Chứng chỉ ETF được giao dịch như cổ phiếu, vì vậy chúng chịu nhiều rủi ro giống nhau. Tuy nhiên, có một số chiến lược các nhà đầu tư chỉ số dạng ETF có thể sử dụng để bảo toàn vốn của mình khi thị trường đi xuống. Những chiến lược này bao gồm việc phải biết khi nào thì nên bán, cách phân bổ tài sản, đi theo sự luân chuyển giữa các khối ngành và sử dụng các kỹ thuật phòng vệ.
Khi nào nên bán chứng chỉ quỹ ETF
Hiểu rõ lúc nào cần bán cũng quan trọng như lúc nào cần mua. Nhiều nhà đầu tư không nhận thức được thời điểm họ cần bán ra và kiên quyết nắm giữ với kỳ vọng hão huyền là những cổ phiếu sút giá của họ sẽ khởi sắc trong tương lạ gần. Thật không may, bởi sẽ có thể mất một thời gian dài trước khi giá trị của chúng có thể hoàn toàn hồi phục. Trong một thị trường đi xuống, có nhiều lý do các nhà đầu tư nên xem xét việc bán ra những chứng chỉ ETF của mình, đó là:
Mức độ chấp nhận rủi ro: Mỗi nhà đầu tư nên biết rõ mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân. Nếu bạn trằn trọc cả đêm do lo ngại về thị trường, đó là lúc bạn đã đạt đến giới hạn của mình và nên bán ngay, bởi tổn thất thì cũng đã xảy ra rồi. Giờ là lúc vãn hồi tài sản còn lại trước khi chúng bốc hơi mất.
Lệnh cắt lỗ: Nhà đầu tư chứng khoán từ lâu đã sử dụng lệnh cắt lỗ để bảo vệ danh mục đầu tư. May mắn thay, các nhà đầu tư ETF có thể sử dụng các kỹ thuật cắt lỗ tương tự vốn dành cho cổ phiếu, chẳng hạn như “lệnh dời mức cắt lỗ, lệnh giới hạn lỗ, lệnh dừng theo biên độ hoặc một số biến thể khác giúp đóng vị thế tại một con số định trước.
Tiền lấy ngay: Nếu bạn cần tiền mặt cho một số mục đích khác nhau trong vài năm tới, bạn nên giảm thiểu rủi ro và hướng đến những khoản đầu tư có rủi ro thấp hơn từ bây giờ. Nhà đầu tư có thể chuyển hướng sang những chứng chỉ ETF ít biến động hoặc quy chúng ra tiền mặt để bảo toàn lãi khi thị trường đi xuống.
Sự cân bằng: Việc cân đối cơ cấu danh mục đầu tư là rất cần thiết. Liệu giá trị danh mục ETF của bạn có tăng về giá trị, có đem lại lợi nhuận đang kể, liệu tỷ trọng danh mục đầu tư của bạn có nghiêng quá về một khu vực hoặc ngành nào không. Bạn nên bán một phần danh mục ETF để chốt lãi và sau đó đa dạng hóa những khoản tái đầu tư còn lại. Cách tiếp cận này sẽ bảo vệ lợi nhuận của bạn nếu thị trường lao dốc.
Sự kỳ vọng: Những nhà đầu tư từng đánh bại thị trường có thể thấy rằng các lý do ban đầu khiến họ mua chứng chỉ quỹ ETF đã thay đổi. Có lẽ nó không đáp ứng được mong đợi của bạn, hoặc các chỉ số cơ bản của quỹ đã trở nên xấu đi. Điều này xảy ra có nghĩa là đã đến lúc để bán và tìm kiếm một cơ hội khác.
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ danh mục đầu tư ETF của bạn là phải biết bán trước khi thị trường lao dốc, hoặc phải đủ thông minh để bán trước khi thua lỗ trầm trọng hơn nữa. Nếu nhà đầu tư thực hiện những nguyên tắc bán phù hợp khi thị trường lên, điều tương tự cũng sẽ giúp họ trong thị trường xuống.
Phân bổ tài sản
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng chiến lược phân bổ tài sản để bảo vệ danh mục đầu tư của họ chống lại những biến động tiêu cực của thị trường. Quỹ ETF hiện đã cung cấp một loạt các công cụ phân bổ tài sản cho những nhà đầu tư thông thường, giúp họ có thể tiếp cận được với nhiều loại tài sản, công cụ vốn hóa thị trường và các khu vực. Những quỹ đầu tư ETF cho phép các nhà đầu tư có thể tự xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với khả năng chấp nhận rủi rủi ro và thời gian dự kiến đầu tư của họ.
Những chiến lược mẫu giúp giảm thiểu rủi ro khi thị trường đi xuống bao gồm:
• Giảm thiểu sự đa dạng danh mục đầu tư vào các ngành, các loại tài sản hoặc vốn hóa cổ phần có xu hướng giảm giá trị trong một thị trường xuống dốc.
• Lấp đầy những khoảng trống trong danh mục đầu tư bằng quỹ ETF giúp phân bổ tài sản. Bạn có thể làm điều này bằng cách mua hoặc bán khống cổ phiếu của những khối ngành có xu hướng tăng nhanh hơn hoặc giảm mạnh hơn so với toàn thị trường. Nếu lo ngại rằng thị trường có thể xấu hơn nữa thì hãy mua một chứng chỉ ETF đã bán khống một khu vực và/hoặc thị trường.
• Tăng tỷ trọng hoặc giảm tỷ trọng một danh mục đầu tư để đạt được sự đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro sụt giá. Giả dụ một danh mục của một nhà đầu tư bao gồm cổ phiếu từ nhiều ngành trong chỉ số S&P500, nhưng anh ta lo ngại rằng thị trường suy thoái sẽ làm giảm giá trị danh mục của mình. Nhà đầu tư này có thể mua chứng chỉ ETF của khu vực hàng tiêu dùng để đa dạng hóa vào một khu vực thường biểu hiện tốt khi thị trường đi xuống.
ETFs cung cấp cho các nhà đầu tư những công cụ phân bổ tài sản để phản ánh chiến lược của họ, đặc biệt là trong một thị trường đang đi xuống. Để các chiến lược này thành công, chứng chỉ ETF của thị trường xuống phải có mối tương quan nghịch chiều với danh mục đầu tư bạn đang sở hữu.
Đầu tư theo luân chuyển khối ngành
Một chiến lược khác để tự vệ khi thị trường xuống đó là đi theo luân chuyển giữa các khối ngành. Dựa trên lý thuyết cho rằng các khối ngành thường tuân theo các chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư có thể sử dụng ETF để cơ cấu lại danh mục đầu tư và thích ứng với một thị trường xuống.
Chu kỳ kinh tế là một mô hình dài hạn thể hiện những thay đổi trong GDP, với bốn giai đoạn cơ bản: mở rộng, thịnh vượng, thu hẹp và suy thoái. Sau giai đoạn suy thoái, chu kỳ mở rộng lại bắt đầu. Theo cuốn sách của Sam Stovall được xuất bản năm 1996 có tên "Đầu tư theo ngành" (Sector Investing), mỗi khối ngành sẽ mạnh lên tại các điểm khác nhau dọc theo chu kỳ kinh tế. Nhà đầu tư có thể xác định được các khối ngành tuân theo chu kỳ kinh tế để đầu tư cho phù hợp. ETF là sự lựa chọn tuyệt vời khi áp dụng chiến lược này, đặc biệt là trong một thị trường đi xuống.
Nhà đầu tư sử dụng chiến lược này sẽ điều chỉnh tỷ trọng ngành trong danh mục đầu tư để có thể bám sát với các khối ngành có nhiều tiềm năng nhất. Quỹ ETF giúp các nhà đầu tư chuyển hướng các danh mục một cách hiệu quả. Khi phải đối mặt với một thị trường đang trong đà xuống, các nhà đầu tư có thể sử dụng những chứng chỉ của các quỹ ETF đang đầu tư vào các lĩnh vực mà thông thường sẽ phát triển khi thị trường đi xuống, chẳng hạn như ngành tiêu dùng, điện nước và chăm sóc sức khỏe. Những nhà đầu tư liều lĩnh hơn thì có thể sử dụng những ETF bán khống thị trường, hoặc bán khống những ngành có khả năng hoạt động kém hơn so với thị trường.
Sử dụng chiến lược phòng vệ
Phòng vệ là một vị thế giúp giảm thiểu rủi ro khi dự đoán một sự kiện hay một xu hướng trong tương lai. Phòng vệ đặc biệt hữu ích nếu một nhà đầu tư đang phải đối mặt với một thị trường xuống. Để có hiệu quả, chiến lược phòng vệ không cần phải tạo ra lợi nhuận, mục tiêu chính của nó là hạn chế rủi ro.
Những quỹ ETF bán khống một chỉ số hoặc một khối ngành đem đến cho nhà đầu tư một cách thức mới để áp dụng chiến lược phòng vệ. Ví dụ nếu danh mục đầu tư của bạn là ở vị thế mua và bạn đang lo ngại rằng sự suy giảm của nền kinh tế sẽ khiến thị trường lao dốc, bạn có thể hoặc là chuyển hóa một phần danh mục đầu tư của mình sang tiền mặt, hoặc là mua vào chứng chỉ ETF ở vị thế bán. Bằng cách này, bạn có thể định vị lại danh mục đầu tư của mình thành: 75% ở vị thế mua và 25% ở vị thế bán. Điều này cũng tương tự như một danh mục đầu tư có 50% giá trị ở vị thế mua và 50% giá trị là tiền mặt.
Các hợp đồng quyền chọn ETF cung cấp cho nhà đầu tư một cách khác để phòng vệ cho vị thế của họ. Có hai cách tiếp cận thận trọng là quyền chọn mua có bảo vệ và quyền chọn bán có bảo vệ. Quyền chọn mua có bảo vệ cho phép nhà đầu tư cố định lợi nhuận và/hoặc cung cấp một số phương án phòng vệ đề phòng trường hợp thị trường đảo chiều. Người bán quyền chọn mua có bảo hiểm sẽ được bảo hiểm bởi một khoản tiền tương đương với phí mua quyền chọn. Nếu giá trị của chứng chỉ ETF xuống thấp hơn cả phần phí này, vị thế sẽ ghi nhận thua lỗ nhưng vẫn còn tốt hơn khi chỉ giữ một mình chứng chỉ ETF.
Nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo hiểm để phòng vệ khi các chứng chỉ ETF lao dốc mạnh mẽ, hay những người muốn nắm giữ cổ phần để tránh các tác động thuế tiêu cực, thì có thể mua quyền chọn bán có “bảo vệ”. Một quyền chọn bán ETF cho phép một nhà đầu tư có thể bán nếu giá chứng chỉ đó giảm xuống dưới mức giá thực hiện. Những quyền chọn bán thường tăng lên về giá trị khi giá trị chứng chỉ ETF giảm xuống. Nếu chứng chỉ ETF vẫn đi ngang hoặc tăng giá vào cuối kỳ hạn của quyền chọn, quyền chọn bán hết hạn mà không có giá trị.
Lời kết
Các nhà đầu tư coi việc đứng vững trong một thị trường xuống giá là một thách thức lớn. ETF vẽ ra nhiều con đường để giảm bớt các tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư của bạn khi thị trường đi xuống, nhưng bạn vẫn cần phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Các quyền chọn dành cho nhà đầu tư cá nhân cũng tương tự như đối với những người chuyên nghiệp, vì vậy kế hoạch của bạn sẽ chỉ phụ thuộc vào bản thân người viết lên nó. Hãy thiết kế một chiến lược tốt để bạn có thể ngon giấc vào ban đêm.