Sức mua tương đương (PPP)
Sức mua tương đương (PPP) có lẽ là phương pháp phổ biến nhất do lý thuyết này đều được đề cập trong hầu hết các sách giáo khoa kinh tế. Phương pháp PPP xây dựng dựa trên quy luật “Luật Một Giá”, trong đó nói rằng măt hàng giống nhau phải được bán cùng một giá trên các quốc gia khác nhau.
Ví dụ, luật này cho rằng sau khi đã tính đến tỷ giá hối đoái và loại trừ một số chi phí vận tải hàng hóa, thì một cây bút chì ở Canada nên có mức giá tương tự như một chiếc bút chì tại Mỹ. Nói cách khác, sẽ không có cơ hội cho người mua lợi dụng sự chênh lệch giá giữa các nước để tạo lợi nhuận.
Dựa trên nguyên tắc cơ bản này, nếu xuất hiện lạm phát trong thị trường, giả thuyết PPP dự đoán rằng tỷ giá sẽ thay đổi để bù đắp những thay đổi giá do nó gây ra. Ví dụ, giả sử rằng giá ở Mỹ dự kiến sẽ tăng 4% trong năm tới trong khi giá ở Canada sẽ chỉ tăng khoảng 2%. Sự chênh lệch lạm phát giữa hai nước là:
4% - 2% = 2%
Trong trường hợp này giá tại Mỹ sẽ tăng nhanh hơn so với giá ở Canada, nói cách khác là đồng USD sẽ mất giá khoảng 2% để cân bằng giá tại 2 thị trường này. Vì vậy, nếu tỷ suất hiện hành là 1CAD/USD = 90cents thì tỷ giá hối đoái sau khi áp dụng PPP là:
(1 + 0,02) x (0,90 USD/CAD $ 1) = US $ 0,918 /CAD $ 1
Có nghĩa là để mua $1 CAD bạn mất đến 91.8 cent USD.
Một trong những áp dụng nổi tiếng của phương pháp PPP được biết đến qua “Big Mac Index”, biên soạn và xuất bản bởi The Economist. Mục đích của chỉ số này là đo lường mức độ đánh giá của từng đồng tiền dựa trên giá thành của Big Mac (một loại hambuger của Mac Donald) giữa các quốc gia. Chính vì Big Mac là một thương hiệu toàn cầu có mặt ở nhiều quốc gia nên chúng ta có thể đối chiếu giá thành giữa các thị trường, từ đó tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng chỉ số.
Phương pháp Sức mạnh kinh tế tương đối
Cách tiếp cận sức mạnh kinh tế tương đối là dựa vào sức mạnh của tăng trưởng kinh tế của các quốc gia để nhìn ra hướng thay đổi của tỷ giá đối hoái trong tương lai. Cơ sở của phương pháp này dựa trên ý tưởng rằng môi trường kinh tế mạnh với khả năng tăng trưởng cao sẽ có nhiều khả năng thu hút vốn nước ngoài. Và để có được các khoản đầu tư trong nước thì nhà đầu tư cần thu mua được bản tệ của quốc gia đó, góp phần tăng lượng cầu tiền tệ dẫn đến bản tệ tăng giá.
Cách tiếp cận này không đơn giản chỉ nhắm vào sự tăng trưởng kinh tế tương đối giữa các quốc gia, mà nó mang một tầm nhìn tổng thể và xét đến tất cả những dòng vốn đầu tư. Ví dụ, lãi suất là một yếu tố cần xét đến khi đầu tư. lãi suất càng cao thu hút càng nhiều nhà đầu tư ngoài nước, nâng nhu cầu nội tệ, và cuối cùng cũng làm đồng tiền trong nước tăng giá.
Ngược lại, lãi suất thấp cũng có thể gây ra nhiều hiệu ứng như nhà đầu tư sẽ tránh dồn vốn vào một số quốc gia cụ thể, hoặc thậm chí sẽ có một số doanh nghiệp đi vay quốc gia có lãi suất thấp để hỗ trợ các khoản đầu tư khác. Trường hợp này đã xảy ra với đồng yên Nhật, khi lãi suất tại Nhật Bản đã ở mức thấp cùng cực và họ gọi đây là chiến lược carry-trade (kiếm lợi nhuận dựa trên mức chênh lệch lãi suất).
Không như các phương pháp PPP, cách tiếp cận dựa vào sức mạnh kinh tế tương đối không đưa ra con số thay đổi cụ thể của tỷ giá ngoại hối. Thay vào đó, phương pháp này cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn chung biến động của tỷ giá (tăng hay giảm, mạnh hay yếu). Hãy sử dụng và phối hợp hợp lý với những phương pháp khác để phát triển các dự đoán một cách hoàn chỉnh và hiệu quả hơn.
Mô hình kinh tế lượng
Một phương pháp phổ biến được sử dụng để dự báo tỷ giá hối đoái liên quan đến việc xây dựng mô hình từ việc thu thập các yếu tố mà bạn tin rằng chúng có ảnh hưởng đến một loại tiền tệ nhất định. Các nhân tố sử dụng trong mô hình thường dựa trên lý thuyết kinh tế, tuy nhiên một biến bất kỳ có thể được thêm vào nếu nó được cho là có ảnh hưởng đáng kể tỷ giá hối đoái.
Ví dụ, giả sử có một chuyên gia của Canada được giao nhiệm vụ tiên đoán tỷ giá USD / CAD trong năm tới. Ông tin rằng mô hình kinh tế sẽ là một phương pháp tốt để sử dụng, vì thế ông tiến hành nghiên cứu các yếu tố mà ông nghĩ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái. Từ nghiên cứu và phân tích, ông kết luận các nhân tố gồm có: sự khác biệt lãi suất giữa Mỹ và Canada (INT), sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng GDP (GDP), và tốc độ tăng trưởng thu nhập (IGR) giữa hai nước. Mô hình kinh tế với được thể hiện như sau:
USD / CAD (năm 1) = z + a (INT) + b (GDP) + c (IGR)
Chúng ta sẽ không đi sâu tìm hiểu cách xây dựng mô hình này, nhưng sau khi thiết lập được nó chúng ta có thể đơn giản lắp ráp các tham số INT, GDP, và IRG để tìm kết quả. Các hệ số a,b,c biểu đạt cường độ và hướng tác động của từng biến tới kết quả là tỷ suất hối đoái. Đây có lẽ là một phương pháp phức tạp và tốn thời gian nhất so với các cách tiếp cận trên khác. Nhưng, một khi bạn có thể xây dựng được nó thì việc dự đoán của bạn sẽ trở nên vô cùng nhanh chóng và dễ dàng.
Mô hình theo chuỗi thời gian
Phương pháp theo chuỗi thời gian hoàn toàn mang tính kỹ thuật và không dựa trên bất kỳ lý thuyết kinh tế nào. Một trong những cách tiếp cận phổ biến của mô hình chuỗi thời gian là quá trình trung bình di động tự hồi quy (ARMA). Lý do sử dụng phương pháp này dựa trên ý tưởng rằng chúng ta có thể sử dụng hành vi và mô hình trong quá khứ để dự đoán động thái và mô hình của giá trong tương lai. Các dữ liệu bạn cần phải sử dụng trong phương pháp này đơn giản là chuỗi thời gian của dữ liệu được nhập vào một chương trình máy tính để chạy các thông số cơ bản và tạo ra một mô hình dự đoán.
Kết luận
Để dự đoán chính xác tỷ giá hối đoái là nhiệm vụ rất khó khăn, chính vì vậy mà nhiều công ty và các nhà đầu tư chỉ đơn giản tìm cách tự bảo hiểm rủi ro tiền tệ của họ. Tuy nhiên, có những người nhìn thấy giá trị trong việc dự báo tỷ giá hối đoái và có mong muốn được nghiên cứu thêm về các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ suất, thì bốn phương pháp tiếp cận trên sẽ là công cụ tốt để bắt đầu.