Đặc điểm của bong bóng
Một đặc điểm cơ bản của bong bóng là sự mù quáng tập thể của thị trường trong "giai đoạn bong bóng." Không một ai nhận ra được mình đang tham gia vào một hoạt động đầu cơ không hề dựa trên kỹ thuật định giá. Bong bóng có một đặc điểm khác đó là chỉ khi bong bóng vỡ người ta mới nhận thức được đã tồn tại bong bóng trong thị trường.
Trong hầu hết các trường hợp, bong bóng dẫn đến một sự sụt giảm mạnh mẽ của giá chứng khoán. Ngoài ra, những thiệt hại khi bong bóng vỡ phụ thuộc vào các khối ngành kinh tế liên quan, và quy mô lan rộng đến đâu. Ví dụ, sự đổ vỡ của bong bóng vào những năm 80 ở Nhật Bản dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn (stagnation) trong thời gian dài. Nhưng do hoạt động đầu cơ chủ yếu diễn ra tại Nhật Bản, nên thiệt hại gây ra đã không lây lan sang các nền kinh tế khác. Trái lại, sư đổ vỡ của bong bóng nhà đất tại Mỹ đã châm ngòi cho sự đổ vỡ có tính lịch sử trên bình diện toàn cầu năm 2008, bởi vì hầu hết các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Mỹ và châu Âu đã nắm giữ hàng trăm tỷ đô la giá trị của chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp dưới chuẩn. Trong tuần đầu tiên của tháng Một năm 2009, 12 tổ chức tài chính lớn nhất thế giới đã mất một nửa giá trị. Suy thoái kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau phá sản hoặc phải tìm kiếm hỗ trợ tài chính.
Cơn sốt hoa tulip Hà Lan
Cho đến nay, các cơn sốt hoa tulip Hà Lan vẫn là một bong bóng đầu cơ điển hình, do giá trị thực của mỗi bông hoa tulip và giá bán là hoàn toàn khác xa nhau trong những năm 1630.
Màu sắc rực rỡ và thời gian thu hoạch dài đã làm cho loài hoa này ngày càng được ưa chuộng ở Hà Lan trong những năm 1600. Khi nhu cầu tăng cao, giá tulip tăng, và người trồng chuyên nghiệp sẵn sàng trả giá cao cho hoa tulip. Cơn sốt Tulip đạt đỉnh điểm vào những năm 1636-1637, và những hợp đồng tulip được bán với giá cao hơn 10 lần so với thu nhập hàng năm của các thợ thủ công lành nghề.
Bong bóng tulip bắt đầu đõ vỡ từ tháng 2 năm 1637. Trong vòng vài tháng, giá hoa tulip chỉ bằng 1/100 giá đỉnh điểm của chúng.
Lý thuyết về sự bất ổn tài chính của Minsky
Nhà kinh tế học Hyman P. Minsky không phải là người có tên tuổi. Tuy nhiên, nhờ vào cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế năm 2008-2009, lý thuyết về sự bất ổn tài chính của Minsky đã thu hút nhiều sự chú ý và có ngày càng nhiều người ủng hộ học thuyết của ông. Minsky là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên giải thích sự phát triển của tình trạng bất ổn tài chính và sự tương tác của nó với nền kinh tế nói chung. Cuốn sách của ông, "Bình ổn một nền kinh tế không ổn định" (Stabilizing an Unstable Economy) (1986) được coi là một tác phẩm tiên phong về chủ đề này.
Năm giai đoạn của một bong bóng
Minsky xác định năm giai đoạn trong một chu kỳ tín dụng điển hình là: chuyển đổi, bùng nổ, mê loạn, chốt lời và hoảng loạn. Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng mô hình chung của một bong bóng bám khá sát với chu kỳ này.
1. Chuyển đổi
Sự chuyển đổi xảy ra khi các nhà đầu tư bị “mờ mắt” bởi một mô hình mới, chẳng hạn như một sự đột phá trong công nghệ hoặc lãi suất thấp chưa từng có trong lịch sử. Một ví dụ điển hình của sự chuyển đổi là sự suy giảm của lãi suất quỹ liên bang từ 6,5% trong tháng 5 năm 2000 xuống 1% trong tháng 6 năm 2003. Trong thời gian ba năm này, lãi suất thế chấp cố định 30 năm giảm từ 2,5 điểm phần trăm xuống 5,21%, một mức thấp trong lịch sử, tạo mầm mống cho bong bóng nhà đất.
2. Bùng nổ
Sau khi chuyển đổi, giá sẽ tăng từ từ, nhưng sau đó được đà và ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường, tạo tiền đề cho sự bùng nổ. Trong giai đoạn này, tài sản có giá tăng là tâm điểm của truyền thông. Nỗi lo về việc bỏ lỡ cơ hội có một không hai khiến hoạt động đầu cơ lên cao, ngày càng thu hút đông đảo người tham gia.
3. Mê loạn
Trong giai đoạn này, giá tài sản tăng vọt nên nhà đầu tư bất chấp tất cả. Lý thuyết "sự điên rồ tăng dần" (greater fool) thể hiện ở khắp mọi nơi. Sự định giá đạt đến mức độ cực đại trong giai đoạn này. Ví dụ, ở đỉnh cao của bong bóng bất động sản Nhật Bản vào năm 1989, đất ở Tokyo bán với giá 139.000 USD/feet vuông, tức là cao hơn 350 lần so với giá bất động sản ở Manhattan ( Trung tâm Newyork, Mỹ). Sau khi bong bóng vỡ, bất động sản bị mất khoảng 80% giá trị, còn giá cổ phiếu giảm 70%. Tương tự, ở đỉnh điểm của bong bóng Internet vào tháng 3 năm 2000, tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu công nghệ trên sàn Nasdaq cao hơn GDP của hầu hết các quốc gia.
Trong giai đoạn hưng phấn, các phương pháp định giá và thước đo mới được tung ra để lý giải cho sự gia tăng không ngừng của giá tài sản.
4. Chốt lời
Đến thời điểm này, những nhà đầu tư thông minh, những người nhận ra những dấu hiệu cảnh báo, thường bán vị thế và chốt lời. Nhưng ước tính chính xác thời gian khi bong bóng vỡ có thể là một công việc khó khăn và cực kỳ rủi ro đối với tình hình tài chính của một người, bởi vì, như John Maynard Keynes đã nói, "thị trường có thể điên khùng vượt quá sức chịu đựng của bạn."
Lưu ý rằng chỉ cần một động thái tương đối nhỏ cũng có thể làm vỡ một bong bóng, nhưng một khi bị chích, bong bóng không thể "phồng lên" một lần nữa. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2007, ngân hàng Pháp BNP Paribas dừng việc rút tiền từ ba quỹ đầu tư có chứa thế chấp dưới chuẩn Mỹ bởi vì ngân hàng này không thể định giá phần nắm giữ này. Mặc dù diễn biến này lúc đó ban đầu gây lo lắng trong thị trường tài chính, nhưng nó đã bị gạt sang một bên trong vài tháng sau, khi thị trường chứng khoán toàn cầu đạt đến mức cao mới. Khi nhìn lại, sự kiện tương đối nhỏ này thực sự là một dấu hiệu cảnh báo về thời kỳ hỗn loạn sẽ diễn ra.
5. Hoảng loạn
Trong giai đoạn này, giá tài sản đảo ngược hoàn toàn và tuột dốc nhanh như lúc lên cao. Các nhà đầu tư và đầu cơ phải đối mặt với các yêu cầu tăng đặt cọc (margin call) và giá trị đầu tư của họ thì giảm mạnh. Do đó, họ muốn thanh lý chúng với bất kì giá nào. Khi cung vượt quá cầu, giá tài sản trượt dốc.
Một trong những ví dụ sinh động nhất của hoảng loạn toàn cầu trong thị trường tài chính xảy ra vào tháng 10 năm 2008, vài tuần sau khi ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản và Fannie Mae, Freddie Mac và AIG gần như sụp đổ. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 17% trong tháng đó, kết quả tồi tệ nhất của chỉ số này trong 9 tháng. Cũng trong tháng đó, thị trường cổ phiếu toàn cầu đánh mất 9,3 nghìn tỉ USD, chiếm 22% tổng vốn hóa thị trường.
“Mổ xẻ” bong bóng chứng khoán
Nhiều công ty liên quan đến internet lần đầu xuất hiện hoành tráng trước công chúng trong những năm 90 để rồi biến mất vào lãng quên vào năm 2002. Chúng tôi lấy eToys làm ví dụ để minh họa cách một bong bóng cổ phiếu thường diễn ra.
Trong tháng 5 năm 1999, với cuộc cách mạng internet dâng cao, eToys đã lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) rất thành công, trong đó giá cổ phiếu từ 20 đô la đã leo lên 78 đô vào ngày giao dịch đầu tiên. Vào thời điểm đó, công ty đã hoạt động gần ba năm và có doanh số tăng từ 0.7 triệu đô la trong năm 1998 đến 30 triệu USD khi kết thúc năm 1999. Các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng về sự phát triển của cổ phiếu này, với suy nghĩ chung là hầu hết những người mua đồ chơi sẽ mua đồ chơi trực tuyến thay vì đến các cửa hàng bán lẻ như Toys "R" Us. Đây là giai đoạn chuyển đổi của bong bóng.
Vì giá 8,3 triệu cổ phiếu tăng mạnh trong ngày đầu tiên giao dịch trên sàn Nasdaq, đẩy giá trị vốn hóa thị trường của nó lên 6,5 tỷ USD nên nhà đầu tư rất muốn mua cổ phiếu này. Mặc dù eToys đã báo cáo lỗ ròng 28,6 triệu đô la trên doanh thu 30 triệu đô la trong năm tài chính gần nhất, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng tình hình tài chính của công ty sẽ khả quan trở lại. Khi thị trường đóng cửa vào ngày 20 tháng 5, eToys đưa ra định giá chỉ số P/S vượt mức chỉ số của Toys "R" Us rất nhiều dù công ty này có bảng cân đối kế toán mạnh hơn. Điều này đánh dấu giai đoạn bùng nổ và mê loạn của bong bóng.
Ngay sau đó, cổ phiếu eToys giảm 9% phản ánh lo ngại rằng người nội bộ trong công ty có thể bán cổ phần khiến giá cổ phiếu giảm xuống, bởi hợp đồng ngăn cấm hành vi này đã hết hiệu lực. Trong ngày hôm đó, khối lượng giao dịch đặc biệt lớn, gấp 9 lần mức trung bình 3 tháng. Sự sụt giảm của ngày hôm đó dẫn đến sự rớt giá cổ phiếu từ mức cao kỷ lục là 86 đô la xuống chỉ còn 40%. Đây là giai đoạn chốt lời của bong bóng.
Vào tháng 3 năm 2000, eToys đã giảm 81% từ ngày đỉnh điểm đạt khoảng 16 đô la phản ánh lo ngại về chi tiêu của công ty này. Công ty đã tốn 2,27 đô la chi phí quảng cáo cho mỗi đô la doanh thu tạo ra. Mặc dù các nhà đầu tư đã nói rằng đây là mô hình kinh doanh mới của tương lai, nhưng một mô hình như vậy chỉ đơn giản là không bền vững.
Vào tháng 7 năm 2000, báo cáo tài chính eToys ghi nhận mức lỗ quý đầu tiên là 59,5 triệu đô la (năm trước đó là 20,8 triệu đô), ngay cả khi doanh số hàng bán tăng gấp ba lần lên 24,9 triệu đô la trong giai đoạn này. Việc có thêm 219.000 khách hàng mới trong quý này vẫn không thể mang lại lợi nhuận cho công ty. Vào thời gian này, với sự điều chỉnh liên tục của cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu công ty này được giao dịch với mức giá khoảng 5 đô la.
Đến cuối năm, với tình trạng thua lỗ kéo dài, eToys không thể đạt được doanh số bán hàng dự kiến quý ba của mình và chỉ còn lại tiền mặt cho bốn tháng. Cổ phiếu này đã giảm 73% xuống còn 28 cent vào tháng 2 năm 2001. Vì công ty không thể duy trì được giá cổ phiếu ổn định từ 1 đô la trở lên nên đã bị hủy niêm yết trên sàn Nasdaq.
Một tháng sau khi công ty giảm 70% đội ngũ nhân viên, eToys tiếp tục sa thải 300 công nhân còn lại và buộc phải tuyên bố phá sản. Đến thời điểm này, eToys đã mất 493 triệu đô la trong ba năm trở lại, và có 274 triệu đô la nợ chưa thanh toán .
Lời kết
Theo Minsky và một số chuyên gia khác nhận định, bong bóng đầu cơ là điều không thể tránh khỏi trong một nền kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên, việc hiểu biết các giai đoạn của việc hình thành bong bóng có thể giúp bạn dự đoán được giai đoạn tiếp theo và tránh việc trở thành một chủ thể vô thức trong quá trình đó.