
Trở thành người đồng ký tên vào một khoản vay
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thì các nguồn vay ngày càng trở nên khan hiếm và việc cấp phép tín dụng cũng trở nên chặt chẽ hơn. Do đó, trong tình huống này, rất có thể bạn sẽ thường xuyên phải cùng ký tên vào một khoản vay, tức là bảo lãnh cho một người khác để có thể được thực hiện khoản vay.
Đồng ký tên vào một khoản vay có thể là một việc làm rất nguy hiểm ngay cả trong thời kỳ kinh tế ổn định hay phát triển nở rộ, bởi nếu đối tượng được giúp cho vay không trả được nợ đúng hạn, thì người đồng ký tên sẽ phải đứng ra để giải quyết và thanh toán món nợ này.
Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, thì những rủi ro đi kèm với việc cùng ký tên và bảo lãnh nợ cho người khác sẽ có thể còn lớn hơn rất nhiều, bởi trong tình hình như vậy, người đi vay rất dễ rơi vào tình cảnh bị cắt giảm biên chế, mất việc và không thể nào kiếm đủ tiền để trả những khoản vay đó. Hơn nữa, bên cạnh việc người mà bạn bảo lãnh cho vay không có nhiều tiền, thì rất có thể ngay cả tài chính của bản thân bạn cũng lâm vào khó khăn và chưa chắc đã có khả năng bảo lãnh cho người ta được.
Dù biết tất cả những điều trên, tuy nhiên vẫn có những lúc bạn sẽ cần phải đứng ra để bảo lãnh cho người thân hoặc bạn bè của mình vay, bất kể nền kinh tế đang trong trạng thái nào. Để làm được việc đó, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đi xuống, thì bạn cần phải bảo đảm chắc chắn rằng mình đã có một khoản tiền tiết kiệm gửi ở đâu đó để nhỡ có vấn đề gì xảy ra thì vẫn có thể xoay xở xử lý được.
Thực hiện một khoản vay thế chấp có lãi suất điều chỉnh
Khi mua một căn nhà, không phải ai cũng có đủ tiền để mua đứt luôn, mà thay vào đó, rất nhiều người sẽ chọn cách vay thế chấp có lãi suất điều chỉnh (adjustable rate mortgage - ARM). Trong một số trường hợp, việc thực hiện khoản vay này sẽ có lợi cho người muốn sở hữu nhà, bởi khi lãi suất đang thấp thì khoản tiền phải thanh toán hàng tháng cũng không cao mà lại vẫn có nhà sớm.
Tuy nhiên, hãy thử nghĩ xem, trong trường hợp mà người đi vay mua nhà này không còn nguồn tiền để trả nữa do bị sa thải hoặc do lãi suất có thể tăng lên bất cứ lúc nào trong thời kỳ khủng hoảng thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Khi mà lãi suất tăng, khoản tiền mà những người đi vay phải trả hàng tháng cũng tăng lên theo, và khi đó thì họ sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn để có thể xoay xở đủ tiền trả nợ đúng hạn.
Dồn thêm những khoản nợ mới
Một khi bạn đã có một số khoản nợ rồi, thì việc bạn dồn thêm 1 khoản nợ nữa (để mua nhà, mua xe,...) trong tình cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng tốt chưa chắc đã là một vấn đề vì bạn vẫn có khả năng kiếm đủ tiền để trả nợ, và dễ là bạn cũng đã có sẵn một khoản tiền tiết kiệm đủ chi trả cho khoản nợ này và thậm chí là tiết kiệm cho tới lúc về hưu. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi mà kinh tế đi xuống?
Trong nhiều trường hợp, những cá nhân không còn công ăn việc làm nữa khó có thể tìm được một công việc có mức lương và đãi ngộ như trước, mà sẽ buộc phải chấp nhận làm những việc trả lương thấp hơn bởi xã hội thì khan hiếm tiền mà lại thừa lao động. Thế nên, nếu những khoản vay trước của bạn được tính toán dựa trên những nguồn thu nhập cũ thì chưa chắc là trong thời điểm khó khăn hiện tại bạn vẫn có thể tạo ra dòng tiền đủ để trả nợ.
Nói ngắn gọn, nếu như bạn đang cân nhắc đến việc vay thêm một khoản nữa trong khi vẫn đang phải gánh một số khoản nợ từ trước trong tình cảnh kinh tế khó khăn, thì hãy nhớ là việc này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.
Phải hiểu rằng, khi kinh tế khó khăn, thì ngay cả đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng là một quyết định đầy mạo hiểm và có nhiều vấn đề phải xem xét. Thế nên, đối với các cá nhân như chúng ta, thì sử dụng đòn bẩy tài chính là một việc rất rất nguy hiểm, do đó chúng ta phải cân đối được tình hình tài chính của bản thân, giữa khoản tiền thực mà mình có và số tiền đi vay. Thậm chí rất nhiều người đã phá sản vì không cân đối được vấn đề đòn bẩy này.
Không tôn trọng công việc của mình
Trong giai đoạn kinh tế ì ạch, bạn phải hiểu rằng các doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp lớn, cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn về tài chính. Và khi doanh nghiệp đã lâm vào khó khăn, thì họ sẽ tiến hành cắt giảm chi phí bằng mọi cách. Nhẹ nhàng thì là cắt giảm những chi phí phù phiếm như tiệc tùng cuối năm hay nghỉ mát hay các loại phúc lợi khác, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, công ty có thể cắt bớt cổ tức trả cho các cổ đông, hoặc nếu như tình hình căng thẳng hơn nữa thì doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm lương và biên chế.
Rất nhiều công ty thậm chí sẽ lựa chọn cách cắt giảm biên chế thay vì các cách khác bởi chi phí nhân sự là một trong những phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Bên cạnh việc trả lương cho bạn, thì doanh nghiệp cũng phải trả thêm nhiều loại chi phí cố định trên đầu người khác như chi phí quản lý, bảo hiểm y tế, lương hưu,... và những chi phí này thậm chí còn lớn hơn tiền lương của bạn. Do đó, cắt bớt một nhân sự không chỉ giúp công ty tiết kiệm được một khoản trả lương mà còn là tiết kiệm được cả một loạt các chi phí khác kèm theo.
Chính vì trong lúc khó khăn rất nhiều công ty sẵn sàng cắt bớt đầu người bất cứ lúc nào, vậy nên, đã là người lao động, đang có một công việc ấm êm, được trả lương đều đặn thì bạn nên đặc biệt chú tâm đến việc giữ được công việc của mình bằng cách làm tốt nhất có thể phần việc được giao và khiến cho chủ doanh nghiệp hài lòng với chất lượng lao động đó. Bởi một khi doanh nghiệp quyết định phải cắt giảm biên chế, thì hẳn là bạn sẽ không muốn tên mình sẽ nằm trong danh sách những người không được ưu ái này.
Chịu rủi ro mạo hiểm
Các chủ doanh nghiệp luôn hướng suy nghĩ của mình đến tương lai và luôn cân nhắc tới những khoản đầu tư hấp dẫn mà có thể giúp mở rộng và tăng trưởng doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế khó khăn, thì cách làm này không phải lúc nào cũng đúng, mà nó rất có thể sẽ trở thành một canh bạc đầy rủi ro.
Vi dụ, thông thường thì vay tiền để mở rộng văn phòng hay tăng hàng tồn kho là cách mà doanh nghiệp có thể dùng. Tuy nhiên, thử nghĩ xem sẽ như thế nào nếu nền kinh tế trì trệ? Lúc đó liệu việc vay thêm tiền có thực sự giúp doanh nghiệp phát triển hay không? Các chủ doanh nghiệp liệu có đủ tiền mặt dự trữ để cuối tháng có thể trả được cả gốc lẫn lãi được không? Và số tiền còn lại có đủ để tiếp tục vận hành doanh nghiệp? Đối với các cá nhân, vấn đề cũng tương tự như với các doanh nghiệp. Do vậy, có thể thấy là trước khi đưa ra bất cứ quyết định đầu tư mới nào, bạn buộc phải hiểu rõ các rủi ro đi kèm. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Lời kết
Nền kinh tế đi xuống không có nghĩa là chúng ta phải sống thắt lưng buộc bụng như những nhà sư tu hành khổ luyện, tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được lơ là cảnh giác đối với những rủi ro đang tiềm tàng xung quanh và đặc biệt cần chú ý vấn đề chi tiêu như thế nào, ngân sách ra sao và cố gắng tiết kiệm để tránh được những sai lầm mà người khác dễ mắc phải.