Equity Funding Corporation of America (Tập đoàn đầu tư Mỹ)
Equity Funding Corporation of America (EFCA) bắt đầu bán bảo hiểm nhân thọ vào đầu thập niên những năm 60. Tập đoàn này đã tạo nên đột phá khi kết hợp tính an toàn của bảo hiểm nhân thọ truyền thống với tiềm năng tăng trưởng của các quỹ tương hỗ. Công ty sẽ bán một quỹ tương hỗ cho khách hàng, nhờ đó người này có thể thế chấp quỹ để mua bảo hiểm nhân thọ. Chiến lược này đã được phát triển dựa trên giả định rằng lãi suất từ quỹ tương hỗ sẽ đủ để chi trả phí bảo hiểm.
Vụ lừa đảo bắt đầu vào năm 1964, khi EFCA bất ngờ gặp phải rắc rối về thời hạn để hoàn tất và công bố báo cáo thường niên. Hệ thống máy tính trung ương mới của công ty không thể đưa ra những con số cần thiết trong khoảng thời gian dự tính và Stanley Goldblum, CEO của công ty, đã ra lệnh làm giả các bút toán kế toán để hoàn thành báo cáo tài chính của công ty kịp thời hạn.
Goldblum và các nhân viên khác của EFCA đã tiếp tục gian lận bằng cách tạo ra các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giả mạo, từ đó tạo doanh thu để hợp lý hóa những bút toán giả trước đó. Công ty này sau đó tái bảo hiểm các hợp đồng giả với một số công ty bảo hiểm khác, và thậm chí làm giả giấy chứng tử của một số cá nhân không tồn tại.
Vụ lừa đảo cuối cùng đã đạt tới quy mô vô cùng lớn với hàng chục ngàn hợp đồng bảo hiểm giả mạo và gần 2 tỷ USD doanh thu không tồn tại trong nhiều năm. Một yếu tố gây sốc trong vụ lừa đảo đó là số lượng các nhân viên tham gia. Các công tố viên đã buộc tội thành công 22 cá nhân và ước tính rằng 50 người khác tại công ty biết về vụ lừa đảo này.
Năm 1973, một nhân viên do bất mãn vì bị sa thải bởi Equity Funding Corporation of America, đã báo cáo về vụ lừa đảo với Ray Dirks, một nhà phân tích phố Wall chuyên về ngành bảo hiểm. Dirks đã tự mình nghiên cứu và sau đó thảo luận với các khách hàng của mình về công ty này, nhiều người trong số đó đã bán cổ phiếu trước khi vụ lừa đảo bị phơi bày ra công chúng.
Một điểm đáng chú ý của vụ án là nó đã dẫn đến việc lập nên một tiền lệ pháp lý mới bởi các tòa án liên quan đến giao dịch nội bộ. Sau khi vụ lừa đảo được công bố, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chỉ trích Dirks vì đã trợ giúp và tiếp tay cho việc vi phạm Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 và Quy định 10b-5, trong đó nghiêm cấm giao dịch nội bộ.
Dirks đấu tranh với sự chỉ trích trong một vài phiên tòa kháng cáo cho đến khi được xét xử tại Tòa án Tối cao năm 1983. Tòa án đã đưa ra phán quyết có lợi cho ông, và nói rằng không có sự vi phạm nào xảy ra bởi Dirks không có nghĩa vụ ủy thác đối với các cổ đông của EFCA cũng như không chiếm dụng hay có được thông tin một cách trái phép.
Vụ gian lận tại EFCA được coi là vụ gian lận trên máy tính đầu tiên, bởi việc tạo ra các tài liệu giả mạo cần thiết để hợp lý hóa các hợp đồng giả trở nên cồng kềnh đến mức công ty bắt đầu sử dụng máy tính để tự động hóa các mánh khóe lừa đảo.
Crazy Eddie
Crazy Eddie là một chuỗi cửa hàng bán lẻ được điều hành bởi gia đình Antar và bắt đầu hoạt động như một công ty tư nhân trong những năm 60. Vụ lừa đảo Crazy Eddie là một trong những vụ kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại, từ năm 1969 cho đến 1987.
Vụ lừa đảo bắt đầu gần như ngay lập tức, dưới sự quản lý của Crazy Eddie đã báo cáo khống về thu nhập chịu thuế thông qua việc kê khai thu nhập thấp hơn thực tế, trả lương nhân viên bằng tiền mặt để tránh thuế thu nhập và báo cáo các yêu cầu bồi thường bảo hiểm giả đối với các hãng vận tải của công ty.
Khi chuỗi cửa hàng mở rộng và phát triển, gia đình Antar bắt đầu lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Crazy Eddie và khai tăng lợi nhuận để được định giá cao hơn trên thị trường. Chiến lược này đã thành công và Crazy Eddie đã lên sàn vào năm 1984 với mức giá 8 USD một cổ phiếu.
Sau khi IPO, thì Crazy Eddie bắt buộc phải dừng việc khai khống lợi nhuận để tăng giá cổ phiếu và giúp gia đình Antar có thể bán cổ phần của mình sau này.
Đội ngũ quản lý tại thời điểm này đã đảo ngược dòng tiền gian lận được trước đó và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và két an toàn bí mật vào quỹ của công ty, đồng thời ghi nhận số tiền mặt này như doanh thu. Kế hoạch cũng liên quan đến việc tạo ra và khai khống lên lượng hàng tồn kho trên sổ sách và giảm các khoản phải trả để tăng lợi nhuận của công ty.
Vụ lừa đảo đã được phát hiện vào năm 1987 sau khi gia đình Antar bị hất cẳng khỏi Crazy Eddie sau lần tiếp quản thành công của phe đối thủ - một tập đoàn đầu tư. Crazy Eddie vớt vát thêm một năm nữa trước khi bị đóng cửa và được bán thanh lý để trả nợ.
Eddie Antar, CEO của Crazy Eddie, bị buộc tội gian lận chứng khoán và các tội danh khác, nhưng đã bỏ trốn trước phiên tòa của mình. Ông đã trải qua ba năm lẩn trốn trước khi bị bắt và dẫn độ trở lại Mỹ. Antar và hai thành viên khác trong gia đình cũng bị kết tội vì là đồng phạm trong vụ lừa đảo này.
McKesson & Robbins
McKesson & Robbins là một công ty dược phẩm và hóa học vào giữa những năm 1920. Công ty đã thu hút được sự chú ý của Philip Musica, một nhân vật có quá khứ bất hảo với nhiều hành vi phạm tội và các tên giả mạo khác nhau.
Dưới tên Frank D. Costa, cùng với sự ban hành Đạo luật cấm rượu tại Mỹ vào năm 1919, Musica đã thành lập một công ty sản xuất thuốc dưỡng tóc và các sản phẩm khác có nồng độ cồn cao. Những sản phẩm này được bán cho các tay buôn rượu lậu chuyên sử dụng cồn để sản xuất rượu bán cho khách hàng.
Musica mua McKesson & Robbins vào năm 1924 bằng cách sử dụng tên Donald F. Coster, và tài trợ vốn cho công ty cùng với các thành viên gia đình để giúp dễ dàng điều khiển toàn bộ công ty. Vụ lừa đảo liên quan đến việc làm giả các đơn đặt hàng, tăng khống hàng tồn kho và rút tiền mặt từ các giao dịch bán hàng. Các hoạt động này diễn ra bất chấp việc Price Waterhouse là kiểm toán của công ty. Khi vụ lừa đảo cuối cùng được phanh phui vào năm 1937, SEC phát hiện ra là có tới 19 triệu USD hàng tồn kho giả được ghi chép trên bảng cân đối kế toán của công ty. Con số này tương đương với khoảng 285 triệu USD tại thời điểm hiện tại.
McKesson & Robbins đã gây ra tác động lớn đến ngành kế toán, dẫn đến việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận phổ biến (GaAs), bao gồm các khái niệm về một ủy ban kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, các kiểm toán viên trực tiếp kiểm kê hàng tồn kho để xác minh sự tồn tại của nó.
Nước cộng hòa Poyais
Vụ lừa đảo Poyais là một vụ bê bối lớn trong những năm 1800. Đây chắc chắn là vụ lừa đảo táo bạo và giàu trí tưởng tượng nhất trong lịch sử, bởi thủ phạm của vụ lừa đảo này GregorMacGregor, đã tạo ra một quốc gia hư cấu ở Trung Mỹ.
MacGregor phục vụ trong quân đội Anh và đã tham gia nhiều chiến dịch khác ở châu Mỹ. Trong cuộc hành trình của mình, ông đã đến các vùng ven biển thuộc Honduras và Belize ngày nay. MacGregor khẳng định mình đã được cấp đất từ một nhà lãnh đạo địa phương, và khi trở về London, ông đã công bố về quốc gia mới - nước Cộng hòa Poyais.
MacGregor tạo ra quốc kì, quốc huy, tiền tệ và các mánh lừa khác về một quốc gia có chủ quyền và sau đó tiếp tục bán lại khu đất cho các nhà đầu tư và người định cư tại London. Ông cũng phát hành các khoản nợ do chính phủ đứng tên được đảm bảo bằng triển vọng phát triển của quốc gia mới này, và lừa những người định cư bằng lời ca ngợi về thủ đô và đất đai màu mỡ.
Nhóm những người định cư đầu tiên đến Poyais năm 1823 chẳng thấy gì ngoại trừ rừng rậm và những túp lều gỗ bị bỏ hoang. Ba tàu khác chở người định cư đến trong vài năm kế tiếp và cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bệnh tật và nạn đói dần tác động tới họ, gần 200 người dân thuộc địa đã chết.
Tin tức cuối cùng lan đến London và chính quyền đã bắt giữ MacGregor. Trong khi chờ xét xử, ông đã trốn chạy sang Pháp và cũng dùng mánh lừa đảo Poyais với các nhà đầu tư Pháp. MacGregor cuối cùng đã ở lại Venezuela và giúp quốc gia này trong cuộc chiến giành độc lập. Và nhờ những cố gắng của mình, ông đã được trợ cấp tiền lương hưu cũng như phong quân hàm tướng từ chính phủ mới thành lập.
Lời kết
Như bạn đã biết, các vụ lừa đảo quy mô tập đoàn đã có một lịch sử lâu dài. Bất chấp những nỗ lực điều tiết tốt nhất của các chính phủ liên bang khác nhau, những vụ lừa đảo quy mô lớn dường như ngày càng gia tăng và leo thang.