Mặt khác, việc tiêu dùng của người Mỹ kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ các nước khác, đã dẫn đến việc đồng đô la chảy ra khỏi nước Mỹ. Nếu sản lượng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, tài khoản vãng lai sẽ bị thâm hụt. Nếu như nền kinh tế khỏe mạnh, một quốc gia có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp thâm hụt thương mại. Nước Mỹ có thể tiếp tục là một "cỗ máy" chi tiêu, cung cấp "nhiên liệu" cho các nền kinh tế khác trên thế giới bất chấp sự thật rằng nó là một quốc gia đang ngập trong nợ và đang phải vay tiền để chi tiêu. Điều này tạo điều kiện cho các quốc gia khác xuất khẩu sang Mỹ và do đó duy trì sự tăng trưởng của các nền kinh tế này.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị đồng đô la Mỹ
Vấn đề là khi tiến hành mua/bán đồng đô la Mỹ, nhà đầu tư cần phải đánh giá các yếu tố khác nhau có ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền này để xác định xu hướng sắp tới. Phương pháp này có thể được chia thành ba nhóm như sau:
- Các yếu tố cung - cầu
- Yếu tố cảm tính và tâm lý thị trường
- Các yếu tố kĩ thuật
Bây giờ chúng ta hãy cùng nghiên cứu từng nhóm riêng biệt trên.
Cung - Cầu của đồng đô la Mỹ
Khi nước Mỹ xuất khẩu các sản phẩm hoặc dịch vụ, họ tạo ra cầu về đồng đô la bởi khách hàng cần phải trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ đó bằng đồng đô la. Do vậy, các khách hàng sẽ bán đồng tiền của mình để mua đô nhằm thực hiện các khoản thanh toán này.
Ngoài ra, khi chính phủ Mỹ hoặc các tập đoàn lớn của Mỹ huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, và nếu các trái phiếu này được những nhà đầu tư nước ngoài mua, thì một lần nữa những trái phiếu phải được mua bằng đô la và nguời mua trái phiếu sẽ phải bán đồng nội tệ của mình để mua đô và thực hiện việc thanh toán. Nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và các công ty có thu nhập ngày càng tăng thì sẽ xuất hiện nhu cầu sở hữu cổ phiếu của công ty từ những nhà đầu tư nước ngoài. Và khi đó họ lại thực hiện quy trình trên: mua đô la bằng đồng nội tệ của mình để trả cho những cổ phiếu này.
Yếu tố cảm tính và tâm lý thị trường
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu và việc tiêu dùng hàng hóa bị chậm lại do thất nghiệp gia tăng? Khi đó, nước Mỹ phải đối mặt với trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ bán trái phiếu hoặc cổ phiếu của họ để thu về tiền mặt (đô la), sau đó lại chuyển đổi lại sang đồng nội tệ của họ. Nghĩa là, họ sẽ bán đồng đô la và mua lại đồng nội tệ.
Các yếu tố kĩ thuật
Là nguời đầu tư ngoại tệ, chúng ta phải dự đoán xem liệu cung đô la sẽ lớn hơn hay nhỏ hơn cầu. Để xác định điều này, chúng ta cần phải chú ý đến rất nhiều tin tức và sự kiện khác nhau, chẳng hạn như các số liệu thống kê được chính phủ công bố, ví dụ như số liệu về quỹ tiền lương, GDP, và những thông tin đo lường thị trường hoặc các nền kinh tế khác có thể giúp chúng ta xác định xem điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế Mỹ: liệu nền kinh tế đang đi lên hay đi xuống.
Bên cạnh đó, chúng ta còn cần phải nắm được tâm lý nói chung, nghĩa là những người đang tham gia thị trường nhìn nhận như thế nào về tương lai. Thường thì, yếu tố tâm lý còn ảnh hưởng đến thị trường sâu sắc hơn cả quy luật cung cầu. Như vậy vẫn là chưa đủ, ngoài việc đo lường các yếu tố cung, cầu và tâm lý, chúng ta còn phải xét đến một loạt các mẫu hình trong quá khứ khác như yếu tố mùa vụ, mức hỗ trợ và mức kháng cự, các chỉ báo kỹ thuật, v.v. Nhiều nhà đầu tư tin rằng những mẫu hình này sẽ lặp đi lặp lại và do đó có thể được sử dụng để dự đoán các biến động trong tương lai.
Kết hợp các yếu tố trên
Do việc kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào khả năng chấp nhận và quản trị rủi ro của nhà đầu tư, họ thường sử dụng kết hợp cả ba yếu tố nêu trên khi đưa ra quyết định mua hay bán. Nghệ thuật kinh doanh nằm ở chỗ bạn biết cách tạo ra những lợi thế cho riêng mình. Nếu như khả năng dự đoán đúng là đủ cao, nhà đầu tư sẽ gia nhập thị trường và tiếp tục quản lý những giả định mà mình đưa ra. Và để tạo ra lợi thế cho riêng mình, chúng ta cần phải cân nhắc từng yếu tố trong ba yếu tố trên và tìm ra điểm đích cuối cùng của chúng, có nghĩa là cả ba yếu tố này đều dẫn đến cùng một xu hướng.
Ví dụ minh họa
Tình hình kinh tế trong suốt cuộc suy thoái bắt đầu từ năm 2007 đã buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thực hiện một chức năng chưa từng có tiền lệ trong nền kinh tế. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do việc sử dụng đòn bẩy nợ (deleverage) của các tài sản tài chính gia tăng, chính phủ đã phải tiến hành chính sách nới lỏng, tăng chi tiêu công nhằm giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Mục đích của chính sách này là tạo ra công ăn việc làm, từ đó giúp cho người tiêu dùng, sau khi có thêm thu nhập, sẽ tăng chi tiêu, và giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.
Khi áp dụng chính sách này, chính phủ Mỹ đã phải đánh đổi bằng việc thâm hụt và nợ quốc gia ngày càng tăng. Để có tiền thực hiện chính sách trên, chính phủ phải in thêm tiền và bán trái phiếu cho các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài - từ đó dẫn tới việc tăng cung đồng đô la Mỹ. Kết quả của việc này là đồng đô la Mỹ bị mất giá. Một điều đáng lo ngại khác đối với các quốc gia có nợ tăng nhanh đó là gánh nặng lãi suất sẽ tăng lên, do vậy sẽ phải tăng thuế để bù đắp cho phần lãi suất tăng thêm dó.
Một trong những vai trò của chính phủ là tạo ra các điều kiện cần thiết để cho phép thị trường phát triển và từ đó đưa nền kinh tế tới gần với mức toàn dụng nhất có thể (full employment), nhưng phải với mức lạm phát kiểm soát được. Vì vậy, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát, chính phủ sẽ phải làm mọi cách để tăng lạm phát trở lại nhưng vẫn giữ ở mức kiểm soát được.
Kết luận
Nhà đầu tư nên thường xuyên theo dõi chỉ số đồng đô la Mỹ để có được cái nhìn tổng quan về diễn biến của đồng tiền này so với những đồng tiền khác. Bằng việc quan sát các mẫu hình trên biểu đồ và lắng nghe những phản ứng từ thị trường, cũng như theo dõi những yếu tố căn bản ảnh hưởng đến cung - cầu trên thị trường, nhà đầu tư sẽ có được bức tranh toàn cảnh về dòng chảy của đồng đô la Mỹ, từ đó có được nhận định chuyên sâu và lựa chọn được các vị thế tạo ra lợi nhuận trong các giao dịch tương lai.