên tập
Vinh Lê