20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Tương Lai (Bài 7)

Lâm Nguyễn
03/03/2016 - 10:33 16808     0

Từ trước đến nay, có lẽ không ít trong số chúng ta vẫn đánh đồng cụm từ "đầu tư" là mua chứng khoán. Nhận biết được thực tế này, SAGA đã chắt lọc và tổng hợp kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau để giờ đây, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc 20 Công Cụ Đầu Tư - chuỗi bài giới thiệu, khái quát cách thức giao dịch, nêu lên ưu - nhược điểm và mục đích sử dụng của 20 công cụ khác nhau mà một nhà đầu tư (có thể chính là bạn trong tương lai) có thể sử dụng. Với mục đích chính là cung cấp cho người đọc những kiến thức hết sức căn bản về mỗi công cụ đầu tư, chúng tôi chỉ đưa thông tin kèm các chú giải sơ bộ để người đọc dễ hình dung, để tìm hiểu rõ hơn về từng công cụ, xin mời độc giả tìm đọc các bài viết khác trên SAGA.

Hợp đồng tương lai là gì?

Giống như tên gọi, hợp đồng tương lai (Futures) là các hợp đồng về hàng hóa, tiền tệ và chỉ số của thị trường chứng khoán và thể hiện dự đoán về giá trị của những chứng khoán này tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

Nhiều người cho rằng các hợp đồng tương lai là một dạng đầu cơ có rủi ro rất cao. Đây là sự thật. Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai còn được sử dụng rộng rãi như một công cụ để giảm thiểu rủi ro. Các nhà đầu cơ đầu tư vào các hợp đồng tương lai với hàng hóa tương tự như với cổ phiếu hay trái phiếu, còn những người quản lý quỹ tương hỗ lại sử dụng các hợp đồng tương lai để phòng vệ chống lại rủi ro. Mục đích chính của các thị trường tương lai là cung cấp một cơ chế quản lý rủi ro về giá một cách hiệu quả và hợp lý. Những nhà giao dịch hợp đồng tương lai chấp nhận rủi ro về giá tạo bởi cung cầu trong thị trường với mong muốn thu lại mức lợi nhuận đáng kể.

Một hợp đồng tương lai với hàng hóa là sự cam kết giao hoặc nhận số lượng và chất lượng cụ thể của một loại hàng hóa vào một tháng xác định, tại một mức giá được định sẵn bởi thị trường tương lai. Ví dụ, một người mua một hợp đồng cải dầu vào tháng tư với giá 5$/pound* bắt buộc phải chấp nhận 100 pound cải dầu được giao trong tháng Tư với giá 5$/pound. Bán một hợp đồng tương lai có nghĩa là bạn có nghĩa vụ phải giao những hàng hóa trong hợp đồng đó. Khái niệm tương tự áp dụng với việc mua một hợp đồng tương lai cho bất kỳ tài sản nào khác. Một điều quan trọng bạn cần biết là phần lớn các giao dịch hợp đồng tương lai không bao giờ dẫn tới việc giao tài sản thuần túy, đa số các hợp đồng này kết thúc trước ngày giao hàng.

Mục tiêu và rủi ro

Có hai lý do để sử dụng các hợp đồng tương lai hàng hóa, đó là ngăn ngừa các rủi ro về giá hoặc để đầu cơ. Phòng vệ được hiểu như thế nào? Nếu bạn là một nông dân và bạn có 1.000 pound lúa mì để bán. Bạn có thể hoặc là chờ đến khi thu hoạch và bán lúa mì của bạn ở mức giá giao ngay của thị trường hoặc là sử dụng một hợp đồng tương lai để cố định luôn mức giá tại hôm nay. Nếu bạn cảm thấy hài lòng với giá lúa mì hôm nay, bạn sẽ bán (sell/short) một hợp đồng tương lai lúa mì thích hợp. Bằng việc bán hợp đồng, bạn đảm bảo được rằng bạn sẽ bán được tại mức giá của ngày hôm nay vào thời điểm thu hoạch. Điều đó được thực hiện như thế nào? Mức lãi (hoặc lỗ) trong các hợp đồng tương lai sẽ ngang với mức lãi (hoặc lỗ) theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch - đây được gọi là phòng vệ tuyệt đối (perfect hedge). Một người quản lý quỹ tương hỗ sẽ sử dụng chiến lược tương tự, nhưng với các hợp đồng tương lai chỉ số. Người đó sẽ bán các hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán, do đó giảm thiểu được bất cứ rủi ro sụt giá nào vào một thời điểm nhất định.

Những rủi ro liên quan đến các hợp đồng tương lai chủ yếu xảy ra với các nhà đầu cơ. Họ chọn vị thế dựa trên những kỳ vọng của mình về sự thay đổi giá trong tương lai, thường không có ý định giao hoặc nhận hàng hóa. Họ mua khi dự đoán giá tăng và bán khi dự đoán giá giảm. Một lý do làm các hợp đồng tương lai rất rủi ro là bởi vì chúng thường được mua bằng tiền ký quỹ, và giá trị tài sản cơ bản (underlying asset) của mỗi hợp đồng tương lai là rất lớn. Ví dụ, một hợp đồng trái phiếu tương lai có thể có giá 10.000 USD nhưng giá trị của trái phiếu trong hợp đồng có thể lên tới 100.000 USD. Điều khoản của các hợp đồng tương lai quy định rằng bạn chỉ cần đặt cọc từ 5-10% và phần còn lại có thể được thanh toán bằng tiền ký quỹ.

Điểm quan trọng nhất là, bạn chỉ nên đầu tư vào các hợp đồng tương lai nếu bản thân có nhiều kinh nghiệm và một khoản tiền lớn.

Cách mua hoặc bán

Các hợp đồng tương lai được giao dịch phần lớn qua môi giới trọn gói và một phần nhỏ qua môi giới từng phần. Đó là những nhà môi giới chuyên về giao dịch các hợp đồng tương lai.

Ưu điểm

  • Các hợp đồng tương lai rất hữu ích trong việc ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
  • Thị trường tương lai rất sôi động, bởi vậy các hợp đồng của bạn có tính thanh khoản cao.

Hạn chế

  • Các hợp đồng tương lai được nhận định là một trong những phương thức đầu tư rủi ro nhất trên thị trường tài chính - chúng chỉ dành cho các chuyên gia.
  • Nếu thị trường biến động, bạn rất dễ mất khoản vốn đầu tư ban đầu của mình.
  • Tỷ lệ đòn bẩy cao có thể làm khuếch đại các khoản lãi hoặc lỗ, vậy nên bạn phải nhận thức đầy đủ về các nghĩa vụ thuế theo sau những khoản thu nhập.

Ba mục đích chính

  • Kiếm lời từ chênh lệch giá
  • Đòn bẩy tài chính
  • Phòng ngừa rủi ro

(* 1 pound = 0,4536 kg)

 

Đọc thêm: Chuỗi bài 20 Công Cụ Đầu Tư:

Bài 1: 20 Công Cụ Đầu Tư: Giới Thiệu & Chứng Chỉ Tín Thác Mỹ

Bài 2: 20 Công Cụ Đầu Tư: Dòng Niên Kim (Annuity)

Bài 3: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Dạng Đóng

Bài 4: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hàng Sưu Tầm

Bài 5: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Chuyển Đổi

Bài 6: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Phổ Thông

Bài 7: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Tương Lai

Bài 8: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bảo Hiểm Nhân Thọ

Bài 9: 20 Công Cụ Đầu Tư: Thị Trường Tiền Tệ

Bài 10: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Bảo Đảm Bằng Thế Chấp

Bài 11: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Đô Thị

Bài 12: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tương Hỗ

Bài 13: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Ưu Đãi

Bài 14: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bất Động Sản

Bài 15: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tín Thác Đầu Tư Bất Động Sản (REIT)

Bài 16: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Kho Bạc

Bài 17: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Ủy Thác Theo Đơn Vị (UIT)

Bài 18: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Không Nhận Lãi

Bài 19: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Quyền Chọn

Bài 20: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Doanh Nghiệp

Bài 21: Lời kết

Nguồn : Theo Saga.vn
Lâm Nguyễn

Saga App

Saga App