Tôi có một người bạn đồng nghiệp luôn đến Wal-Mart để mua đồ và tôi từng hỏi tại sao anh ta không mua hàng ở các cửa hàng nhỏ lẻ hơn, và anh ta đáp “Wal-Mart là cửa hàng nhỏ lẻ thành công nhất từ trước tới nay.”
Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng các doanh nghiệp lớn đã có thời chỉ là các startup và họ dần phát triển nhờ thực hiện nhiều chiến lược đúng đắn. Tôi cũng làm việc cho một công ty lớn nhưng tôi luôn tiếp cận công việc của mình như một nhà khởi nghiệp. Đây cũng chính là cách tôi điều hành tạp chí kinh doanh online của mình như một startup “ảo”.
Với kinh nghiệm làm việc tại một công ty đa quốc gia lớn trong khi xây dựng công ty của riêng mình, tôi đã học được những chiến lược sau mà tôi cho rằng chúng rất hữu ích cho bất kì doanh nghiệp “trẻ” nào.
Xây dựng nên các nhóm dự án “tự do”
Giả sử bạn đang xây dựng một sản phẩm mới và bạn có một vài cố vấn viên, nhà đầu tư và một hãng tư vấn. Mặc dù tham khảo ý kiến các bên và học hỏi từ những sai lầm là điều quan trọng, nhưng việc có quá nhiều người tham gia vào một dự án như vậy sẽ làm chậm tiến độ chung.
Nhiều nhóm dự án riêng biệt và bí mật, với khả năng sáng tạo lớn hơn và chịu nhiều rủi ro hơn đã được thành lập ở các doanh nghiệp. Nhóm dự án “tự do” nổi bật nhất hiện nay là Google X, với các phát minh như thang máy vũ trụ và xe ô tô tự lái.
Điều những người khởi nghiệp cần học được ở cách tiếp cận dự án tự do như trên chính là khả năng mạo hiểm và hành động nhanh nhạy ngay cả khi làm việc trong một môi trường lớn. Người khởi nghiệp nào cũng muốn sản phẩm của mình có tính ứng dụng cao và có thể tiêu thụ trên thị trường, nhưng trước khi có thể nhận được những khoản vốn lớn và kì vọng cao từ các nhà cố vấn đầy kinh nghiệm, bạn cần nghiên cứu sản phẩm một cách kĩ lưỡng nhất có thể. Một khi vượt qua các khó khăn và thách thức, bạn sẽ hiện thực hóa được những ý tưởng của mình mà không cần suy nghĩ về nguy cơ thua lỗ. Mặc dù phương pháp này đòi hỏi bạn phải “tự thân vận động” hơn, nhưng bạn sẽ có thêm nhiều tự do và tăng cường khả năng kiểm soát dự án của mình trước khi có sự can thiệp của các bên khác.
Kiểm soát lỗ lãi và xây dựng quy trình làm việc
Thành công của các doanh nghiệp lớn thường được đánh giá bằng khả năng quản lý lợi nhuận. Tuy nhiên, tại các công ty startup, việc lỗ nhiều hơn lãi là một việc rất bình thường. Nhiều nhà khởi nghiệp cho rằng đầu tư lớn ngay từ đầu hoặc kiếm được một nhà đầu tư lớn kì vọng vào thành công cao là một việc tốt, nhưng trên thực tế, điều này sẽ không hiệu quả như khi áp dụng phương pháp bootstrap.
Hãy lấy phương pháp sản xuất Six Sigma của Toyota làm ví dụ. Mọi khía cạnh trong quá trình sản xuất ô tô đều được xem xét kĩ lưỡng và mỗi công nhân đều phải đảm bảo quá trình này không gây ra bất kì sự lãng phí nào. Các doanh nghiệp lớn luôn đào tạo nhân viên về quy trình làm việc, nhưng điều này lại không được tiến hành tại các doanh nghiệp startup.
Vậy nên, hãy nghĩ đến việc xây dựng các quy trình làm việc tại doanh nghiệp startup của mình nếu bạn muốn công ty thu được lợi nhuận và thành công trong tương lai. Điều này cũng sẽ giúp bạn chiêu mộ nhân tài dễ dàng hơn, khi các ứng viên biết được công ty đã có lợi nhuận và họ sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Tiếp cận mọi thứ theo một cách khác biệt
Là một doanh nhân, bạn cần sáng tạo trong mọi khía cạnh của lĩnh vực kinh doanh. Tại các doanh nghiệp lớn, các dự án thành công thường là các dự án được điều hành bởi một nhà quản lý biết cách giải quyết các vấn đề theo cách mới mẻ. Và đây cũng nên là cách bạn điều hành doanh nghiệp của mình.
CEO Starbucks - Howard Schultz là ví dụ điển hình của cho một nhà lãnh đạo biết cách thay đổi một doanh nghiệp đang trong tình trạng yếu kém. Ông đã thực hiện một loạt chiến lược, từ chiến lược lớn như đóng hàng trăm cửa hàng và tiến hành một chiến dịch xây dựng lại thương hiệu, đến chiến lược nhỏ như đảm bảo các món ăn phục vụ tại Starbucks phải phù hợp với hương vị của cà phê. Schultz đã thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tất cả các mặt của công ty.
Thay đổi trong thành phần mô hình kinh doanh cũng là một cách tiếp cận sáng tạo, vậy nên những dự định và kế hoạch của bạn cho công ty cần linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm thành công trên thế giới là kết quả của một sự thay đổi diễn ra trong doanh nghiệp. Chẳng hạn như, Wrigley ban đầu vốn là một công ty xà phòng và tặng kẹo cao su miễn phí như là một hình thức để thúc đẩy việc bán xà phòng. Nhưng khi ông chủ William Wrigley, Jr nhận thấy kẹo cao su được mọi người rất ưa chuộng, ông nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh và đã trở thành ông trùm đế chế kẹo cao su.
Đọc thêm: Sơ Lược Về Business Model Canvas
Tóm lại, dù là công ty nhỏ hay lớn thì bạn luôn cần phải tìm cách kinh doanh tiết kiệm chi phí, thời gian và hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận.