Nguồn gốc của Six Sigma
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của Six Sigma và các đặc điểm của phương pháp này.Năm 1980, phương pháp Six sigma lần đầu tiên được phát triển trong công ty Motorola và bởi kỹ sư quy trình công nghệ Bill Smith. Đến năm 1989, Six Sigma sau đó được ứng dụng rộng rãi trong nhiều doanh nghiệp. Vào thời điểm này, thước đo chất lượng cũ (số lỗi trên hàng nghìn khả năng gây lỗi khác nhau) được đánh giá là chưa cung cấp đủ mức “chi tiết” cần thiết (sao cho quy trình được chia nhỏ thành các phần dễ quản lý hơn), và vì thế thước đo mới (số lỗi trên một triệu khả năng gây lỗi) đã được ra đời. Với thước đo này, việc kiểm tra quy trình sẽ sâu hơn và kỹ càng hơn, từ đó giúp xác định được nguyên nhân gốc rễ vấn đề và các yếu tố gây lỗi.
Đọc thêm: Quản Lý Doanh Nghiệp Theo Mô Hình Tích Hợp Lean - 6 Sigma
Một tiêu chuẩn chất lượng mới đã được thiết lập và phương pháp của Six Sigma đã được phát triển như là một quá trình khắc phục được gọi là DMAIC. Quy trình bao gồm 5 bước: xác định(Define), đo lường(Measure), phân tích (Analyze), cải thiện (Improve) và kiểm soát (Control) với mục tiêu cải tiến quá trình sản xuất thông qua tiêu chuẩn hóa, dự đoán kết quả và loại bỏ những sản phẩm lỗi. Bất cứ điều gì ở sản phẩm làm khách hàng không hài lòng đều được xác định là các lỗi sai. Nhờ việc tập trung nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng và khả năng phân tích dữ liệu tốt, Six sigma được đánh giá là hiệu quả hơn so với nhiều phương pháp khác trong việc quản lý một bộ phận hay toàn doanh nghiệp.
Các bước trong DMAIC rất hiệu quả trong việc cải tiến quy trình sản xuất và tạo ra giá trị cho khách hàng. Quá trình DMAIC để dự báo được sai sót cần phải thực hiện một cách chính xác, sử dụng đúng các nguồn lực và cần một sự dìu dắt sâu sát của ban lãnh đạo cũng như sự giao tiếp hiệu quả. Việc cải tiến thường sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí cho các doanh nghiệp, cũng như tăng khả năng giữ chân khách hàng, giúp nắm bắt thị trường mới và xây dựng danh tiếng tốt cho các sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên ý nghĩa thực sự của Six Sigma không chỉ là những con số thống kê. Six Sigma là một hệ thống quản lý tổng hợp đầy xuất sắc trong việc tập trung khách hàng, cải tiến quy trình và đưa ra các quy định về đo lường cụ thể hơn là cảm tính. Từ những điều trên chúng ta hãy cùng khám phá các yếu tố quan trọng quyết định một ứng viên Six Sigma Belt tài năng.
Xem xét các yếu tố cần có khi học chứng chỉ Six Sigma Belt
Ý nghĩa của Six Sigma không chỉ nằm ở các số liệu thống kê, người ta phải xem xét các yếu tố khác quyết định sự thành công của một dự án. Six Sigma là một quá trình cần có yếu tố con người thì mới thực hiện được. Một người đạt được cấp độ Six Sigma Belt là người có thể thực hiện tốt quy trình và đưa ra được những kết quả bền vững, ít sai sót. Sự khác biệt giữa một người giỏi và một ứng viên bình thường được đánh giá dựa trên 4 tố chất bao gồm: khả năng học hỏi, năng lực lãnh đạo, sự khát khao và lòng quyết tâm. Chúng ta hãy chia từng yếu tố thành các đặc điểm nhỏ để xem xét chúng.
Khả năng học hỏi
Đây là tố chất tiên quyết cần có và đôi khi nó là yếu tố duy nhất được các tổ chức dùng để xem xét xem một ứng viên có phù hợp với chứng chỉ Six Sigma Belt. Tất nhiên là chỉ đối với những ai đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thống kê từ trước. Tố chất này tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả. Một ứng viên giỏi phải hiểu rõ vấn đề được đưa ra, biết vận dụng những nguyên tắc cơ bản để suy luận và đưa ra quyết định phù hợp dựa trên tư duy phân tích. Khả năng thu thập, phân tích và tổng hợp dữ liệu để đưa ra kết luận sao cho hợp lý với thực tế đều là những tố chất cần thiết. Các ứng viên Six Sigma sẽ được học tập, thảo luận và được đào tạo trong một môi trường toán học Năng lực suy luận thống kê là điều cần thiết để hiểu và thực hiện tốt phương pháp Six Sigma DMAIC.
Khả năng lãnh đạo
Một ứng viên giỏi lãnh đạo là người có khả năng cố vấn cho các thành viên trong nhóm về kiến thức, kinh nghiệm nhằm thúc đẩy cả nhóm đi lên và đạt được từng mục tiêu của dự án. Họ luôn biết phải làm gì và làm thế nào để đạt được điều đó, nhưng cũng biết thu hút sự tham gia của người khác và biết lắng nghe ý kiến từ họ. Họ luôn sẵn sàng thay đổi phương thức thực hiện để đạt được kết quả tốt hơn. Một ứng viên giỏi có thể thuyết phục người khác từ thái độ hoài nghi sang tin tưởng mình, nói chung họ luôn giành được sự ủng hộ của người khác một cách hợp tình hợp lý trong việc thực hiện những mục tiêu lớn. Họ sẽ sẵn sàng hợp tác với mọi đồng nghiệp và nhân viên trong tổ chức, không phân biệt ở cấp độ hay vị trí nào. Họ luôn duy trì một không khí tích cực trong tổ chức bằng việc tập trung vào giải quyết vấn đề và sự việc thay vì tìm xem ai là người gây ra lỗi. Tố chất lãnh đạo hết sức quan trọng này không chỉ có vai trò dẫn dắt mà còn tạo cảm hứng cho những người khác, thúc đẩy mọi người cùng hướng tới một mục tiêu chung.
Sự khao khát
Sự khao khát vị trí đó cũng như đam mê sự hoàn hảo là một yếu tố được xem xét. Một ứng viên giỏi phải có và thể hiện được nguồn động lực to lớn của mình. Khả năng chủ động trong việc dự đoán và lên kế hoạch hành động phù hợp với mục tiêu đặt ra là điều rất quan trọng. Việc lập kế hoạch và thực hiện công việc một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy mà luôn đảm bảo tính liêm chính trong công việc là biểu hiện của lòng tự trọng cao của ứng viên đó. Sự khát khao hoàn thiện xuất sắc dự án chính là thước đo đánh giá một ứng viên giỏi. Một công ty muốn tìm kiếm những ứng viên Six Sigma tiềm năng thì phải truyền thông tích cực về lợi ích từ việc học tập phương pháp này và những trau dồi kinh nghiệm mà học viên sẽ nhận được. Điều này sẽ giúp thúc đẩy những ai đã có nhu cầu học Six Sigma và giúp họ thực hiện được những mục tiêu đặt ra.
Sự quyết tâm
Khi một ứng viên đã được lựa chọn và bắt đầu tham gia khoá chứng chỉ Six Sigma thì điều quan trọng là họ phải dành toàn bộ sức lực và tập trung để đạt được kết quả trong ngắn hạn và dài hạn. Việc xác định tư tưởng này từ trước sẽ giúp học viên vững vàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu khi mà những khó khăn và áp lực có thể sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới quá trình thực hiện và thậm chí có thể khiến mọi thứ quay trở lại vạch xuất phát. Trong một môi trường đầy thay đổi, không ổn định và mơ hồ thì đòi hỏi người ứng viên phải có khả năng thích ứng nhanh chóng. Các ứng viên cần có các giải pháp sáng tạo không theo một tiêu chuẩn hay mô hình nào cả. Điều này sẽ tăng cường khả năng ứng phó với thay đổi và khiến ứng viên vững vàng hơn trước những thử thách, từ đó thực hiện thành công và đạt được những kết quả tốt.
Kết luận: Một ứng viên Six Sigma giỏi cần hội tụ cả 4 tố chất trên
Mỗi một đặc điểm nêu trên là đều quan trọng trong việc lựa chọn một ứng viên sẽ thành công trong kì thi Six Sigma Belt và được cấp chứng chỉ. Điều quan trọng hơn là những thay đổi mà học viên sau kì thi sẽ mang lại cho doanh nghiệp dựa trên việc áp dụng những gì đã học được. Để đảm bảo ứng viên Six Sigma có đầy đủ các tố chất trên.
Phương pháp Six Sigma như một lời cam kết từ triết lý quản trị của công ty trong việc không ngừng tạo ra giá trị cho khách hàng. Cam kết này được đảm bảo dựa trên hệ thống phân tích đánh giá khoa học. Sự kết hợp giữa các yếu tố gồm năng lực học hỏi, lãnh đạo, lòng khát khao và quyết tâm chính là thước đo quan trọng để lựa chọn một ứng viên Six Sigma tài năng.