4 Cách dự báo về thị trường

11/11/2014 - 22:06 9464     0

Có hai loại giá rất quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải biết: mức giá hiện tại của khoản đầu tư họ sở hữu, hoặc định sở hữu, và giá bán tương lai của nó.

Trên thực tế, các nhà đầu tư thường xem xét lại giá cả lịch sử và lấy đó làm cơ sở để quyết định đầu tư trong tương lai. Một số nhà đầu tư sẽ không mua một cổ phiếu hay chỉ số đã và đang tăng quá mạnh, vì họ cho rằng đó chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời của thị trường, còn một số nhà đầu tư khác lại tránh cổ phiếu đang giảm giá, vì họ sợ rằng nó sẽ tiếp tục rớt giá.

Liệu có lý thuyết học thuật nào ủng hộ các loại dự đoán dựa trên giá cả gần đây không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét bốn quan điểm khác nhau của thị trường và tìm hiểu thêm về các nghiên cứu học thuật liên quan để chứng minh cho mỗi quan điểm. Những kết luận cuối cùng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các chức năng của thị trường, và có thể giúp loại bỏ một số những thiên kiến ​​của riêng bạn.

Xung lượng (Momentum)

"Đừng đi ngược lại xu hướng chung." Câu nói được sử dụng rộng rãi trong thị trường chứng khoán này cảnh báo các nhà đầu tư đừng chống lại các xu hướng thị trường. Giả định đặt ra là thị trường sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng hiện giờ của nó trong tương lai. Ý tưởng này có nguồn gốc từ tài chính hành vi. Với rất nhiều cổ phiếu để lựa chọn, tại sao các nhà đầu tư lại chọn một cổ phiếu đang rớt giá trong khi các loại khác có giá đang leo thang? Đó là do nỗi sợ hãi và tham lam cố hữu của con người.

Nghiên cứu đã tìm ra rằng dòng vốn vào quỹ tương hỗ thường có mối quan hệ tỉ lệ thuận với lợi nhuận của thị trường. Xung lượng đóng một vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư và khi nhiều người đầu tư đổ tiền vào, thị trường sẽ đi lên, khuyến khích thêm nhiều người đến mua. Đó là một vòng lặp phản hồi thuận (positive feedback loop).

Một nghiên cứu năm 1993 được tiến hành bởi Narasimhan Jagadeesh và Sheridan Titman mang tên "Lợi nhuận cho người mua cổ phiếu được giá và người bán cổ phiếu rớt giá," cho thấy rằng cổ phiếu riêng lẻ đều có xung lượng. Họ nhận thấy rằng cổ phiếu có biểu hiện tốt trong vài tháng qua, có nhiều khả năng tiếp tục hoạt động tốt hơn trong tháng tới. Điều ngược lại vẫn đúng; cổ phiếu đã hoạt động kém, có nhiều khả năng tiếp tục biểu hiện kém.

Tuy nhiên, thời hạn dự báo của nghiên cứu này chỉ kéo dài một tháng. Trong thời gian dài, hiệu ứng xung lượng dường như sẽ đảo chiều. Theo một nghiên cứu năm 1985 được tiến hành bởi Werner DeBondt và Richard Thaler, mang tên "Thị trường chứng khoán có phản ứng thái quá?" cho thấy cổ phiếu đã hoạt động tốt trong 3-5 năm qua có nhiều khả năng hoạt động kém hiệu quả trong 3-5 năm tới và ngược lại. Điều này gợi mở lý thuyết tiếp theo: đảo ngược về giá trị trung bình.

Đảo ngược về giá trị trung bình (mean reversion)

Nhà đầu tư có kinh nghiệm, những người đã chứng kiến ​​nhiều thăng trầm của thị trường, thường có quan điểm cho rằng thị trường sẽ ổn định theo thời gian. Thị trường có giá cao chưa từng thấy trong lịch sử thường khiến các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào, trong khi giá quá thấp có thể lại là cơ hội.

Xu hướng của một biến, chẳng hạn như giá cổ phiếu, tiến gần đến một giá trị trung bình theo thời gian được gọi là đảo ngược về giá trị trung bình. Hiện tượng này đã được tìm thấy trong một số chỉ số kinh tế, bao gồm cả tỷ giá, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp. Đảo ngược về giá trị trung bình cũng tác động đến chu kỳ kinh doanh.

Nghiên cứu vẫn không thể đưa ra kết luận về việc liệu giá cổ phiếu có quay trở lại mức trung bình hay không. Một số nghiên cứu cho thấy sự đảo ngược về giá trị trung bình có xuất hiện trong một số bộ dữ liệu qua một số thời kỳ, nhưng một số khác thì không cho thấy sự hiện diện của xu thế này. Ví dụ, năm 2000 trong "Tạp chí Tài chính” (Journal of Finance), Ronald Balvers, Yangru Wu và Erik Gilliland tìm thấy một số bằng chứng về sự đảo ngược về giá trị trung bình trong đầu tư dài hạn, với chỉ số giá chứng khoán tương đối của 18 quốc gia.

Tuy nhiên, ngay cả những nhà nghiên cứu này cũng không hoàn toàn bị thuyết phục, như họ đã viết trong nghiên cứu của mình, “Cản trở lớn nhất khi dò tìm hiện tượng đảo ngược về giá trị trung bình là thiếu những chuỗi số liệu dài hạn đáng tin, bởi vì nếu có tồn tại, hiện tượng đảo ngược về giá trị trung bình được cho rằng sẽ xảy ra rất chậm và chỉ được nhìn ra trong một khung thời gian dài"

Với khả năng tiếp cận với các nghiên cứu về thị trường chứng khoán trong ít nhất 80 năm, điều này chỉ ra rằng nếu thị trường có xu hướng đảo ngược về trung bình, thì nó là một hiện tượng xảy ra chậm và gần như không thể nhận ra trong nhiều năm hoặc vài chục năm.

Martingale

Có một khả năng khác là lợi suất quá khứ không hề quan trọng. Năm 1965, Paul Samuelson nghiên cứu lợi suất của thị trường và thấy rằng xu hướng giá cả trong quá khứ không có ảnh hưởng đến giá trong tương lai, và ông lập luận rằng trong một thị trường hiệu quả, sẽ không có hiện tượng này. Kết luận của ông là giá cả thị trường là biến martingale.

Một martingale là một chuỗi toán học, trong đó dự đoán tốt nhất cho số tiếp theo chính là số hiện tại. Khái niệm này được sử dụng trong lý thuyết xác suất, để ước tính kết quả của chuyển động ngẫu nhiên. Ví dụ, giả sử bạn có 50 đô và đặt cược tất cả vào một lần tung đồng xu. Bạn sẽ có bao nhiêu tiền sau khi tung đồng xu? Bạn có thể có 100 đô hoặc chằng còn đồng nào, nhưng về mặt thống kê, dự đoán tốt nhất là 50 đô, điểm xuất phát của bạn. Dự đoán khi tung đồng xu là một martingale.

Trong định giá quyền chọn cổ phiếu, lợi suất của thị trường cổ phiếu có thể được coi là martingale. Theo lý thuyết này, việc định giá của các quyền chọn không phụ thuộc vào xu hướng giá cả trong quá khứ, hoặc dựa trên bất kỳ ước tính xu hướng giá cả trong tương lai. Mức giá hiện tại và mức biến động ước tính  là những số liệu đầu vào duy nhất.

Một martingale trong đó số tiếp theo có nhiều khả năng cao hơn số trước được gọi là sub-martingale. Trong nhiều tài liệu, điều này được gọi là bước đi ngẫu nhiên (random walk) với xu hướng đi lên. Mô tả này nhất quán với lịch sử định giá chứng khoán trong hơn 80 năm qua. Bất chấp nhiều lần đảo chiều ngắn hạn, một cách nhất quán, xu hướng chung sẽ cao hơn.

Nếu lợi suất của cổ phiếu về bản chất là ngẫu nhiên, thì dự đoán tốt nhất cho giá thị trường ngày mai chỉ đơn giản là giá hôm nay, cộng với một sự gia tăng rất nhỏ. Thay vì tập trung vào xu hướng trong quá khứ và tìm kiếm xung lượng hoặc hiện tượng đảo ngược về giá trị trung bình, các nhà đầu tư nên tập trung vào quản lý rủi ro vốn có trong các khoản đầu tư không ổn định của họ.

Tìm kiếm giá trị

Các nhà đầu tư theo trường phái giá trị thường mua cổ phiếu với giá rẻ và hy vọng sẽ được hưởng lợi về sau. Kì vọng của họ là một thị trường không hiệu quả đã định giá thấp các cổ phiếu, nhưng giá sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Câu hỏi đặt ra là điều này có xảy ra hay không và tại sao một thị trường không hiệu quả lại điều chỉnh giá?

Nghiên cứu cho thấy việc định giá sai và điều chỉnh liên tục xảy ra, mặc dù có rất ít bằng chứng đưa ra lý do tại sao nó xảy ra.

Trong năm 1964, Gene Fama và Ken French nghiên cứu lịch sử thị trường chứng khoán hàng chục năm và phát triển các mô hình ba nhân tố (three-factor model) để giải thích giá cả thị trường chứng khoán. Nhân tố quan trọng nhất trong việc giải thích giá cả trong tương lai là sự định giá, được đo bằng tỷ lệ giá hiện tại/giá trị sổ sách (P/B). Cổ phiếu có tỷ lệ P/B thấp mang lại lợi suất tốt hơn đáng kể so với các cổ phiếu khác

Chỉ số định giá có xu hướng di chuyển theo cùng một hướng và trong năm 1977, Sanjoy Basu tìm thấy kết quả tương tự đối với cổ phiếu với tỉ lệ giá/thu nhập (P/E) thấp. Kể từ đó, hiệu ứng tương tự đã được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu trên rất nhiều thị trường khác nhau.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã không giải thích lý do tại sao thị trường luôn định giá sai "giá trị" các cổ phiếu và sau đó điều chỉnh lại. Kết luận duy nhất có thể được rút ra là các cổ phiếu này có các rủi ro khác, vì vậy mà nhà đầu tư yêu cầu sự bù đắp nhiều hơn.

Giá là một yếu tố quyết định các chỉ số định giá, do đó, những phát hiện này ủng hộ ý tưởng về một thị trường chứng khoán có sự đảo chiều về mức trung bình. Khi giá leo thang, các chỉ số định giá cũng cao hơn và kết quả là, lợi suất dự đoán tương lai là thấp hơn. Tuy nhiên, chỉ số P/E của thị trường dao động mạnh theo thời gian và chưa bao giờ nhất quán với tín hiệu mua vào hay bán ra.

Kết luận

Thậm chí sau nhiều thập kỷ nghiên cứu của những bộ óc siêu việt nhất, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Kết luận duy nhất có thể được rút ra là có thể xuất hiện hiệu ứng xung lượng trong ngắn hạn, và một hiệu ứng đảo ngược về giá trị trung bình yếu trong dài hạn.

Mức giá hiện tại là một thành phần tối quan trọng của các chỉ số định giá như P/B và P/E, các chỉ số hữu ích để tiên đoán về lợi suất tương lai của một cổ phiếu. Tuy nhiên, các chỉ số này không đưa ra tín hiệu bán mua cụ thể, nên chỉ khi các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi suất kì vọng dài hạn biến chuyển thì mới nên cân nhắc tới việc mua bán.


Lều - Infographic

    INFLATION Lạm phát là một hiện tượng kinh tế khi mà...
    Xem thêm >>