Phi thương bất phú - không kinh doanh không thể giàu được. Tuy nhiên để kinh doanh thành công lại là chuyện không hề dễ dàng. Và trước tiên, nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp hay thực hiện một công việc kinh doanh nào đó hãy xác định rõ 4 câu hỏi sau đây.
1. Bạn kinh doanh nhằm mục đích gì?
Thông thường, người ta cho rằng kinh doanh thì chỉ có một mục đích lớn nhất là kiếm lợi nhuận. Nhưng theo Peter Drucker, một bậc thầy về marketing thì mục đích lớn nhất đó phải là tạo ra khách hàng cho sản phẩm giá trị và giữ được chân họ. Vì thế, bài học đầu tiên cho bạn là "luôn luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm trong mọi nhận định và quyết định kinh doanh". Hãy đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng, nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm và dưới con mắt của họ. Điều này sẽ cực kì có ích cho bạn cho dù bạn đang bán bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào.
Đặc biệt là trong ngày nay khi mà giá cả, chất lượng sản phẩm không còn là những tiêu chí duy nhất để khách hàng lựa chọn, thì cạnh tranh về mặt dịch vụ, về mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng lại là những tiêu chí hàng đầu để quyết định sự thành bại của một công việc kinh doanh. Vì vậy hãy cẩn trọng trong từng quyết định, bước đi kinh doanh nhưng đừng quên rằng khách hàng mới là tâm điểm mọi thành công của doanh nghiệp.
2. Làm rõ ràng mọi việc
Trước tiên, cần hiểu rõ "Tôi là ai? Tôi muốn gì ở công việc kinh doanh này?". Bài học thứ hai là, hãy tập cân nhắc kỹ càng mọi bước đi trong kinh doanh, cố gắng làm cho mọi việc càng rõ ràng càng tốt. Và bước đầu tiên là hãy xác định một tầm nhìn dài hạn cho doanh nghiệp của bạn để trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp lý tưởng trong tương lai của bạn là gì? Nếu bạn chưa từng hình dung đến việc đó, rõ ràng bạn chưa có tầm nhìn đủ xa và sắc sảo. Khi bạn vẽ ra viễn cảnh về doanh nghiệp của mình, hãy làm cho nó thật lý tưởng và hãy tin rằng bạn hoàn toàn có thể xây dựng được nó theo cách của bạn.
Việc vẽ ra một viễn cảnh rõ ràng về một doanh nghiệp mà bạn muốn xây dựng không chỉ khiến bạn có lòng tin để vượt qua những khó khăn và thử thách trong hiện tại mà thậm chí còn cho bạn và những nhà đồng sáng lập một sức mạnh để gây dựng tương lai cho doanh nghiệp. Bởi vì khi đó đối với bạn không còn gì hạnh phúc hơn là làm việc, lao động và chờ ngày đứa con tinh thần này của bạn trưởng thành và lớn mạnh.
3. Doanh nghiệp hoàn hảo
Giả sử bạn đã có một doanh nghiệp lý tưởng như bạn mong muốn. Nhưng nếu phải mô tả công ty của bạn cho một khách hàng chưa từng biết đến nó thì bạn sẽ nói như thế nào? Không chỉ có vậy, bạn muốn khách hàng nhắc đến doanh nghiệp của mình với thái độ và bằng những từ nào? Vì vậy, bài học tiếp theo đặt ra là hãy nghĩ và thử liệt kê thật chi tiết những đặc điểm mà bạn muốn mang lại cho công ty mình, điều này rất có ích cho bạn đấy. Bạn càng biết rõ những đặc điểm nào là quan trọng với bạn và doanh nghiệp của bạn thì càng dễ dàng đạt được mục đích đó.
4. Chọn lấy một mục tiêu và xác định con đường đi
Mục tiêu của bạn trong công việc kinh doanh là gì? Mục tiêu này khác hẳn với mục đích được nhắc đến ở trên. Mục tiêu có thể được hiểu là một nhiệm vụ, là điều bạn muốn đạt được, muốn đem lại cho khách hàng và danh tiếng mà bạn muốn đem lại cho doanh nghiệp. Mục tiêu này không những là công cụ để doanh nghiệp xác định được con đường đi cho mình mà còn là “ngọn hải đăng” để dẫn doanh nghiệp đi đúng hướng mà mình đã chọn. Và mục tiêu của bạn càng rõ ràng, càng dễ định lượng bao nhiêu thì việc vạch ra con đường càng trở nên dễ dàng bấy nhiêu.
Trong cuộc sống này, bạn đã biết bao nhiêu người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng? Hãy tin rằng bạn cũng có thể làm được như họ, chỉ cần bạn bắt đầu học hỏi ngay từ bây giờ. Chỉ cần bạn tin rằng mình không gặp phải trở ngại gì, thì con đường của bạn sẽ suôn sẻ. Hãy nhìn vào những tấm gương thành đạt, bạn sẽ có động lực để cố gắng vượt qua được mọi khó khăn và tiến lên trên con đường phía trước.