Hợp đồng quyền chọn là gì?
Hợp đồng quyền chọn là một quyền lợi được chuyển giao giữa bên mua và bên bán, trong đó bên mua có quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán một loại tài sản nào đó với một mức giá đã được thỏa thuận, lưu ý là mức giá này chỉ có hiệu lực tại một thời điểm nhất định. Tài sản có thể là cổ phiếu, trái phiếu hoặc một loại hàng hóa nào đó, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tạm coi tài sản là “cổ phiếu”.
Hợp đồng quyền chọn được chia làm 2 loại: Quyền chọn mua (Call) và Quyền chọn bán (Put).
Quyền chọn mua (Call) là một loại hợp đồng mà người nắm giữ có quyền mua một loại tài sản nào đó (thường là cổ phiếu) tại một mức giá có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định. Người mua quyền chọn mua phải trả cho người bán quyền một khoản phí giao dịch (option premium). Người mua quyền chọn mua kì vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng đáng kể trước thời gian hợp đồng hết hiệu lực, nhờ đó họ có thể mua rồi nhanh chóng bán lại số lượng cổ phiếu đã định trên hợp đồng, hoặc đơn giản chỉ là hưởng phần chênh lệch khi bản thân họ thực hiện quyền chọn.
Quyền chọn bán (Put) là một loại hợp đồng mà người nắm giữ có quyền bán một loại tài sản nào đó tại một mức giá đã được thỏa thuận là có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Người mua quyền chọn bán phải trả cho người bán quyền chọn bán một khoản phí giao dịch. Sở hữu quyền chọn bán có thể được ví với việc nắm giữ vị thế bán (*) của cổ phiếu. Người mua quyền chọn bán đánh cược rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trước khi hợp đồng hết hiệu lực, nhờ đó họ có thể bán với mức giá cao hơn giá trị hiện tại của thị thường và gặt hái lợi nhuận ngay lúc đó.
(*) Vị thế bán (short position): Khi nói đến cổ phiếu, người ta dùng cụm từ “short position” để nói đến việc nhà đầu tư đi mượn một số lượng cổ phiếu để bán ra trên thị trường mở. Sau đó, nhà đầu tư phải hoàn trả lại số cổ phiếu đã mượn bằng cách mua lại chúng trên thị trường mở (còn gọi là bán khống). Nếu vào lúc đó giá cổ phiếu giảm, thì có nghĩa là nhà đầu tư được hưởng phần chênh lệch giữa giá trị bán ra ban đầu và giá mua lại về sau của chính số cổ phiếu đó.
Việc thực thi quyền chọn (exercise the option) hay giá thực hiện của hợp đồng quyền chọn (strike price – mức giá xác định trước trên hợp đồng) có nghĩa là người nắm giữ hợp đồng chờ giá cổ phiếu tăng lên (đối với quyền chọn mua) hoặc giảm xuống (đối với quyền chọn bán) để kiếm lời. Tất cả những biến động này phải xảy ra trước ngày hợp đồng đáo hạn (maturity date / expiration date).
Cần phải lưu ý rằng hợp đồng quyền chọn đem lại cho người nắm giữ quyền mua hoặc bán, chứ không ràng buộc họ với nghĩa vụ hay bổn phận nào cả. Người giữ quyền chọn không nhất thiết phải thực thi hợp đồng nếu anh hay cô ta không muốn, hoặc tình hình lúc đó không thuận lợi cho họ.
Mục tiêu và Rủi ro
Dù lựa chọn chiến lược nào đối với hợp đồng quyền chọn, nhà đầu tư cũng phải có khả năng chịu rủi ro rất cao. Bởi, việc giá trị cổ phiếu biến động 30 – 40% hay thậm chí là cao hơn nữa chỉ trong 1 ngày giao dịch vốn là chuyện “bình thường ở huyện”.
Mỗi nhà đầu tư lại mang một mục đích khác nhau đối với hợp đồng quyền chọn. Chúng ta có thể chia người nắm giữ quyền chọn thành 2 nhóm: nhà đầu cơ (speculator) và nhà phòng hộ (hedger). Các nhà đầu cơ mua quyền chọn chỉ đơn giản là vì họ kì vọng giá cổ phiếu sẽ tăng hoặc giảm không lâu sau đó. Nhà phòng hộ lại sử dụng các chiến lược quyền chọn – ví dụ, quyền chọn mua được phòng ngừa (covered call). Hiểu một cách đơn giản, khi nhà đầu tư sử dụng chiến lược quyền chọn mua được phòng ngừa, anh ta mua một cổ phiếu đồng thời mua một quyền chọn mua cổ phiếu đó. Sau đó, nhà đầu tư sẽ bán hợp đồng quyền chọn mua này ở một mức giá cao hơn để thu lại một phần vốn đã bỏ ra khi mua cổ phiếu. Các nhà đầu tư thường dùng chiến lược này để tối đa hóa lợi nhuận trong khi vẫn giữ được cổ phiếu mình ưa thích. Họ sẽ giữ cổ phiếu dài hạn, và bán quyền chọn mua trong ngắn hạn để đều đặn để định kỳ thu về phí bán quyền chọn (premium). Hợp đồng quyền chọn (và hợp đồng tương lai – futures) là hình thức đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư tổ chức (insitutional investor) bởi chúng giúp cho họ kiểm soát tốt rủi ro.
Hình thức mua và bán
Giao dịch quyền chọn rất giống với giao dịch cổ phiếu, có thể được mua bán qua người môi giới bán phần (discount broker) hoặc môi giới chuyên doanh (full-service broker). Để mua hoặc bán quyền chọn, trước tiên nhà đầu tư cần phải được các đơn vị môi giới thông qua. Thường thì họ sẽ đặt các câu hỏi để xác định xem bạn có đủ kiến thức hoặc kinh nghiệm để tham gia đầu tư hay không. Hợp đồng quyền chọn được giao dịch qua các tài khoản ký quỹ (tài khoản bảo chứng – margin account) hoặc tiền đi vay, có nghĩa là nhà đầu tư sử dụng tiền mặt của nhà môi giới để mua chứng khoán.
Điểm mạnh
• Tăng mạnh đòn bẩy đối với các nhà đầu tư đầu cơ cổ phiếu
• Hợp đồng quyền chọn đối với 100 cổ phiếu sẽ tiêu tốn của nhà đầu tư ít chi phí hơn là mua trực tiếp 100 cổ phiếu.
• Nếu sử dụng đúng cách, hợp đồng quyền chọn có thể trở thành một công cụ hữu ích trong việc phòng ngừa rủi ro mà số chứng khoán nhà đầu tư đang nắm giữ mang lại.
Điểm yếu
• Hợp đồng quyền chọn rất phức tạp và là một công cụ có tính đòn bẩy cao. Khi sử dụng quyền chọn để đầu cơ, nhà đầu tư cần phải theo dõi rất sát sao và cần phải có sức chịu rủi ro cao.
• Hợp đồng quyền chọn đòi hỏi nhà đầu tư cần phải trang bị nhiều kiến thức hơn là những kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán.
• Nhà đầu tư có khả năng để mất rất nhiều tiền nếu họ sở hữu nhiều thế (position) khác nhau – ví dụ là khi ở thế bán hợp đồng quyền chọn.
Hai mục đích chính
• Tăng giá trị của khoản đầu tư
• Tăng đòn bẩy
Đọc thêm: Chuỗi bài 20 Công Cụ Đầu Tư:
Bài 1: 20 Công Cụ Đầu Tư: Giới Thiệu & Chứng Chỉ Tín Thác Mỹ
Bài 2: 20 Công Cụ Đầu Tư: Dòng Niên Kim (Annuity)
Bài 3: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Dạng Đóng
Bài 4: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hàng Sưu Tầm
Bài 5: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Chuyển Đổi
Bài 6: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Phổ Thông
Bài 7: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Tương Lai
Bài 8: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bảo Hiểm Nhân Thọ
Bài 9: 20 Công Cụ Đầu Tư: Thị Trường Tiền Tệ
Bài 10: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Bảo Đảm Bằng Thế Chấp
Bài 11: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Đô Thị
Bài 12: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tương Hỗ
Bài 13: 20 Công Cụ Đầu Tư: Cổ Phiếu Ưu Đãi
Bài 14: 20 Công Cụ Đầu Tư: Bất Động Sản
Bài 15: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Tín Thác Đầu Tư Bất Động Sản (REIT)
Bài 16: 20 Công Cụ Đầu Tư: Chứng Khoán Kho Bạc
Bài 17: 20 Công Cụ Đầu Tư: Quỹ Đầu Tư Ủy Thác Theo Đơn Vị (UIT)
Bài 18: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Không Nhận Lãi
Bài 19: 20 Công Cụ Đầu Tư: Hợp Đồng Quyền Chọn
Bài 20: 20 Công Cụ Đầu Tư: Trái Phiếu Doanh Nghiệp
Bài 21: Lời kết