Thế hệ nhân viên kế cận sẽ coi trọng ý nghĩa của công việc hơn đồng tiền. Dưới đây sẽ là những cách tạo cho đội ngũ nhân sự của bạn niềm cảm hứng trong công việc.
Gần đây người ta nhắc nhiều đến lợi ích cũng như thách thức trong việc quản lý nhân viên thế hệ Y (những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980 đến 2000). Bất kể bạn nhìn nhận thế nào về họ, những nhân viên thế hệ Y sẽ chiếm 75% lực lượng lao động toàn cầu trước năm 2025. Tuy nhiên thì việc làm thế nào để thu hút và giữ chân họ lại đòi hỏi sự khéo léo đối với những công ty vẫn muốn tiếp tục vận hành theo hướng cũ. Họ không những muốn quyền tự quyết, niềm vui và sự linh hoạt trong công việc, mà họ còn coi trọng việc làm cho những công ty có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội. Nói tóm lại, họ coi trọng ý nghĩa của công việc hơn vấn đề tiền bạc.
Nhưng nếu công ty bạn không hoạt động với mục đích bảo vệ hành tinh hay những mục đích cao cả khác thì sao? Sau đây là một số gợi ý từ ba công ty đã có những biện pháp hiệu quả khi tạo được động lực làm việc cho nhân viên.
Khuyến khích nhân viên sống gần nơi làm việc
Công ty sản xuất phần mềm chat Imo.im đề nghị trả cho 18 nhân viên công ty một khoản thu nhập 500 đô một tháng nếu họ sống trong bán kính 5 dặm từ Palo Alto, trụ sở ở California. Người đồng sáng lập công ty Georges Harik đã nhìn ra một số lợi ích cho cả nhân viên và công ty. Các nhân viên sống gần công ty không những cảm thấy vui vì góp phần giảm ách tắc và ô nhiễm, nhiều khả năng họ còn đi bộ hoặc đạp xe đi làm, điều này hiển nhiên đem lại cho họ lợi ích về sức khỏe. Đồng thời, nhân viên có xu hướng đi làm sớm hơn và ở lại trễ hơn khi không phải đi quãng đưỡng xa về nhà, trong khi thời gian đó để tạo dựng quan hệ hàng xóm. “Chúng tôi thực sự muốn họ sinh sống trong cùng một khu vực, nơi mà có thể sống hòa hợp với những người cả ở trong và ngoài công ty,” Harik nói. “Cảm giác sống trong một cộng đồng như vậy thật tuyệt.”
Cử nhân viên đi khắp thể giới để xem các hoạt động mang tính nhân đạo
Trang mạng “Better World Books” được thành lập 10 năm về trước với một nguồn sách giáo khoa đồ sộ. Đến nay, nó đã phát triển thành công ty trị giá 63 triệu đô chuyên bán sách trực tuyến, với nguồn sách lấy từ khoảng 4.000 thư viện cũng như từ các kho lưu trữ sách giáo khoa và các điểm quyên góp sách trên khắp nước Mỹ. Với mỗi cuốn sách bán được, công ty sẽ đem quyên góp một phần doanh thu cho các tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ xóa mù chữ.
“Về cơ bản, công ty chúng tôi có định hướng nhiệm vụ rõ ràng về cả 3 yếu tố lợi nhuận, con người và hành tinh (Tripple Bottom Line - gồm Profit, People và Planet) , và đó là một phần thu hút mọi người đến với công ty chúng tôi… Nhưng chúng tôi không ngồi dạy trẻ đọc. Chúng tôi cũng chẳng chở sách quyên góp đến và trao tới tay những người cần. Công việc đó được thực hiện bởi những tổ chức phi lợi nhuận xóa mù chữ, và do đó khiến cho nhân viên cảm thấy những việc mình làm hàng ngày đang tách biệt với mục đích xã hội,” theo John Ujda - Giám đốc phụ trách mảng khuyến học kiêm phó gám đốc tiếp thị của Better World Books.
Giải pháp công ty đề ra là: mỗi năm sẽ gửi tám nhân viên đến các châu lục khác, để trực tiếp chứng kiến các tổ chức phi lợi nhuận họ ủng hộ đã giúp những người dân ở các đất nước đói nghèo xóa mù chữ như thế nào. Vào tháng Một, Ujda đã cho một nhóm tới Zambia trong 10 ngày, mặc dù trước đó họ đã được thăm thú các nước Cambodia, Peru, Chile, Brazil, và nhiều nước châu Phi khác.
Về việc lựa chọn nhân viên tham gia, Ujda cho rằng những nhân viên đã gắn bó với công ty hơn hai năm và thể hiện xuất sắc trong lĩnh vực của mình sẽ nhận được tấm vé tham gia, mỗi năm một lần. “Đó hẳn sẽ là một ngày rất tuyệt vời khi họ được tham gia chuyến đi”, ông nói.
Hỗ trợ kinh phí cho nhân viên để họ làm những việc có ích cho xã hội
Hầu hết trong số 25 nhân viên của GiveForward thuộc thế hệ Y, do vậy trang mạng gây quỹ này vẫn giữ vững quan điểm trong vấn đề cung cấp cho nhân công trẻ những công việc có ý nghĩa thiết thực. Hệ thống của họ giúp người dùng gọi vốn, kêu gọi quyên góp để chi trả cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống (thuốc men, tang lễ, tiền khắc phục hậu quả thiên nhiên…). GiveForward trả 500 đô một năm cho mỗi nhân viên để dùng vào việc cho người mà họ thấy thực sự cần.
Đây là cách họ thực hiện: quỹ GiveForward gần đây đã gửi một chiếc áo choàng cho cậu bé ba tuổi mê siêu anh hùng, dù đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư. Trong khi đó, một thành viên khác đưa tiền và thẻ Starbucks cho một người đàn ông vô gia cư hay bán tạp chí StreetWise bên ngoài tòa nhà của GiveForward ở Chicago. Những món quà khác như cây thông giáng sinh được gửi đến một đôi vợ chồng sống tại khách sạn vì nhà họ đã bị phá hủy sau cơn lốc. Chuyến du lịch trọn gói được gửi cho người phụ nữ mắc ung thư cứ ba tuần một lần phải đi dọc đất nước tìm cách điều trị. Một bộ đồ chơi mới gửi tới cô bé đã mất người thân sau trận hỏa hoạn.
Ý tưởng chương trình mang tên “Đem lại niềm vui bất ngờ” (Create Unexpected Joy) của GiveForward do một nhân viên nghĩ ra. Người này quan niệm công ty cần thúc đẩy nhân viên tự đưa ra quyết định và nhận thức rằng “bạn là chủ của chính mình.”
À, quyền tự quyết - một thứ khác mà thế hệ Y coi trọng.
Người đồng sáng tạo, chủ tịch Ethan Austin phát biểu rằng tỉ lệ giữ chân nhân viên của GiveForward luôn ở mức “tuyệt vời”. Trong vòng sáu năm kể từ khi được thành lập, phần lớn nhân viên vẫn trung thành với công ty, thậm chí còn ghi những dấu ấn đáng chú ý. “Chúng tôi nỗ lực vươn lên trong hơn hai năm đầu, và trong thời gian đó, chúng tôi thực ra chẳng nhận được gì cho bản thân”, Austin nói, còn thêm rằng những nhân viên thế hệ đầu của công ty là những người thực tập sinh, đã bắt đầu làm việc với hợp đồng ba tháng nhưng đã không bỏ công ty sau đó, mặc dù GiveForward không thể trả lương cho họ cho đến sau một năm rưỡi. “Tôi nghĩ họ thích những công việc mà chúng tôi đang tiến hành, chúng tôi cũng làm cho nó trở nên thú vị hơn. Chúng tôi đã biến nơi làm việc thành nơi mà họ muốn thuộc về.”