Các công cụ phái sinh là một phương tiện khác giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ kinh doanh dựa trên biến động giá của tài sản cơ sở. Giá trị của một công cụ phái sinh luôn phụ thuộc ít nhất một phần vào giá trị của tài sản cơ sở. Các nhà đầu tư mua bán công cụ phái sinh đều tìm cách chuyển rủi ro đi kèm với tài sản cơ sở sang người khác. Do đó, hiện có rất nhiều công cụ phái sinh được kinh doanh trên khắp thế giới. Bài viết sẽ đề cập tới 5 công cụ phái sinh và nguyên lý hoạt động của chúng.
1. Quyền chọn cổ phiếu
Quyền chọn cổ phiếu là công cụ phái sinh phổ biến nhất. Công cụ này giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ bằng cách chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Quyền chọn cổ phiếu cho phép người nắm giữ quyền, không phải nghĩa vụ, mua hoặc bán một lượng cổ phiếu ở một mức giá nhất định trước một ngày đáo hạn cụ thể. Có 2 loại quyền chọn: quyền chọn mua và quyền chọn bán. Do được giao dịch trên Sở giao dịch và được chốt giá tập trung, quyền chọn chứng khoán sở hữu tính thanh khoản và tính minh bạch cao - 2 nhân tố quan trọng cần xem xét khi lựa chọn công cụ phái sinh.
Nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới giá trị quyền chọn là phần bù thời gian. Đó là giá trị nội tại khác nhau tùy theo giá của cổ phiếu cơ sở và tính biến động của cổ phiếu. Càng tới gần ngày đáo hạn quyền chọn, phần bù thời gian càng giảm xuống theo cấp số nhân. Giá trị nội tại là giá trị quyền chọn khi nó được giá. Khi giá cổ phiếu tăng, giá trị nội tại của một quyền chọn mua đang được giá sẽ tăng lên tương ứng. Giá trị nội tại giúp người nắm giữ quyền chọn cổ phiếu tăng tác động của đòn bẩy so với việc chỉ nắm giữ cổ phiếu cơ sở. Cổ phiếu càng biến động mạnh, nhà đầu tư càng phải trả phần bù lớn hơn để mua quyền chọn. Khi đó, người bán quyền chọn có cơ hội thu về cao hơn nếu họ bán quyền chọn khi nó đang đạt đỉnh.
Hiểu rõ những tính chất kể trên, nhà đầu tư quyền chọn cổ phiếu có thể sử dụng nhiều chiến lược khác nhau dựa trên độ chấp nhận rủi ro và lợi nhuận họ tìm kiếm. Dù nhà đầu tư quyền chọn phải đối mặt với nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc họ phải trả để mua quyền chọn, họ không phải đối mặt với rủi ro khi cổ phiếu cơ sở biến động theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, người bán quyền chọn phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Ví dụ, khi bán một quyền chọn mua không được đảm bảo bởi tài sản cơ sở, bạn phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ không giới hạn do giá cổ phiếu có thể tăng không có cận trên. Người bán quyền chọn luôn phải giao cổ phiếu cho dù quyền chọn có được thực hiện hay không.
Có rất nhiều chiến lược khác cho phép nhà đầu tư quyền chọn sử dụng tổng hợp quyền chọn mua và quyền chọn bán để tạo ra một vị thế phù hợp với mục tiêu. Những chiến lược này cũng có thể sử dụng cả đến cổ phiếu cơ sở.
2. Tương lai cổ phiếu đơn
Một tương lai cổ phiếu đơn (SSF) là một hợp đồng giao hàng, thường là 100 cổ phiếu, vào một ngày quy định trong tương lai. Giá thị trường của SSF được xác định dựa trên giá cổ phiếu cơ sở cộng với chi phí vận chuyển trừ đi cổ tức phải trả trong thời hạn hợp đồng. Bằng cách gộp lãi suất vào giá hợp đồng, bạn có thể biết trước chi phí vận chuyển.
Giao dịch tương lai cổ phiếu đơn cần một lượng đặt cọc thấp hơn so với giao dịch cổ phiếu cơ sở do nhà đầu tư thường chỉ phải sử dụng 20% lượng đặt cọc này để mua hợp đồng tương lai của cổ phiếu đơn. Lượng đặt cọc thấp giúp nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy mạnh hơn so với giao dịch cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch tương lai cổ phiếu đơn không bị giới hạn hay bị chi phối bởi quy luật giá tăng áp dụng đối với người bán khống.
Do giá của tương lai cổ phiếu đơn thường theo sát giá cổ phiếu cơ sở, các chiến lược đầu tư sử dụng đối với cổ phiếu vẫn có thể được áp dụng đối với tương lai cổ phiếu đơn. Sau đây là một số ví dụ về cách nhà đầu tư sử dụng SSF:
- Một cách rẻ tiền: mua một cổ phiếu nào đó nếu muốn giao cổ phần để thêm vào danh mục đầu tư.
- Phòng vệ rủi ro với giá thấp cho vị thế mở của cổ phiếu.
- Phòng vệ vị thế mua khỏi biến động giá hoặc xu hướng giảm giá ngắn hạn của cổ phiếu cơ sở.
- Thành lập các cặp chiến lược mua bán giúp bạn tiếp cận tình hình thị trường bạn muốn khai thác.
- Sử dụng tương lai cổ phiếu đơn phù hợp với ngành mục tiêu nhằm tiếp cận ngành kinh tế cụ thể.
Nhà đầu tư kinh doanh SSF phải nắm được rằng những hợp đồng này có thể gây thua lỗ vượt quá mức đầu tư ban đầu. Hơn nữa, không giống như quyền chọn cổ phiều, nhiều tương lai cổ phiếu đơn không được giao dịch rộng rãi, dẫn tới các vấn về tính thanh khoản.
3. Chứng quyền
Chứng quyền cổ phiếu là quyền được mua một cổ phiếu ở một mức giá nhất định cho tới một ngày định trước. Giống như quyền chọn mua, nhà đầu tư có thể thực hiện chứng quyền cổ phiếu tại một mức giá cố định. Khi được phát hành, giá chứng quyền thường cao hơn giá cổ phiếu cơ sở. Sự khác biệt lớn nhất của chứng quyền cổ phiếu là nó thường có một mức giới hạn thời gian trong dài hạn trước khi đáo hạn, ví dụ như 5 họăc thậm chí 15 năm.
Khi nhà đầu tư thực hiện một chứng quyền cổ phiếu, công ty sẽ phát hành các cổ phần thường mới để đảm bảo giao dịch. Đây là điểm khác biệt so với quyền chọn mua. Đối với quyền chọn mua. Chỉ sau khi người bán quyền chọn mua giao cổ phần, quyền chọn mua mới được thực hiện.
Chứng quyền cổ phiếu thường được giao dịch trên Sở giao dịch, dù khối lượng giao dịch có thể rất thấp, gây ra rủi ro thanh khoản. Giống như quyền chọn mua, giá một chứng quyền cổ phiếu bao gồm phần bù thời gian - một đại lượng giảm dần khi tới gần ngày đáo hạn. Điều này gây ra rủi ro cho người nắm giữ chứng quyền cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu cơ bản không đạt tới mức giá thực hiện trước ngày đáo hạn, chứng quyền cổ phiếu sẽ trở nên vô giá trị.
4. Hợp đồng chênh lệch (Contract For Difference)
Hợp đồng chênh lệch là một thỏa thuận giữa người mua và người bán quy định người bán sẽ phải trả người mua phần chênh lệch giữa giá trị hiện tại của một cổ phiếu và giá trị của nó khi hợp đồng đựơc thực hiện. Nếu mức chênh lệch âm, người mua sẽ phải trả cho người bán. Hợp đồng chênh lệch cho phép nhà đầu tư đầu cơ dựa trên biến động giá của cổ phiếu cơ sở mà không phải sở hữu cổ phiếu đó.
Hợp đồng chênh lệch không được sử dụng tại Mỹ. Tuy nhiên, nó thường được sử dụng tại nhiều nước như Canada, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Thụy Sỹ và Anh.
Lợi ích nổi bật của hợp đồng chênh lệch so với quyền chọn cổ phiếu bao gồm kỹ thuật định giá đơn giản và sự phong phú của các công cụ cơ sở. Chẳng hạn như nếu việc định giá quyền chọn có liên quan tới phần bù thời gian giảm dần tới ngày đáo hạn, hợp đồng chênh lệch chỉ phản ánh giá của chứng khoán cơ sở. Do hợp đồng chênh lệch không có ngày đáo hạn, phần bù thời gian giảm dần không tồn tại.
Rủi ro chính của hợp đồng chênh lệch là rủi ro đối tác tham gia hợp đồng không thể thực hiện thỏa thuận của mình. Rủi ro này được gọi là rủi ro đối tác. Nhà đầu tư sử dụng một khoản đặt cọc để giao dịch hợp đồng chênh lệch. Nếu giá trị của danh mục đầu tư hạ xuống dưới một mức tối thiểu, nhà đầu tư phải thực hiện yêu cầu tăng đặt cọc. Lợi nhuận và thua lỗ của hợp đồng chênh lệch được ghi nhận khi nhà đầu tư đóng giao dịch. Do hợp đồng chênh lệch có thể sử dụng đòn bẩy mạnh hơn, nhà đầu tư có thể thua lỗ rất nhanh một khi giá chứng khoán cơ sở biến động theo chiều hướng xấu. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng khi sử dụng hợp đồng chênh lệch.
5. Hợp đồng hoán đổi chỉ số
Hợp đồng hoán đổi chỉ số là một thỏa thuận trao đổi 2 dòng tiền giữa 2 bên vào một ngày cụ thể trong một thời gian xác định. Một bên sẽ cam kết trả lãi - thường ở một mức lãi xuất cố định dựa theo LIBOR - một bên sẽ cam kết trả tổng thu nhập trên một chứng khoán hoặc một chỉ số chứng khoán. Các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tiếp cận một nhóm tài sản, chẳng hạn một chỉ số hay một danh mục ngành mà không muốn tốn kém thường sử dụng hợp đồng hoán đổi.
Các nhà quản lý thức thời thường sử dụng hợp đồng hoán đổi nhằm tăng hoặc giảm mức độ phụ thuộc vào các thị trường khác nhau một cách hiệu quả. Các nhà quản lý quỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh một chỉ số có thể có rất nhiều lựa chọn. Đầu tiên, họ có thể mua chỉ số chẳng hạn chỉ số S&P 500. Việc này đòi hỏi họ phải mua cổ phần của từng công ty góp phần làm nên chỉ số này, sau đó điều chỉnh danh mục mỗi khi chỉ số thay đổi do tiền trong quỹ tăng lên. Quá trình kể trên có thể khá tốn kém. Một lựa chọn khác là sử dụng hợp đồng hoán đổi chỉ số chứng khoán. Nhà quản lý có thể mua một hợp đồng hoán đổi S&P 500 và trả lãi suất thỏa thuận trước cho hợp đồng hoán đổi đó. Đổi lại, nhà quản lý quỹ nhận được lợi nhuận từ chỉ số S&P 500 trong một thời gian quy định của hợp đồng hoán đổi, chẳng hạn trong 5 năm. Sau đó người này sẽ trả lãi suất cho bên còn lại theo một tỷ lệ đã được thống nhất.
Hợp đồng hoán đổi cổ phiếu cũng được hưởng ưu đãi về thuế. Nhà đầu tư có thể thiết kế một hợp đồng hoán đổi để dàn trải thu nhập trên một số năm quy định trước thay vì trả lãi suất với một tỷ lệ cố định.
Hợp đồng hoán đổi chỉ số cung cấp cho nhà đầu tư một công cụ nữa để điều chỉnh thời gian của một hoạt động đầu tư cũng như tiếp cận với một số ngành nhất định mà không phải cam kết mua cổ phần trong một chỉ số nào đó. Điểm trừ của loại hợp đồng này là khi chỉ số biến động trái chiều, nhà đầu tư khó có thể rút ra khỏi hợp đồng hoán đổi.
Kết luận
Giống như các hình thức đầu tư khác, các công cụ phái sinh có thể đi kèm với rủi ro lớn. Nhà đầu tư sáng suốt thường hiểu rõ rủi ro và thực hiện các chiến lược để giảm thiểu rủi ro đó. Cũng giống như nhiều hình thức đầu tư khác, những người kiếm lời từ giao dịch chứng khoán phái sinh thường có xu hướng tô hồng thực tế. Chuyển đổi rủi ro là một chiến lược đầu tư phù hợp, tuy vậy, các nhà đầu tư sử dụng các công cụ phái sinh nên nắm rõ các nhân tố ảnh hưởng khi thực hiện giao dịch.