Bob Farrel đã đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Merrill Lynch trong mấy chục năm, và trong suốt thời gian đó, ông được coi là nhà phân tích thị trường hàng đầu ở Phố Wall. Sau này, ông đã đúc kết những hiểu biết của mình về phân tích kỹ thuật và các xu hướng chung của thị trường tài chính trong "10 quy tắc cần nhớ về thị trường" và nó đã được phổ biến vô cùng rộng rãi. Hãy tham khảo những quy tắc bất biến này để bạn có thể thu về lợi suất đầu tư cao hơn.
Quy tắc 1. Thị trường có chiều hướng trở về trạng thái ổn định theo thời gian.
Hiểu nôm na thì điều này có nghĩa là thời kỳ hỗn loạn của thị trường sẽ không bao giờ kéo dài mãi. Sau những đợt tâm lý quá bi quan hay lạc quan của nhà đầu tư, họ sẽ "tỉnh táo" trở lại và đánh giá thị trường trong dài hạn. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, bài học là: hãy lên kế hoạch và kiên trì theo đuổi các kế hoạch đó. Đừng để những rối loạn của thị trường tác động đến bạn.
Quy tắc 2. Sẽ có những đợt điều chỉnh quá mức.
Một người trẻ thiếu kinh nghiệm khi điều khiển ô tô có xu hướng quay vô lăng quá tay khiến xe chệnh choạng. Tương tự như vậy, sự điều chỉnh quá mức là kết quả dễ hiểu khi thị trường quá tốt hoặc quá xấu. Nỗi sợ hãi và lòng tham cứ liên tục giao tranh, lấn át lẫn nhau. Những nhà đầu tư sành sỏi sẽ thận trọng với điều này và với lòng kiên nhẫn, họ có những biện pháp phù hợp để bảo vệ nguồn vốn của mình.
Quy tắc 3. Không gì là mãi mãi.
Nhiều người, thậm chí cảnhững nhà đầu tư thành công, cho rằng khi thị trường diễn biến theo chiều hướng có lợi, họ sẽ thu về lợi nhuận mãi mãi. Như hai quy tắc đầu đã nêu, thị trường sẽ quay về trạng thái ban đầu. Khi điều kiện thuận lợi vẫn còn, hãy thu về lợi nhuận trước khi bạn bị lỗ.
Quy tắc 4. Biến động tăng giảm nhanh như chong chóng của thị trường thường đi xa hơn bạn nghĩ, nhưng thị trường sẽ không điều chỉnh bằng cách “đi ngang”.
Nhà đầu tư có thể kiếm được khoản tiền lớn khi những biến động có lợi tăng vọt (theo cách nói của các nhà giao dịch là "để lợi nhuận tự chạy") và nên kiễn nhẫn giữ chặt tiền trong sự hỗn loạn của thị trường (đừng cố gắng mua vào những cổ phiếu đang rớt giá với hy vọng chúng có thể tăng trở lại) Hơn nữa, những biến động mạnh của thị trường có xu hướng điều chỉnh với tốc độ nhanh tương đương, làm cho các nhà đầu tư không có nhiều thời gian thể đoán được trước những biến động sắp tới. Bài học ở đây là: phải dứt khoát khi giao dịch ở những thị trường biến động nhanh. Và hãy luôn đặt lệnh cắt lỗ cho các giao dịch để tránh tác động của yếu tố cảm xúc.
Quy tắc 5. Đám đông thường đổ xô cổ phiếu đang thịnh hành và bỏ qua những cổ phiếu không ai ngó đến.
Đây là thực tế đáng buồn của các nhà đầu tư tiêu biểu. Họ rất dễ bị tác động bởi đám đông và ngây thơ khi đầu tư. Họ đọc báo, xem các chương trình về thị trường trên ti vi và tin vào những gì mình nghe thấy. Đáng tiếc, trước khi những tin tức tài chính này lên sóng thì biến động giá đã chấm dứt và thậm chí đang diễn biến theo chiều ngược lại. Còn những nhà đầu tư thì vẫn ngây thơ mua vào những cổ phiếu đạt đỉnh hoặc bán ra cổ phiếu chạm đáy.
Quy tắc này nhấn mạnh rằng nhà đầu tư phải là một người đi ngược xu thế. Tư duy độc lập sẽ tốt hơn tâm lý đám đông.
Quy tắc 6. Nỗi sợ và lòng tham còn mạnh hơn cả các mục tiêu dài hạn.
Những cảm xúc rất đỗi bình thường có lẽ lại là kẻ thù lớn nhất của một nhà đầu tư. Do đó, chìa khóa để thành công trong giới đầu tư, dù bạn đang đầu tư dài hạn hay lướt sóng, là sự kỷ luật. Mọi giao dịch phải nằm trong một kế hoạch. Bạn phải biết chính xác mình sẽ bán chứng khoán ở mức giá nào, cao hay thấp. Tốt hơn vẫn nên đặt các lệnh dừng với mỗi lệnh mua, bởi vì ngay khi thị trường bắt đầu biến động, mọi thứ trở nên khó nắm bắt. Mọi người thường nghĩ việc lựa chọn điểm rơi để vào giao dịch là khó nhưng thực ra xác định điểm rơi để ra khỏi giao dịch mới khó hơn rất nhiều. Bạn cứ tưởng việc chốt lãi hoặc cắt lỗ là dễ, nhưng một khi bạn nắm giữ một cổ phiếu biến động nhanh, nỗi sợ hãi và lòng tham sẽ nhanh chóng làm bạn thiếu sáng suốt và dễ dàng thua lỗ.
Quy tắc 7. Lực đẩy thị trường mạnh nhất khi thị trường mở rộng và yếu nhất khi thị trường thu hẹp trong một số cổ phiếu blue-chip.
Nhiều nhà đầu tư tôn sùng chỉ số Dow Jones, chạy theo từng biến động lên xuống của chỉ số bình quân thị trường này. Và mặc dù việc tập trung vào các chỉ số bình quân phổ biển có thể rất hữu ích, nhưng lực đẩy thị trường được quyết định bởi lực đẩy ẩn của cả thị trường nói chung. Những chỉ số bình quân mở rộng hơn sẽ đem đến cái nhìn chính xác hơn về lực đẩy thị trường. Thay vào đó, bạn nên theo dõi chỉ số Willshire 5000 hoặc một số chỉ số Russell để đánh giá đúng hơn về sức khỏe thị trường.
Quy tắc 8. Thị trường giá xuống trải qua 3 giai đoạn: giảm đột ngột, tự tăng trở lại và chiều hướng giảm kéo dài
Các chuyên viên phân tích thị trường nhận ra những khuôn mẫu của thị trường giá lên và thị trường giá xuống. Thị trường xuống giá điển hình, như được miêu tả ở đây, gồm quá trình bán tống bán tháo, hồi quang phản chiếu (“sucker’s rally”), và cuối cùng xuống giá thảm hại - sự ảm đảm bao trùm toàn thị trường dù cho có đầu tư hay không.
Quy tắc 9. Một khi các loại chuyên gia có cùng dự đoán, diễn biến sẽ đi theo một hướng khác
Đây không phải là phép nhiệm màu. Khi ai cũng muốn mua cổ phiếu, thì sẽ chẳng còn ai muốn bán, dẫn đến thị trường cần giảm thấp hơn và ngược lại, khi các nhà đầu tư trong thị trường đều muốn bán thì thị trường sẽ tăng lên.
Quy tắc 10. Thị trường giá lên thú vị hơn thị trường giá xuống
Điều này đúng với hầu hết các nhà đầu tư ngoại trừ người bán khống.
Lời kết
Nhiều nhà đầu tư thiếu cái nhìn toàn cảnh và không biết nhìn xa trông rộng, dẫn đến là họ tuột mất những cơ hội kiếm lời quý giá. Chúng tôi hy vọng rằng những quy tắc trên đây có thể giúp nhà đầu tư đứng vững trước thị trường đầy biến cố.