Giờ đây bạn đã hiểu rõ hơn về những công cụ để có thể dùng những đồng tiền quý giá của mình đi đầu tư. Và chúng tôi hy vọng rằng, bạn có thể đầu tư một cách thật hiệu quả. Dưới đây là phần tóm tắt 20 công cụ đầu tư đã được giới thiệu:
1. Chứng chỉ tín thác Mỹ (American Depository Receipt - ADR) là một cổ phiếu giao dịch ở Mỹ nhưng đại diện cho một lượng cổ phần xác định trong một tập đoàn nước ngoài. Các biên lai gửi chứng khoán của Mỹ thường được mua và bán trên các thị trường chứng khoán Mỹ như cổ phiếu thường và được một ngân hàng hoặc nhà môi giới ở Mỹ phát hành / tài trợ.
2. Niên kim (annuity) là một chuỗi những khoản tiền cố định được trả định kỳ trong khoảng thời gian xác định của niên kim. Phần lớn niên kim được mua thông qua công ty bảo hiểm.
3. Quỹ đầu tư dạng đóng (closed-end fund là một quỹ đầu tư phát hành một số lượng chứng chỉ quỹ nhất định, trong một danh mục đầu tư được quản lý một cách chủ động. Các chứng chỉ quỹ được giao dịch trên thị trường giống như cổ phiếu, nhưng bởi các quỹ đóng cũng đại diện cho một danh mục đầu tư gồm nhiều chứng khoán nên chúng cũng cư xử giống như các quỹ tương hỗ.
4. Hàng sưu tập (collectible) là bất cứ tài sản vật chất nào tăng giá theo thời gian vì chúng trở nên hiếm hoặc được nhiều người tìm mua. Đối với nhiều người , bộ sưu tập có thể là tem, tiền xu, tác phẩm nghệ thuật hoặc thẻ thể thao, và thực ra không có quy định nào cụ thể về một tài sản có được coi là bộ sưu tập hay không.
5. Cổ phiếu thường (common stock) là quyền sở hữu một phần công ty. Công cụ này cho phép bạn được hưởng một phần thu nhập của công ty hoặc quyền bỏ phiếu đi kèm cổ phiếu bạn nắm giữ.
6. Trái phiếu chuyển đổi (convertible bond) là một loại trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu thường của công ty. Bạn có thể sử dụng trái phiếu chuyển đổi và đổi thành một lượng cổ phiếu xác định của công ty.
7. Trái phiếu doanh nghiệp (corporate bond). Khi bạn mua một trái phiếu doanh nghiệp nghĩa là bạn đang cho công ty vay tiền trong một thời gian nhất định (được gọi là "kỳ hạn"). Đa phần mệnh giá một trái phiếu là 1.000 USD. Số tiền này là mệnh giá của trái phiếu và sẽ được hoàn trả khi trái phiếu đáo hạn.
8. Hợp đồng tương lai (Futures) là các hợp đồng về hàng hóa, tiền tệ và chỉ số của thị trường chứng khoán và cố gắng dự đoán về giá trị của những chứng khoán này tại một thời điểm nào đó trong tương lai.
9. Bảo hiểm nhân thọ (life insurance) là hình thức bảo hiểm thu nhập khi bạn qua đời. Người thụ hưởng của bạn sẽ nhận được tiền từ công ty bảo hiểm để bù đắp khoản thu nhập mất đi do bạn qua đời.
10. Công cụ thị trường tiền tệ (money market instrument). Các công cụ thị trường tiền tệ là một dạng nợ có thời hạn dưới một năm và có tính thanh khoản cao.
11. Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (mortgage-backed security - MBS): được biết đến như "chứng khoán chuyển giao vay mua nhà thế chấp" (mortgage pass - through) hoặc "chứng chỉ sang tay" (pass-through certificate), là một công cụ đầu tư đại diện quyền sở hữu trọn vẹn một nhóm tài sản thế chấp. Nợ gốc và lãi suất từ những khoản thế chấp cá nhân sẽ được sử dụng để thanh toán nợ gốc và lãi suất của các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
12. Trái phiếu đô thị (Municipal bond): Trái phiếu đô thị, viết tắt là "munis", là chứng khoán nợ được phát hành bởi một bang, một thành phố hoặc một tỉnh để tài trợ cho chi phí vốn của mình.
13. Quỹ tương hỗ (mutural fund) là một nhóm nhiều người góp chung tiền và giao cho một công ty quản lý để đầu tư thay họ. Người quản lỹ quỹ tương hỗ tiến hành mua một lượng cổ phiếu của các thị trường và các ngành khác nhau.
14. Hợp đồng quyền chọn (Options) là một đặc quyền được một bên bán cho một bên khác và cho phép bên mua có quyền mua (call) hoặc bán (put) một chứng khoán tại một mức giá đã thỏa thuận trong một khoảng thời gian hoặc vào một ngày xác định.
15. Cổ phiếu ưu đãi (preferred stock). Cổ phiếu ưu đãi đại diện cho quyền sở hữu trong công ty, tuy nhiên, người nắm giữ không có quyền biểu quyết (điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào công ty).
16. Đầu tư bất động sản (real state investing): Đầu tư bất động sản không đơn thuần là mua một ngôi nhà mà nó có thể bao gồm nhà nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại, đất đai (gồm cả đã xây dựng và chưa xây dựng), nhà chung cư và nhiều hình thức khác.
17. Quỹ ủy thác đầu tư bất động sản (Real estate investment trusts = REITs): Quỹ tín thác đầu tư bất động sản được bán giống như chứng khoán trên các sàn giao dịch lớn và quỹ này đầu tư trực tiếp vào bất động sản thông qua các tài sản hoặc thế chấp.
18. Chứng khoán kho bạc (Treasuries) là khoản nợ của chính phủ một nước. Vì được thanh toán bằng nguồn tín dụng và nguồn thuế của quốc gia, nên chứng khoán kho bạc được coi là có ít hoặc không có rủi ro vỡ nợ.
19. Quỹ ủy thác đầu tư (unit investment trust - UIT): Quỹ ủy thác đầu tư là sự ủy thác được đảm bảo, trong đó một danh mục đầu tư cố định của các chứng khoán tạo ra thu nhập được mua và nắm giữ cho đến khi đáo hạn.
20. Chứng khoán không lãi suất (zero-coupon security) hoặc "stripped bond": bản chất là một loại trái phiếu không được trả lãi định kỳ. Chứng khoán không lãi suất được các ngân hàng và công ty môi giới chia tách ra từ trái phiếu thông thường.
Đọc thêm: Chuỗi bài 20 Công Cụ Đầu Tư:
Bài 1: 20 Công Cụ Đầu Tư: Giới Thiệu & Chứng Chỉ Tín Thác Mỹ
Bài 2: 20 Công Cụ Đầu Tư: Dòng Niên Kim (Annuity)
Bài 3: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Dạng Đóng
Bài 4: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hàng Sưu Tầm
Bài 5: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Chuyển Đổi
Bài 6: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Phổ Thông
Bài 7: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Tương Lai
Bài 8: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bảo Hiểm Nhân Thọ
Bài 9: 20 Công Cụ Đầu Tư: Thị Trường Tiền Tệ
Bài 10: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Bảo Đảm Bằng Thế Chấp
Bài 11: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Đô Thị
Bài 12: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tương Hỗ
Bài 13: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Ưu Đãi
Bài 14: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bất Động Sản
Bài 15: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tín Thác Đầu Tư Bất Động Sản (REIT)
Bài 16: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Kho Bạc
Bài 17: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Ủy Thác Theo Đơn Vị (UIT)
Bài 18: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Không Nhận Lãi
Bài 19: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Quyền Chọn
Bài 20: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Doanh Nghiệp
Bài 21: Lời kết