Thắt lưng buộc bụng
Nhà đầu tư giỏi nhất mọi thời đại - ông Warren Buffet thường cười nhạo việc cắt giảm chi phí - bởi với ông thì một nhà quản lý giỏi không cần phải kiểm soát chi phí mà đó phải trở thành chính bản năng của anh ta vậy. Tất nhiên, người thường sẽ khó có được cái nhìn về tài chính như Buffet; chỉ đến khi suy thoái diễn ra buộc họ phải quan tâm đến chi tiêu của mình một cách nghiêm túc. Không một kế hoạch tài chính nào là hoàn hảo cả, chắc chắn sẽ có những chi phí phù phiếm ở đâu đó bạn có thể cắt giảm được, hoặc ít nhất là thay thế được bằng những lựa chọn ít tốn kém hơn. Bạn có nhất thiết phải uống cà phê ở quán sang trọng nhất thành phố không? Hay hãy nhìn xung quanh nhà mình, bạn có thật sự cần từng ấy vật dụng trang trí không?
Sẵn sàng cho những tình huống xấu
Ngay cả khi bạn bị chủ nợ mò đến tận nhà mình hay gọi đến chỗ làm, ưu tiên hàng đầu của bạn phải là trích lập hoặc tăng quỹ dự phòng của mình. Khi tiền cứ “bay” khỏi tài khoản ngân hàng của bạn, để lại số dư gần như bằng không, thì bạn biết kiếm đâu ra tiền để trang trải những chi phí phát sinh bất ngờ và tất yếu, chẳng hạn như một ca tiểu phẫu bắt buộc hoặc tiền học phí của con mình? Nếu không một xu dính túi bạn sẽ phải vay mượn nhiều hơn sống qua ngày và tình hình có thể xấu đến mức bạn sẽ chỉ làm việc để trả nợ.
Thay vào đó, tốt hơn hết là vẫn dành ra một số tiền tối thiểu để trả nợ dần mà đồng thời vẫn trích tiền để cho vào quỹ dự phòng hàng tháng - quỹ này phải tương ứng với ít nhất 1 tháng lương nhưng tốt nhất bạn vẫn nên có dư dả ra từ 3 tới 6 tháng lương cho an toàn.
Quỹ dự phòng càng lớn, tình hình tài chính lẫn tâm lý của bạn sẽ càng ổn định. Ba tháng tiền lương không phải là một con số nhỏ, vậy nên phải gặp một trường hợp tương đối xấu thì bạn mới phải lo ngại về tài chính của mình. Nên nhớ, việc xây dựng và duy trì quỹ này nên được đặt trên cả việc đầu tư hay trả nợ. Nếu bạn chưa có quỹ dư phòng thì mọi kế hoạch đầu tư nên được tạm thời hoãn lại và số tiền đó sẽ cho vào quỹ này để càng nhanh lấp đầy quỹ này.
Nghe ra thì có vẻ như chúng tôi đang khuyên bạn đang né tránh các chủ nợ và không tận hưởng những năm tháng tuổi trẻ, nhưng với một quỹ dự phòng, tình hình tài chính của bạn chắc chắn sẽ ổn định hơn và bạn sẽ có khả năng thanh toán đều các khoản nợ hay đầu tư dù trong tương lai có xảy ra bất trắc gì.
Cố gắng trả hết nợ
Khi thị trường chao đảo, báo chí sẽ ngập tràn tin tức về việc ai mua gì, bán gì, đầu tư ở đâu. Nhà đầu tư thông thường sẽ vội vàng lấy tiền mặt để đầu tư vào trái phiếu, rồi lại bán trái phiếu để mua chứng khoán và sau đó lại bán tống bán tháo cổ phiếu để quay về tiền mặt và trái phiếu rồi vòng lẩn quẩn này cứ mãi tiếp diễn như thế. Thay vì vướng vào những kế hoạch làm giàu nhanh chóng không thực tế này, tốt nhất bạn nên tập trung xử lý hết các khoản nợ của mình.
Nếu đang mắc nợ trong thời kỳ suy thoái, thì trả tiền cho chủ nợ có khi chính là việc "ra tiền" nhất mà bạn có thể làm. Trả hết một khoản vay lãi suất 5%, nghĩa là bạn được "lời ra" 5% so với trước đó . Nếu lúc đó thị trường đang suy thoái thậm tệ thì “lợi suất” 5% này của bạn có khi còn vượt xa chỉ số tăng trưởng trên sàn chứng khoán.
Đầu tư khôn ngoan
Khi nền kinh tế suy thoái, giá trị cổ phiếu trong danh mục đầu tư của bạn cũng sẽ ở thế giằng co. Mặc dù bạn biết rằng mình không nên đưa ra các quyết định bốc đồng trong thời kỳ tệ như vậy, nhưng nên nhớ suy thoái cũng là cơ hội để có những thông tin hữu ích nhất về thị trường. Khi thị trường thuận lợi, ngay cả những công ty làng nhàng và thậm chí yếu kém vẫn có thể phát triển vậy nên khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, các công ty này mới lộ ra sơ hở. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ cách thức các công ty phản ứng với suy thoái. Các công ty tiếp tục có lãi (hoặc ít nhất là bị lỗ với tốc độ chậm hơn) trong thời kỳ suy thoái thường tận dụng lợi thế của sự xuống giá để mở rộng hoạt động kinh doanh và mua tài sản với giá rẻ.
Tiền mặt, giống như quỹ dự phòng cá nhân của bạn, là một trong những cách đo lường "sức khỏe" một công ty khi lợi nhuận sụt giảm. Lúc này đây bạn sẽ rất dễ nhận diện các công ty phát triển quá nóng trong thời gian kinh tế thuận lợi bởi lúc này họ sẽ buộc phải động đến quỹ dự trữ tiền mặt. Hãy vẫn thường xuyên kiểm tra danh mục đầu tư của mình; tuy nhiên, hãy lưu ý xem công ty đó đang xử lý vấn đề thế nào và liệu chăng họ có đang dùng cạn quỹ tiền mặt dự phòng hay không. Nếu bạn thấy công ty vẫn đang vận hành tốt, thì đây chính là thời cơ tốt mua vào với giá rẻ. Còn nếu không, thì đừng dại gì mà giữ lại cổ phiếu công ty đó, thay vào đó hãy tận dụng tiền mặt từ những cổ phiếu này vào việc hữu ích hơn.
Lời kết
Khi nền kinh tế hồi phục, mọi người sẽ rất muốn quay lại những thói quen cũ. Các nhà kinh tế đôi khi gọi sự chi tiêu quá đà này là "nhu cầu bị dồn nén". Khi tình hình được cải thiện, nhu cầu về tiền mặt dự trữ, hay ngân sách nghiêm ngặt sẽ mất dần đi. Ngoài ra, nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào thị trường để bù đắp cho thời gian vừa qua, đôi khi dẫn đến bong bóng thứ sinh (echo bubble). Tuy nhiên, nếu bạn vẫn duy trì cách quản lý tài chính chặt chẽ, lượng tiền dự trữ dồi dào, ý thức chi tiêu và tư duy ngược xu thế sẽ giữ bạn đứng vững dù cho nền kinh tế có chao đảo đến đâu.